- Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai đầu tàu của nền kinh tế - chính trị đất nước, không nên bước vào những thử nghiệm mới này.

LTS: Thảo luận dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu) chiều 22/11, các đại biểu đồng tình cao với việc ban hành luật, vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, vừa thể chế hoá chủ trương của Đảng về "xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị".

Tiếp tục bàn về Đặc khu kinh tế, Tuần Việt Nam đăng tải ý kiến của tác giả Phan Đình Mạnh phản biện bài viết Đặc khu kinh tế: Chọn sai vị trí, dễ thất bại của tác giả Huỳnh Thế Du. Mời quí độc giả theo dõi và cùng thảo luận thêm.

Mới đây, tôi đọc được bài viết Đặc khu kinh tế: Chọn sai vị trí, dễ thất bại đăng tải trên chuyên trang Tuần Việt Nam. Trong đó, tác giả Huỳnh Thế Du đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc chọn vị trí Đặc khu kinh tế (ĐKKT), cũng như chia sẻ, nếu được chọn, sẽ chọn Hà Nội và TP.HCM làm nơi đặt ĐKKT. Liệu điều này có hợp lý?

Trong bối cảnh hiện nay, ĐKKT sẽ là nơi thử nghiệm các chính sách mới, đôi lúc không chỉ mới với Việt Nam mà còn với cả thế giới, đặc biệt là sự phát triển của ngành công nghiệp mới như IoT (vạn vật kết nối), robotics... Khi đó sẽ có những chính sách để khai thác và thành công trên những ngành này bên cạnh các ngành truyền thống. Rủi ro sẽ là rất lớn trong trường hợp thất bại hoặc thành công không đến ngay. Do vậy, có thể xem đây như những phòng thí nghiệm.

Trong khi đó, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai đầu tàu của nền kinh tế - chính trị đất nước, không nên bước vào những thử nghiệm mới này, mà chỉ có thể là nơi áp dụng những kết quả từ các vùng thử nghiệm thành công hoặc các thử nghiệm nhỏ.

Cụ thể, TP.HCM là đầu tàu kinh tế, chiếm gần 25% GDP nên cần duy trì đóng góp này cho quốc gia và không ngừng khẳng định vì trí đó. Do vậy cũng cần từng bước áp dụng các thành quả đã chứng minh thành công ở Việt Nam (qua các đặc khu) và trên thế giới. Đối với Hà Nội, là thủ đô, như một bộ não của đất nước, nên rất cần sự ổn định, trật tự và trên hết là sự an toàn. Do vậy, yếu tố phát triển vượt bậc và quá nóng không nên là ưu tiên phát triển cho Hà Nội.

{keywords}
TP. HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước

Điều thứ hai, hai thành phố này có một đặc điểm chung là quy mô rất lớn, có nhiều yếu tố thuận lợi như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… Nhưng do đã phát triển trước và quy mô lớn nên rất khó để vận hành những thử nghiệm quá mới và cần sự thay đổi nhiều mặt.

Trở lại với mô hình ĐKKT, ngoài việc học hỏi các mô hình đã thành công, còn cần tính đến các yếu tố thời đại khác, như Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự phát triển của vận tải hàng không và internet… Nói cách khác, một môi trường start-up sẽ nổi lên thay vì những ngành truyền thống như dệt may hay sản xuất lắp ráp điện tử đơn thuần. Chẳng hạn, có thể chỉ có một vài công ty với 30-40 người nhưng có trình độ công nghệ, IT và ý tưởng kinh doanh độc đáo là có thể điều khiển hoạt động kinh doanh trên khắp thế giới, thay vì phải cần một văn phòng diện tích hoành tráng với đông đảo nhân sự trong đó.

Vì vậy, yếu tố địa lý không còn hiểu theo nghĩa gần thị trường (hay nói cách khác là khách hàng và người bán không cần gần nhau) ở cấp độ quốc gia, mà thay vào đó là sự gần nhau ở cấp độ doanh nghiệp và doanh nghiệp (các doanh nghiệp có liên quan đến nhau cần gần nhau để học hỏi lẫn nhau trong một tổ hợp kinh tế). Do vậy, yếu tố địa lý tách biệt cũng có thể là lợi thế, vì nó có thể tạo môi trường cho các hoạt động sáng tạo vốn cần không gian khác biệt và đặc thù. Khi các chính sách đã chứng minh thành công thì có thể được áp dụng trên cả nước với những điều chỉnh cần thiết cho từng địa phương nhằm tạo ra môi trường cho các ý tưởng được lan tỏa.

Đối với các trường hợp trên, Phú Quốc được xem là có lợi thế về mặt tách biệt, tạo điều kiện cho sự sáng tạo và quản lý. Và do vậy, các ngành công nghiệp sáng tạo như IT, thí nghiệm khoa học cơ bản, các trung tâm cơ sở dữ liệu… sẽ rất có tiềm năng để có thể được thử nghiệm tại đây. Do vậy, một nền tảng công nghệ thông tin mạnh, giao thông hàng không phát triển tốt, dịch vụ hành chính chuyên nghiệp, chính sách thông thoáng cho các thử nghiệm mới không chỉ ở Việt Nam và thế giới, một trung tâm đào tạo tốt (về lâu dài có thể là một trường đại học đẳng cấp) và một dịch vụ hậu cần (như dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng,…) tốt và quan trọng là một thương hiệu địa phương mạnh (thông qua hoạt động marketing địa phương) thì có thể dần hình thành một ĐKKT cho các các ý tưởng kinh doanh và công nghệ mới.

Trong khi đó, Hà Nội vẫn cần sự ổn định và chắc chắn, còn TP. Hồ Chí Minh cũng cần giữ vững vị trí đầu tàu về kinh tế, công nghệ sáng tạo và tài chính nhưng chỉ ở mức độ doanh nghiệp - cộng đồng sáng tạo (ở mức độ vi mô), không nhất thiết phải quá đột phá với các “phát kiến” hoàn toàn mới về mặt thể chế hay chính sách, vì điều này cần những thử nghiệm từ các ĐKKT khác.

Phan Đình Mạnh, Nghiên cứu sinh tại Nhật Bản.

Đặc khu kinh tế: Chọn sai vị trí, dễ thất bại

Đặc khu kinh tế: Chọn sai vị trí, dễ thất bại

Đặc biệt, đặc khu kinh tế có mục tiêu cực kỳ quan trọng, là “lồng ấp” thể chế chính trị, chính sách cho đất nước.

Đặc khu kinh tế để làm gì?

Đặc khu kinh tế để làm gì?

SEZ phải là hình mẫu của phát triển bền vững, chứ không phải bằng con đường “ưu tiên kinh tế đánh đổi môi sinh”.

Để xây dựng thành công đặc khu kinh tế

Để xây dựng thành công đặc khu kinh tế

Đặc khu kinh tế Việt Nam, một từ vừa quen thuộc trong 20 năm qua nhưng cũng vừa rất xa lạ vì lúc xuất hiện từ này rộ lên một thời gian rồi lại âm thầm biến mất…