Nếu đàm phán thuận lợi, Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và EU sẽ được ký kết vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, những thách thức cũng như tác động của hiệp định này đã được phân tích và nhìn nhận theo nhiều chiều ngay từ bây giờ.

>>Luật chơi giữa Mỹ và EU trong tương lai

>> Sẽ không có "bữa đại tiệc" cho Việt Nam

Thách thức

Vốn có quan hệ thương mại từ lâu, quan hệ kinh tế Mỹ và Liên minh châu Âu đã tồn tại mâu thuẫn trong nhiều thập kỷ, trên nhiều vấn đề được xác định là chìa khóa cho một cuộc đàm phán FTA thành công. Mặc dù, mức thuế suất hiện nay giữa hai khu vực kinh tế là tương đối thấp (trung bình khoảng 3%), nhưng trở ngại chủ yếu đến từ các biện pháp phi thuế quan, chẳng hạn như các quy định, tiêu chuẩn khác nhau trong các lĩnh vực văn hóa, chính sách cạnh tranh, dịch vụ, thực phẩm biến đổi gen (GMO), nông nghiệp, môi trường…

Thách thức lớn đầu tiên liên quan tới các ngành dịch vụ, vốn được coi là ưu tiên hàng đầu cho tự do hóa các quy định song phương. Mặc dù cả Mỹ và EU đã có những thỏa thuận về lĩnh vực này tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng hội nhập sâu hơn, đặc biệt là trong thời gian tới thông qua TTIP, sẽ là khó khăn cho EU. Bởi vì EU vẫn thiếu một sự thống nhất trong việc thống nhất tự do hóa những quy định liên quan đến dịch vụ giữa các nước thành viên. Ví dụ như tại Đức hay Ý, nhiều ngành nghề dịch vụ chỉ chấp nhận những bằng cấp trong nước cấp hoặc giá dịch vụ do nhà nước niêm yết chứ không chịu ảnh hưởng của thị trường.

Thứ hai, có sự khác biệt giữa Mỹ và châu Âu trong việc chấp nhận rủi ro liên quan tới hoạt động thương mại. Theo Claude Barfield – học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, châu Âu không sẵn sàng chấp nhận rủi ro, trong khi Mỹ có xu hướng chấp nhận hơn. Sự khác biệt này được thể hiện trong chính sách cụ thể của Mỹ và EU đối với các mặt hàng thực phẩm, thuốc, hóa chất mới và thực phẩm biến đổi gen.

{keywords}

Do đó, trong một số lĩnh vực, EU thúc đẩy đưa những nguyên tắc phòng ngừa được chấp nhận theo tiêu chuẩn luật pháp quốc tế vào thỏa thuận. Theo đó, EU đã đánh giá nguy cơ không chỉ dựa trên yếu tố khoa học, mà còn xét tới các yếu tố khác như niềm tin tiêu dùng và tập tục xã hội. Điều này trái ngược với quan điểm của Mỹ rằng các quy định được thảo ra chỉ cần dựa trên cách tiếp cận khoa học. Khắc phục những khác biệt làm cản trở quá trình đàm phán này khó có thể ngày một ngày hai do những ràng buộc pháp lý.

Tác động

Mặc dù những thách thức còn cần nhiều tháng đàm phán nữa, nhưng những tác động tích cực của TTIP đến kinh tế Mỹ và châu Âu đã được dự báo.

Theo số liệu từ Ủy ban châu Âu, việc bãi bỏ thuế suất giữa Mỹ và EU có thể sẽ giúp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh ở châu Âu với giá trị 107 tỷ € và ở Mỹ là 71 tỷ €. Còn theo Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế tại London (CEPR) nếu những biện pháp phi thuế quan như các quy định chất lượng hay giới hạn thương mại cũng đạt được thỏa thuận thì GDP của EU sẽ tăng 0,48% (119 tỷ €) và Mỹ là 0,39% (95 tỷ €).

Do Mỹ và EU là hai khu vực kinh tế, tài chính, thương mại hàng đầu thế giới nên một hiệp định tự do thương mại được ký kết sẽ có sức ảnh hưởng không chỉ với hai đối tác ký kết này. Cụ thể, nếu TTIP thành công thì mức thu nhập toàn cầu cũng sẽ có mức tăng vào khoảng 100 tỷ €. Tham vọng của Mỹ và EU còn là tạo ra sức ảnh hưởng nhất định tới tiến trình tăng cường hệ thống thương mại đa phương thông qua các quy tắc chung của thế giới.

Hiệp định TTIP cũng sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, người dân. Các nghiên cứu của Ủy ban châu Âu đã chỉ ra rằng việc trao đổi thương mại tăng giữa Mỹ và EU sẽ đem lại một nguồn tăng thu nhập vào khoảng 545 €/năm cho mỗi hộ gia đình ở châu Âu. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ đã bắt đầu hồi phục, còn một số nước châu Âu vẫn trượt dài trong khủng hoảng thì khoản tăng thêm này có thể giúp người dân EU có được những cơ hội kinh doanh cần thiết.

Bên cạnh những tác động trực tiếp tới hai chủ thể của TTIP, những tác động của hiệp định tới TPP, Trung Quốc hay WTO cũng là rất đáng chú ý.

