Bao năm qua, bài toán bảo tồn – phát triển vẫn luôn được đặt ra bức thiết. Việc xây dựng đường sắt đô thị với ga ngầm C9 lần này cũng vậy thôi.

LTS: Xung quanh việc quy hoạch ga C9 tuyến đường sắt đô thị số 2, Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết dưới đây như một góc nhìn đa chiều để độc giả cùng thảo luận.
 
Gần đây, một vấn đề được dư luận rất quan tâm là phương án quy hoạch đặt Ga ngầm C9 của tuyến Đường sắt đô thị (ĐSĐT) sát Hồ Gươm, chốn linh thiêng của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Có nhiều ý kiến trái chiều, người ủng hộ, người không ủng hộ, thậm chí phản ứng gay gắt. 

Bản thân tôi lúc đầu khi nghe đến phương án này cũng có chút “sốc” nhất định. Nhưng tôi đã nghĩ đơn giản hơn sau vài lần tản bộ dịp cuối tuần ở phố đi bộ quanh Hồ Gươm, lúc ra về phải đi một quãng xa kiếm taxi nhưng thật không dễ có ngay. Quan trọng hơn, khi theo dõi kỹ thông tin một cuộc tọa đàm xung quanh đề tài này trên một tờ báo, tôi đã có sự thay đổi về cách nhìn. 

Theo đó, kỹ sư dân dụng thuộc Liên doanh Huyndai E&C - Ghella, ông Romano Mauro Ruggero cho biết, rất nhiều tuyến ĐSĐT trên thế giới đã được xây dựng từ hàng trăm năm trước, với các kỹ thuật thô sơ hơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Hiện nay, công nghệ thi công ga ngầm ĐSĐT của thế giới đã đạt đến trình độ rất cao. Việc quản lý, kiểm soát và ngăn ngừa rủi ro trong quá trình thi công các nhà ga ngầm rất hiệu quả và không cần lo ngại gì về độ an toàn. 

Theo kỹ sư này, ông đã có 43 năm kinh nghiệm tham gia thi công ĐSĐT và ga ngầm ở nhiều nơi trên thế giới như Italia, Hồng Kông, Đan Mạch... Do vậy, ông “khẳng định công nghệ thi công mà Hà Nội áp dụng cho ga ngầm C9 là tốt nhất và an toàn tuyệt đối”. 

Vị kỹ sư chia sẻ thêm: “Chúng tôi đã làm ĐSĐT ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có các quốc gia mang nhiều nét tương đồng về tư duy, văn hoá... với Việt Nam. Nhưng chưa có nơi nào mà tiến độ triển khai ĐSĐT lại chậm trễ, vướng mắc như ở Hà Nội. Nếu các bạn muốn phát triển hơn nữa các bạn phải mạnh dạn hơn, bớt rụt rè và lo lắng hơn”.  

Còn kỹ sư Địa kỹ thuật, Tập đoàn Systra, David Chevallier phân tích, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác cũng đã làm, thậm chí làm rất nhiều công trình như vậy mà không gặp phải rủi ro nào. “Các nhà thầu thi công luôn có hàng loạt biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa nên việc có thể có rủi ro xảy ra là rất khó. Tôi cho rằng chẳng có gì đáng lo ngại đối với công trình ga ngầm C9 cả”. 

Bản thân người viết cũng tìm hiểu thấy trên thế giới, một số tuyến ĐSĐT đi qua các khu vực trung tâm sầm uất và cả những di tích lịch sử, văn hoá như ở Hồng Kông, ở Ấn Độ, người ta chỉ mất từ 3 - 4 năm để nghiên cứu, thực hiện và hoàn thành. Chẳng nơi nào lại kéo dài đến hàng chục năm như Ga C9 tại Hà Nội. 

Ngay như Pháp, đất nước có nền văn hoá thuộc loại đồ sộ và kính nể của nhân loại, một số vị trí nhà ga ngầm ĐSĐT tại Paris cũng chỉ cách di tích, di sản vài mét nhưng họ vẫn được kiểm soát tốt bằng công nghệ hiện đại, không để xảy ra rủi ro. Khi đi vào vận hành ĐSĐT cũng không làm ảnh hưởng đến các công trình xung quanh như nhiều người lo ngại.  

{keywords}
Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh phương án quy hoạch Ga C9. Ảnh minh họa: Zing News

Quả thực, ĐSĐT luôn vô cùng quan trọng với bất cứ đô thị nào trên thế giới. Còn với Hà Nội, có ĐSĐT mới có thể tính đến chuyện hạn chế xe cá nhân, giảm thiểu ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường, nhất là tại vùng lõi đô thị. 

