- Xét cho cùng, trong môi trường giáo dục, mọi hành xử đều phải xuất phát từ sự tự tôn trọng và tôn trọng lẫn nhau, nếu không hệ quả sẽ chỉ là sự hỗn loạn.
Là một giảng viên, tôi đã đi giảng nhiều nơi, gặp nhiều người thuộc các thế hệ, vai trò khác nhau: quan chức, doanh nhân, trí thức, nông dân... Dẫu là ai, họ đều gọi tôi là "Thầy" và xưng "Em", dù cho tôi ít tuổi đời, non tuổi nghề, chưa giàu vốn sống.
Tôi nhận ra rằng, hình như người ta càng lớn tuổi đời thì càng giữ gìn lễ nghĩa, đặc biệt là đạo thầy trò. Bởi đó là văn hóa, là truyền thống tự nghìn đời của một dân tộc hiếu học. Không ngẫu nhiên mà cái lễ nghĩa ấy ăn sâu vào tâm thức người Việt.
Tôi cảm thấy mình được tôn trọng và coi đó như một đặc ân của nghề. Tôi tin bất cứ người thầy thực thụ nào cũng mong cầu sự tôn trọng trong cái lễ nghĩa nghìn đời ấy. Nó là vật liệu để tạo nên tâm thế, là động lực giúp họ phấn đấu không ngừng để tìm tòi tri thức, phát triển bản thân và giữ gìn nhân cách. Muốn vậy, trước tất cả, người thầy phải tôn trọng nghề nghiệp của chính mình.
Trường Tiểu học Bình Chánh nơi xảy ra vụ việc đáng buồn vừa qua. Ảnh: Báo Long An |
Là con người, người thầy cũng không thể tránh khỏi có lúc mắc sai lầm, có thể là trong cách truyền đạt tri thức hay ứng xử với học trò. Nhưng hầu hết mọi sai lầm đều có thể sửa chữa nếu người thầy giữ được cho mình lòng tự trọng và sự tôn trọng. Đó là khi mọi hành động của người thầy đều đến từ động cơ và hướng đến mục đích giáo dục, phát triển con người. Sự tôn trọng nằm ở thái độ đón nhận cái sai này từ chính người thầy lẫn những người liên quan.
Xét cho cùng, trong môi trường giáo dục, mọi hành xử đều phải xuất phát từ sự tự tôn trọng và tôn trọng lẫn nhau, nếu không hệ quả sẽ chỉ là sự hỗn loạn, trường chẳng khác chi chợ, thậm chí chốn… giang hồ. Câu chuyện cô giáo phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh ở Long An là một điển hình.
Cô giáo dùng cách phạt quỳ để trừng phạt cái sai của trò là lấy cái sai để trị một cái sai. Phụ huynh bắt cô giáo quỳ để trừng phạt cái sai của cô giáo lại tiếp tục công thức lấy sai để đáp trả cái sai. Dư luận dùng “búa rìu”, bôi nhọ, sỉ nhục để trị cái sai của phụ huynh cũng như cô giáo là lại nối tiếp hai cái sai nói ở trên… Một vòng quẩn quanh tiếp diễn.
Ở khía cạnh nào đó, những hành xử lệch chuẩn trong vụ việc ở Long An vừa rồi, người viết cho rằng nó là biểu hiện của một trạng thái tâm lý định kiến đầy hằn học của người trong cuộc. Mà những định kiến, hằn học này là kết quả của thói quy chụp, phán xét vội vàng kéo dài trong xã hội.
Không khó để bắt gặp những kiểu quy chụp vội vàng như vậy. Người ta thấy nhiều giáo sư dởm, tiến sỹ giấy thì kết luận mọi giáo sư, tiến sỹ đều hám danh, bất tài. Người ta chỉ nhìn vào các bác sỹ vô tâm tắc trách để quy chụp cho cả một ngành Y là cạn tình người, vô cảm. Người ta nhìn vào những người thầy không giữ đạo làm thầy để quy chụp cho tất thẩy giáo viên. Người ta chỉ chú tâm vào hành xử của một số phụ huynh để quy chụp cho cả một xã hội vô lề lối.
Rõ ràng, lối hành xử của anh phụ huynh kia có một phần đến từ sự quy chụp kéo dài đối với người thầy và nền giáo dục. Việc hành hung bác sỹ của người nhà bệnh nhân cũng có một phần đến từ sự quy chụp y đức của thầy thuốc và ngành Y theo năm tháng.
Cô giáo bị buộc quỳ gối và “nền giáo dục không quỳ gối”
Trong chuỗi những hành vi bạo lực học đường, bạo lực bệnh viện, cái xấu cái ác ngang nhiên tấn công trực diện vào nền tảng đạo đức xã hội: Người thầy giáo và người thầy thuốc.
Những quy chụp này cứ kéo dài đã tạo nên tâm lý bất mãn, hằn học, phẫn uất và tất cả trở thành nguồn gốc của mối quan hệ căng thẳng, hành xử đáng buồn, thậm chí là bạo lực. Xã hội rơi vào một vòng luẩn quẩn mà rốt cuộc thì tất cả đều là Nguyên nhân lẫn Nạn nhân, mà biết đâu tương lai, ta lại là nạn nhân cho cái nguyên nhân mình gieo ngày hôm nay?
Hãy thôi là Nguyên nhân để không phải trở thành Nạn nhân. Bao dung hơn, bớt phán xét, quy chụp, và nhất là đặt tôn trọng lên hàng đầu, thì không chỉ trong trường lớp mà cả xã hội, mọi mối quan hệ sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Lưu Minh Sang, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM
Đừng để người đời chê bai ‘bạc như nghề giáo’!
Một người hàng ngày đứng lớp phải lo lắng quá nhiều về thu nhập bản thân hay lo thiếu thốn khi về già sẽ khó trở thành giáo viên có năng lực.
Thời giàu là nhà giáo và nghèo vẫn là nhà giáo
Nhắc chuyện cũ chuyện nay chẳng qua để thấy rằng qua bao biến động, thì thời nào cũng cần trăn trở hai điều, là thu nhập cho nghề làm thầy và đạo làm thầy.
Bài văn ‘bá đạo’: Học sinh cạn ý, cô giáo… cạn lời
Không chỉ gợi ra vấn đề “văn mẫu”, câu chuyện đề văn “tả con chó” còn khiến chúng ta suy ngẫm về một điều rộng hơn.
Phạt nữ sinh photo giáo trình và chuyện ‘luật pháp thông thái’
“Cân bằng lợi ích giữa người sáng tạo, nhà sử dụng và công chúng thụ hưởng”, chúng ta sẽ đạt được độ thông thái của luật pháp.
Vụ học sinh gãy chân: Khi sự dối trá lên ngôi
Cả một tập thể, trong đó có cả học sinh tiểu học, sợ nói ra sự thật, bao che cho cái xấu. Vì sao?