Tại sao khi có được ngôi nhà vương giả nhưng bên trong những ngôi nhà đó lại chứa đựng nhiều sự hận thù?

 

Xem bài 1: Người người nói về thăng quan, giành chức

Tuần Việt Nam tiếp tục cuộc bàn tròn về chủ đề “Sống tử tế” với nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Thiều, phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, phó tổng thư ký thứ nhất Hội nhà văn Á-Phi và thạc sỹ Lê Quang Bình, viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường ISEE.

 

 

 

Ai cũng cố chứng minh "tôi tử tế"

Nhà báo Thu Hà: Tôi có nhớ sách dẫn lời Mạnh Tử rằng: “có hằng sản mới có hằng tâm”. Có lẽ nào trong hoàn cảnh quá nghèo khổ thì người ta khó lòng giữ được sự tử tế?

Ông Nguyễn Quang Thiều: Sự nghèo khó cũng là một nguyên nhân gây ra thái độ không tử tế nhưng nó chỉ là một phần rất nhỏ. Lấy ngay lịch sử của dân tộc như một minh chứng về chúng ta trong những năm tháng thật đói khổ, nghèo khó.

Tôi nhớ mẹ tôi thường giã muối ngô chứ không phải muối vừng, ngô rang lên giã với muối để mình ăn cơm nắm và dây khoai, tại sao lúc đó người ta lại có thể sống đẹp đẽ, hồ hởi đầy khát vọng như vậy? Và tại sao khi có ngôi nhà đầy vương giả nhưng bên trong những ngôi nhà đó lại chứa đựng đầy hận thù?

Ông Lê Quang Bình: Các cụ thường nói một câu rất hay là “đói cho sạch rách cho thơm”. Hàm ý là hoàn cảnh không tạo nên một con người tử tế hay không mà chính con người đấy tạo ra mình theo cách như thế nào. 

Tôi thì không nghĩ là một người có tài năng hay một người sống trong môi trường đầy đủ thì là người tử tế, và ngược lại. Quan trọng là giá trị mà người ta có là gì. Trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng có thể sống tử tế nếu chúng ta quyết định chọn cách ứng xử đó. Ý của tôi là chính giá trị của con người sẽ quyết định hành vi người đó.

Tôi theo dõi thấy trong trường và trong gia đình, chúng ta vẫn dạy bọn trẻ kiểu  đúng- sai nghĩa là bao giờ người lớn cũng đúng, người trên cũng đúng. 

Nhà báo Thu Hà: Có phải ý của anh là trong xã hội của chúng ta thừa áp đặt một chiều và thiếu vắng sự ủng hộ cho các tư duy khác biệt?

Ông Lê Quang Bình: Chính xác, theo kiểu đóng khung đúng-sai, phải-trái, hoặc là trên-dưới… Cách chúng ta dạy con cái cứng nhắc nếu không đúng thì chỉ có sai, nếu không phải đồng minh thì chỉ là kẻ thù. Và vô hình trung trong nhiều hoàn cảnh là dạy mọi người về chân lý tuyệt đối, về kiến thức hoàn hảo, về cái tôi chuẩn mực.

Chính vì bị đóng đinh vào những giáo điều đó làm cho con người khó chấp nhận sự khác biệt, dẫn đến đối xử không tử tế với sự khác biệt…

Nhà báo Thu Hà: Tôi còn nhớ anh Thiều từng kêu lên rằng, “chưa bao giờ xã hội ta có nhiều người cố gắng chứng minh tôi là người tử tế như hiện nay”. Vì sao vậy?

Ông Nguyễn Quang Thiều: Đó là một ý trong bài viết “Mùa tử tế” đăng trên VietNamNet. 

Sở dĩ tôi nói tử tế có mùa bởi vì có người khi có sự kiện gì xảy ra thì họ viết trên mạng xã hội, trên các phương tiện họ có để chê bai, nguyền rủa, quy kết, phán xét thế này, thế nọ rất kinh với nhiều (tên ảo) nickname. Họ nói, họ dìm một người nào đó xuống bùn đen bằng sự phỉ báng.

