Có quyền sẽ sinh ra lợi, thấy lợi ắt sinh hư. Mà kẻ hư thì không thể và không được làm chính sách.

LTS- Trong khuôn khổ loạt bài này, chúng tôi sẽ cùng quý vị trao đổi tìm ra những căn nguyên, những “rào cản” đang làm chậm quyết tâm đổi mới của đất nước; Những “pháp luân”đơn giản mà vạn năng, biến thách thức thành cơ hội, để ánh sáng đẩy lùi bóng tối, và không để những tiêu cực trước mắt làm hạn chế tư duy.

Với trách nhiệm truyền thông đa chiều, Tuần Việt Nam giới thiệu loạt bài viết của tác giả Phương Lê, chuyên gia nghiên cứu phát triển như một tư liệu tham khảo. Mời độc giả cùng theo dõi và tranh luận thêm.

Trận lũ lụt vừa rồi khiến tôi nhớ lại câu chuyện một nhà sư thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử kể:

Ngày nọ, Thiền sư cùng với chú tiểu tình cờ vớt một con bọ cạp rớt xuống nước trên sông, mùa lũ; Sau khi đã bám chắc vào nhánh cây, con bọ cạp dùng đuôi chích vị Thiền sư một cái vào tay. Cùng lúc, không hiểu vì lẽ gì, nó lại rơi xuống nước. Chú tiểu nhìn thấy bèn hỏi “chúng ta có nên cứu nó nữa không, thưa thầy”.

Thiền sư đáp: “ta phải cứu nó, vì cứu nó là bổn phận của ta, còn nó chích là việc của nó”.

Câu chuyện xem ra đúng với nhiều tình huống có thực trong đời sống.

{keywords}

Bối cảnh đất nước 2016 Đổi Mới xem ra dễ mà cũng khó bởi tán trí, phân tâm.

Chính phủ đang nỗ lực “kiến tạo phát triển” với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”. Nhưng đó là một câu chuyện lâu dài. Trong ngắn hạn, ai cũng mong mỏi, nước ta được như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, những nước mà sau 30 năm đổi mới đều đã rũ bỏ đói nghèo trở thành những quốc gia thịnh vượng, hùng mạnh. 

Trong bài viết “Từ 'Ngôi sao Việt Nam' đến 'Vì sao, Việt Nam'? đăng trên Tuần Việt Nam năm 2013 có câu hỏi: nếu Đổi mới 1986 là giải phóng lao động thì Đổi mới 2013 Việt Nam cần giải phóng cái gì? Giờ đã là cuối năm 2016, câu hỏi đó vẫn chưa có lời đáp.

30 năm trước, cũng khoảng thời gian này, Việt Nam đã quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc: “ĐỔI MỚI hay là chết”. Bối cảnh 1986, trên dưới một lòng, đồng cam cộng khổ, đổi mới khó mà dễ, vì đồng tâm, nhất trí. Còn bối cảnh 2016 Đổi Mới xem ra dễ mà cũng khó bởi tán trí, phân tâm.

Tham nhũng, tham ô như quỷ Phạm Nhan, chém đầu này mọc đầu khác. Còn có những căn bệnh nguy hiểm hơn vì nó đẻ ra tham nhũng.

Tham nhũng, tham ô phải có chỗ để tham (chỗ đứng, chỗ ngồi, chỗ dựa), phải có cái để tham (tài sản công, đất đai, dự án đầu tư), phải có lý để tham (lỗ hổng luật pháp, sự bất bình đẳng trong xã hội), phải có nơi để tham (cất giấu, bao che, không công khai, minh bạch), phải có bè để tham (câu kết, thông đồng), phải có mảng để tham (độc quyền, cát cứ theo lãnh thổ, lĩnh vực). Và trên hết, phải có cửa (quan/liêu) để tham và thế (chức, tước, hàm) để nhũng (nhiễu).

Bởi thế Tổng Bí thư lưu ý “Chống tham nhũng phải kiên trì như đánh răng rửa mặt hàng ngày.”

Kết quả của 30 năm đổi mới đã giúp chúng ta thoát đói, thoát nghèo. Nhưng chúng ta vẫn đi sau láng giếng rất xa. 

Có những bộ phận trì trệ vẫn tồn tại như đóng đinh trong nhiều cơ quan công quyền khiến người ta không khỏi đặt ra câu hỏi, phải chăng trong “thành trì” này, vẫn duy trì  “kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp” không chỉ trên thực tế mà còn cả trong tư duy? Dư luận cũng bàn tán về việc “một bộ phận không nhỏ”, những “lợi ích nhóm” và “những nhóm lợi ích” đang trú ngụ trong các “thành trì” đó.

Vì sao nhiều chính sách giáo dục mà càng cải cách càng rối? Vì sao quy hoạch đô thị có rồi mà “cả nước có 40% trong tổng số 700 đô thị bị tác động ngập” kể cả khi không có thiên tai? Vì sao có nhiều "dự án ngàn tỷ đắp chiếu", còn "chủ nhân hờ" thì không biết đi đâu?

