Chuyến thăm của nhân vật số 2 Triều Tiên - Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên - Choe Ryong-hae đến Nga được đánh giá là cho thấy nhiều dấu hiệu trong quan hệ hai nước.

>> Chuyến thăm Nga bí ẩn của đặc phái viên Triều Tiên

Nếu chỉ nhìn vào lịch trình chuyến thăm (dự kiến từ ngày 17-24/11, theo The Moscowtimes đưa tin) - bao gồm thảo luận quan hệ song phương, trong đó có cách thức cải thiện đối thoại chính trị và thúc đẩy hợp tác thương mại và kinh tế, tình hình Bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á, cũng như một số vấn đề quốc tế cùng quan tâm khác - thì đây cũng giống với các chuyến thăm thông thường khác của lãnh đạo cấp cao các nước.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc ông Choe, người được cho là nhân vật số 2 của Triều Tiên, tới Nga không đơn giản như vậy. Chuyến thăm cho thấy những hướng đi mới của cả hai nước trước tình hình quốc tế nhạy cảm hiện nay.

Việc chuyến đi diễn ra ngay trước khi Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) bỏ phiếu về một nghị quyết lên án các vi phạm nhân quyền ở Triều Tiên đã phần nào cho thấy điều này. Nga hoàn toàn có thể thể hiện quyền lực lá phiếu veto (phủ quyết) của thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ trong trường hợp có một cuộc bỏ phiếu về một nghị quyết trong tương lai nhằm đưa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra Tòa án Hình sự Quốc tế. Còn nhớ, vào đúng cái ngày ĐHĐ LHQ bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án Nga sáp nhập Crimea cách đây vài tháng, Moscow và Bình Nhưỡng đang bận ký kết hiệp định hợp tác thương mại và kinh tế.

{keywords}

Ông Choe Ryong-hae. Ảnh: REUTERS/ China Daily 

Ý tưởng lớn gặp nhau

Chuyến thăm của ông Choe diễn ra khi quan hệ với TQ, nước ủng hộ Triều Tiên mạnh mẽ nhất, gần đây lại đang có dấu hiệu không còn được như xưa. Bắc Kinh giữ khoảng cách với Bình Nhưỡng sau khi Triều Tiên làm dấy lên căng thẳng với việc tiến hành thử hạt nhân lần thứ ba năm 2013 và liên tục đe dọa tấn công bằng hạt nhân chống lại Hàn Quốc và Mỹ. Triều Tiên cũng rút khỏi bàn đàm phán sáu bên về giải trừ hạt nhân - khuôn khổ có sự tham gia và đóng góp lớn của TQ.

Trong bối cảnh ấy, Bình Nhưỡng tìm đến Moscow được nhận định là nhằm một mặt để thắt chặt "tình bạn vong niên", đồng thời đa dạng hóa các "điểm tựa" của mình khi TQ đang bị sức ép lớn của quốc tế trong cách hành xử với nước láng giềng phía Đông.

Ngược lại, đối với Nga, chuyến thăm của ông Choe là lúc để củng cố thêm vai trò của Moscow tại châu Á. Nga đang tìm cách tăng ảnh hưởng ở Viễn Đông khi quan hệ với các nước phương Tây ngày một tệ hơn do tình hình tại Ukraine. Sự cởi mở của Moscow đối với Triều Tiên cũng cho thấy nỗ lực dài hạn của Nga vươn dài cánh tay tới châu Á bằng cách xây dựng các liên minh chính trị, mở rộng xuất khẩu năng lượng và phát triển các khu vực của Nga ở Siberia và Viễn Đông. Nga muốn nhanh chóng tăng cường quan hệ với Triều Tiên cũng có thể là nhằm làm phức tạp thêm các nỗ lực của Mỹ trong việc thúc ép Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

"Hồi sinh" quan hệ

Thực tế là chiến lược "xoay trục" sang châu Á của Nga (bao gồm cả việc thắt chặt quan hệ với TQ) đã bắt đầu từ nhiều năm trước, khi Moscow đáp lại việc Washington tái cân bằng các lực lượng quân đội ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chiến lược này trở nên khẩn cấp hơn kể từ khi bùng phát khủng hoảng Ukraine. Điều này đã mang lại lợi ích cho Bình Nhưỡng, với các cuộc trao đổi chính trị cấp cao và những lời hứa của Nga về các dự án phát triển và thương mại.

Quan hệ Nga - Triều dưới thời Liên Xô cũ nồng ấm hơn bây giờ, sau đó có phần lơi lỏng sau khi Liên Xô tan rã. Sự ấm lên đã bắt đầu từ tháng 7/2013, và được thúc đẩy khi Moscow đối đầu với phương Tây từ giữa năm nay.

