Nâng cao chất lượng TS là điều cần phải làm, thậm chí làm quyết liệt để loại bỏ vấn nạn “Ts giấy” đang tràn lan hiện nay. Tuy vậy, mọi giải pháp liên quan đến giáo dục suy cho cùng đều phải trên cơ sở khoa học, thực tiễn, và có tính khả thi.

Việc có ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo nên đưa vào quy chế đào tạo TS quy định “muốn bảo vệ luận án TS bắt buộc phải có bài đăng trên trên tạp chí Khoa học quốc tế” với lý do vì chúng ta đang trong thời kỳ hội nhập nên phải “cùng nhịp bước với các nền giáo dục tiên tiến”;  tôi xin có một số vấn đề trao đổi lại như sau:

1)Cơ sở khoa học nào để khẳng định việc bài đăng trên “Tạp chí khoa học quốc tế” thì sẽ nâng cao chất lượng đào tạo Ts trong nước?

{keywords}
Ảnh minh hoạ: Báo Thanh Niên

Để trở thành một nhà khoa học chân chính là một hành trình rất dài và vô cùng gian nan. Đặc biệt nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố khách quan như: Kinh phí nghiên cứu, điều kiện cơ sở vật chất, môi trường làm việc, tư duy và nền tảng khoa học từ những thế hệ đi trước… Công bố bài báo khoa học thực ra chỉ là một công đoạn nhỏ trong cái hành trình đầy gian nan ấy. Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, việc nâng cao chất lượng Ts thực chất là nâng cao chất lượng của cả một nền khoa học quốc gia. Điều quan trọng, nền khoa học ấy có giúp gì cho việc phát triển đất nước không?

Bản thân tôi chưa bao giờ phản đối chuyện các nhà khoa học ở Việt Nam (không nhất thiết chỉ là Ts) nên công bố các công trình hay bài báo trên các “Tạp chí khoa học quốc tế”. Tuy vậy, liệu có trái khoái và thiếu thuyết phục không khi mà việc đào tạo Ts là do các cơ sở đào tạo trong nước đảm nhận, nhưng điều kiện để trở thành Ts lại do “Tạp chí khoa học quốc tế” nào đó quyết định? Phải chăng những người đề xuất ý tưởng này nghĩ rằng“Tạp chí quốc tế” đã là chuẩn mực lắm rồi?

Nếu lấy lý do hội nhập quốc tế thì tại sao không đặt yêu cầu này trước hết là với những người mang học hàm PGS, GS hiện nay; hay những người đang chuẩn bị hồ sơ để được phong các học hàm trên mà laị đổ hết lên đầu những người vốn chỉ “đang trên đường” trở thành Ts?

2) Về những ý kiến cho rằng, quy định trên là xu thế chung của “trên thế giới” , ngay cả các nước Đông Nam Á người ta đều đã làm nên chúng ta cũng phải làm, tôi muốn hỏi đã có ai khảo sát, nghiên cứu nghiêm túc vấn đề này chưa? Ví dụ như những quốc gia, các trường ĐH nào…trên thế giới đã có những quy định bắt buộc như vậy? Nếu chưa có một nghiên cứu, phân tích đánh giá nghiêm túc mà nói như thế có phải là võ đoán, “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào" ?

Nói cách khác, trong hoàn cảnh và điều kiện hiện nay dù muốn dù không chúng ta cũng phải chấp nhận một sự thật là Việt Nam đang tụt hậu rất xa so với các quốc gia phát triển. Cho nên, theo tôi nếu chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi cái "ao làng" thì cũng không nên "hoang tưởng về biển lớn". Muốn hội nhập trước hết phải là chính mình, phải đi từng bước một chứ không nên nóng vội và đốt cháy giai đoạn.

Cuối cùng, những người đề xuất ý tưởng trên có nghĩ rằng với tình hình thực tế về tính thực học, thực làm cùng vấn đề đạo dức khoa học hiện nay ở Việt Nam nếu quy định trên chính thức được ban hành sẽ có thể gây ra tác dụng ngược không? Nghĩa là, để được bảo lệ luận án TS người ta sẽ bằng mọi giá để có bài trên Tạp chí quốc tế? Hoặc khi ấy, các “Tạp chí quốc tế” giả mạo sẽ được dịp hốt bạc vì tâm lý và sự ảo tưởng này của chúng ta? Trên thực tế, vấn đề giả mạo, gian dối này không phải không từng xảy ra trên thế giới.

Ở Việt Nam thời gian qua cũng không thiếu những bài học như vậy. Đó là trường hợp có những người vì quá sinh ngoại, sinh bằng cấp quốc tế nên đã bị các trường đại học “ma” ở nước ngoài lừa bịp. Hay những quy định về bằng cấp và chứng chỉ ngoại ngữ trong quy chế đào tạo TS hiện hành cũng là một ví dụ. Ai cũng có đầy đủ chứng chỉ, bằng cấp theo quy định nhưng thực tế thì sao hẳn mọi người đã biết? Một giải pháp đưa ra mà khả năng tạo nên sự thay theo hướng đổi tích cực là rất thấp, trái lại còn tạo điều kiện cho người ta đối phó hoặc gian dối thì có nên triển khai không?

3)Để đánh giá năng lực thực sự của một nhà khoa học cần có nhiều tiêu chí khác nhau. Công bố quốc tế chỉ là một trong số đó. Một công trình khoa học dù công bố trên “Tạp chí khoa học quốc tế” nhưng lại không áp dụng được vào thực tế ở Việt Nam cũng chưa hẳn là hay. Không phải cái gì dính đến “quốc tế” cũng là tuyệt vời, chuẩn mực, còn cái gì của “quốc nội” đều là vứt đi. Muốn hòa nhập, hội nhập với bạn bè quốc tế trước hết phải biết mình đang đứng ở đâu?

Thế nên, chúng ta cần phải tỉnh táo trong mọi so sánh để không phải tạo ra “bóng ma tự hù dọa” [1] nhau; chê bai nhau bằng việc “lặp đi lặp lại cái tâm lý lấy người Âu - Mỹ làm chuẩn mực, làm trọng tài” trong tất cả mọi vấn đề.

Nâng cao chất lượng TS là điều cần phải làm, thậm chí làm quyết liệt để loại bỏ vấn nạn “Ts giấy” đang tràn lan hiện nay. Tuy vậy, mọi giải pháp liên quan đến giáo dục suy cho cùng đều phải trên cơ sở khoa học, thực tiễn, và có tính khả thi. --------------------

Nguyễn Trọng Bình

Nguồn tham khảo:

1. “Bóng ma tự hù dọa”. Xem tại: http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=80&NewsId=337922

2. “Đào tạo Tiến sĩ: ngại nâng chuẩn sẽ thua trên sân nhà”. Xem tại: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20161208/dao-tao-tien-si-ngai-nang-chuan-se-thua-ngay-tren-san-nha/1232344.html

3. “Ba lý do Tiến sĩ cần công bố quốc tế”. Xem tại:  http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/ba-ly-do-tien-si-can-co-cong-bo-quoc-te-345585.html