Ngân sách phải gánh một phần nặng để nuôi phần “báo cô” các công chức? Con số công chức sáng cắp ô đi tối cắp về, làm việc không hiệu quả chiếm tới 30%, một tỷ lệ không thấp, nếu không thì vì sao nước Việt vẫn chịu cảnh …ế muộn trong phát triển?

Có một vụ việc xưa như trái đất, và dù hiểu rằng đó là chuyện biết rồi khổ lắm nói mãi, nhưng nó lại khá độc đáo bởi tính ngụy biện của người trong cuộc, và vẫn nóng hổi tính thời sự. Quan trọng hơn, nó đặt ra những vấn đề của cải cách hành chính- bài toán hóc búa cho đến nay dường như xã hội vẫn… bí rì rì.

Solo và hát bè

Đó là vụ việc của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương gây ồn ào, đàm tiếu suốt tuần nay. Chuyện thế này: Sở có 46 biên chế, thì có tới 44 người làm cán bộ quản lý từ cấp phòng trở lên. Nếu coi số ít là tinh hoa, thì hai nhân viên còn lại ở sở nghiễm nhiên và vô tình thành “tinh hoa” bất đắc dĩ.

Xét cho cùng, hiện tượng đó là kỳ hoa dị thảo, so với những quy định chung về bộ máy hành chính một sở. Chả có quy định nào một sở cán bộ quản lý gấp 23 lần nhân viên.

{keywords}

Sở LĐ-TB-XH Hải Dương có 46 biên chế, thì có tới 44 người làm cán bộ quản lý từ cấp phòng trở lên. Ảnh: dantri.

Điều đáng nói, trước những phản ứng của XH, ông Lưu Văn Bản, Bí thư Thị ủy Chí Linh, nguyên Giám đốc Sở LĐ- TB- XH tỉnh Hải Dương, cũng là người “đạo diễn” vụ việc này cất cao tiếng …. “hát solo” trả lời báo chí rất tự tin. Rằng, tôi bổ nhiệm lãnh đạo là vì nhân dân. Rằng, do khối lượng công việc quá lớn nên tôi phải bổ nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo (plo, ngày 1/11).

Ông “hát” như vậy, liệu không sợ các bạn quan chức các sở khác tự ái? Bởi khối lượng công việc của các sở đó có lẽ ít hơn sở ông? Và việc họ không bổ nhiệm lãnh đạo đông như sở ông bởi họ … không vì nhân dân?

Chưa biết khối lượng công việc của sở TB- LĐ- XH tỉnh Hải Dương quá lớn ra sao, vì hiện nay ông đang phải báo cáo giải trình vụ việc với Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, nhưng ngay lập tức, phản biện lại tiếng “hát solo” của ông là tiếng hát “bè” của hàng loạt các ĐBQH. 

Ví như ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (t/p HCM): Không thể chấp nhận được. Chuyện một sở có 44 người làm lãnh đạo, chỉ 02 nhân viên thì toàn bộ hệ thống hành chính ở Việt Nam không có quy định nào cho phép như vậy cả. Cách giải thích đó về mặt luật pháp và cả thực tế cũng không chấp nhận được. Như vậy là phản khoa học, trái với quy định của nhà nước.

Đại biểu QH Dương Trung Quốc: Khi đề bạt như thế anh phải sử dụng một nguồn lực ngân sách mà giải thích như vậy là bao biện (hay ngụy biện?). Ở góc độ khác, ông Dương Trung Quốc nói thẳng: Đó là hiện tượng không bình thường. Những người được bổ nhiệm có tài năng đột xuất hay có “mối quan hệ khác” nên được đặc cách bất thường như vậy? Tôi nghĩ rằng không loại trừ khả năng chuyện mà chúng ta đã nói là có hay không chuyện “mua quan bán chức”? 

Ông Dương Trung Quốc cũng đề nghị cơ quan chức năng, Bộ Nội vụ phải vào cuộc, làm đến cùng để trả lời công luận.