Ý kiến của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau): “Thủ tướng tâm huyết nhưng cấp dưới trì trệ thì mục tiêu khó đạt” xem ra là câu trả lời thuyết phục nhất cho các câu hỏi trên.

Có một thực tế đã được cuộc sống đúc kết thành qui luật, muốn thoát đói nghèo phải thay đổi cách làm (tăng năng suất lao động); muốn làm giàu thì phải làm cho hay (nâng cao chất lượng sản phẩm); muốn làm cho hay phải thay đổi cách nhìn (nhãn quan, tầm nhìn); muốn thay đổi cách nhìn phải thay đổi cách nghĩ; muốn thay đổi cách nghĩ (tức đổi mới tư duy) hầu như phải thay đổi từ con người (rất khó để tìm ra một cá nhân, công chức hay bộ máy hành chính nào có cách nghĩ luôn thích ứng, phù hợp với mọi thời).

Muốn quốc gia hưng thịnh, phải thay đổi cách làm chính sách (pháp luật). Chính sách (pháp luật) cũng như mọi sản phẩm khác, hoàn toàn có thể thực hiện theo chế độ đặt hàng. Chỉ có chế độ đặt hàng mới tạo ra cơ hội để thay người nghĩ. Bởi đặt hàng tức cạnh tranh, cạnh tranh là tiền đề cho phát triển.

Vì vậy, nếu được hỏi rằng giờ đây Việt Nam cần giải phóng cái gì hay đổi mới ở đâu. Xin đáp rằng: hãy phá bỏ các 'thành trì" cản trở để trở về với tinh thần Đổi Mới hồi năm 1986 từ các cơ quan cao nhất của quyền lực/các cơ quan tư vấn, tham mưu, các cơ quan sân sau các bộ ngành, các cơ quan tham mưu chiến lược.

Và trong những tháng cuối của năm 2016, kỷ niệm 30 năm đổi mới, chúng ta lại nhớ về những lời của John Donne được nhà văn Ernest Hemingway dùng làm đề từ của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Chuông nguyện hồn ai”:

“Con người không phải là một hòn đảo, không chỉ là tự mình; mỗi người là một phần của lục địa, một phần của tổng thể; nếu sóng biển cuốn đi dù chỉ một hòn đất thì châu Âu sẽ trở nên bé hơn, cũng như nếu sóng biển cuốn đi cả vùng đất mũi hay ngôi nhà của bạn anh, hay ngôi nhà của riêng anh. Cái chết của mỗi con người làm cái tôi nhỏ lại vì tôi là một phần của toàn nhân loại, và bởi thế anh đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai: chuông nguyện hồn anh đấy”.

Những “cái ách” cản trở phát triển theo chúng tôi gồm 8 căn nguyên cần phải được giải phóng:

(1) Phải thoát khỏi nỗi ám ảnh tự kỷ “Việt Nam là một nước nhỏ”: để có tầm nhìn và phương pháp quản trị quốc gia từ chỉ huy bị động sang kiến tạo chủ động;

(2) Phải thoát khỏi vòng kim cô của một xã hội “trọng sỹ” (chức tước, bằng cấp): để khơi dậy cảm hứng cộng đồng tạo động lực phát triển (và làm giàu) mạnh mẽ;

(3) Phải thoát khỏi tập quán “quân, thần” có từ thời phong kiến: luôn là “quan (trên) thì giỏi, dân (dưới) thì dốt”, để mở rộng không gian tư duy, sáng tạo cho tất cả;

(4) Phải thoát khỏi thực trạng “não (của) bộ ở sân sau”: xóa bỏ hoàn toàn tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi để quốc gia không bị các nhóm lợi ích thao túng;

(5) Phải thoát khỏi tập quán (thói quen) làm luật để cai trị: hoàn thiện hệ thống luật pháp theo hướng tích hợp nhằm nâng cao hiệu năng quản trị quốc gia;

(6) Phải thoát khỏi sự trì trệ của bộ máy hành chính: vốn đã quen (và thích) cửa quyền, quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp (bao cấp tư duy và tư duy bao cấp), lực cản lớn nhất trong phát triển;

(7) Phải thoát khỏi sự độc quyền trong mọi lĩnh vực: thúc đẩy thị trường cạnh tranh không chỉ trong kinh doanh mà bao gồm cả tham mưu chiến lược và tư vấn chính sách;

(8) Phải thoát khỏi cơ cấu tổ chức công quyền rập khuôn, thiếu năng động: nâng cao hiệu năng bộ máy quản lý nhà nước, xã hội hóa triệt để hệ thống dịch vụ công (khối sự nghiệp hiện nay).

(Giải pháp cụ thể để thoát những “cái ách” này sẽ được bàn tiếp ở các kỳ sau).

Mời đọc bài: Quan "liêu" lâu sẽ thành quan "tài" và bài: “Mợ không có tài nên mới phải làm quan”

Lan Hương