Cũng có khi nhân một sự kiện nào đó họ cũng có thể ùa vào, chê cơ quan này, cơ quan khác của nhà nước… tất cả những diễn biến đó đều có mùa. Bên cạnh đó khi có điều kiện, có cơ hội, sự tử tế cũng xuất hiện qua những ngôn từ, rất nhiều ngôn từ. Nhưng những hành động tử tế trong chính ngôi nhà của họ hay với với hàng xóm, với bạn bè, với đồng nghiệp thì họ lại không làm được. 

Khi tôi viết bài đó, có những người đã phản ứng. Ngược lại nhiều người đã nói điều tôi viết là sự thật. Có những người nói rằng họ từng tham gia vào những mùa tử tế như vậy. Thực tế này thấy rất rõ trong xã hội chúng ta. 

 
{keywords}Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều, phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, phó tổng thư ký thứ nhất hội Nhà văn Á-Phi.

 

Vứt một cái rác xuống đường chỉ mất nửa giây, nhưng để cúi xuống mặt một cọng rác có thể mất cả trăm năm giáo dục. Khi một ai đó cúi xuống nhặt một cọng rác hay một cái rác của người khác để bỏ vào thùng rác, đấy là hành động tử tế. Việc ai đó có thể dành thời gian viết hàng trang báo dài để nguyền rủa hay phê phán người khác không có nghĩa họ đã là người tử tế. 

Tất nhiên mỗi người có một sứ mệnh để làm, nhưng tôi vẫn tôn trọng hành động hơn là lời nói. Hành động, hành động và hành động là cần thiết.

Ông Lê Quang Bình: Đứng trước một số vấn đề, không chỉ ném đá mà có khi khuyên giải cũng không hẳn đã là tử tế. Việc chúng ta cho ai một lời khuyên vì nghĩ mình biết cái đúng cái sai hóa ra lại là áp đặt. Bị áp đặt bởi một người đã mệt rồi chứ đừng nói bị áp đặt bởi cả trăm người. 

Tôi cho rằng cần phải đánh thức từng cá nhân và làm sao để mọi người nghĩ về sự tử tế nhiều hơn, nói về sự tử tế nhiều hơn. Khi chúng ta nghĩ về nó, ý thức về nó thì chúng ta sẽ có thể kiểm soát và điều chỉnh các hành vi của mình theo hướng nhân văn và khoan dung hơn. 

Có thể sau bàn tròn hôm nay, khi ra ngoài kia thấy rác là tôi sẽ cúi xuống nhặt. Ban đầu hành động có thể hơi gượng nhưng dần dần sẽ trở hành thói quen, trở thành quán tính của mình Đó chính là thiện ý mà trong mỗi con người đều có, vấn đề là phải đánh thức nó dậy. 

Chủ nghĩa thực dụng đang len vào cuộc sống

Nhà báo Thu Hà: Không ít lần chúng ta đã phát động các phong trào như hồi thập niên  80 chúng ta có phong trào “Gia đình văn hoá”; “4 xây 4 chống” và một số phong trào gần đây. Phong trào, chủ trương có đủ từ trên xuống dưới mà sao cho đến lúc này chúng ta vẫn phải ngồi đây, trăn trở lo lắng vì sự tử tế cứ hàng ngày, hàng giờ rời bỏ chúng ta?

Ông Nguyễn Quang Thiều: Về cái sự tử tế phải tiếp tục nói, nói mãi mãi cũng như tội ác sẽ  tồn tại mãi mãi trên thế gian này. 

 

{keywords}
 

Một lần tôi được dự liên hoan thơ ở Colombia. Như các bạn biết, đó là đất nước của ma tuý, tệ nạn, mại dâm và bạo lực. Tôi hỏi nhà thơ Fernando, rằng sứ mệnh của các nhà thơ ở đất nước này là gì? Ông ấy kéo tôi ra hè phố, chỉ sang dãy phố phía bên kia và nói,  ma tuý, mại dâm và bạo lực là ở phố bên đó. Phố bên này là của thi ca, của những người yêu cái đẹp, yêu cái thiện.

