Bị ảnh hưởng nặng nề của sự nóng lên của trái đất và quá trình đô thị hóa, miền Nam Việt Nam đang tìm giải pháp để cứu cây lúa và người dân của mình.

* Mekong cạn nước và cuộc đấu pháp lý với Bắc Kinh
* Giáo sư bày cách làm giàu trên cách đồng ngập mặn

50 năm qua, ông Dương Văn Ni – giáo sư Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên tại Đại học Cần Thơ - đã đi khắp phía Nam sông Mekong để tiến hành nhiều nghiên cứu. Đây là nơi mưu sinh của 19 triệu người, “nồi cơm” của hành tinh, nuôi sống khoảng 40 quốc gia. Ông Ni- một người con của vùng châu thổ sông Cửu Long, nhớ lại khi còn nhỏ, ông thường bắt rắn, hái quả, nhổ rau và bắt cá. Cuộc sống khi đó dễ dàng và ông không phải lo lắng về việc phải tự nuôi sống mình. Nhưng nay mọi chuyện đã khác.

Châu thổ sông Mekong là một trong những khu vực bị đe dọa nhất thế giới bởi sự nóng lên của khí hậu. Theo Ủy ban sông Mekong, từ nay tới năm 2050, nhiệt độ có thể tăng thêm 3-5 độ C và nước biển sẽ dâng cao 1m vào năm 2100, nhấn chìm phần lớn diện tích 40.000km2 của 9 nhánh sông Mekong.

Là một vùng đất rộng lớn với những kênh rạch chằng chịt, đồng bằng sông Cửu Long đang ngày càng phải chịu nhiều kiểu thời tiết cực đoan và khôn lường, hạn hán kéo dài. Nơi này chỉ cao hơn mực nước biển vài mét.

Nhưng giáo sư Ni cho rằng không nên dừng lại ở vấn đề nước biển dâng, và cũng không nên chi tiêu nhiều tiền để xây đập. Ông khuyến cáo các biện pháp đơn giản và cụ thể hơn.

 “Khu vực nghèo khó này, nơi người dân sống bằng nông nghiệp và ngư nghiệp, đang bị ảnh hưởng bởi những vấn đề ở cấp địa phương cũng như toàn cầu”, ông Ni nói.

{keywords}

Từ 50 năm nay, dân số tại khu vực châu thổ sông Cửu Long đã tăng gấp đôi. Sức ép dân số này dẫn tới việc tăng cường sản xuất nông nghiệp, gây không ít tác hại. Mỗi năm, hơn 25 triệu tấn lúa được thu hoạch, trong khi 2-4 triệu tấn tôm và cá được đánh bắt. Nhưng nay sản lượng bị đe dọa bởi sự biến đổi khí hậu và quy mô vùng.

Mối nguy từ những con đập

Nhân tố đầu tiên vừa dễ thấy vừa gây rối loạn, đó là những con đập. Theo Giáo sư Ni, chúng gây ra một tác động lớn trên 4.800km sông Mekong và làm xáo trộn đời sống của người dân, nhất là ở Việt Nam - khu vực cửa sông.

Nhiều năm gần đây, Trung Quốc đã xây dựng 8 đập, trong đó 5 đập đã được vận hành, và dự kiến xây thêm một chục đập khác. Thái Lan cũng lên kế hoạch xây 10 đập. Lào và Campuchia cũng đã khởi công những công trình lớn. Hậu quả đã hiện hữu: lượng nước ngọt cũng như trầm tích và bùn đều giảm mạnh, khiến nước biển xâm nhập.

Giám đốc Văn phòng Biến đổi khí hậu ở Cần Thơ, thành phố lớn nhất ở châu thổ sông Cửu Long, ông Kỷ Quang Vinh dẫn chứng, “tác động của những con đập có thể được cảm nhận rõ ràng trong năm 2015. Lưu lượng nước thay đổi thất thường. Chúng ta đã điều phối trong khuôn khổ Ủy ban sông Mekong (gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, 6 nước sông Mekong chảy qua), nhưng Trung Quốc không thông tin mỗi khi họ mở đập tháo nước, họ xả nước khi họ muốn”.

Việc liên tiếp giữ nước trên dòng chảy sông Mekong đã gây các hậu quả tiêu cực. Sự giảm mạnh của trầm tích, bùn và thực vật không chỉ làm nghèo đất mà còn làm tăng xói mòn bờ sông. Khoảng 500ha đất biến mất mỗi năm. Người dân phải đứng trước tình trạng ngày càng thiếu nước ngọt. Số gia đình nghèo rơi vào vòng xoáy của sự nghèo hóa gia tăng. Ông Ni cho biết các nghiên cứu mà ông và các đồng nghiệp đã tiến hành cho thấy một nửa số trẻ em nơi đây đang bị thiếu ăn, tới mức người dân phải tiêu tiền cho chăm sóc y tế và bữa ăn hàng ngày nhiều hơn dành cho giáo dục.

Cần Thơ nằm trong vùng châu thổ sông Mekong. Vùng này được xem là vườn cây ăn quả và vựa lúa của Việt Nam. Nhưng từ 10 năm nay, biến đổi khí hậu và sự xâm mặn ở sông Mekong đã khiến đất ngày càng bị chua. Tính đến tháng 11/2015, một nửa diện tích đất trồng trọt ở vùng châu thổ này đã bị ảnh hưởng.

