- Ngày 9/9, Thụy Điển sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội. Nhân dịp này, Đại sứ Thụy Điển Pereric Högberg chia sẻ với Tuần Việt Nam nhiều điều thú vị liên quan đến hệ thống chính trị của quốc gia Bắc Âu này.

LTS: Hơn 7,3 triệu cử tri Thụy Điển sẽ đi bầu Quốc hội và hội đồng nhân dân cấp vùng và địa phương ngày 9/9. Tuần Việt Nam giới thiệu bài phỏng vấn Đại sứ Pereric Högberg về cuộc bầu cử này và nhiều vấn đề liên quan khác ở đất nước theo mô hình chính trị dân chủ nghị viện, nơi tiếng nói người dân rất được tôn trọng.

- Thưa đại sứ, xã hội Thụy Điển quan tâm như thế nào đến cuộc bầu cử? Người dân có được vận động đi bầu không?

- Hiện nay dân số Thụy Điển là 10 triệu và ước tính có 7,3 triệu cử tri sẽ đi bầu cử tới đây. Từ kinh nghiệm của các cuộc bầu cử trước, tỷ lệ bầu cử ở Thụy Điển là rất cao, tới 86% cử tri đi bầu. Đi bầu hay không hoàn toàn là quyền tự do của công dân chứ không có ai bắt ép cả.

Chúng tôi có 3 cuộc bầu cử đồng thời diễn ra gồm bầu cử Quốc hội ở cấp trung ương, bầu cử cấp vùng và cấp địa phương. Những người nước ngoài sống tại Thụy Điển 3 năm và có giấy phép cư trú cũng được quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương.

Năm 2018 là năm rất đặc biệt vì chúng tôi kỷ niệm 100 năm của nền dân chủ Thụy Điển. Cách đây 100 năm chúng tôi đã quyết tâm tiến đến một nền dân chủ toàn diện và tất cả mọi người dân đều có quyền bầu cử, thay vì chỉ một số giới trong xã hội.

Hệ thống chính trị của Thụy Điển theo hình thức là dân chủ nghị viện. Có nghĩa là người dân sẽ bầu ra Quốc hội với sự tham gia hoặc tập hợp của các đảng phái khác nhau, và để có các ghế trong Quốc hội thì đảng của bạn phải có ít nhất là 4% phiếu bầu.

- Các ứng cứ viên có phải công bố chương trình nghị sự để tranh cử hay không? Hay họ bầu cử?

- Hiện nay có 7 đảng có ghế trong Quốc hội Thụy Điển. Bên cạnh đó, có 15 đảng đủ lớn thu hút sự chú ý của công chúng và còn nhiều đảng nhỏ hơn nữa, nhưng họ khó có ghế trong Quốc hội. Các đảng tranh cử rất rốt ráo. Có rất nhiều các chương trình nghị sự khác nhau đến từ Đảng Xanh, Đảng Dân chủ xã hội, Đảng Ôn hòa, Đảng Bảo thủ, Đảng Cánh tả, Đảng Cánh hữu… Với tư cách là công dân thì tôi nhận được đầy đủ thông tin, các chương trình nghị sự của các đảng, từ đó tôi tự quyết định bầu cho đảng nào.

Trong vài tháng vừa qua, đặc biệt là tháng 8, không gian chính trị liên quan tới bầu cử chiếm tối đa thời lượng sóng truyền hình, trên báo hay các diễn đàn công khai. Điều đó giúp cử tri bỏ phiếu cho cho đàng nào mà họ tin tưởng, ưa thích.

 

{keywords}
Đại sứ Pereric Högberg tại điểm bỏ phiếu ở sứ quán Thụy Điển.

- Đại sứ có tham gia đảng nào hay không?

- Là đại sứ Thụy Điển (nhưng) tôi không thuộc đảng phái nào, tôi là một công chức. Đây là quyết định cá nhân. Là Đại sứ, tôi đại diện cho tiếng nói của người dân, thực thi những nhiệm vụ mà chính phủ giao phó.

Có thể một tháng ngay sau đây, chúng tôi có chính phủ mới, cũng có thể có một đảng cầm quyền mới với những chính sách có thể khác. Tuy nhiên, dù đảng phái nào hay là chính phủ cầm quyền thì nhiệm vụ của tôi vẫn là đại diện cho tiếng nói của chính phủ và đại diện cho quyền lợi của người dân được thể hiện qua luật pháp và chính sách.

- Thưa đại sứ, vậy ông thực thi nhiệm vụ trên cơ sở nào?

- Trong vai trò là Đại sứ tôi lắng nghe các chỉ đạo từ phía bộ trưởng ngoại giao cũng như các bộ trưởng khác trong nội các. Tôi phải liên tục cập nhật về tình hình chính trị, kinh tế đang diễn ra vì là đại sứ thì tôi được mong muốn là công cụ của chính phủ trong việc thực hiện các chính sách. Tôi sẽ phải bình luận hoặc đưa ra ý kiến ngay lập tức trước nhiều vấn đề. Chắc chắn quan điểm đó là chính thống của Chính phủ Thụy Điển chứ không phải của cá nhân tôi.

Tôi bổ sung một chút, là làm đại sứ là công việc chứ không phải là đặc ân.

- Quốc hội Thụy Điển có nhiều đảng khác nhau, vậy làm sao có thể thống nhất nhanh trong việc quyết định/thông qua các vấn đề còn gây tranh cãi?

