- “Ấn Độ-Thái Bình Dương”, tên gọi mô tả không gian địa lý kết nối hai đại dương kéo dài từ bờ tây Mỹ sang bờ tây Ấn Độ đang trở thành một từ khoá của chính trị an ninh thế giới.

Tuy không mới, nhưng những cuộc tranh luận sôi nổi gần đây về chủ đề này đang dần làm sáng tỏ đường nét của một cuộc chơi có thể tạo ra những hệ quả lịch sử, lâu dài.

Bàn cờ lớn

Tháng 11/2017 tại Đà Nẵng, nơi hướng ra Biển Đông, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mô tả cách tiếp cận mới của Mỹ đối với khu vực là “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở”. Chỉ hơn một tháng sau, ngày 18/12, khái niệm này đã chính thức trở thành một nội dung nêu trong Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ.

Trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, chiến lược khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ gắn với khái niệm Tái cân bằng (trước đó có một giai đoạn ngắn gọi là chiến lược “Xoay trục”).

Hai chiến lược của hai đời Tổng thống Mỹ liên tiếp tuy giống nhau về mục đích, nhưng khác về phạm vi không gian địa lý, trong triển khai các biện pháp bảo vệ, thúc đẩy lợi ích, cũng như duy trì vai trò ảnh hưởng của Mỹ.

Chính quyền Trump rõ ràng đã thể hiện sự tin tưởng vào vai trò của biển và đại dương đối với tương lai thế giới như phân tích của nhà địa chính trị học nổi tiếng Alfred Mahan. Trong cuốn Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử, 1660 – 1783, Mahan đã tiên đoán Mỹ trở thành siêu cường nhờ sự che chắn và hỗ trợ của Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Khác với chính quyền trước, Chính quyền Trump dường như chú ý hơn tới Ấn Độ Dương cũng như mối quan hệ quan trọng nhưng nhạy cảm giữa hai cường quốc khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ. Để đi xa hơn một bước, Chính quyền Trump chính thức đưa Ấn Độ cũng như các vùng biển xung quanh vào chiến lược mở rộng mới đối với khu vực.

Nhà chiến lược Zbigniew Brzezinski, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, từng khuyên nước Mỹ phải luôn nhìn vào "bàn cờ lớn" để "đọc" và xử lý chính xác những chuyển động trong nền chính trị toàn cầu.

{keywords}
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ trong cuộc tập cuộc trận trên biển thường niên mang tên Malabart giữa Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ. Ảnh: US Navy

Những “kỳ thủ” chính

Trong bản Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 của Chính quyền Trump, từ “Trung Quốc” xuất hiện 23 lần, gấp đôi số lần được đề cập trong bản Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2010 thời Chính quyền Obama.

Với mục tiêu trở thành “cường quốc biển”, Trung Quốc đã và đang tăng cường hiện diện và triển khai nhiều biện pháp chiến lược lâu dài tại biển Đông và biển Hoa Đông. Tại Ấn Độ Dương, Trung Quốc thiết lập căn cứ ở Djibouti, thuê cảng Hambantota (Sri Lanka), phát triển căn cứ tại cảng Gwadar (Pakistan) và đang tính toán lập thêm căn cứ ở Đông Phi và Maldives.

Về tầm nhìn, Trung Quốc cho rằng toàn cầu hóa là xu thế lịch sử không thể đảo ngược. Còn hành động thực tiễn là thúc đẩy sáng kiến “Vành đai Con đường”, trong đó có “Con đường tơ lụa trên biển” đi qua nhiều nước và khu vực.

Về phía Ấn Độ, quốc gia lớn nhất Nam Á này vừa phải xử lý quan hệ phức tạp với Pakistan, Afghanistan ở phía Bắc, Nepal, Bhuttan và Bangladesh ở Đông Bắc vừa phải giải đáp bài toán liên quan đến tình hình mới trên các tuyến hàng hải trọng yếu nối Ấn Độ Dương với Trung Đông và Thái Bình Dương.

Tại New Dehli vào cuối tháng 10 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đề xuất xem Ấn Độ như thành tố quan trọng hàng đầu trong không gian chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tiếp ngay sau đó, Tổng thống Trump có chuyến thăm dài đến 5 nước châu Á, dự Cấp cao APEC tại Đà Nẵng và Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ tại Manila.

