Tại sao những chủ trương lớn, những vấn đề nhạy cảm lại bị lợi dụng? Vì đó là những vấn đề liên quan tới quyền lợi của nhiều tầng lớp, giai cấp.
LTS: Vừa qua, tại một số địa phương xảy ra việc người dân bị kích động tụ tập, tuần hành, đập phá tài sản, tấn công người thi hành công vụ, đặc biệt ở tỉnh Bình Thuận đã tạo nên các điểm nóng phức tạp, ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận.
Đáng suy nghĩ, những vụ việc này này không phải xảy ra lần đầu nên rất cần được nhận diện và tìm ra các giải pháp đấu tranh hiệu quả. Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc vệt bài “Bài học từ việc tôn trọng dân chủ và giữ gìn kỷ cương phép nước”.
Hậu quả khôn lường
Các sự việc trên được xuất phát từ một số lời xúi giục, kích động biểu tình trên toàn quốc của kẻ xấu trên mạng xã hội để phản đối hai dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng. Nhiều trang mạng, đài, báo hải ngoại đã xuyên tạc, bóp méo sự thật về các nội dung trong dự án luật, như: “Cho thuê đất 99 năm là bán nước”; “cho thuê 99 năm là hình thức nhượng địa’’, “Luật An ninh mạng bóp nghẹt tự do, dân chủ”… từ đó kích động biểu tình với luận điệu hết sức nguy hiểm “biểu tình phản đối đặc khu là yêu nước”...
Trước hết, phải khẳng định việc xây dựng hai đạo luật trên đều là những chủ trương đúng đắn, thiết thực, xuất phát từ yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt được xây dựng nhằm mục đích tạo ra một khung thể chế vượt trội thúc đẩy sự phát triển đột phá của một số địa phương có thế mạnh, để từ đó đóng góp vào nền kinh tế đất nước. Tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 17-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Việc xây dựng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đã có chủ trương từ những năm 90 của thế kỷ trước. Đây là một phương thức tổ chức nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, thí điểm các cơ chế mới để mở rộng làm kinh tế tốt hơn, nhưng là vấn đề khó, mới và nhạy cảm, hệ trọng nên Đảng, Nhà nước rất thận trọng. Việc này đã có chủ trương, được ghi trong Hiến pháp, trong nghị quyết Trung ương”.
Tương tự, dự án Luật An ninh mạng nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và an ninh, an toàn cho mỗi người dân trên môi trường mạng. Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Bất cứ người dân nào cũng đều nhận thức rằng vấn đề an ninh của Tổ quốc là số 1, mà Luật An ninh mạng xuất phát từ yêu cầu cấp thiết bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Tình hình mất ổn định ở các địa phương như Bình Thuận vừa qua có sự góp phần không nhỏ của việc lan truyền những thông tin xấu từ facebook càng chứng minh điều đó”. Luật An ninh mạng phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hiện nay, đã có hàng trăm quốc gia trên thế giới có đạo luật này và nhiều chuyên gia quốc tế cũng ghi nhận, Luật An ninh mạng của Việt Nam không xâm phạm nhân quyền.
Thế nhưng, những kẻ có ý đồ phá hoại an ninh chính trị, trật tự xã hội của Việt Nam nào có quan tâm gì tới mục tiêu tốt đẹp của các đạo luật đó. Chúng vẫn kích động, xúi giục người dân xuống đường biểu tình. Ngày 10-6, các cuộc tập trung đông người không thể hiện sự yêu nước mà đã biến thành những cuộc gây rối, đập phá hỗn loạn. Tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong và TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) có hàng nghìn người hiếu kỳ, đi theo đám đông được dẫn đầu bởi một số thanh niên quá khích là những kẻ hư hỏng, nghiện hút, có tiền án, tiền sự. Các đối tượng có biểu hiện bạo loạn, sử dụng gạch đá, bom xăng, thuốc nổ để tấn công đốt phá trụ sở và tài sản của chính quyền, nhân dân, làm bị thương hàng chục chiến sĩ công an, đốt phá hàng chục ô tô, xe máy. Hầu hết các đối tượng này đều chưa đọc, chưa từng nghe, chưa hiểu về hai dự án luật, thậm chí không biết đặc khu là gì, song họ khai đã được thuê, được cho tiền để đi biểu tình, đập phá. Cơ quan công an đã bắt giam, khởi tố một số đối tượng được chỉ đạo từ các tổ chức phản động, khủng bố ở nước ngoài; thậm chí có cả đối tượng từ nước ngoài về để tham gia vụ việc. Âm mưu phá hoại càng rõ hơn khi cơ quan công an đã phát hiện và tạm giữ nhiều đối tượng giả danh công an, quân đội và mang theo hung khí trà trộn trong các đám đông.