- Thực ra, mô hình của chúng tôi rất đơn giản chứ không phức tạp như bạn nghĩ. Cấu trúc ở đây mới là phức tạp và tôi không hiểu lắm. Mô hình của chúng tôi là chia sẻ quyền lực, giám sát lẫn nhau. Quốc hội là cơ quan đại diện cho tiếng nói, quan điểm của người dân trong trong việc đề ra các quy định, luật pháp, định hướng cho đất nước trong thời gian họ được bầu,

Còn chính phủ được lập ra bởi một đảng hay nhiều đảng chia sẻ quyền lực trong Quốc hội. Đảng trúng cử bầu ra hoặc đề cử thủ tướng hoặc các vị bộ trưởng. Ngay sau khi được phê chuẩn thì thủ tướng và các vị bộ trưởng lập tức phải dời khỏi ghế Quốc hội để tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, tức là vừa ngồi ghế hành pháp vừa ngồi ghế lập pháp.

Người dân Thụy Điển rất tích cực tham gia các tổ chức xã hội, các đảng phái chính trị khác nhau để đóng góp tiếng nói của mình trong việc xây dựng các chính sách, các quy định. Chúng tôi không bao giờ có tình huống là một cá nhân hay một đảng phái có thể đưa ra quyết định hay chính sách nào đó đi ngược lại với mong muốn chung của xã hội.

Tôi cho rằng nhờ hệ thống chính trị cởi mở, công khai, minh bạch này mà chúng tôi thành công với một nền giáo dục tiên tiến, đổi mới sáng tạo, một xã hội phúc lợi và cởi mở.

- Vấn đề chi tiêu công ở Thụy Điển được giám sát ra sao? Trường hợp chính phủ bội chi cao hơn so với quy định của Quốc hội thì Quốc hội sẽ giải quyết ra sao?

Hàng năm chính phủ phải trình Quốc hội một kế hoạch ngân sách, trong đó chỉ rõ từng khoản chi cho công việc gì như quốc phòng, ngoại giao, y tế, giáo dục,… và Chính phủ phải đạt được 51% số phiếu thuận trong tổng số 339 nghị sỹ Quốc hội. Trong trường hợp không có đủ số phiếu đó thì chính phủ phải thỏa hiệp, không thì chính phủ phải sụp đổ, sẽ phải bầu chính phủ khác. Như vậy là chính phủ cần sự ủng hộ của Quốc hội nếu không thì chính phủ không vận hành được.

- Trong trường hợp một vị bộ trưởng mà chi tiêu vượt hạn mức được phân bổ, hay lạm dụng tài chính công, thì ông ấy sẽ bị xử lý như thế nào?

- Trong trường hợp người dân hoặc báo chí phát hiện ra một vị bộ trưởng có hành vi chẳng hạn như sử dụng tiền công vào việc tư và đưa ra công luận thì vị bộ trưởng đó coi như chấm dứt sự nghiệp và phải từ chức. Bên cạnh đó, bất cứ khi nào Quốc hội nhận thấy một vị bộ trưởng hoặc tất cả nội các có vấn đề gì như sử dụng ngân sách công vào việc tư, nói dối,… thì Quốc hội tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm. Trong trường hợp mà vị bộ trưởng này thậm chí tất cả nội các không đạt đủ phiếu tín nhiệm thì vị bộ trưởng này hoặc toàn bộ chính phủ cũng sẽ phải từ chức.

Có một số bộ trưởng đã phải từ chức khi bị phát hiện mua socola bằng thẻ tín dụng của chính phủ, tuyển dụng người lao động trong nhà riêng mà không trả bảo hiểm xã hội, sử dụng TV không có giấy phép, nâng cấp hạng vé cho mình lên hạng thương gia,…

Các đảng vẫn đang tiếp tục tranh cử với các vấn đề rất nóng bỏng. Chẳng hạn trong lĩnh vực giáo dục thì liệu là có nên để cho các trường đại học tư nhân có cái vai trò tự chủ cao hơn hay chính phủ vẫn có vai trò kiểm soát chi phối. Trong lĩnh vực y tế, thì tranh cãi làm thế nào đảm bảo người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn dù hiện dịch vụ y tế đang được cung cấp miễn phí. Thế rồi vấn đề nhập cư, liệu Thụy Điển nên đóng cửa biên giới hay là nên tiếp tục những chính sách cởi mở, linh hoạt như trước đây. Hay liệu Thụy Điển có nên gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay không… Tất cả các vấn đề đó được các đảng đưa ra trong các chương trình nghị sự để thu hút phiếu bầu của cử tri.

Tư Giang thực hiện

 

Học sống hạnh phúc như người Bắc Âu tại Ngày hội Sách châu Âu 2018

Học sống hạnh phúc như người Bắc Âu tại Ngày hội Sách châu Âu 2018

Những ngày Văn Học châu Âu 2018 diễn ra từ 12 đến 20/5 với chủ đề “Ngày hội Sách châu Âu". Đáng chú ý là các đầu sách mới về nghệ thuật, triết lý sống của các quốc gia Bắc Âu.

Electrolux tái hiện ngôi nhà Thụy Điển tại Việt Nam

Electrolux tái hiện ngôi nhà Thụy Điển tại Việt Nam

Lần đầu tiên tại Việt Nam, một ngôi nhà đạt chuẩn phong cách sống Thụy Điển - một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - được tái hiện một cách sống động ngay giữa lòng thành phố Hồ Chí Minh nhộn nhịp và hối hả.