Nhiệm vụ của chúng tôi, những nhà thơ, nhà văn là phải làm sao để phố bên kia lấn sang bên này, mà phải làm sao để cho cái đẹp, cái tử tế lan tỏa lấn sang phía bên đó. Cuộc chiến này là cuộc chiến lâu dài, không phải 100 năm, 1000 năm…, mà có khi phải mất hàng triệu năm, lâu dài như vậy nhưng chúng ta không bao giờ rời bỏ ý chí đó, không bao giờ rời bỏ khát vọng làm cho thế gian trở nên một thiên đường, không bệnh tật, không tội lỗi, không đói nghèo, không thù hận, không chiến tranh. Nếu người ta nghĩ rằng không bao giờ làm được thì người ta đã gục ngã từ lâu rồi. 

Một lần khác, dịp tôi đến Ailen được thấy trong một hẻm núi có một bông, chỉ nở vào buổi trưa khi nó được đón một tí ánh nắng, một tí thôi. Vùng đồi này hình thành đã hàng triệu năm, và loài hoa ở đó cũng đã cả triệu năm, nhưng không phải ai cũng nhìn thấy. Nếu bông hoa kia không vì bản năng sinh tồn, tự xác nhận, nếu bông hoa kia không tự nghĩ rằng mình phải nở, phải cho thế gian thấy được vẻ tuyệt đẹp thì nó đã chết từ lâu rồi. Nó buộc phải nở, phải tự khẳng định cho người ta biết nó đang tồn tại và tồn tại rất đẹp đẽ, rất long lanh. 

Chúng ta cũng như vậy, phải tự sống cho tốt như chúng ta vốn có. Còn nếu chỉ sống và  làm một vài hành động chỉ để cho thiên hạ biết mà chúng ta vẫn gọi là PR cho bản thân thì chúng ta phải xem lại sự tử tế này. Rõ ràng chủ nghĩa thực dụng đang len vào cái gọi là tử tế trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Ông Lê Quang Bình: Có hàng trăm định nghĩa khác nhau về sự tử tế. 

 

{keywords}
Thạc sĩ Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường ISEE

Có người bảo tử tế là biết nói cảm ơn và xin lỗi; Người khác nói, tử tế là thỉnh thoảng gọi điện cho mẹ yêu; Cũng có quan niệm cho rằng tử tế là không kỳ thị người đồng tính, người khuyết tật; Hay nhiều bạn bảo tử tế là biết đòi nợ một cách văn minh. 

Nhìn vào bức tranh đó có thể thấy suy nghĩ của chúng ta về sự tử tế rất đa dạng và mỗi người nhìn sự tử tế dưới một góc độ khác nhau, phụ thuộc cá nhân, hoàn cảnh, vị thế hay kinh nghiệm sống của họ. Chính vì vậy, mỗi người sẽ có mục đích khác nhau trong việc phấn đấu để tử tế hơn, theo cách của riêng mình.  

Quay trở lại với các phong trào như trong câu hỏi chị Thu Hà đặt ra. Một số phong trào không đi được tới cùng, thậm chí thất bại vì những người phát động đã cố áp đặt một khuôn mẫu để mọi người làm cái gì đấy giống nhau, trong khi hoàn cảnh của họ lại rất khác nhau. Ai cũng có một tấm gương để học tập, nhưng mỗi người lại có tấm gương của riêng mình.

Các phong trào của chúng ta nhiều khi được làm một cách máy móc, dập khuôn mà không quan tâm tới sự đa dạng của cuộc sống đời thường. Và chính sự áp đặt máy móc đã làm thui chột và làm mất đi những động lực cá nhân. 

Bởi vậy, trong phong trào sống tử tế, thay vì gượng ép, hãy làm sao để mỗi người có thể truyền cảm hứng cho người khác để ai cũng có động lực và thấy được sự thiết thực, thấy được lợi ích của bản thân khi thực hành tử tế.

Còn tiếp kỳ 3

Tuần Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng