Con gà hay quả trứng có trước?
Trong đời sống hàng ngày, rất nhiều chuyện người ta phải giải quyết mối quan hệ nhân- quả giữa các sự vật mà lại không biết là cái gì có trước cái gì có sau, cái gì là nguyên nhân, cái gì là kết quả. Người ta gọi đó là chuyện “con gà quả trứng”, bởi vì gà thì do trứng nở ra mà thành, còn trứng thì lại do con gà đẻ ra, vậy thì cái gì có trước?
Chuyện mối quan hệ giữa chất lượng công vụ với tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với công chức cũng vậy: Nhiều người cho là, nguyên nhân chất lượng công vụ còn thấp là do lương của công chức còn thấp nên không thu hút được người tài và nhiệt tình công tác. Song trái lại, nhiều người lại rất có lý khi cho rằng, nếu công chức nhà nước cứ làm việc với chất lượng và hiệu quả như hiện nay thì đất nước sẽ nghèo mãi, mà đất nước nghèo thì lấy nguồn tài chính ở đâu mà trả cao cho công chức.
Lối tư duy này giống như việc giải bài toán “con gà và quả trứng” vậy.
Để làm rõ vấn đề này, trước hết cần phải phân biệt rõ là chuyện gà, trứng thật trong thực tế đời sống và chuyện khái niệm con gà, quả trứng chung chung chỉ tồn tại trong nhận thức của con người là hai chuyện khác nhau.
Nhiều người cho là, nguyên nhân chất lượng công vụ còn thấp là do lương của công chức còn thấp nên không thu hút được người tài và nhiệt tình công tác. Ảnh minh họa: Dân trí. |
Tại sao phải phân biệt như vậy? Đó là vì con gà, quả trứng tồn tại thật trong đời sống là cái riêng, cái cụ thể. Còn khái niệm con gà, quả trứng mà nhiều khi người ta đem ra tranh luận chỉ là khái niệm chung. Theo quan điểm triết học biện chứng duy vật về cái chung và cái riêng thì, cái riêng có những đặc điểm mà cái chung không có.
Trong quan hệ gà – trứng thì chỉ con gà (thật, cụ thể, riêng) và quả trứng (thật, cụ thể, riêng) thì mới có quan hệ cái gì có trước, cái gì có sau, cái gì là nguyên nhân của cái gì… Còn khái niệm chung Gà – Trứng chỉ là khái niệm của con người đưa ra trong quá trình nhận thức của mình. Những khái niệm chung này thì chẳng có cái gì nở ra hay đẻ ra cái gì (như con gà cụ thể và quả trứng cụ thể trong đời sống), và tất nhiên chẳng cái gì là nguyên nhân hay kết quả của cái gì.
Cần có tư duy đột phá trong chính sách tiền lương
Trở lại vấn đề quan hệ giữa chất lượng công vụ và đời sống (gắn với chế độ tiền lương) công chức: Nếu cứ tranh cãi một cách chung chung rằng tăng lương cán bộ trước hay đợi nền kinh tế khá giả rồi mới tăng lương cho cán bộ thì cũng luẩn quẩn như câu chuyện con gà - quả trứng mà thôi.
Chân lý bao giờ cũng cụ thể. Rõ ràng là các phân tích ở trên dẫn ta tới 01 quan điểm là phải tuỳ từng trường hợp cụ thể mà coi cái nào là trước, cái gì là sau.
Có thể chỗ này thì nên đòi hỏi cán bộ phải làm tốt hơn rồi mới tăng lương, chỗ khác thì cần phải dám nâng thật cao thu nhập cho riêng 01 bộ phận công chức nào đó trước để họ làm việc thật tốt, tạo ra bước đột phá thúc đẩy phát triển cho các khâu tiếp theo. Rõ ràng là tuỳ ở các trường hợp cụ thể khác nhau thì sẽ là gà có trước hay trứng có trước.
Hiện tại, chúng ta chưa thể có đủ điều kiện nâng cao tiền lương cho toàn thể cán bộ công chức, song chúng ta đã có thể, và rất nên mạnh dạn mà nâng cao thu nhập trước cho một bộ phận công chức đang làm việc trong những lĩnh vực đặc thù, vị trí cụ thể nào đó cần phải thu hút và giữ chân những người có năng lực, trình độ cao và phẩm chất tốt.
Khi nâng lương cao cho một bộ phận như vậy, cũng đòi hỏi sau đó, chất lượng công vụ trong lĩnh vực họ phụ trách phải có sự tiến bộ rõ rệt, nếu không thì chế độ lương đó sẽ bị cắt. Làm như vậy, chúng ta sẽ tạo ra đột phá, làm cú hích dây chuyền để tạo ra một tầm phát triển mới của đất nước
Đã đến lúc cần có tư duy đột phá trong chính sách về tiền lương cho cán bộ công chức, thể hiện bằng việc Nhà nước có thể ban hành những cơ chế đặc thù, thí điểm về tiền lương cho lĩnh vực cụ thể nào có thể thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển của đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay (cụ thể là lĩnh vực nào xin có một bài nghiên cứu khác).
Còn nếu cứ thỉnh thoảng lại tăng lương một chút cho toàn thể cán bộ công chức như lâu nay thường làm thì đó là một lối tư duy đã cũ kỹ, lạc hậu, thậm chí sai lầm vì nó giống như việc giải bài toán “con gà - quả trứng” chung chung (vốn không có lời giải), sẽ làm lỡ cơ hội phát triển nhanh hơn của đất nước chúng ta.
Cách nhìn biện chứng duy vật trong xử lý mối quan hệ con gà - quả trứng có ý nghĩa phương pháp luận không chỉ để giải quyết mối quan hệ lao động - tiền lương mà còn có thể áp dụng giải quyết rất nhiều mối qua hệ khác trong đời sống hàng ngày.
Trần Văn Sỹ