Cơ quan công an đã bắt giữ hơn 200 người quá khích và qua sàng lọc, xử lý đã tạm giam 17 người để củng cố hồ sơ xử lý và khởi tố vụ án hình sự. Việc tụ tập, tuần hành, gây rối cũng xảy ra ở Đồng Nai. Công an TP Biên Hòa đã bắt giữ 52 người có hành vi quá khích, gây rối, qua sàng lọc, tạm giữ hình sự 18 đối tượng. Tại TP Hồ Chí Minh, công an thành phố đã xử lý 310 người, trong đó có 7 người bị tạm giữ hình sự...
Sự việc nguy hiểm nói trên xảy ra tại một số địa phương, đã gây những hậu quả nặng nề về nhiều mặt. Trước hết là hậu quả ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khi xảy ra tụ tập, biểu tình, gây rối ở nhiều nơi, trong đó có những khu vực hàng nghìn người tham gia. Các vụ gây rối, đập phá, đánh người thi hành công vụ có bàn tay của các thế lực phản động bên ngoài với âm mưu biến biểu tình gây rối thành bạo loạn gây sự lo ngại, bất an trong xã hội, ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền. Hậu quả về kinh tế cũng không kém phần nghiêm trọng khi hàng chục ô tô, xe máy là tài sản của Nhà nước và nhân dân bị phá hủy; trụ sở cơ quan công quyền bị xâm phạm; môi trường đầu tư, môi trường du lịch bị ảnh hưởng nhất định. Nhiều người đang sống bình yên vì nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nên đã bị tạm giữ hình sự. Nguy hiểm hơn, sự việc nếu không được kiểm soát và ngăn chặn thì các đợt biểu tình, gây rối này sẽ tiếp tục tái phát, thậm chí lây lan, tạo ra hiệu ứng đô-mi-nô như nhiều nhà nghiên cứu phân tích nó rất giống với phiên bản tuần hành chuyển sang bạo loạn như từng xảy ra ở Ai Cập, Iran, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
Mưu đồ thâm hiểm
Chiêu trò lợi dụng để chống phá nhân các sự kiện lớn, các vấn đề nhạy cảm đã được các thế lực thù địch triệt để sử dụng từ rất lâu. Ngay từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ mới ra đời, trước chủ trương Tổng tuyển cử vào ngày 6-1-1946, các báo phản động từng kêu gọi tẩy chay Tổng tuyển cử với thủ đoạn rất mị dân, chúng cũng nhân danh lòng yêu nước nói rằng lúc này phải tập trung đánh Pháp, dân trí ta còn thấp kém, trên 90% dân số mù chữ nên không cần tổng tuyển cử.
Mấy năm qua, đã không ít lần những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, những công việc lớn của quốc gia, những sự cố bị các thế lực xấu lợi dụng để xuyên tạc, kích động như xung quanh việc sửa đổi Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Luật Đất đai; việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo; sự cố về môi trường biển 4 tỉnh miền Trung... Riêng đợt biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan năm 2014 đã lan ra 22 tỉnh, thành phố. Một số cuộc biểu tình nhân sự cố môi trường biển tại dự án Formosa Hà Tĩnh đã chuyển sang thành bạo động, cướp bóc, phá hoại tài sản, khiến 5 người thiệt mạng, tài sản bị đập phá, phải bồi thường, xử lý lên tới hàng nghìn tỷ đồng…
Tại sao những chủ trương lớn, những vấn đề nhạy cảm lại bị lợi dụng? Vì đó là những vấn đề liên quan tới quyền lợi của nhiều tầng lớp, giai cấp. Càng những vấn đề quốc gia đại sự thì kẻ xấu càng dễ kích động, tìm được những lý do nhạy cảm để tạo ra các mâu thuẫn và sự cố, kích hoạt được sự bức xúc trong xã hội. Những vấn đề trên cũng thường vừa chạm tới lợi ích thiết thân, vừa chạm vào mạch nguồn cảm xúc thiêng liêng là truyền thống nồng nàn yêu nước, ghét ngoại xâm của người dân đất Việt. Và những khi đó, cảm xúc của người dân thường lấn át lý trí. Nhiều người dân đang lúc hoang mang, chưa đủ thông tin chính thống, chính xác, lại bị đầu độc bởi các thông tin sai trái lan truyền trên mạng, bị kẻ xấu xúi giục, kích động, lôi kéo nên rất dễ có hành vi sai trái. Những kẻ có mưu đồ chính trị xấu luôn muốn chia rẽ dân tộc Việt Nam, muốn lôi kéo người dân ra đường, càng đông càng tốt với mục đích ban đầu là thể hiện một quan điểm, rồi từ đó chúng lợi dụng hiệu ứng tâm lý đám đông, kích động bạo động, dẫn tới một trạng thái hỗn loạn, mất kiểm soát, rất nguy hiểm.
