Người Việt chúng ta, vốn hàng ngày phải điên đầu với nạn kẹt xe, chen lấn, giành giật, khi chứng kiến những sự thật trên, hẳn sẽ đặt ra câu hỏi “Tại sao người Nhật có thể làm như vậy?”.  

Bức ảnh đối lập với Nhật Bản khiến người Việt đỏ mặt 

Vài ngày trước, nước Nhật lại vừa xảy ra động đất ở chính khu vực 5 năm trước đã xảy ra thảm họa kép lịch sử.  

Sự ứng phó của người Nhật trước thiên tai, một lần nữa lại làm người Việt ngỡ ngàng và thán phục. Không ít người Việt khi nhìn cảnh đó sẽ đặt ra câu hỏi “Tại sao người Nhật lại có thể làm như vậy?” trong mối liên tưởng với hiện thực ngổn ngang mà họ phải đối mặt hàng ngày.  

Những “chuyện thường ngày” ở Nhật 

Nhiều người nước ngoài, nhất là du khách đến từ các nước đang phát triển, khi tới Nhật thường rất ngạc nhiên trước sự sạch sẽ, trật tự trên đường phố, những địa điểm công cộng như bến tàu, bến xe, công viên, siêu thị. Trên thực tế chúng là những sinh hoạt hết sức bình thường ở nước Nhật, đến độ bản thân người Nhật cũng không để ý.  

Ở Nhật cho dù đến bất cứ địa phương nào, ở bất cứ địa điểm nào người ta cũng sẽ thấy cảnh xếp hàng và giữ yên lặng. Người Nhật xếp hàng ở siêu thị, ở bến xe buýt, ở ga tàu điện ngầm, trong nhà ăn ở trường học… Mỗi khi đoàn tàu đến ga, họ sẽ để cho khách trên tàu xuống hết rồi mới lên tàu.  

Ở các nhà ga, bãi đỗ taxi có rất nhiều xe của nhiều hãng và có cả taxi cá nhân nhưng đều xếp thành hàng theo thứ tự. Khách muốn bắt taxi sẽ lên chiếc xe ở đầu hàng mở cửa sẵn. Những xe trả khách xong lại chạy về xếp vào cuối hàng. Sự phối hợp chặt chẽ và hợp tác giữa các hãng taxi, hiệp hội vận tải và ban quản lý nhà ga đã tạo ra một hệ thống vận hành theo trật tự đảm bảo công bằng cho tất cả các lái xe.  

Trên tàu xe, người Nhật có thể đọc sách, xem điện thoại hay ngủ gật nhưng rất ít người nói to ồn ào, gọi điện thoại hay để chuông điện thoại. Đương nhiên, hầu như không có người xô đẩy.  

{keywords}

Hình ảnh người dân ở Iwaki, tỉnh Fukushima, sơ tán đến các nơi cao hơn để tránh sóng thần vào sáng 22/11. Ảnh: Reuters

{keywords}

Và đây là cảnh lưu thông hỗn loạn hàng ngày của người Việt

Nhịp điệu sinh hoạt bình thường ấy hầu như vẫn được duy trì khi xảy ra tình trạng bất thường, chẳng hạn động đất.  

Khi thảm họa kép xảy ra 5 năm trước, tôi đang học ở một trường đại học Nhật cách vùng tâm chấn khoảng 700km. Trong hoàn cảnh động đất, sóng thần phá hủy phố xá, cơ sở hạ tầng làm hàng vạn người dân phải sơ tán và nhà máy điện nguyên tử bị sóng thần làm hỏng hệ thống làm lạnh gây rò rỉ chất phóng xạ, mọi việc vẫn được kiểm soát tương đối tốt. Những đoàn người vẫn kiên nhẫn xếp hàng mua thực phẩm và mua xăng theo đúng số lượng tối đa mỗi người có thể mua.  

Truyền thông nước Nhật không coi những chuyện đó là điều đáng kinh ngạc, nhưng vẫn đánh giá rằng, sự bình tĩnh và hợp tác đó của người Nhật đã giúp ngăn chặn việc xảy ra “thiệt hại thứ cấp”, thường diễn ra sau thiên tai.  

Sự bình tĩnh của người Nhật: Tại sao? 

Người Việt chúng ta, vốn hàng ngày phải điên đầu với nạn kẹt xe, chen lấn, giành giật, khi chứng kiến những sự thật trên, hẳn sẽ đặt ra câu hỏi “Tại sao người Nhật có thể làm như vậy?”.  

Sẽ có nhiều câu trả lời được đưa ra tùy theo cách tiếp cận của từng người. Với tôi, có hai lý do chủ yếu lý giải cho điều đó.

Thứ nhất, hệ thống xã hội Nhật được vận hành một cách dân chủ, khoa học và hợp lý dựa trên luật pháp đã tạo ra niềm tin vào sự hợp lý và sự công bằng của người dân.  

Theo lẽ thường, người dân sẽ sốt ruột chen lấn và giành giật khi không tin rằng “rồi sẽ đến lượt mình”, hay “mình sẽ được đối xử công bằng” dựa trên các quy tắc chung đã được quyết định. Nói cách khác, biểu hiện chen lấn, giành giật, chạy chọt… là sự phản ánh của nỗi ám ảnh về lẽ công bằng và niềm tin vào lẽ công bằng ấy.  

Người Nhật trật tự xếp hàng, hợp tác với nhau trong thảm họa không nằm ở vấn đề họ là “người tốt” hay không, mà họ hiểu rằng việc làm như thế là việc cần thiết phải làm để giảm thiểu thiệt hại và ngăn ngừa những bi kịch có thể nảy sinh.  

Bộ máy quản trị của nước Nhật cùng với cơ sở hạ tầng ngay từ khi được thiết kế, xây dựng đã được tính toán kĩ để sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất ngờ như thiên tai. Nền tảng “cứng” và “mềm” của xã hội đó đã nuôi dưỡng và khuyến khích các hành động khoa học, hợp lý thay vì đẩy người dân vào thế phải tự ứng phó tự phát kiểu “tự mình cứu mình”.   

Lý do thứ hai thuộc về giáo dục, tôi sẽ bàn tiếp ở phần sau. 

(Còn tiếp)

Nguyễn Quốc Vương