Bảo tồn trong sự phát triển đa dạng đã đành là một bài toán vô cùng khó, song khi đất nước đang trên đường phát triển, liệu có nên quá “cứng nhắc” đến mức cứ muốn giữ nguyên tất cả?  

Tôi cũng từng hơn một lần thấy buồn lòng khi mấy năm trước thành phố Hà Nội đốn trên chục cây xà cừ cỡ hai người ôm mới xuể ở đường Láng để làm đường sắt trên cao. Nhìn những cây cổ thụ bị đốn ngày ấy, có người Hà Nội nào không thương xót và nhớ nhung. 

Song, tôi cũng biết nếu muốn tránh cây thì nhà nước có thể sẽ phải làm đường tránh tốn thêm cả trăm tỷ đồng, thậm chí vài trăm tỷ nếu phải giải phóng mặt bằng, chạy vòng xa hơn rồi lo đền bù. Với một quốc gia còn nghèo như Việt Nam, có lẽ cũng cần cân nhắc thấu đáo, tuỳ cái mà làm... 

Nhân đề cập đến bài toán bảo tồn – phát triển, tôi muốn kể lại đây câu chuyện của vài thập niên trước. 

Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Tấn Vạn, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng có lần kể rằng: Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời đã mấy lần lên thăm vườn Quốc gia Ba Vì. Có lần ông từng chứng kiến sự ngỡ ngàng của Thủ tướng khi đứng trước vẻ đẹp thiên nhiên đầy hoang sơ nơi này. 

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thầm khen tầm nhìn của người Pháp ngay từ đầu những năm 30 của thế kỷ XX đã sớm phát hiện ra khu rừng đặc biệt này và biến nó thành khu du lịch. Thủ tướng cũng tiếc nuối khi ngắm nhìn nhiều biệt thự để hoang - những phế tích trên bình độ 400, 600 và 800 của núi Ba Vì đầy huyền ảo. 

Thủ tướng nói với KTS Tấn Vạn, đại ý rằng: Không phải cứ bảo tồn là không được làm gì. Bảo tồn là để phục vụ con người, miễn là sự khai thác đó đảm bảo bền vững và không can thiệp vào tài nguyên... 

Sau này, Thủ tướng kế nhiệm là ông Phan Văn Khải, cũng từng lên Ba Vì rồi thả bộ trong rừng. Ông Khải nói là cảnh quan nơi này quá đẹp và nên phục hồi lại du lịch nghỉ dưỡng trên cơ sở bảo tồn môi trường rừng. Sau này ông vẫn nhắc lại với nhiều người điều đó. 

Quả thực ở một vị trí đẹp, lại gần Hà Nội thì quá hiếm nơi nghỉ dưỡng tuyệt đẹp và chan hoà cùng thiên nhiên như Khu Tản Viên sơn, Ba Vì. Nhiều năm qua, nơi đây đã trở thành địa chỉ tâm linh, nơi đặt Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết hợp du lịch của du khách cả nước. 

Bao năm qua, bài toán bảo tồn – phát triển vẫn luôn được đặt ra bức thiết. Việc xây dựng ĐSĐT với ga ngầm C9 lần này cũng vậy thôi. Bảo tồn Hồ Gươm, gìn giữ sự linh thiêng của trái tim Thủ đô chắc chắn phải làm, nhưng cũng hãy có niềm tin rằng các nhà kiến trúc giàu kinh nghiệm trên thế giới đủ trình độ, trách nhiệm để tính toán và tìm được giải pháp tối ưu đặt được ga ngầm gần Hồ mà vẫn đảm bảo những yếu tố trọng yếu khác.  

Quốc Phong 

Hà Nội cần can đảm lựa chọn

Hà Nội cần can đảm lựa chọn

Khi còn cơ hội, lý do gì ta không thể lựa chọn phương án phù hợp để thích ứng với hiện tại và tương lai?      

Nguy cơ phá nát cảnh quan Hồ Gươm linh thiêng

Nguy cơ phá nát cảnh quan Hồ Gươm linh thiêng

Có 5 lý do không nên đặt ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2, nằm sát Hồ Gươm.  

Giá của vốn vay

Giá của vốn vay

Cái giá của ODA trở nên quá đắt đỏ và rất khó có thể biện minh được. Ai là người trả giá thật sự cho trình trạng này, nếu không phải những người đóng thuế?    

Một phần tình yêu với Hà Nội ở đó, sao nỡ ‘cắt bớt’ đi?

Một phần tình yêu với Hà Nội ở đó, sao nỡ ‘cắt bớt’ đi?

Hà Nội ngày càng phát triển, rất cần có một Cung thiếu nhi xứng tầm Thủ đô thế kỷ 21, nên nếu chưa thể nâng cấp thì cũng không thể thu hẹp.