Cùng với đó, Chính quyền Trump tiếp tục khẳng định vai trò của Nhật Bản và trên thực tế Nhật Bản chính là một trong những quốc gia sớm nêu sáng kiến kết nối các đại dương. Nhật Bản cũng tích cực góp phần thiết lập cơ chế “Bộ tứ Kim cương” bao gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ (Quad). “Bộ tứ” này được cho là hạt nhân trong tương lai nếu Chính quyền Trump tiếp tục theo đuổi Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Những chuyển động này tất yếu đặt ASEAN, một “kỳ thủ” khác, vào tình huống mới trong quá trình giữ và phát huy vai trò “trung tâm” trong các cấu trúc an ninh khu vực đang định hình.

Sắm sanh “xe pháo mã”

“Nền hòa bình thông qua sức mạnh” như đề cập trong chủ thuyết mới của Chính quyền Trump đi kèm với cái giá không nhỏ. Gần đây Chính quyền Trump tuyên bố tăng cường đầu tư cho sức mạnh quân đội, trong đó đặc biệt ưu tiên hải quân.

Không chỉ vận động Quốc hội thông qua khoản ngân sách quốc phòng kỷ lục 700 tỷ đô la, Chính quyền Trump còn quyết tâm đảo ngược chương trình cắt giảm ngân sách tự động trong những năm tới (sequestration). Cụ thể hơn về hải quân, Lầu Năm Góc đang cân nhắc khoản ngân sách khoảng 81,3 tỷ USD để đóng mới 38 tàu chiến, thay thế tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio, bổ sung thêm 9 tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia, 10 tàu khu trục lớp Arleigh Burke và một số tàu mặt nước khác với mục tiêu đến năm 2021, sẽ có quy mô lực lượng khoảng 308 tàu chiến.

Theo một thống kê, Trung Quốc đặt mục tiêu có 351 tàu chiến vào năm 2020. Số lượng chỉ là một phần của câu chuyện vì nếu đặt trong so sánh, các yếu tố khác như kinh nghiệm, khả năng và kỹ thuật cũng đóng vai trò quan trọng. Nhưng con số đó góp phần cho thấy Trung Quốc đang ngày càng “tự tin” và có “lợi thế nhất định” như một đánh giá gần đây của RAND, cơ quan nghiên cứu gắn với Bộ Quốc phòng Mỹ.

Trong bối cảnh đó, tuy vẫn chia sẻ nhu cầu duy trì ổn định, tránh xung đột, đối đầu ở cấp độ hệ thống nhưng Chính quyền Trump dường như đang muốn chủ động sắp đặt một bàn cờ lớn hơn cho cuộc chơi mới, lâu dài. Tại Ấn Độ Dương, Mỹ đã có căn cứ quân sự tại đảo Diego Garcia, cũng như tại Vùng Vịnh, Yemen và không loại trừ sẽ mở rộng thêm sự hiện diện.

Ván cờ mở

Trong tiên đoán về vai trò của biển và đại dương nói chung, Alfred Mahan đặc biệt đề cao Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Theo hai nhà nghiên cứu Toshi Yoshihara và James Holmes thuộc Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Mỹ, Trung Quốc đã nghiên cứu kỹ học thuyết của Mahan. Bởi vậy, thực tế là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” của Mỹ đã và đang khai thác tư tưởng của nhà địa chính trị học yêu thích hàng đầu của họ.

Một cách công bằng, các viện nghiên cứu và trường đại học của Mỹ từ lâu cũng không lạ gì với “Binh pháp Tôn tử”.

Hay nói cách khác, cuộc chơi bây giờ là mở và công khai.

Người Mỹ cũng gọi Chiến lược của họ là “tự do và mở”. Tự do là tự do thông thương, tự do hàng hải như quy định của luật pháp và tập quán quốc tế. Lịch sử cho thấy Mỹ trở thành siêu cường một phần nhờ vào sức mạnh của hải quân và đi liền với đó là sự tự do thông thương và đi lại. Bởi vậy, một chiến lược kết nối không gian chiến lược biển-đại dương như vậy là có thể tiên đoán được từ góc nhìn lợi ích Mỹ. Vấn đề chính là sự triển khai và đây dường như mới chỉ là những nước cờ khai cuộc.

Thạch Hà