Cần đưa sự kiện Gạc Ma 1988 vào chính sử để giáo dục cho thế hệ sau về trang sử bi tráng này của dân tộc. Nếu lãng quên sự kiện Gạc Ma 1988 là có tội với lịch sử, làm tủi vong linh những người đã ngã xuống – tướng Lê Kế Lâm tha thiết.
* Chiến tranh biên giới 1979: nhân chứng và nấm mồ 400 người
* Chiến tranh biên giới 1979: không thể lãng quên
* Không có "gậy thần", nhưng Việt Nam có Cam Ranh
LTS: Đúng vào ngày 14/3 cách đây 28 năm Trung Quốc đã ngang nhiên đưa lực lượng tàu chiến hùng hậu đến tấn công, xâm chiếm đảo Gạc Ma, sát hại 64 chiến sĩ công binh đang làm nhiệm vụ trên đảo không có vũ khí trên tay. Gạc Ma đã đi vào trang sử bi tráng của dân tộc với hình ảnh những người lính siết chặt tay cầm cờ Tổ quốc mặc cho pháo đạn kẻ thù dội vào. “Vòng tròn bất tử” Gạc Ma đã trở thành biểu tượng bất khuất của lòng yêu nước.
Nhân kỷ niệm sự kiện Gạc Ma 1988, Tuần Việt Nam tổ chức cuộc toạ đàm với PGS.TS, Chuẩn tướng Lê Kế Lâm, nguyên Trưởng Đô đốc, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, TS sử học Nguyễn Nhã và TS Hoàng Việt (ĐH Luật TPHCM).
Vòng tròn bất tử Gạc Ma
Nhà báo Duy Chiến: 28 năm đã trôi qua kể từ sự kiện Gạc Ma. Nhiều độc giả muốn hiểu rõ hơn chuyện gì đã xảy ra vào cái ngày 14/3 năm đó?
Tướng Lê Kế Lâm: Trước khi xảy ra sự kiện Gạc Ma, chúng ta đều biết tháng 2/1979, Trung Quốc đem 60 vạn quân xâm lấn 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Đến tháng 3 họ rút quân về nước nhưng từ đó, ngày nào họ cũng dùng pháo cối 100 li,120 li nã sang Việt Nam. Hàng ngày tôi đi giao ban ở Bộ Tổng tham mưu đều được nghe báo cáo hôm nay TQ bắn sang ta mấy vạn quả pháo cối và ta bắn sang TQ mấy trăm quả.
Cứ kéo dài như vậy, đến năm 1987 thì họ bắt đầu gia tăng hoạt động ở Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Trường Sa. Trường Sa có diện tích khoảng 160.000 km2 gồm 100 đảo đất, đá, và bãi san hô. Năm 1988, VN đang quản lý 9 đảo đất và 12 bãi san hô ngầm. Đến khi TQ xuống biển Đông thì không còn đảo đất nào mà chỉ còn lại bãi san hô ngầm và đá thôi.
TQ cho tàu trinh sát đi liên tục suốt nhiều năm để tìm và chiếm đóng những bãi san hô có ý nghĩa chiến lược. Đến tháng 3/1988, họ đã chiếm đóng Thập Châu Viên, Su Bi, Ga Ven và ngày 14/3/1988 thì chúng ta bị mất đảo Gạc Ma.
Thực chất Gạc Ma không phải là đảo mà là bãi đá ngầm nhưng nó có một vị trí chiến lược vì nằm ở giữa các đảo mà chúng ta đang quản lý. Nếu TQ chiếm được Gạc Ma thì họ đã đưa được thế cài răng lược vào giữa vùng đảo của VN.
Phía ta hiểu rõ điều này nên cố gắng cho anh em công binh đến trước. Đến tối 13/3/1988, trên đảo có 48 chiến sĩ công binh. Khi lính TQ đổ bộ thấy cờ VN cắm ở đó thì xông đến để nhổ cờ, dập xuống nước. Anh em chiến sĩ ta cố sức bảo vệ lá quốc kỳ nên xảy ra xô xát bằng dao găm. Ngay lập tức, lính TQ đứng đó không xa dùng tiểu liên bắn quét tất cả 48 anh em chiến sĩ trên đảo.
Cách đảo khoảng 5-6 km lúc đó đang có 2 tàu vận tải cỡ 400 tấn mang số hiệu 604 và 605 là hai tàu chuyên chở các chiến sĩ công binh lên đảo. Đây chính là tàu TQ đã viện trợ cho ta trong chiến tranh chống Mỹ. Tàu chiến TQ đã nã pháo bắn chìm luôn hai tàu này, làm 16 cán bộ và chiến sĩ trên tàu hi sinh. Còn một số anh em kịp lên các xuồng cao su sau đó được Bộ Tư lệnh hải quân cử tàu mang cờ chữ thập đỏ đến cứu.
Cuộc thảm sát 64 cán bộ, chiến sĩ của ta vào ngày 14/3/1988 đã diễn ra như vậy đấy.
TS Nguyễn Nhã: Khi sự kiện Gạc Ma xảy ra thì tôi đang giảng dạy ở khoa Sử, trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM (nay là ĐH Sư phạm).
Đối với tôi, sự kiện Gạc Ma 1988 là một trang sử bi tráng của dân tộc. Tính từ sự kiện hải chiến Hoàng Sa 1974 cho đến sự kiện Gạc Ma 1988, chỉ trong vòng 14 năm đã xảy ra ba cuộc xâm lược của TQ.
