Mặc dù việc giải bài toán quy hoạch sao cho cân bằng giữa nhu cầu phát triển và nguồn vốn luôn rất khó, nhưng chúng ta vẫn cần có các giải pháp được ưu tiên.
Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết 5 năm trước, Hà Nội tăng trưởng kinh tế bình quân hơn 9,2%, nhưng đầu tư vào hạ tầng chỉ 4%, di dân tự do trung bình 1,4%. Năm 2016 di dân tăng lên 1,9%. Lo lắng quá tải, ông Hải chia sẻ, thành phố đã nhìn thấy trước "thảm họa" nhưng không có cách nào thoát nếu thiếu tiền đầu tư.
Mối lo vì thiếu tiền cho đầu tư khiến Hà Nội đứng trước nhiều nguy cơ nhãn tiền, như nạn ùn tắc giao thông do dân cư nội thành đã quá tải. Đây là một vấn đề hệ trọng, bởi nguồn đầu tư hiện đang quá eo hẹp mà chưa có hướng ra khả dĩ để hỗ trợ Hà Nội khắc phục.
Cảnh ùn tắc kéo dài trong giờ cao điểm của Hà Nội. Ảnh: Otofun |
Với một quỹ đất nội đô hạn hẹp và mật độ dân số quá cao, Hà Nội chỉ có 2 hướng giải quyết cho tình trạng ùn tắc giao thông. Một là phát triển hệ thống giao thông công cộng và hai là tiến hành giãn dân bằng cách xây dựng các khu đô thị vệ tinh.
Theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050 (1259/QD-TTg) do Chính phủ ban hành, Thủ đô sẽ có 5 đô thị vệ tinh, gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn, mỗi đô thị mang chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ.
Để phục vụ cho quy hoạch mang tính phát triển tổng thể này, Hà Nội dự kiến sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị kết nối khu vực trung tâm và các khu đô thị vệ tinh.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 2 tuyến đường sắt đô thị đang được xây dựng và đều bị chậm trễ nghiêm trọng. Để xây dựng các đoạn tiếp theo của hai tuyến này, cũng như hoàn thiện toàn bộ các tuyến đường sắt đô thị còn lại đến năm 2030, sẽ cần một số vốn đầu tư khổng lồ với trung bình từ 2-3 tỷ USD cho một tuyến.
Có thể thấy, Hà Nội tới đây rồi cũng sẽ rất khó có thêm ngân sách, giống như TP.HCM đã được "khuyến cáo nhẹ" nhưng dứt khoát khi muốn giữ nguyên tỉ lệ phần trăm để lại cho ngân sách thành phố.
Điều đó cũng có nghĩa một loạt dự án được Hà Nội đề nghị, trong đó có các tuyến đường sắt đô thị cũng rất khó có thể được Quốc hội phê duyệt dù khoản đầu tư nói trên thường là vốn vay ODA. Bởi đây cũng là thời điểm cả nước đang phải đôn đáo trả nợ vốn vay, nếu vay nhiều sẽ mất cân đối với một nền kinh tế .
Đối với vấn đề xây dựng các khu đô thị vệ tinh, tôi muốn đưa ví dụ về Sơn Tây. Tháng 8/2007, Sơn Tây được Chính phủ nâng cấp lên thành phố thuộc tỉnh Hà Tây, hơn một năm sau, 5/2009, Sơn Tây lại "trở về chốn xưa": Thị xã thuộc Hà Nội[1]. Đến năm 2016, Hà Nội lại đang một lần nữa xem xét đưa Sơn Tây lên là một thành phố vệ tinh trực thuộc.
Sự “đoản mệnh” của “thành phố” Sơn Tây trước kia khéo chẳng giống địa phương nào của cả nước và có khi cả thế giới cũng nên! Khi tìm hiểu, tôi được biết là do vướng Luật Thủ đô nên Sơn Tây đành phải trở về "danh phận thị xã". Tuy nhiên, luật gì thì luật cũng là do con người bàn thảo rồi thông qua, tại sao không nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp, tạo hậu thuẫn cho phát triển.
Mặc dù việc giải bài toán quy hoạch sao cho cân bằng giữa nhu cầu phát triển và nguồn vốn luôn rất khó, nhưng chúng ta vẫn cần có các giải pháp được ưu tiên. Như ví dụ về Sơn Tây nêu trên, với một khu đô thị vệ tinh của Hà Nội, cần có một cơ chế và chính sách nhất quán trong việc định hướng phát triển các vùng ven đô để nâng cao tính hấp dẫn, thu hút dân cư sinh sống với mục đích làm giảm tải cho khu vực nội đô.
Để đạt mục tiêu này, việc ưu tiên vốn hạ tầng cho xây dựng các tuyến giao thông công cộng như đường sắt đô thị nội đô và kéo dài kết nối các khu đô thị vệ tinh là rất cần thiết. Vấn đề còn lại là liệu chúng ta có bố trí đủ vốn cho các dự án ưu tiên này trong bối cảnh các dự án đều chậm trễ và đội vốn để có thể tránh được một “thảm họa” hay không?
Quốc Phong
-----
[1] Hà Đông thành quận, Sơn Tây thành thị xã, VnEconomy, 11/5/2009.