Gốc rễ vấn đề không chỉ truy nguồn gốc hay đánh thuế tài sản bất minh mà là không để phát sinh tài sản bất minh, tài sản tham nhũng của quan chức.

Theo dự kiến, trong đợt 2, phiên họp thứ 22 tới đây (20-22/3), Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Dự án luật này đã nhiều lần được đưa ra lấy ý kiến nhưng vẫn còn những điểm chưa thống nhất. Đặc biệt, một vấn đề đã được đề cập nhiều lần vẫn chưa có quy định rõ ràng, cụ thể, đó là xác định tài sản bất minh, tài sản tham nhũng. 

Lâu nay có dư luận rằng, cứ quan chức thì đương nhiên phải giàu, và sự giàu có ấy hầu hết không “đàng hoàng”. Mọi sự lý giải cho khối tài sản mà một người hưởng lương đơn thuần không thể có được đều khó thuyết phục. Kể cả những người khi bị “điểm mặt, chỉ tên” cho là “kê khai trung thực”, cho là “thừa hưởng từ gia đình”, cho là “lợi nhuận cổ phần”… thì cũng chẳng mấy ai tin. Nhưng, không tin thì người dân cũng chẳng làm sao xác minh được nguồn gốc tài sản ấy. 

{keywords}
Vấn đề cốt lõi là làm sao để không phát sinh tài sản bất minh, tài sản tham nhũng của quan chức. Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ

Đã không xác minh được thì đương nhiên các cơ quan pháp luật cũng không dễ dàng gì khi xử lý tài sản “bỗng dưng mà có” của quan chức. Vì vậy, đề xuất của Chính phủ “truy thu thuế thu nhập cá nhân 45% đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý” trong sửa đổi dự án Luật Phòng, chống tham nhũng lần này như một cách nhằm đảm bảo hơn sự công bằng trước pháp luật.

Nhưng, làm thế nào để xác minh được đó là tài sản bất minh, không trung thực hay phi pháp thì quả không dễ. Nếu đã vậy thì điều luật đưa ra liệu có khả thi, có ngăn chặn được tình trạng kê khai tài sản không trung thực, kiểm soát được thu nhập cá nhân của quan chức hay không? Mặt khác, tại sao đã là bất minh lại không bị tịch thu mà truy thu 45% thuế?

Theo Thanh tra Chính phủ, năm 2017 số người đã kê khai tài sản, thu nhập và công khai đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Trong đó có 78 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. Con số này đã phản ánh sự tích cực hơn trong kê khai tài sản so với những năm trước đó. Nhưng nhìn vào thực tế thì chưa thể nói là một giải pháp hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng.

Hay như 3 năm gần đây, Tết Nguyên đán năm nào Cục phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cũng thực hiện “đường dây nóng” tiếp nhận những phản ánh, tố cáo về hành vi nhận quà biếu, quà tặng sai quy định. Nhưng kết quả vẫn là  không phát hiện trường hợp nào sử dụng tài sản công, nhận quà Tết sai quy định.

Mới đây, Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng 2017, Việt Nam đạt 35/100 điểm, xếp hạng 107 trong tổng số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dù đã tăng điểm nhẹ, nhưng, vấn đề tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng.

Nêu thực trạng đó để thấy, dù Đảng và Nhà nước quyết tâm cao, dù đã có nhiều giải pháp, dù công tác chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, nhiều cán bộ cấp cao của Đảng đã bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự về hành vi tham nhũng, nhưng tham nhũng vẫn dai dẳng, thách thức pháp luật, vẫn xói mòn niềm tin của người dân.

Vì thế, rõ ràng là, cái gốc rễ của vấn đề không chỉ truy nguồn gốc hay đánh thuế tài sản bất minh mà là không để phát sinh tài sản bất minh, tài sản tham nhũng của quan chức. Nói cách khác là phải kiểm soát được quyền lực, thu nhập của quan chức, bởi quyền lực dễ “đẻ” ra tài sản bất minh, đẻ ra tham nhũng. Nhưng vấn đề này dường như vẫn đang là “điểm nghẽn” trong phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.

Đưa ra nhiều biện pháp không có nghĩa sẽ chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Quan trọng là tính khả thi của nó. Nếu như cứ loay hoay tìm cách bịt hết kẽ hở này đến kẽ hở khác mà thiếu giải pháp tổng thể, lâu dài, thiếu sự phù hợp với chuẩn mực luật pháp quốc tế, nửa vời, khó khả thi trong thực tiễn thì “cái” gốc, “cái” căn cốt dẫn đến tham nhũng không bao giờ giải quyết được.

Đàm Hoa 

Không để cán bộ dùng quyền lực như tài sản riêng

Không để cán bộ dùng quyền lực như tài sản riêng

Nếu quyền lực không được ban phát vô tội vạ thì những cán bộ như Trịnh Xuân Thanh và các cán bộ chủ chốt qua mấy thời kỳ của PVN không thể tác oai tác quái.

Chống ‘giặc nội xâm’ và chuyện thu hồi tài sản khủng

Chống ‘giặc nội xâm’ và chuyện thu hồi tài sản khủng

Có rất nhiều yếu tố khác cần phải thực hiện khi một khối tài sản bất minh được phát hiện.

Từ biệt phủ, tài sản khủng của quan chức bàn về kiểm soát thu nhập

Từ biệt phủ, tài sản khủng của quan chức bàn về kiểm soát thu nhập

Số liệu chính thức của cơ quan nhà nước về tỷ lệ thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng là quá thấp do có nguyên nhân từ sự yếu kém của công tác kiểm soát thu nhập.

Chuyên gia ‘mổ xẻ’ tài sản ‘khủng’ của bà Hồ Thị Kim Thoa

Chuyên gia ‘mổ xẻ’ tài sản ‘khủng’ của bà Hồ Thị Kim Thoa

“Nếu bà Thoa là đại diện cho vốn Nhà nước tại công ty thì câu chuyện ở đây rất đáng bàn cho ra nhẽ”.

Quan chức có dám thề?

Quan chức có dám thề?

Việc các cán bộ lãnh đạo về dự Lễ hội Minh thề nghiêm trang giơ tay thề làm người tử tế, nhất là thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” chỉ đem lại điều tốt.