Cũng phải nói rằng, không thể trông mãi vào những “ngôi sao cô đơn” như ông ông Năm Hấp. Bởi không phải ai cũng có đất, hoặc tấm lòng hỉ xả như ông.

Đúng như dự đoán, giải cứu vỉa hè là câu chuyện rất lâu dài. Đến thời điểm này, sau hơn hai tháng, vỉa hè của hai đô thị lớn- Thủ đô Hà Nội và t/p Hồ Chí Minh vẫn … nóng bỏng tính thời sự trên các trang báo, các trang mạng truyền thông và xã hội. Có ủng hộ và phản đối. Có trân trọng và cả chế giễu. Có hy vọng và hoài nghi.

Trên các trang mạng xã hội, có những khi đâu đâu cũng chỉ thấy những bức ảnh cố ý chụp ngón tay chỉ thẳng của ông Đoàn Ngọc Hải- nhân vật có trách nhiệm khởi sự hoạt động giải cứu vỉa hè- vào ai đó. Chả lẽ cái ngón tay trỏ của ông Hải lại… lớn đến thế, lớn hơn cả giải cứu vỉa hè-một chủ trương đúng đắn, cần thiết?

Lớn hơn cả những tiêu cực “cộng sinh” của đời sống đã âm ỉ hàng mấy chục năm nay- mà Chủ tịch UBND t/p Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phải chỉ ra. Rằng trong 180 quán bia vỉa hè ở Hà Nội, hơn 150 quán có công an đứng sau (VietNamNet, ngày 04/3)? Đã đành, mưu sinh gắn với số phận mỗi người dân Việt như hình với bóng, nhưng một khi mưu sinh đó là sự vi phạm pháp luật, thì cái mất vẫn nhiều hơn cái được. Và trước sau cái “đường cong mềm mại” trong bóng tối cũng khó có thể tồn tại mãi trước… thế giới phẳng.

{keywords}

Nhiều cửa hàng kinh doanh, căn nhà có công trình lấn chiếm vỉa hè đường Nguyễn Huệ, thành phố Hồ Chí Minh đã được người dân chủ động tháo dỡ. Vỉa hè trở nên thông thoáng cho người đi bộ. Ảnh: VietNamNet

Dù chủ trương này còn không ít những bất cập trong thực tế, từ nhận thức, tư duy đến phương cách triển khai.

Trong đó, hàng rong vỉa hè, có thể nói là bài toán bất cập nhất. Nó không chỉ hóc búa với những quốc gia đang phát triển, tư duy và cung cách quản lý còn tùy tiện, hạn hẹp, mà còn hóc búa với những quốc gia văn minh. Ở những quốc gia này, như Mỹ, Pháp, Italia…, bài toán hàng rong đã phải giải quyết bằng tổng hợp các điều kiện- từ hạ tầng cơ sở, đến con người, từ không gian đến thời gian. Nói vậy để thấy đừng ảo tưởng giải cứu vỉa hè có thể thành công một sớm một chiều, cho dù hôm nay, đâu đó một vài nơi, đường đã quang, hè đã thoáng. Bởi cơm áo không đùa với … người dân.

Bản thân khái niệm hàng rong đã nói lên đặc thù và “bản sắc” của loại hình kinh doanh di động. Có lẽ, nếu như cái sự dẹp hàng quán lộn xộn của những căn nhà có lợi thế vỉa hè trước nhà, hoặc dẹp những hàng quán có sự bảo kê của ai đó, đã khó, thì giải bài toán hàng rong vỉa hè còn khó gấp bội. Bởi đây không chỉ là “nền kinh tế di động” đem lại nguồn tài lực góp một phần cho xã hội, mà còn là mưu sinh, cơm áo của biết bao gia đình nghèo ở thôn quê, tứ xứ đành đeo bám thành phố sống qua ngày. Nền kinh tế di động… bất đắc dĩ vẫn là nơi đem lại cuộc sống ổn định của biết bao con người.

Giải cứu vỉa hè là chủ trương đang rất cần sự đồng tâm, đồng cảm chia sẻ và chung vai của mọi cấp, mọi ngành, mọi cá nhân, nhất là những người có trách nhiệm liên quan- từ cấp cơ sở. Cũng như hàng rong vỉa hè đang rất cần những dữ kiện để giải bài toán chính mình. Đến mức, Bí thư Thành ủy TP.HCM nói rằng các cuộc ra quân ở quận 1 vừa qua hầu như không thấy Bí thư, Chủ tịch phường. Rằng, nếu phường không vào cuộc thì sẽ thất bại, vì những ông (phường) này hiểu rõ nhất ai lấn chiếm. Chính là phường chứ không phải quận. Và ông Đinh La Thăng đề nghị các lãnh đạo phường phải vào cuộc, chứ không thể để những người như ông Đoàn Ngọc Hải trở thành "ngôi sao cô đơn mãi”(Tuổi trẻ, ngày 11/3).

{keywords}
Ông Năm Hấp ở gian hàng cá. Ảnh: VietNamNet

Trong khi chưa biết có “ông phường” nào xuất hiện trong cuộc giải cứu vỉa hè không thì từ năm 2009, đã có một người- tên là Năm- biệt danh “Năm Hấp” (quận Tân Phú, t/p HCM), nhưng việc làm của ông chả… hấp tý nào. Ngược lại, nó thức tỉnh rất nhiều con người về tấm lòng, về sự hỉ xả nơi ông.  Đó là chuyện ông Năm Hấp, trước nỗi khổ sở mưu sinh phải sớm nắng chiều mưa của những người bán hàng rong, đã tự nguyện dùng mảnh đất hương hỏa của cha ông mình để lại, rộng 800 m2, đầu tư hạ tầng, mắc điện, lắp nước... làm sạp chợ cho những người bán hàng rong- đồng loại của ông- có chỗ ổn định buôn bán.

Không biết cái chợ của ông Năm Hấp tồn tại được đến bao giờ, vì nó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng từ đó đến nay, chợ hàng rong đó vẫn hoạt động. Và tấm lòng sáng của ông Năm Hấp thật đáng bậc… ngôi sao.

Dù vậy, cũng phải nói rằng, không thể trông mãi vào những “ngôi sao cô đơn” như ông Năm Hấp. Bởi không phải ai cũng có đất, hoặc tấm lòng hỉ xả như ông.

Được biết mới đây, quận 1 t/p HCM đã có đề án về Phố hàng rong, cho gần 500 hộ kinh doanh, và lập trang Facebook cho hàng rong buôn bán. Đó là những tia sáng đầu tiên trong con đường hàng rong vỉa hè còn chưa nhiều lối ra.

Nhưng những tia sáng đó cũng dự báo một điều, sự quản lý xã hội theo hướng văn minh đang có sự chuyển động tích cực, thì đồng thời cũng đòi hỏi những người dân lao động phải thức thời hơn, học hỏi, hiểu biết hơn để nhanh chóng nắm bắt cơ hội, có sự chuyển dịch hình thức kinh doanh tương thích với quy hoạch đô thị. Đó là câu chuyện của thì hiện tại và thì sắp tới trong một xã hội văn minh và hội nhập, của mọi giai tầng, của mỗi người dân.

Chỉ đến khi đó, hàng rong mới có thể trở thành nét văn hóa, chấm phá mang tính thẩm mỹ có bản sắc của văn minh đô thị.

Chỉ cần mỗi người có tinh thần “vì lợi ích vỉa hè”.

Kỳ Duyên