Nhiều sinh viên có đủ kiến thức để... chơi Pokemon GO và chạy khắp nơi, trong khi việc tiếp cận những kiến thức để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cũng rất dễ dàng bằng các nút click chuột thì lại không được chú trọng. 

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường đại học, cao đẳng sư phạm trong cả nước phải báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy theo từng năm, bắt đầu thực hiện từ năm 2016.  

Trong báo cáo trong Quý II năm 2016, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp với 191.000 người tốt nghiệp có trình độ đại học. 

Vấn đề sinh viên thất nghiệp cũng làm nóng Quốc hội, khi ngày 4/11, một đại biểu đã đặt vấn đề: thời gian qua Chính phủ đã đầu tư rất nhiều vào các trường đại học quốc gia nhưng sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp. 

Bài viết này không tham vọng chạm đến mọi căn nguyên của tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, mà chỉ muốn góp một góc nhìn, từ một người tham gia tuyển dụng. 

Vừa qua tôi có đến liên hệ làm việc liên quan đến tuyển dụng tại một trường đại học tại miền Trung. Sự kiện này cộng với những quan sát trước đó khiến tôi nhận thấy sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường có lỗi rất lớn của chính họ. Sinh viên khi đang đi học, sẵn sàng bỏ rất nhiều thời gian để lên mạng chát chít, nhưng lại rất ít bỏ thời gian tự nghiên cứu nâng cao trình độ và chủ động tự kiếm các nguồn công việc cho mình. 

Đối tượng tuyển dụng của công ty tôi là nhân sự kỹ thuật, nhưng sinh viên Việt Nam thường không đáp ứng được, vì chỉ có kiến thức sách vở (đó là nói sinh viên chịu học, còn rất nhiều sinh viên không chịu học thì không bàn). Đáng ngại nữa là tính ì, thụ động của sinh viên Việt Nam quá cao: thậm chí ra đứng trước mặt họ, sẵn sàng cung cấp thông tin để giúp họ định hướng, nhưng không có lấy một sinh viên ra hỏi han. Tôi có cảm giác phải cầm cái bảng “Làm ơn đến phỏng vấn công việc đi” thì mới được họ đoái hoài.  

{keywords}
Ảnh minh họa

Vậy từ góc nhìn của nhà tuyển dụng, sinh viên ta đang thiếu những gì?

Trước tiên, các sinh viên có đủ kiến thức để... chơi Pokemon GO và chạy khắp nơi, trong khi việc tiếp cận những kiến thức để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cũng rất dễ dàng bằng các nút click chuột thì lại không được chú trọng. Nhiều sinh viên năm cuối thậm chí còn không biết mình phải bắt đầu từ đâu.  

Phần lớn sau khi ra trường, các công ty phải đào tạo lại sinh viên và thời gian cũng như chi phí cho họ là một gánh nặng đối với doanh nghiệp. Việc đào tạo một sinh viên cũng có rủi ro khác là họ sẽ bỏ việc sau khi có được kinh nghiệm cần thiết hoặc có các dự định khác. Vì vậy, nếu phải lựa chọn giữa một cử nhân đại học chưa có kinh nghiệm và một cử nhân trung cấp có kỹ năng thì có khả năng doanh nghiệp sẽ chọn người có bằng trung cấp.  

Thứ hai là sự rụt rè khi làm việc với các nhà tuyển dụng thể hiện sự tự ti và thiếu tự tin của sinh viên hiện nay. Họ có nhiều điều kiện để trao đổi thông tin trong môi trường mạng xã hội phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, có rất ít sinh viên có thể phá vỡ khối băng để có thể nắm bắt được các cơ hội này. 

Đối với các doanh nghiệp thì sinh viên trong nước là một nguồn cung cấp lao động sẵn có rất hiệu quả, vì vậy họ luôn sẵn sàng cung cấp thông tin cần thiết để sinh viên có thể sẵn sàng cho công việc thông qua các loại hình hỗ trợ như trao đổi đối thoại với sinh viên. Đó là những cơ hội vàng để cho các sinh viên có thể tiếp cận người tuyển dụng một cách trực tiếp và trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp. 

Cuối cùng là thái độ làm việc thụ động của sinh viên. Họ chỉ biết dựa vào những kiến thức được nhà trường trang bị, vì thiếu quan tâm (1) và thiếu can đảm (2), các bạn trẻ đã để lỡ cơ hội khai thác các nguồn thông tin quý giá để có sự chuẩn bị cho mình khi bước vào đời. Trong giai đoạn thế giới chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các xu hướng áp dụng công nghệ tự động sẽ xảy ra một cách chóng mặt mà con người sẽ dần dần được thay thế bởi máy móc, những người không nắm bắt kịp xu thế sẽ dần dần bị bỏ rơi lại phía sau. 

Việc giải quyết vấn đề việc làm cho sinh viên Việt Nam thiết nghĩ còn cần sự hợp tác, quan tâm giữa nhà trường và doanh nghiệp. Cho dù doanh nghiệp có tạo điều kiện phát triển đi chăng nữa nhưng các yếu tố (1) (2) (3) sẽ hạn chế sự phát triển và tiến xa cho số đông sinh viên hiện nay. Vì sau tất cả, chỉ có bản thân họ mới có thể tự giúp mình, nếu không muốn thay đổi thì không một ai có thể giúp được nữa. 

Mỗi sinh viên cần phải tự hỏi mình 3 câu sau để trả lời cho thực trạng thất nghiệp của mình: 1- Họ không biết làm, không làm được; 2- Họ làm được nhưng không muốn làm (vì lười, vì ngại, vì đã quen với cách làm cũ, vì làm theo cái mới thì họ bị thiệt một thứ gì đó, không được lợi...). 3-Có một sức mạnh vô hình nào khác ngăn trở mà họ sợ, không vượt qua nổi chăng? 

Trong môi trường làm việc cạnh tranh thì năng suất và kết quả sẽ nói lên tất cả. Hiện nay, Việt Nam là một thành viên của ngôi nhà chung ASEAN và các lao động chất lượng cao từ các nước này ồ ạt tràn vào, liệu những cử nhân của chúng ta có đủ sức để cạnh tranh ? Việc thiếu chuẩn bị sẽ dẫn tới việc người Việt bị thất nghiệp ngay trên sân nhà. 

Kim Sư

...

Ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Viện Quản lý Việt Nam:  “Trong rất nhiều ngày hội nghề nghiệp mà tôi tham gia, tình trạng chung là SV chưa thực sự quan tâm dù đó là cơ hội lớn cho mình. 

Tại một ngày hội việc làm diễn ra ở một trường ĐH lớn, có 40 gian hàng của các doanh nghiệp với toàn giám đốc nhân sự, trưởng phòng ngồi cả ngày đợi SV đến hỏi nhưng chỉ lèo tèo vài bạn quan tâm. 

Số còn lại thì chen chân xếp hàng để đợi nhận quà tặng! Nhận quà xong thì ra bãi xe lấy xe đi về. 

Bình thường một SV đâu dễ gì gặp được những vị giám đốc của doanh nghiệp để trò chuyện, nhưng khi tạo cơ hội cho các bạn gặp, thì các bạn lại bỏ qua”.

(Ngày hội nghề nghiệp: Sinh viên đến nhận quà, nghe hát rồi... về, Thanh niên, 30/11/2016)