Tại sao Trung Quốc phản đối can thiệp quân sự vào Syria? Đây là câu hỏi mà rất nhiều nhà bình luận Mỹ đặt ra trong lúc chính quyền Obama nỗ lực thuyết phục quốc hội Mỹ đồng thuận về chiến dịch quân sự tại Syria.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cố gắng thể hiện quan điểm không can thiệp với những lập luận đưa ra. Trong khi giới phân tích Mỹ phần lớn đánh giá lập trường của Bắc Kinh thông qua cách nhìn nhận thực dụng thì cũng có người cho rằng, thực tế, Trung Quốc phản đối oanh tạc Syria cơ bản là do cảm giác bất an của chính họ.
Tới thời điểm này, Trung Quốc vẫn liên tục ngăn chặn mọi nỗ lực của phương Tây để can thiệp vào cuộc khủng hoảng Syria và phủ quyết ba nghị quyết của LHQ. Cùng lúc đó, theo báo cáo của cơ quan nghiên cứu quốc hội Mỹ năm 2011, Tủng Quốc đã chuyển số vũ khí trị giá 300 triệu USD tới Syria giai đoạn từ 2007 - 2010. Thêm vào đó, tháng 6 vừa qua, một quan chức Syria tiết lộ rằng, Trung Quốc, Nga và Iran đã giúp Damascus đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây bằng cách cung cấp cho chính quyền Assad dầu và tín dụng giá trị 500 triệu USD/tháng.
Lãnh đạo Trung Quốc, các nhóm cố vấn, truyền thông nhà nước đã đưa ra hàng loạt lý do với cộng đồng quốc tế để phản đối sự can thiệp quân sự Mỹ tại Syria. Ví dụ, trong cuộc họp báo mới đây, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lập luận: "Các hành động quân sự đơn phương, đi ngược lại với luật pháp quốc tế và những chuẩn mực quan hệ quốc tế sẽ chỉ làm phức tạp thêm tình hình Syria và khiến Trung Đông thêm bất ổn", vị này nhấn mạnh, "Trung Quốc tin rằng, một giải pháp chính trị là con đường thực tế duy nhất để giải quyết vấn đề Syria.
Ảnh: The world |
Thậm chí trước khi hội nghị G20 bắt đầu, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu đã cảnh báo về những ảnh hưởng kinh tế khi Mỹ dùng vũ lực can thiệp vào Syria. "Hành động quân sự sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, đặc biệt là giá dầu - nó sẽ khiến giá dầu phi mã", ông nói.
Ngoài ra, một số nhà phân tích Trung Quốc cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu có bằng chứng xác thực chứng minh chính phủ Syria (chứ không phải phiến quân) đứng sau vụ tấn công khí sarin hôm 21/8. Nhiều nhà bình luận hoài nghi về động cơ trong kế hoạch can thiệp quân sự của Mỹ. Họ cho rằng các cuộc tấn công vào chế độ Assad là gián tiếp nhằm vào Iran và Nga.
Bình luận của quan chức Trung Quốc, như đã đề cập phía trên từ người phát ngôn Hồng Lỗi và ông Chu Quang Diệu chỉ rõ hai mối quan tâm chính mà nước này theo sát: chính sách đơn phương và ổn định Trung Đông.
Liên quan tới đơn phương, Bắc Kinh lo ngại rằng, Mỹ sẽ làm xói mòn chuẩn mực các cuộc khủng hoảng quốc tế cần được giải quyết theo con đường đa phương dưới sự giám sát của LHQ. Trung Quốc đã chứng kiến điều này lúc Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush đối với trường hợp Iraq. Trong khi phần lớn thế giới có thể coi Trung Quốc là người khổng lồ trên vũ đài quốc tế, thì Trung Nam Hải có nhận thức gần như đối lập. Vì thế, chuẩn mực quốc tế nhất là ở thời điểm Trung Quốc gặp nhiều thách thức trong hồ sơ nhân quyền, cũng có lợi cho Bắc Kinh bằng cách hạn chế sự phiêu lưu của Mỹ.
