Hỗn loạn tranh giành lộc, ẩu đả đánh nhau… nhưng điều người Việt đang còn thiếu lại chính là sự tương kính.

Năm nào cũng vậy, ra Giêng hết Tết là liên miên lễ hội. Nhưng cách thức tổ chức, tham dự lễ hội  mới là vấn đề gây phiền lòng nhất. Không ít người phải than lên rằng sao người Việt Nam giờ sính lễ hội, mê mẩn cầu cúng, xin lộc cướp lộc đến thế. Mọi thành phần xã hội đều có thể được điểm mặt ở đây, từ nam thanh nữ tú đến doanh nhân, công chức, ông to bà lớn…  

Thấy toát lên trong hầu hết lễ hội ngoài sự thiếu hiểu biết về những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng; ngoài sự lợi dụng thiếu hiểu biết đó để trục lợi… là biểu hiện của bệnh hình thức. Lễ hội đương nhiên là sự trình diễn lại những phong tục, những tuồng tích… từ xa xưa, có tác dụng nhắc nhở con cháu thời nay không quên những gì tốt đẹp thuộc về lịch sử. Nhưng khi diễn lại tuồng tích mà lại lẫn lộn với cầu cúng, lại sa vào mê tín.

Từ bệnh hình thức làm nảy sinh ra những lễ vật mang tính kỷ lục, mà chưa thấy nghiên cứu nghiêm túc nào phân tích trong truyền thống có những cái đó không, hay ở hiện tại chúng có thực sự hữu ích không.

Chen lấn xin lộc, xin vật “khước” lấy may cũng vậy. Vốn đó chỉ là những đồ lễ, bày trên bàn thờ, những mảnh nhựa mảnh bìa vô tri, nhưng qua hoạt động cầu cúng của con người mà chúng trở nên linh thiêng, đáng để chen lấn bẹp ruột tranh cướp cho bằng được. Ít ai đặt câu hỏi rằng liệu các đấng linh thiêng có giáng trần, phù phép, ban phước vào những thứ được gọi là “lộc” đó hay không.

Chúng ta cũng quên mất việc nhìn lại và đặt câu hỏi, rằng năm trước, năm trước nữa… các lễ hội, cầu cúng… vẫn diễn ra và năm ngoái, năm kia vẫn chính chúng ta tranh cướp được từng này cái ấn, từng kia “lộc thánh lộc chùa…”. Nhưng hiệu quả chúng mang lại trong năm như thế nào, có thật giúp “ăn nên làm ra”, dồi dào may mắn không?

Chưa thấy tổng kết nào cụ thể về những vấn đề đó, chỉ thấy một sự thiếu hiểu biết là quá rõ ràng. 

{keywords}

Cư xử không văn minh như chen lấn, cãi vã, giành giật lộc, đánh nhau thường xuyên ở các lễ hội. Ảnh: Ngọc Thắng/ Báo Thanh niên

Lại cũng “năm nào cũng vậy”, gần đây, thông tin báo chí cho thấy cứ qua một cái Tết thì toàn quốc lại có vài nghìn ca nhập viện vì… đánh nhau.  

Chuyện ẩu đả có thể diễn ra ở mọi nơi nhưng có lẽ hiếm nơi nào mà ẩu đả lại đi kèm hung khí phổ biến như hiện nay. Nhiều cuộc ẩu đả bây giờ là “gọi hội” theo kiểu bầy đàn và dùng hung khí nguy hiểm để giành phần thắng, có những cuộc đã thành án mạng. 

Hung hăng “hỗn chiến” nhưng điều người Việt đang còn thiếu lại chính là sự tương kính. Người Nhật hoặc người Hàn có hèn kém không khi gặp chúng ta họ cúi mình thật thấp, thấp hơn người đối thoại rất nhiều. Chắc chắn là không, vì những gì họ làm được cả thế giới phải ngưỡng mộ.

Chúng ta không đủ dũng cảm để nhường nhịn người khác đi trước trên đường, cũng cũng không đủ dũng cảm để chấp hành luật giao thông, vượt đèn đỏ, “cướp” đường… thành chuyện thường ngày.  

Trông chờ ở sự ban ơn, ban huệ ở tận đâu đó… thì có “dũng mãnh” đến mấy để cướp được lộc cũng vẫn chỉ là sự kém cỏi. Có bao giờ chúng ta đủ dũng khí gạt cái cám dỗ của phần “con” đó đi, để phần “người” dẫn dắt ta dạo bước du xuân, tôn trọng sự thanh tịnh nơi của Phật? 

Nói đi thì cũng phải nói lại, tất cả những gì tôi nhận thấy và viết ra ở đây phần lớn đều được chia sẻ, bàn luận sôi nổi trên Mạng xã hội. Nhưng liệu khi than phiền như vậy, đã bao giờ chúng ta đủ dũng cảm nhìn thẳng vào tâm can, xem mình đã có gì khác, tốt đẹp hơn như thế chưa? Chúng ta đã thực sự làm những gì để thay đổi tình hình hay chưa?

Chỉ trích không khó, nhưng đủ dũng khí để cái biến những điều chưa hay trong chính mình và của hoàn cảnh mới thực sự khó.   

Phúc Lai