Không ít chuyên gia nghiên cứu đã cảnh báo phải cảnh giác với việc các thế lực thù địch đang thực hiện mưu đồ tập dượt để hòng thực hiện âm mưu bạo loạn lật đổ theo mô hình “cách mạng màu”, “mùa xuân Ả-rập” từng xảy ra ở nhiều nước. Sau sự kiện “mùa xuân Ả-rập”, nhiều nhà nghiên cứu đã đúc kết 4 bước tiến hành của các cuộc “cách mạng màu”, trong đó bước cuối cùng là khi sự bức xúc có dấu hiệu lan rộng thì tìm cớ hoặc tạo cớ tổ chức biểu tình đòi dân chủ, nhanh chóng chuyển từ biểu tình ôn hòa thành bạo động, lật đổ, tiến công, cướp bóc, đập phá tài sản nhà nước... Nhìn lại các cuộc biểu tình, đập phá, phá hoại có biểu hiện bạo loạn gần đây như ở tỉnh Bình Dương năm 2014, tỉnh Hà Tĩnh năm 2016 và ở tỉnh Bình Thuận vừa qua, có thể thấy rất rõ các thế lực thù địch đã và đang âm mưu áp dụng những phương thức “cách mạng màu” tại Việt Nam. Theo Đại tá Vũ Văn Năm, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị 5 (Bộ Công an): Tương tự như vụ đập phá, đốt xe ở Bình Thuận, tháng 4-2017, cơ quan công an đã bắt, xử lý các đối tượng đốt kho giữ xe vi phạm của công an Đồng Nai và Sân bay Tân Sơn Nhất. Động cơ, mục đích của các đối tượng gây ra các vụ việc trên là nhằm rối loạn an ninh chính trị để tiến tới lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam, đằng sau là các tổ chức phản động, khủng bố.
Làm gì để các chủ trương, chính sách lớn, vấn đề nhạy cảm không bị lợi dụng?
Để các chủ trương, chính sách lớn, các vấn đề nhạy cảm không bị lợi dụng thì trước hết việc xây dựng phải đúng đắn, khoa học và nhất quán. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo, không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà viết kế hoạch, ra mệnh lệnh. Theo Người, lãnh đạo đúng trước hết: “Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta’’.
Với tinh thần đó thì khi đề ra những chủ trương, chính sách lớn, những vấn đề nhạy cảm, công tác chuẩn bị phải hết sức kỹ lưỡng, khoa học và trước tiên chủ trương, chính sách phải đúng, phải phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Những đạo luật phức tạp cần phải được xây dựng trong ít nhất là 3 kỳ họp Quốc hội. Phải thực hiện tốt việc tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, lắng nghe những phản biện.
Các dự án kinh tế lớn phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật từ quy hoạch đến trình tự triển khai, giải quyết hài hòa, thỏa đáng quyền lợi của nhân dân, nhất là vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường, việc làm, thu nhập của người dân... Những dự án lớn phải thông qua giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp. Đặc biệt, những vấn đề, những dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh cần phải hết sức thận trọng. Đối với những vấn đề mà dư luận đang thắc mắc, kẻ xấu tung những luận điệu xuyên tạc thì cần phải được giải thích kịp thời, phá tan luận điệu xuyên tạc. Cùng với đó, quá trình xây dựng và triển khai thực hiện phải thống nhất, đồng bộ, không được để xảy ra tình trạng sơ hở, thiếu nhất quán, luật nọ đá luật kia, thông tư đá nghị định, nghị định đá luật, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, dẫn đến gây tranh cãi, dễ bị lợi dụng...
Để tạo sự đồng thuận thì cần thông tin sâu, rộng tới nhân dân. Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, có thể sử dụng linh hoạt hình thức thông tin qua hệ thống viễn thông, mạng xã hội. Cách làm ở TP Hồ Chí Minh gần đây là một ví dụ tốt. Các tổ dân phố đã phát hai tài liệu in trên khổ giấy A4, gồm 4 trang, nội dung liên quan hai dự án luật. Nhiều người dân sau khi tiếp cận đã bày tỏ sự đồng tình, an tâm, thay cho trước đó họ bị nhiễu bởi quá nhiều thông tin trái chiều trên mạng xã hội. Cùng với đó, khi dự án luật được thông qua thì đẩy mạnh các chương trình giáo dục, phổ biến pháp luật trong xã hội, sâu rộng hơn, kỹ càng hơn đối với những nội dung, những khu vực người dân còn chưa đồng thuận.