Đại biểu QH Nguyễn Thái Học (Phú Yên): Tôi cho đó là việc không bình thường và nó không phải phổ biến trong xã hội. Sự không bình thường này cần phải được xem xét đánh giá vì sao? Lãnh đạo nhiều hơn nhân viên thì lãnh đạo ai, ai lãnh đạo? (Dân Trí, ngày 20/10)

Trong khi ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương thừa nhận: Đó là chuyện rất lớn! 

Những nghi vấn của các ĐBQH không phải không có lý. 

Khi đặt vấn đề bổ nhiệm nhiều cán bộ quản lý trong sở một cách bất thường, trong bối cảnh nạn chạy chức chạy quyền hiện nay đã không phải là của quý và hiếm, đã và đang trở thành một hiện tượng bình thường đáng xấu hổ

Ai cũng hiểu, hay chỉ một mình, ông Lưu Văn Bản- không hiểu?

Bởi nếu ở một XH lành mạnh, không có tham nhũng lợi ích nhóm, không mua quan bán tước, hẳn những hiện tượng ở Sở TB- LĐ- XH Hải Dương và bản thân ông Lưu Văn Bản không phải đối mặt với những câu hỏi khiến người tự trọng rất dễ cảm thấy tổn thương.

N cái…. không ổn!

Hiện tượng của Sở TB- LĐ- XH Hải Dương liệu có phải của hiếm?

Trả lời Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet ngày 2/11, TS Lê Minh Thông, trợ lý Chủ tịch QH, cho rằng rất có thể Hải Dương không phải nơi duy nhất có hiện tượng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên. Nói một cách dân dã, Hải Dương là đ/c bị lộ trong nhiều đ/c chưa bị lộ. Nhưng điều đáng chú ý hơn là những lưu ý của TS Lê Minh Thông về những khuyết tật đang tồn tại lưu cữu của bộ máy hành chính hiện nay.

Đó là N cái “không ổn”: Không ổn về cấu trúc tổ chức bộ máy hành chính; không ổn về phân công chức năng, nhiệm vụ, chức trách trong nội bộ từng cơ quan, giữa các cơ quan với nhau; và không ổn là trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu…

N cái không ổn đó, mà vụ việc ở Sở TB- LĐ- XH Hải Dương là một ví dụ khá cụ thể và sinh động, liệu có dẫn đến những cái… ổn lâu dài, mà lâu nay cải cách hành chính có vẻ như chịu thua: Người dân phải gánh rất nhiều thứ thuế để nuôi phần “báo cô” các công chức? Con số công chức sáng cắp ô đi tối cắp về, làm việc không hiệu quả chiếm tới 30%, một tỷ lệ không thấp. Nếu không thì vì sao nước Việt vẫn chịu cảnh… ế muộn trong phát triển?

Ai cũng biết, chất lượng đội ngũ cán bộ của một quốc gia quyết định sự phát triển hay trì trệ, tiến bộ hay lạc hậu, văn minh hay tụt hậu của quốc gia đó. Trong đó có chất lượng đội ngũ cán bộ các ngành, các cấp. Trên cái nền cán bộ, công chức bất ổn đó, mọi… tiêu cực đều chảy về ngả “đặc quyền – đặc lợi”. Đáng chú ý nhất là 03 hiện tượng: 1) Một người làm quan cả họ được nhờ (đến mức người đứng đầu Chính phủ phải thẳng thắn “tìm người tài chứ không tìm người nhà”). 2) Những chữ ký hoàng hôn. 3) Chạy chức chạy quyền.

Liệu 44 cán bộ lãnh đạo một sở chỉ có hai nhân viên, nằm ở đâu trong dòng chảy này?

Điều đáng buồn, khiến dư luận XH hoài nghi nhất là ở nhiều vụ việc trước đây liên quan đến nhân sự được bổ nhiệm, hầu như vụ việc nào cũng được kết luận đúng quy trình. Và vụ việc này nữa, biết đâu câu trả lời cũng như đã được “lập trình” sẵn: Đúng quy trình!

Khiến ở thời tiếng Anh đang được hội nhập, XH phải chơi trò bói hoa: Vì dân… “no”…. vì thân…. Vì dân… “no”…vì thân… Vì dân…  “no”… vì thân

Cải cách hành chính- cô gái mắc bệnh béo phì xấu xí, ngạo mạn đến bao giờ?

Lan Hương