Hồ Gươm nói riêng và Hà Nội nói chung, cho tới tận những năm tháng này vẫn ở trong tình trạng hễ có một dự án nào chuẩn bị triển khai là dư luận lại tốn giấy mực bàn góp.
Điều này phản ánh một thực tế là Hà Nội đang thiếu một quy hoạch chi tiết ổn định, bền vững cho quá trình phát triển, đặc biệt với những khu phố Hà Nội cũ hoặc những khu vực nhạy cảm, quan trọng.
Trong khi đáng lẽ, nếu đã có một quy hoạch chuẩn mực được phê duyệt, thì ngay cả khi chưa triển khai người Hà Nội đã có thể hình dung mai này ở chỗ này sẽ có một công trình như thế mọc lên hoặc chỗ khác sẽ mãi mãi giữ được hồn cốt ấy, vì đã được quy hoạch thuộc khu vực không phát triển thêm bất cứ một công trình nào. Và như thế, dự án đã được quy hoạch thì cứ thế triển khai, chẳng còn cần phải bàn bạc thêm làm gì.
"Biển người" trên phố đi bộ quanh hồ Gươm. |
Có thể giải thích việc Hà Nội luôn nhận được ý kiến góp ý cũng là lẽ thường tình. Khi mà Hà Nội và Hồ Gươm với sứ mệnh lịch sử đặt lên vai, là nơi mà mọi trái tim người Việt hướng về. Và rõ ràng công luận không phải là để “nói ngược” lại chính quyền, mà mỗi một ý kiến đóng góp của bất kỳ ai cũng là để Hà Nội đẹp hơn, Hà Nội phát triển mà vẫn bền vững.
Có thể kể ra trong những năm qua, vô vàn dự án Hà Nội định triển khai mà không được dư luận đồng tình. Ví như dự án định xây trung tâm thương mại ở chợ 19-12, xây khách sạn trong công viên Thống Nhất, xây dựng khách sạn “Hà Nội vàng” bên Hồ Gươm, tòa nhà “Hàm cá mập”, toà nhà của EVN…
Nhớ hồi KTS Đoàn Đức Thành còn sống khi chúng tôi đặt vấn đề vì sao Hà Nội luôn vội vàng trong việc quyết định những dự án thiếu tính thuyết phục tới mức rất nhiều trong số đó sau khi vấp phải phản ứng của dư luận đã phải lặng lẽ dừng, ông Thành có lần đã nói rất thẳng thắn: “Tôi có cảm giác bộ máy giúp việc của Hà Nội hơi yếu…
Thành ra tham mưu nhiều vấn đề chưa trúng. Nhiều vụ việc đã quyết định công luận mới biết, mới phản ứng. Những phản ứng ấy không phải để đối đầu với Ủy ban thành phố mà rõ ràng có lợi cho chính quyền. Vì hầu hết những dự án ấy sau khi có ý kiến của công luận thì chính quyền thành phố đã xem xét, dừng lại, thôi không làm nữa.”
Câu chuyện về những dự án định triển khai rồi vấp phải ý kiến công luận mà dừng lại cho thấy một sự bị động rõ ràng trong quá trình phát triển của Hà Nội nhiều thập kỷ qua. Cũng không phải Hà Nội chưa từng tính đến vấn đề quy hoạch.
Cũng đã nhiều lần công bố các quy hoạch, nhưng vẫn chưa có những đường nét đâu ra đấy để hình dung rõ hơn về một diện mạo Hà Nội trong tương lai. Nói ngay ở khu vực Hồ Gươm.
Cách đây khá lâu Hà Nội đã từng phát động một cuộc thi “Quy hoạch Hồ Gươm và vùng phụ cận”, cũng đã chọn ra được các đồ án để trao giải nhưng lại không được triển khai thành quy hoạch chính thức.
KTS Hoàng Thúc Hào – người cùng với các cộng sự được trao giải cao nhất (hình như giải Nhì không có giải Nhất) trong cuộc thi ngày ấy đã có những ý tưởng táo bạo, trong đó mở ra một không gian thông từ Nhà thờ Lớn ra khu vực Hồ Gươm. Nhưng đồ án của KTS Hào nhiều năm qua vẫn chỉ là một cái giải thưởng và vẫn nằm trên giấy.
Nhiều năm sau, khi trả lời phỏng vấn, KTS Hoàng Thúc Hào cho rằng Hà Nội cứ hễ động đến Hồ Gươm là vẫn tranh luận vì vẫn chưa có giải pháp cụ thể để ứng xử với Hồ Gươm.
Rõ ràng trong bài toán phát triển hôm nay, không phải và không thể chỗ nào của Hà Nội cũng là bảo tồn. Hà Nội là một đô thị đang trong quá trình phát triển và đã phát triển rất nhanh chóng trong những năm qua.
Nếu không làm rõ được những yếu tố hài hoà giữa bảo tồn và phát triển, nếu không xây dựng được một quy hoạch bài bản cho Hà Nội thì vẫn sẽ tiếp diễn những cuộc tranh luận bất tận. Mà điển hình nhất là mỗi khi chuẩn bị triển khai, cái dễ nhất để một dự án của Hà Nội bị phản ứng là người ta sẽ nhân danh bảo tồn để cho rằng không nên làm cái này, xây cái kia. Và nhiều khi cái đáng bảo tồn thì lại làm mới, cái không nên thì vì dư luận mà cứ khư khư giữ lấy.
Trong khi đó một hình thái đô thị chuẩn mực là phải đảm bảo cho tất cả cư dân các khu vực ở trong một thành phố đều phải được hưởng các tiện ích như nhau, một cách công bằng.
Theo KTS Hoàng Thúc Hào: “Người dân ở Sóc Sơn hay Lương Sơn đều phải đến Hồ Gươm hay Quảng trường Ba Đình rất dễ. Đấy là tiêu chí của một hình thái đô thị tốt. Để họ hưởng các dịch vụ công cộng tiện ích. Tiêu chí này tôi e là Hà Nội còn phải phấn đấu rất lâu nữa mới đạt được.
Toàn bộ phần giao thông công cộng như hệ thống xe buýt, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm… bây giờ mới manh nha ở thời kỳ đầu tiên. Còn như hiện nay khả năng tiếp cận dịch vụ công cộng của các khu vực khác trong Thủ đô vênh với người dân trung tâm.”
Như vậy, có thể thấy, Hà Nội còn cực kỳ ngổn ngang trong sự phát triển hệ thống giao thông công cộng sắp tới, để tiến tới một hình thái đô thị phát triển và hiện đại.
Tuy nhiên, với cách quy hoạch chưa rõ ràng, công khai, minh bạch như hiện nay, ngay cả việc phát triển hệ thống giao thông công cộng, động vào đâu cũng sẽ có phản ứng.
Như câu chuyện nhà ga tàu điện ngầm gần Hồ Gươm hiện nay. Việc này rõ ràng nằm trong vấn đề quy hoạch Hồ Gươm. Nếu trong quy hoạch khu vực Hồ Gươm cần có các điểm nút cho phương tiện giao thông công cộng hiện đại tiếp cận để đảm bảo quyền hưởng các dịch vụ công cộng công bằng cho người dân thành phố thì vẫn là việc nên làm. Bảo tồn Hồ Gươm không có nghĩa là biến nó thành một di sản thiếu sức sống.
Vấn đề là cần có quy hoạch đã được tính toán khoa học và hợp lý để đảm bảo rằng việc thực hiện các dự án phát triển không làm biến mất không gian của bảo tồn.
Và cần công khai quy hoạch ấy!
Theo Cẩm Thuý/ Đại đoàn kết
*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt