Góp phần thay đổi tư duy về nông thôn là giá trị quan trọng của phong trào Nông thôn mới.

LTS- Tuần Việt Nam giới thiệu cuộc trò chuyện 3 kỳ với TS. Đặng Kim Sơn, chuyên gia tư vấn độc lập về chính sách nông nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, về Chương trình Xây dựng Nông thôn mới của Việt Nam qua 5 năm thực hiện. Đây là một chủ đề đang được dư quan đặc biệt quan tâm thảo luận.

Chúng ta đã sơ kết về Chương trình Nông thôn mới, và cái được nói nhiều nhất là thành công về mặt hạ tầng cơ sở. Là một người gắn bó với công cuộc này, theo ông thành công của Chương trình Nông thôn mới là những gì?

Ông Đặng Kim Sơn: Trong 5 năm vừa qua, Chương trình Nông thôn mới đã góp phần thay đổi tư duy của nhân dân, giúp mọi người không chỉ nhìn nông thôn như lĩnh vực kinh tế cơ bản, như nguồn tài nguyên cần khai thác hay địa bàn cần trợ giúp nhân đạo mà còn thấy tầm quan trọng tổng hợp của nó.

Thay đổi tư duy về nông thôn là giá trị quan trọng của phong trào Nông thôn mới.

Những cánh đồng manh mún bị chia năm xẻ bảy như những manh chiếu nhỏ lần đầu tiên trở lại liền vùng, liền khoảnh “thẳng cánh cò bay”, như thời hợp tác xã xưa kia, nhưng vẫn thuộc về các hộ nông dân quản lý.

Nhờ sản xuất trên lô lớn, thửa lớn, trong 5 năm qua, tỷ lệ cơ giới hóa tăng vọt, trước thì chỉ có máy cày, máy kéo, máy bơm, gần đây có máy gặt, máy cấy, máy gieo hạt. Những cánh đồng mẫu lớn hình thành ở miền Nam và phong trào dồn điền đổi thửa ở miền Bắc giúp đẩy nhanh tiến trình cải thiện hệ thống thủy lợi, kênh mương cứng hóa, điện cũng đưa được vào tưới tiêu, giống tốt được sử dụng.

Trong làng, nổi bật lên đầu tiên là giao thông nông thôn. Xưa nay vùng đồng bằng Sông Cửu Long chỉ dựa vào thuyền ghe thôi, thì nay bắt đầu phát triển đường bộ, ô tô và xe máy trở thành phương tiện thuận tiện ở nông thôn.

Đặc biệt nữa là miền núi, xưa nay đi lại rất khổ. Nhưng bây giờ, xe máy, xe công nông, xe cơ giới nhỏ rất phổ biến, bởi đường bê tông chạy vào khắp đường làng ngõ xóm. Đó là chưa nói đến là điện, đường, trường, trạm, các trụ sở khang trang, thông tin liên lạc tốt.

Có thể nói bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi đã bảnh bao hơn và nông thôn trở nên “gần gũi” với đô thị hơn trong 5 năm vừa qua.

Nhưng người ta đang bàn luận nhiều về các tiêu chí Nông thôn mới, chẳng hạn vai trò của nông dân không thấy nêu ra.

Định hướng đúng đắn đề ra là xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, lấy nông dân là chủ thể của quá trình phát triển. Giải pháp là “trước hết, phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực tự cường vươn lên của nông dân. Xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hoà thuận, dân chủ, có đời sống văn hoá phong phú, đàm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.”

{keywords}

Góp phần thay đổi tư duy về nông thôn là giá trị quan trọng của phong trào Nông thôn mới. Ảnh minh họa: daidoanket

Thế nhưng, khi đề ra mục tiêu của Chương trình lại nảy sinh vấn đề. Mục tiêu của chúng ta là trong các địa bàn, địa phương, chọn lấy một số xã để tập trung chỉ đạo, tạo ra một bước phát triển hướng theo một số tiêu chí đủ đáp ứng những yêu cầu của một mô hình “nông thôn mới”.

Đến đây, các yếu tố phối hợp hài hoà với công nghiệp, đô thị bị mờ nhạt, việc phát triển nông thôn được tập trung vào một số nội dung cụ thể trong địa bàn xã, các nội dung tổng hợp về đời sống, văn hoá, bị thể hiện lấn át bởi các công trình xây dựng, vai trò chủ đạo của nông dân, yêu cầu vận động tinh thần bị khuất sau sự điều hành của bộ máy chính quyền.

Thiếu đi cái “hồn” phát triển hài hoà toàn nền kinh tế và cái “lực” của tinh thần nông dân, chúng ta chỉ còn chú tâm vào phần “xác” của một “mô hình nông thôn mới”. Thế nhưng, cái “mới” của ngày hôm nay chưa chắc đã là tương lai của ngày mai. Cái “hay” ở địa bàn này, chưa chắc đã phù hợp với địa phương khác. Sự hữu hạn vốn có của thông tin và năng lực không cho phép những người lãnh đạo dù tài giỏi mấy đoán biết được trong tương lai chúng ta sẽ ăn mặc như thế nào, đi lại bằng cái gì, thông tin liên lạc sẽ ra sao, và sống thế nào.

Chúng ta đã thấy rõ cái tưởng tượng của ngày xưa về tương lai nhiều khi rất khác. Do không thể hình dung được về tương lai, nên nếu chúng ta định xây dựng những qui hoạch làng xã, định mẫu nhà, mẫu đường cho tương lai thì thật sự khôi hài.

Quá trình thay đổi của khoa học công nghệ, của tài nguyên môi trường, sự phát triển của trí tuệ con người, sự đa dạng của cuộc sống chỉ được nắm bắt, điều chỉnh, thích nghi bởi sức sáng tạo của chính người dân, của toàn xã hội và đấy mới là tinh thần của Nghị quyết Tam Nông.

Mở đường giao thông là cần thiết, nhưng ở làng cổ mà bắt phá nhưng con đường nhỏ lát gạch nghiêng hàng trăm năm để thay bằng bê tông là không ổn, vùng đồng bào dân tộc đập đi hàng loạt ngôi nhà tường đất cổ truyền nhiều thế hệ để làm nhà xây là rất sai… Chúng ta đã từng mãi mãi than tiếc những đình chùa miếu mạo hồi tiêu thổ kháng chiến. Ngay ở đô thị, chính những khoảng cảnh quan, những công trình cổ còn sót lại đang được mọi người nâng niu như vốn quí.

Vì thế việc qui hoạch ồ ạt, xây dựng toàn bộ các công trình công cộng chính ở nông thôn phải rất cẩn trọng. Phải để cho con cháu chúng ta tiếp tục phát triển từ truyền thống, có điều kiện để nghiên cứu và thay đổi mà không phải hối tiếc.

Ngoài chuyện ý tưởng là chuyện vốn liếng, tài lực. Nếu chúng ta định trong 5 năm dồn sức thực hiện tất cả các tiêu chí tương lai để có những vùng nông thôn mới hoàn chỉnh thì thật là duy ý chí.

Ngân sách của nhà nước đã quá tải, sức dân còn cạn hơn. Vật lộn với cuộc sống thực tại đã khó khăn rồi, định chạy trước một bước, làm nên một số mô hình có các công trình cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm,… cùng một lúc trên nhiều địa phương, là cái không tưởng. Hiện nay, tất cả các tỉnh, vì chạy theo xây dựng cơ bản, vì trông chờ vào vốn nhà nước đã ứng trước tiền của các công ty, của dự án đến 15.000 tỷ.

Liệu khoản tiền này có trở thành nợ xấu không?

Điều quan trọng không phải là con số đó nhiều hay ít, mà là họ sẽ trả bằng cách nào, và làm sao để các địa phương tránh được con đường nợ nần đó trong tương lai?

Ngoài những tỉnh có ngân sách mạnh nhờ phát triển công nghiệp, đô thị, phần lớn các địa phương đều trông cậy vào chuyện bán đất công. Đến bây giờ một là giá đất xuống, hai là nhiều địa phương chả còn đất mà bán nữa, không biết họ trả nợ như thế nào?

Nếu thực hiện đúng tinh thần dựa vào lợi thế, huy động cơ chế thị trường, khoan sức, phát triển nội lực sức dân…, thì chúng ta sẽ thành công giống như khi tiến hành khoán hộ 30 năm trước. Tiền của nhà nước không tăng mà nông nghiệp lên vọt, dân dồn sức đầu tư phát triển sản xuất mà càng ngày lại càng tăng thu nhập.

Trong một số mô hình ông nói tới, đúng là chúng ta đã thí điểm xây dựng một số xã nông thôn mới, nhưng thực ra chúng ta chỉ đạt được sự thay đổi bộ mặt nông thôn, còn nông nghiệp và nông dân vẫn làm chưa  tới, có đúng không?

Phải thẳng thắn rằng với cách quản lý ngân sách vừa qua, với cung cách ra quyết định hiện nay thì mọi cấp quản lý đều chỉ muốn dồn sức vào xây dựng cơ bản. Các lãnh đạo trên thích công trình, dự án vì nó nhìn thấy ngay, vừa được lòng dân, vừa tranh thủ sự ủng hộ của địa phương.

Với lãnh đạo cơ sở, nhiệm kỳ ngắn ngủi, không gì ghi công tích ấn tượng hơn là những công trình xây dựng, có xây dựng mới có bên A, bên B mới xin cho, lại quả dễ dàng.

Vừa rồi, tôi lên Lào Cai. Trên đó có chiếu cho tôi xem bộ phim về hàng chục công trình như trường học làm xong mà không có học sinh đến học, nhà máy nước không hoạt động, chợ làm xong không có người đến mua bán, nhà sinh hoạt cộng đồng làm xong để nuôi bò, cỏ mọc hoang tàn. Hai ba phòng họp xây gần nhau, cái của xã, cái của thôn mà không biết dùng phối hợp… Có biết bao công trình công cộng như thế ở nhiều tỉnh, nhiều địa phương cả miền xuôi, miền ngược. Điểm chung là trong việc xây dựng các công trình này ít có sự tham gia ý kiến của người dân.