Khi đóng góp, phản biện về các chủ trương, chính sách, dự án luật thì các đại biểu Quốc hội, cán bộ, đảng viên, trí thức cũng phải hết sức thận trọng và trách nhiệm, tránh dùng những ngôn từ, những cách diễn đạt có thể dẫn tới sự kích động và có thể bị kẻ xấu vin vào để lợi dụng. Người đại biểu của nhân dân có quyền bày tỏ quan điểm riêng nhưng phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết theo tinh thần: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Cũng cần lưu ý, trong nhiều trường hợp, chúng ta còn phải kiên định niềm tin chân lý, kiên định những việc làm đúng đắn có lợi cho dân, cho nước, không bị hoang mang, dao động trước âm mưu phá hoại của kẻ xấu. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng căn dặn: "Cố nhiên, không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo… Chọn lấy ý kiến đúng, đưa ra cho dân chúng bàn bạc, lựa chọn lại, để nâng cao dần dần sự giác ngộ của dân chúng". Khi nhân dân chưa hiểu được cơ sở khoa học của các chủ trương, chính sách lớn thì phải làm sao tuyên truyền, vận động để đi tới sự đồng thuận. Đối với những nội dung mà kẻ xấu cố tình xuyên tạc, bóp méo thì kiên quyết đấu tranh, vạch trần âm mưu tạo ra nguyên cớ để xúi giục, kích động của chúng.
Báo chí, truyền thông phải đi đầu trong đấu tranh và định hướng
Báo chí, truyền thông có một vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân. Rút kinh nghiệm sau các sự việc vừa qua, theo lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, có hạn chế do công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và hai dự án luật chưa được sâu rộng, đầy đủ, kịp thời. Đặc biệt, khi xảy ra dư luận trái chiều, làn sóng thông tin tiêu cực thì việc chủ động nắm tình hình, phản bác, ngăn chặn thông tin xấu độc còn hạn chế. Cá biệt, cũng còn cơ quan báo chí thể hiện tinh thần trách nhiệm chưa cao, chưa thận trọng khi đưa thông tin, để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc. Nếu không đưa thông tin một cách thận trọng, cân nhắc kỹ càng thì có thể mang lại những hậu quả tiêu cực.
Hiện nay, trong xã hội bùng nổ thông tin và internet phát triển nhanh chóng, tính đến tháng 4-2017, Việt Nam là quốc gia xếp thứ 7 thế giới về số người dùng facebook với 58 triệu tài khoản, riêng TP Hồ Chí Minh là thành phố lớn thứ 6 thế giới với 14 triệu tài khoản facebook, song việc tuyên truyền, định hướng trên kênh mạng xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn (TP Đà Nẵng), một trong những lý do khiến còn người dân tin những thông tin bị bóp méo về Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng để rồi có những phản ứng tiêu cực vừa qua là việc thông tin chính thống chưa được hiện diện mạnh mẽ, nhất là trên mạng xã hội. “Tôi có cảm nhận rằng chúng ta vẫn còn chưa coi trọng việc tuyên truyền trên không gian mạng”-ông Sơn nói. Chính vì vậy, trong thời gian tới chúng ta cần nghiên cứu các giải pháp để các thông tin chính thống, từ báo chí được lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội, tạo ra nhận thức đúng cho toàn dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp tiếp xúc cử tri tại Hà Nội ngày 17-6-2018: "Rõ ràng sự thật đã bị xuyên tạc, lòng yêu nước bị lợi dụng, kích động để chống đối. Đảng ta vì dân, vì nước chứ không phải vì mục đích gì khác. Không ai dại dột trao đất cho nước ngoài để người ta vào làm rối mình, không ai ngây thơ thế. Phải đập tan âm mưu phá hoại".
* Giáo sư Vladimir Kolotov, Đại học Tổng hợp Saint Peterburg (Nga): "Luật An ninh mạng mới được thông qua tại Việt Nam là rất cần thiết, đạo luật tương tự cũng được thông qua ở Nga và nhiều nước trên thế giới. Đạo luật này không hề vi phạm hay can thiệp tự do ngôn luận".
(còn nữa)
Công Minh, Nguyên Minh, Văn Hải, Quang Phương