Với Trung Đông, Bắc Kinh mong muốn sự ổn định, dù là ở Afghanistan hay Syria. Lo ngại của Bắc Kinh là bất ổn tại Syria có thể khiến tư tưởng cực đoan lan rộng trong khu vực, thậm chí là ảnh hưởng tới vùng Tân Cương. Hỗn loạn tại Syria cũng có thể lan tới các vùng giàu dầu mỏ khác ở Trung Đông, đe dọa nguồn cung cấp dầu của Trung Quốc từ khu vực này.
Để hiểu được những nỗi lo lắng của Trung Quốc, cần phải đánh giá rộng hơn theo tính chất dễ tổn thương và đa diện trong quan hệ Trung Quốc - Trung Đông.
Nhìn chung, chính sách đối ngoại Trung Quốc bị chi phối bởi cảm giác bị bao vây. Về mặt quân sự, họ bị phong tỏa bởi các bên có quan hệ hữu nghị với Mỹ - cường quốc không mong muốn sự trỗi dậy ảnh hưởng từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Myanmar là một số ví dụ. Về mặt kinh tế, con đường cải cách của Đặng Tiểu Bình đã khiến kinh tế Trung Quốc gắn bó với kinh tế Mỹ. Nguồn cung cấp năng lượng của họ phụ thuộc vào những lộ trình vận chuyển được Mỹ bảo hộ cũng như môi trường an ninh đầy thách thức tại Trung Á và Trung Đông. Về mặt xã hội và chính trị, các tổ chức nhân quyền và giá trị phương Tây đang thâm nhập vào cộng đồng dân cư Trung Quốc. Bối cảnh này khiến Trung Quốc luôn cảm thấy bất an.
Trung Đông đặc biệt ít năm qua vô cùng bất ổn. Việc Muammar Gaddafi của Libya và Muhammad Morsi của Ai Cập bị lật đổ đã tác động lớn tới Trung Quốc trong nước cũng như quốc tế. Ở nước ngoài, cả Gaddafi và Morsi đều là đồng minh của Trung Quốc. Bắc Kinh từng bỏ phiếu trắng tại LHQ nhằm thiết lập vùng cấm bay tại Libya, nhưng khi chiến dịch quân sự dẫn tới việc sụp đổ của Gaddafi kết thúc, Bắc Kinh lại cáo buộc các nước do Mỹ dẫn đầu đã vượt quá xa tinh thần nghị quyết.
Bài học Trung Quốc rút ra là: Mỹ không đáng tin cậy trong các chiến dịch can thiệp ở nước ngoài. Số phận của Morsi cũng đem lại điều không may với Trung Quốc. Morsi khiến cho Ai Cập trở thành một đồng minh mới của Trung Quốc kể từ khi Hosni Mubarak từ lâu chịu ơn Washington. Nhưng quyền lực của Morsi lại không kéo dài. Trung Quốc ngày càng bị cô lập trong vấn đề Trung Đông và quyền lực mềm mà họ theo đuổi ngày một sụt giảm do ủng hộ những nhà lãnh đạo không được mến mộ.
Động thái của Bắc Kinh không phải là sự liên minh với Nga để đối trọng Mỹ cùng đồng minh tại LHQ. Trong khi Nga có thể chơi trò địa chính trị, thì cuộc chơi của Trung Quốc lại khác hẳn. Quyết định của Bắc Kinh về Syria dựa trên sự bất an, nhất là ở Trung Đông. Bắc Kinh không tin vào cộng sự Mỹ. Sự thâm hụt lòng tin do bất an chỉ tạo ra thêm nhiều khó khăn với Mỹ khi cuộc khủng hoảng Syria tiếp tục lan rộng.
Minh Tâm (theo Diplomat)