Đối với cộng đồng dân cư đấy không phải là tiền, là nguồn lực của nhà nước giao cho họ, chính họ là người quyết định sử dụng như thế nào tốt nhất cho chính mình.  

Vậy làm thế nào người dân không thờ ơ với câu chuyện của nhà nước?

Muốn biến việc “cho” của nhà nước thành việc “làm chủ” của nhân dân thì trước hết phải thay đổi nhận thức và hành động của mọi người.

Phải quản lý làm sao để triệt tiêu thái độ ban phát, xin-cho. Thời đổi mới, đất hợp tác xã giao về cho xã viên đã quét sạch nạn “cường hào mới” ở nông thôn, việc xoá bỏ độc quyền kinh doanh của mậu dịch quốc doanh làm biến mất thái độ “cửa quyền” của đội ngũ mậu dịch viên. Hãy tin chắc rằng việc phân cấp, trao quyền cho cộng đồng chỉ làm an toàn hơn cho chi tiêu công, củng cố mạnh mẽ lòng tin của nhân dân và sức mạnh của chính quyền.

Đồng thời phải giúp người dân tự tin chính mình, vào tập thể cộng đồng để đứng lên làm chủ vận mệnh. Phải thay đổi tâm lý nông thôn mới là chuyện của nhà nước, người dân tham gia đắp cái đường, sửa cái bếp nhà mình cũng chỉ là theo lệnh của chính quyền xã, chứ không vì nhu cầu bản thân. Nếu không tạo được động lực cố gắng và không mở được cơ hội cho con người thì không bao giờ có một phong trào thực sự.

Nhà nước thúc đến đâu thì nó lăn đến đấy, chứ không gắn với người dân, mà nhà nước ở đây là các quan chức cụ thể, có nhiệm kỳ cụ thể, chứ cũng không phải là một chủ thể đồng nhất.

Có phải sự áp dụng các tiêu chí đạt chuẩn Nông thôn mới cho cả nước vẫn cần phải bàn thêm trên bối cảnh mỗi xã có điều kiện khác nhau, miền xuôi cũng khác miền núi?

Các tiêu chí là nội dung chính đã được phê duyệt và thực hiện của cả chương trình. Nếu được bàn thì cần làm rõ mục đích đặt ra tiêu chí.

Ở nhiều vùng phát triển của Trung Quốc, nông thôn mới được định hướng trở thành đô thị, nên các tiêu chí đô thị hoá được đề ra cho phát triển nông thôn.

Ở nhiều nước Bắc Âu, mục tiêu phát triển nông thôn phải bảo tồn văn hoá cổ truyền nên nhiều tiêu trí bảo tồn các giá trị truyền thống được giám sát.

Ở Việt Nam chúng ta cần có định hướng phát triển phù hợp cho từng địa phương nên tiêu chí cũng cần đa dạng.

Ví dụ, những vùng nông thôn định hướng phát triển du lịch kết hợp, như Đường Lâm, ở Bắc Hà (Lào Cai) chẳng hạn, cả làng phải đạt tới các tiêu chí giữ gìn cảnh quan, môi trường, di tích lịch sử, và phát triển dịch vụ, đào tạo nghề du lịch, học ngoại ngữ… Tất nhiên các tiêu chí về kiến trúc nhà cửa, các công trình xây dựng, thậm chí các khía cạnh văn hoá như ăn mặc, ẩm thực,… cũng phải duy trì nét xưa.

Hay như làng nghề Đồng Kỵ, hay Bát Tràng, cả làng chuyên buôn bán hay làm nghề thủ công. Công tác phát triển nông thôn phải đảm bảo cơ sở hạ tầng thuận tiện cho sản xuất kinh doanh, phát triển dịch vụ phục vụ buôn bán, tập kết nguyên vật liệu, cung cấp nguyên vật liệu và vận chuyển hàng hoá. Việc bảo vệ môi trường, xử lý chất thải phải đặt ra nghiêm ngặt như các khu công nghiệp… Việc qui hoạch cơ sở hạ tầng phải đảm bảo thông thoáng, thuận tiện như các vùng đô thị hiện đại. Công tác đào tạo nghề phải gắn với hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Như vậy, mỗi làng, mỗi huyện, mỗi tỉnh, và cả đất nước phải định ra con đường trong tương lai của mình mở ra như thế nào, và từ đó mới có thể đề ra tiêu chí xây dựng và phát triển thực sự phù hợp. Việc đặt ra những tiêu chí chung để cả nước noi theo vừa khó đáp ứng sự đa dạng của mục tiêu phát triển và điều kiện tự nhiên, xã hội của các vùng, vừa tạo ra một cuộc chạy đua không cân sức giữa các vùng có điều kiện kinh tế phát triển thuận lợi với những vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn.

Đón đọc kỳ 2: Nếu cứ cố kiết thì một nửa sẽ rút lui

Vân Anh