Hiện nay, TPP và TTIP là hai hiệp định thương mại đang đàm phán mà đều có sự tham gia tích cực của Mỹ, được đánh giá là tham vọng nhất thế giới. Về mặt tiến độ, tính đến tháng  7/2013, TPP đã tiến hành được 18 vòng đàm phán so với chỉ 1 vòng của TTIP. Rõ ràng, với những kinh nghiệm rút ra từ các vòng đàm phán, TPP đang có vai trò như một hình mẫu để TTIP học tập. Tuy nhiên, TTIP cũng có tác động trở lại thông qua vai trò thúc đẩy tốc độ đàm phán TPP.

Hiện nay, TPP dự kiến sẽ hoàn tất đàm phán vào cuối năm 2013 sau 3 năm kể từ vòng đàm phán đầu tiên tại Úc. Trong khi đó, TTIP được hi vọng sẽ được ký kết vào cuối năm 2014. Đây là một tham vọng khá lớn nhưng với quyết tâm cao từ hai phía lãnh đạo của Mỹ và EU, cũng như những tương đồng về thang giá trị và vấn đề thuế, TTIP vẫn có thể về đích sớm. Như vậy, nhiều khả năng tốc độ đàm phán TTIP sẽ nhanh hơn TPP.

Trên thực tế, các nước TPP đã từng đặt ra thời hạn đàm phán là tháng 11/2012, nhưng không đạt được. Do đó, với thời hạn cuối năm 2013 lần này, các nước đàm phán TPP sẽ tìm cách tiếp cận mới để đẩy nhanh quá trình đàm phán, vì bất kỳ sự chậm trễ nào so với TTIP cũng có thể gây bất lợi cho các nước Thái Bình Dương trong trao đổi thương mại với Mỹ.

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực gặp nhiều khó khăn trong đàm phán TPP và TTIP do châu Âu và Nhật Bản – thành viên mới nhất tham gia đàm phán TPP từ vòng 18 – có những chính sách bảo hộ cao. Với việc tiến hành đồng thời đàm phán TTIP và TPP, Mỹ có thể dùng những thỏa thuận với châu Âu để gây sức ép với Nhật, hoặc ngược lại, nhằm đẩy nhanh quá trình đàm phán của cả hai.

Bên cạnh những tác động tích cực, nghiên cứu của Viện Ifo Munich chỉ ra rằng TTIP còn gây ra tác động tiêu cực tới kinh tế nhiều quốc gia khác. Theo nghiên cứu này, khối lượng thương mại toàn cầu sẽ không được chứng kiến mức tăng nhanh chóng do TTIP tạo ra vì trong khi EU và Mỹ được lợi thì xuất khẩu của châu Á, châu Phi và Mỹ Latin đến hai khu vực kinh tế này sẽ giảm. Ví dụ như các nước Tây Phi có quan hệ thương mại truyền thống với Pháp, Bỉ sẽ chịu bất lợi so với nguồn cung Mỹ. Thậm chí, Canada hay Mexico, vốn ký kết Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mỹ, cũng sẽ để mất thị phần vào tay EU.

Trong các đối tác thương mại chịu tác động tiêu cực, không thể không nhắc tới Trung Quốc. Theo Jiang Shixue – Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu châu Âu tại Học viện khoa học xã hội Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chịu sức ép từ những luật lệ, quy định mà TTIP đặt ra. Ngoài ra, các mặt hàng của Trung Quốc sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ hàng hóa của Mỹ và EU tại chính thị trường nhập khẩu lớn nhất (EU) và lớn thứ ba (Mỹ) của Trung Quốc. Qua đó, Trung Quốc buộc phải thúc đẩy nhanh quá trình ký kết các FTA song phương nhằm tránh bị tụt lùi trong cuộc đua thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, Liu Rui – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ-Trung-EU trực thuộc Hiệp hội thương mại toàn cầu Trung Quốc khá tin tưởng vào khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới của Trung Quốc. Ông chỉ ra rằng vào thời gian NAFTA được đàm phán cách đây hai thập niên, nhiều chuyên gia cũng e ngại về khả năng xuất khẩu của Trung Quốc bị ảnh hưởng, nhưng thực tế Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng xuất khẩu vào Mỹ, thậm chí còn hơn cả Mexico.

Xem xét tác động của TTIP đến quá trình tự do hóa thương mại đa phương của WTO mà cụ thể là vòng đàm phán Doha, quan điểm đánh giá  được chia thành hai luồng. Những người ủng hộ FTA giữa Mỹ và EU cho rằng: việc Mỹ và EU có thể đạt được những thỏa thuận như trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ phá tình trạng “dậm chân tại chỗ” của vòng đàm phán Doha. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng lo ngại quy mô và tầm ảnh hưởng của TTIP có thể làm giảm đi những nỗ lực tự dó hóa thương mại thông qua WTO. Thậm chí TTIP có thể là hồi chuông chấm hết cho  đàm phán Doha.

Như vậy, Mỹ và EU còn chặng đường dài để vượt qua những thách thức trong đàm phán, nhưng ngay từ lúc này các quốc gia khác phải tự tìm cách để thích nghi với những tác động lớn lao của hiệp định này trên quy mô toàn cầu.

Bùi Quốc Khánh