Tháng 7/2013, Moscow đã cử một đại diện cấp tương đối cao tới tham dự kỷ niệm 60 ngày chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Sau đó, Nga đã đón tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Olympic tại Sochi tháng 2/2014, và đến tháng 3, Nga đã cử Bộ trưởng phụ trách phát triển Viễn Đông sang thăm Bình Nhưỡng.

Vào đúng ngày ĐHĐ LHQ thông qua nghị quyết lên án Nga sáp nhập Crimea, Nga và Triều Tiên đang bận ký kết một hiệp định hợp tác thương mại và kinh tế. Và chuyến thăm kéo dài ba ngày hồi tháng 4 vừa qua của Phó Thủ tướng Nga Yuri Trutnev đã đánh dấu đỉnh điềm của một giai đoạn mới trong quan hệ Nga - Triều, mà các chuyên gia gọi là một sự hồi sinh.

Đôi bên cùng có lợi

Sau khi Liên Xô tan rã kéo theo sự chấm dứt của những khoản viện trợ hào phóng, Triều Tiên đã vật vã để duy trì nền kinh tế quốc gia và rơi vào sự phụ thuộc nặng nề về thương mại và viện trợ từ đồng minh TQ. Các lệnh trừng phạt liên quan đến các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên càng làm cô lập nước này trên trường quốc tế, và Bình Nhưỡng sợ sẽ phải biết ơn Bắc Kinh quá nhiều.

Trong bối cảnh này, các quan hệ tốt hơn với Nga vừa mang đến cú hích cho nền kinh tế mà Triều Tiên đang rất cần, vừa tạo một đối trọng với ảnh hưởng của TQ, đồng thời còn là một cái "đệm" hữu dụng chống lại phương Tây trên các diễn đàn quốc tế, và đặc biệt hơn là chống lại các nỗ lực do Mỹ đứng đầu nhằm cô lập Bình Nhưỡng vì chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Ngược lại, bằng việc tăng cường quan hệ với Triều Tiên, Nga sẽ củng cố lợi thế của mình với Mỹ và Nhật Bản. Việc chứng tỏ rằng Washington sẽ không thể dọa nạt bằng các lệnh trừng phạt là một trong những nhân tố quan trọng khiến Tổng thống Putin "tán tỉnh" Bình Nhưỡng.

Tất nhiên, Moscow vẫn lo lắng một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân ở ngay sát sườn mình, nhưng trong những tháng qua, họ đã "quyến rũ" Bình Nhưỡng với một loạt dự án kinh tế đa dạng, các trao đổi chính trị và đặc biệt là cuộc bỏ phiếu tại Duma Quốc gia nhằm xóa cho Triều Tiên khoản nợ gần 10 tỷ USD từ thời Liên Xô. Nga còn cam kết tái đầu tư 1 tỷ USD vào một hệ thống đường sắt xuyên Siberia, qua Triều Tiên tới Hàn Quốc. Kế hoạch này, cùng với một đường ống dẫn khí, sẽ cho phép Nga xuất khẩu khí đốt và điện tới Hàn Quốc.

Tác động đến bàn đàm phán 6 bên

Tiến trình đàm phán 6 bên về hạt nhân đã tê liệt sau khi Triều Tiên không muốn trở lại. Giờ đây, trong khi Triều Tiên vẫn không tỏ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ từ bỏ hạt nhân, một số chuyên gia phân tích tin rằng một "vết nứt" rộng hơn trong quan hệ Nga - Mỹ có thể làm ảnh hưởng tới tương lai bàn đàm phán này.

Trong khi phương Tây gia tăng sức ép đối với Nga do những bất đồng về Ukraine, thì một thực tế là Moscow và Bình Nhưỡng đang cùng phải chịu các trừng phạt của Mỹ đương nhiên sẽ xích lại gần nhau.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện chưa thể khẳng định liệu cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine có dẫn tới sự thay đổi nào lớn hơn trong chính sách của Nga đối với Triều Tiên hay không, nhất là trong việc giải quyết các vấn đề hạt nhân và tên lửa. Nhưng ngay cả khi quan hệ tốt hơn với Nga có thể là một tác nhân tích cực để Triều Tiên trở lại bàn đàm phán sáu bên, thì Triều Tiên chắc chắn cũng sẽ tận dụng điều này để nâng cao vị thế của mình trên bàn đàm phán, không chỉ với Mỹ, Nhật Bản mà cả với TQ./.

Bạch Dương