Nhiệt độ tăng làm gia tăng độ ẩm trong không khí, tạo điều kiện lây lan dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết. Vì lượng nước ngọt và nước sạch giảm, người dân địa phương đôi khi không có lựa chọn nào khác ngoài việc uống nước bị ô nhiễm hoặc nước mặn.

Sự xâm nhập của nước mặn diễn ra không ngừng từ những năm 2000. Nước biển đã vào 60km sâu trong đất liền, làm xáo trộn mùa vụ và thói quen của người dân địa phương. Ông Vinh cho biết: “Trước năm 2007, tác động của thủy triều đối với mực nước sông Mekong không đáng kể. Nhưng ngày nay, dòng nước do thủy triều mang vào mạnh hơn, từ mức 13.000 m3/giây lên mức 17.000 m3/giây, làm mực nước sông tăng thêm 5cm”.

Ông Vinh cho biết thêm, cũng trong thời gian này, vùng châu thổ sông Cửu Long còn bị lún sụt dưới tác động của việc khoan giếng lấy nước. Sự gia tăng dân số và nhu cầu ngày càng lớn của một nền kinh tế Việt Nam đang gặp khủng hoảng dẫn tới việc khai thác các nguồn tài nguyên dưới lòng đất. Việc khai thác cát bất hợp pháp cũng đang khiến môi trường trở nên ngày càng mong manh. Ông Vinh nhớ lại năm 2011, nước biển dâng đã dẫn tới trận lũ lịch sử, gây lụt lội trong hơn ba tháng, làm tê liệt nền kinh tế và gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe”.

Giải pháp cho cây lúa

Việc trồng lúa của nông dân đã bị tác động mạnh bởi những xáo trộn kể trên, khiến nền kinh tế Việt Nam trở nên bấp bênh. Bản thân người nông dân vừa phải đối phó với tình trạng xâm mặn, nhiệt độ tăng cao, ngập lụt còn phải đối mặt với dịch bệnh gia tăng.

Bà Nguyễn Thị Lang, chuyên gia về di truyền học - giáo sư Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, cho biết sản lượng cây trồng giảm khoảng 15% trong hơn một chục năm qua. Trong tổng số 90 giống lúa, có đến 30 giống bị đe dọa bởi những thay đổi trên. Sự thay đổi nhiệt độ làm giảm mạnh sản lượng và tạo điều kiện lây lan dịch bệnh trên cây trồng.

Bà Lang là người đã nghiên cứu phát triển các giống lứa lai chống chọi được mặn và cho năng suất cao. Hợp tác với Viện nghiên cứu lúa quốc tế, có trụ sở ở Philippines, bà đã khởi động việc sản xuất lúa lai. Bà kết hợp giống lúa Nhật (Japonica) có thể sống ở nhiệt độ lạnh trong 140-160 ngày và cho sản lượng cao, với giống lúa Indica hạt dài, có khả năng chịu nhiệt độ cao nhưng thời gian trồng ngắn hơn và sản lượng thấp hơn.

Giáo sư Lang đã lai các giống lúa khác nhau, xuất phát từ một cây lúa hoang ở ven sông Mekong mà bà nghiên cứu từ 25 năm nay. Hạt của giống lúa này có chất lượng thấp nhưng có khả năng chống chịu trong các điều kiện thời tiết và nước cực đoan. Bà cho biết: “Sau mỗi lần lai giống, chúng tôi đã tăng đặc điểm gien và thu được các dòng gien khỏe hơn, cho nhiều hạt hơn. Mục đích là tăng số lượng thóc thu hoạch vì số mùa vụ có nguy cơ giảm”.

Ngày nay, giống lúa thử nghiệm nói trên đang chờ được kiểm định và chứng thực. Các chuyên gia phải thử khả năng chống chịu bệnh tật, chất lượng gạo và an ninh lương thực về lâu dài. Nếu giống lúa này được chấp nhận vào năm 2017, nó sẽ giúp cho người trồng lúa sống sót trong một môi trường đang ngày một xuống cấp như hiện nay.

Giáo sư Ni cho biết: “Chúng ta đang phải trải qua một thời gian cực kỳ khó khăn”. Con người có thể đề phòng bằng các hành động cụ thể như trữ nước ngọt, gieo trồng nhiều hạt hơn để bù lại những thời kỳ khô hạn hoặc ngập lụt. Phụ nữ cũng cần học cách sử dụng màn chống muỗi một để bảo vệ con em mình. Cần tập trung vào người nghèo, vốn đang chờ đợi những giải pháp cụ thể”.

Đây chính là cách để giảm tình trạng di dân nông thôn và di dân vì biến đổi khí hậu, vốn đang đe dọa khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng như toàn Đông Nam Á. Phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Arnaud Vaulerin

* Thảo Linh dịch từ liberation

* Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt lại
----

BÀI LIÊN QUAN:

* Đồng bằng Sông Cửu Long kêu cứu
* 30 năm đổi mới nhìn từ lĩnh vực nông nghiệp
* Cởi trói lúa gạo Việt Nam
* Đồng bằng Sông Cửu Long bị nhiễm mặn