- Không chỉ là khung pháp lý cần thiết trong thời đại công nghệ 4.0, Luật An ninh mạng còn là yêu cầu cấp bách để đảm bảo một môi trường an toàn trước các hiểm hoạ thường trực trên không gian mạng, cả về kỹ thuật và nội dung thông tin.

Luật An ninh mạng không ngăn cản​ ​Facebook, Google tại Việt Nam  ​​​

Một số người dùng Internet, nhất là giới trẻ, bày tỏ sự hoang mang trước thông tin cho rằng khi Luật An ninh mạng được thông qua, các dịch vụ phổ biến trên Internet như Facebook, Google sẽ bị chặn, không được sử dụng tại Việt Nam nữa. Điều này hoàn toàn không đúng, vì luật An ninh mạng trên thực tế tạo nên sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ trên Internet.​

Nếu doanh nghiệp nước ngoài cũng tuân thủ đầy đủ các quy định như doanh nghiệp trong nước thì hoàn toàn có thể cung cấp dịch vụ bình thường. 

Đối với các quy định tại Điều 26 về doanh nghiệp nước ngoài phải xác thực thông tin của người dùng đăng ký tài khoản, yêu cầu đặt máy chủ tại Việt Nam và có văn phòng đại diện tại Việt Nam, có ý kiến cho rằng luật này sẽ làm mất đi tính tự do, ẩn danh và tính toàn cầu vốn có của Internet. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tại Việt Nam đều đã thực thi quy định này từ lâu. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn như Google Facebook cũng đã thuê đặt hàng ngàn máy chủ tại Việt Nam từ vài năm trước để đảm bảo dịch vụ hoạt động ổn định.

Ngoài ra, từ năm 2015, Facebook cũng đã có quy định yêu cầu người dùng của hãng này trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam, phải sử dụng tên thật khi đăng ký và sử dụng mạng xã hội này. Tương tự, Google từ lâu đã yêu cầu người sử dụng phải đăng ký tài khoản bằng một số điện thoại di động, cũng là một cơ sở để xác thực danh tính người dùng. 

{keywords}
Không chỉ là khung pháp lý cần thiết trong thời đại công nghệ 4.0, Luật An ninh mạng còn là yêu cầu cấp bách để đảm bảo một môi trường an toàn trước các hiểm hoạ thường trực trên không gian mạng, cả về kỹ thuật và nội dung thông tin.

Về quy định đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam, đây là yêu cầu thiết thực nhằm tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tại Việt Nam. Trong khi các doanh nghiệp trong nước phải đóng thuế đầy đủ, các doanh nghiệp nước ngoài lại chưa hề thực hiện nghĩa vụ này. Theo thống kê đầu năm 2018, chỉ riêng Google và Facebook đã chiếm tới 80% doanh thu từ thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, các doanh nghiệp nước ngoài cũng được yêu cầu đặt văn phòng đại diện để có trách nhiệm cụ thể đối với các hành vi vi phạm trên không gian mạng. Điển hình như Cộng đồng châu Âu EU đã yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia như Microsoft, Apple, Google, Facebook phải kê khai lợi nhuận, truy thu thuế và áp các gói thuế đặc thù theo quy định của EU.

Người dùng Việt Nam còn “dễ dãi” khi chia sẻ trên mạng

Các quốc gia phát triển trên thế giới đều có các quy định về chia sẻ thông tin trên Internet. Theo các quy định này, người chia sẻ thông tin cần xác thực danh tính và phải chịu trách nhiệm về các nội dung do mình đưa lên môi trường mạng. 

Thực tế tại Việt Nam cho thấy, người dùng Facebook đang quá “dễ dãi”, nếu không muốn nói là nhẹ dạ, đối với các thông tin được chia sẻ và phát tán trên mạng xã hội này. Chỉ cần đọc được thông tin có thể khiến cộng đồng quan tâm, nhiều người dùng đã lập tức chia sẻ mà chưa hề kiểm chứng tính xác thực. Điều này dẫn đến khả năng tiếp tay cho các thông tin lừa đảo, sai sự thật, tin giả… được phát tán nhanh chóng.

Hậu quả của việc phát tán các thông tin sai sự thật, dù có thể do vô tình và không tìm hiểu kỹ, cũng có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Đó có thể là các nội dung vi phạm bản quyền, thông tin sai lệch gây tổn hại tới danh dự, uy tín cá nhân hoặc tổ chức, doanh nghiệp, hoặc các nội dung lừa đảo khiến bạn bè bị lừa mất tiền… Việc tiếp tay phát tán các thông tin này rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật, và cần có chế tài xử lý để người dùng có ý thức thận trọng và kiểm chứng trước khi chia sẻ thông tin.

Bản thân các mạng xã hội như Facebook cũng có quy định cấm phát tán thông tin sai sự thật, hình ảnh nhạy cảm, tin tức giả, xuyên tạc sự thật, thông tin kích động bạo lực, gây chia rẽ sắc tộc, tôn giáo… Nếu vi phạm, người dùng sẽ bị tạm khóa tài khoản, hoặc ở mức cao hơn là bị xóa tài khoản vĩnh viễn.

​​Cơ sở pháp lý quan trọng trên không gian mạng

Hiểu một cách đơn giản, Luật An ninh mạng sẽ tạo nên một ranh giới về mặt pháp lý đối với hành vi của mọi cá nhân và tổ chức trên không gian mạng để xác định là hợp pháp hay phạm pháp. Kèm theo bộ luật này sẽ là chế tài xử phạt các hành vi vi phạm luật. 

Các vụ tấn công mạng tại Việt Nam đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, không chỉ dừng lại ở việc đánh sập các website quan trọng, mà đã tấn công vào các giao dịch ngân hàng để lấy trộm tiền, hay các hệ thống máy tính của các sân bay khiến nhiều chuyến bay bị đình trệ. 

Nhiều quốc gia phát triển về công nghệ trên thế giới đều đã xây dựng và thi hành luật An ninh mạng, cũng như công nhận các "bằng chứng số" lưu trên các hệ thống máy tính, ổ đĩa cứng, nội dung email... là các bằng chứng hợp pháp để xác định hành vi trên không gian mạng của một cá nhân hay tổ chức có vi phạm pháp luật hay không. 

Tại Việt Nam, dù đã có nhiều chuyển biến về các văn bản quy phạm pháp luật về các hành vi trên môi trường mạng, nhưng chúng ta vẫn thấy có các trường hợp vi phạm thiếu chế tài xử phạt, chưa có khung pháp lý để điều chỉnh, hay các dữ liệu lưu trên trên hệ thống máy tính chưa được thừa nhận là bằng chứng pháp lý để xác định hành vi phạm pháp.

Để xác định một hành vi của cá nhân trên không gian mạng có vi phạm pháp luật hay không, trong nhiều trường  hợp, các quan chức năng tại Việt Nam vẫn phải viện dẫn sang các điều luật trong bộ luật Hình sự, Dân sự hay luật Kinh tế...

​Khi Luật An ninh mạng và các nghị định, văn bản dưới luật được thực thi, cơ sở pháp lý và chế tài đối với các hành vi trên không gian mạng tại Việt Nam sẽ được hoàn thiện hơn.

​Khi đó, người sử dụng và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng sẽ có trách nhiệm hơn đối với các nội dung và dịch vụ mà mình cung cấp, chia sẻ trên không gian mạng​ tại Việt Nam. 

Trịnh Huy