Và trong lịch sử các cuộc cuộc chiến tranh xâm lược từ xưa đến nay, có lẽ chưa bao giờ có một trận chiến nào tàn nhẫn đến như thế. Như chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm vừa kể, 64 chiến sĩ công binh tay không vũ khí phải đối đầu với một lực lượng hùng mạnh, nào tàu chiến, nào vũ khí lăm lăm trong tay. Họ đã kiên cường chiến đấu và hi sinh để bảo vệ lá cờ tổ quốc. Hình ảnh ấy quá bi tráng và tôi cho rằng hậu thế phải biết đến, phải nhớ đến.
Vậy mà vừa rồi, khi tôi dạy một lớp cao học về lịch sử, các em có nói rằng không biết gì về sự kiện Gạc Ma cả. Nếu người dạy sử còn không biết thì làm sao học trò biết được. Đấy là điều đáng buồn.
Là một người nghiên cứu về biển Đông, xin TS. Hoàng Việt cho biết tại sao Trung Quốc lại tấn công chúng ta vào đúng thời điểm đó?
TS Hoàng Việt: Nghệ thuật quân sự của TQ là họ đánh dựa vào thế và thời. Khi ấy, thế của VN đang thấp nhất. Sau sự kiện Campuchia, chúng ta bị Mỹ cấm vận và ASEAN quay lưng. Quan hệ của Việt Nam với TQ thì đang trong tình trạng rất xấu sau chiến tranh biên giới 1979.
Việt Nam gần như bị cô lập trên trường quốc tế. Chỗ dựa duy nhất của Việt Nam lúc đó là Liên Xô thì đang khủng hoảng trầm trọng. Chính vì vậy, TQ đã chọn thời điểm tốt nhất để ra tay. Khi sự kiện Gạc Ma 1988 xảy ra, gần như quốc tế không một ai lên tiếng. Đấy là điểm chúng ta cần lưu ý.
Không thể dựa vào ai ngoài chính chúng ta
Nhà báo Duy Chiến: Hải chiến Hoàng Sa 1974 xảy ra khi chính quyền VNCH đang là đồng minh của Mỹ còn sự kiện Gạc Ma 1988 xảy ra khi chúng ta đang là đồng minh của Liên Xô. Đây đều là hai siêu cường lớn nhất thời bấy giờ. Điều đó phản ánh thực chất gì trong các mối quan hệ đồng minh và bài học để lại cho chúng ta?
Ts Hoàng Việt: Chính sách đối ngoại quốc phòng hiện nay của Việt Nam là ba không: không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam và không có hành động quân sự nào sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực chống lại quốc gia khác. Nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao Việt Nam lại đưa ra chính sách này. Tôi nghĩ, những sự kiện bi tráng đã xảy ra là một phần câu trả lời.
Có nhà nghiên cứu cho rằng Việt Nam phải chịu đựng “lời nguyền địa lý” khi ở sát cạnh một ông hàng xóm rất lớn là TQ. Hai là Việt Nam cũng thấm thía cái giá phải trả khi là một trong những nước nhỏ nằm trong bàn cờ của các cường quốc.
Và câu chuyện về Hoàng Sa 1974 và cũng như Gạc Ma năm 1988 cho chúng ta thấy một điều rằng đồng minh chỉ có giá trị nhất định và cái giá trị quyết định vẫn là giá trị nội tại của Việt Nam.
Lấy ví dụ ngay câu chuyện Cam Ranh. Cam Ranh là một căn cứ có thể nói là thuộc loại tốt nhất trên thế giới nên bất kỳ nước lớn nào cũng thèm muốn. Mỹ đã từng làm chủ Cam Ranh, sau đó từ năm 1978 chúng ta ký thoả thuận cho Liên Xô thuê Cam Ranh. Năm 2001, Nga trả lại Cam Ranh cho chúng ta. Từ đó, rất nhiều nước lớn bắn tin muốn thuê cảng nhưng chúng ta chủ trương không cho ai thuê. Thay vì thế, Việt Nam mở cảng đón tàu bè quân sự của tất cả các nước vào sửa chữa hoặc tiếp tế hậu cần.
Nhân đây, tôi muốn nói thêm rằng, chúng ta hay nói rằng Liên Xô, TQ đã giúp đỡ chúng ta rất vô tư trong hai cuộc kháng chiến. Nhưng thực ra không có ai giúp đỡ một ai vô tư hết. Đó là sự thật lịch sử. Nếu họ giúp đỡ chúng ta một cách vô tư thì năm 1988 Việt Nam đã có lực lượng để đối chọi với TQ ở Trường Sa. Tuy nhiên, họ chỉ giúp Việt Nam xây dựng lực lượng đánh ven biển, chứ không vươn xa được ngoài 200 hải lí.
Chúng ta luôn biết ơn Liên Xô và TQ đã giúp đỡ chúng ta trong hai cuộc kháng chiến nhưng nên nhớ rằng họ chưa từng giúp chúng ta về vũ khí tiến công mà chỉ hỗ trợ vũ khí phòng thủ như tên lửa phòng không. Máy bay MIG 21 và tàu chiến loại nhỏ thì chỉ đủ sức đánh ven bờ để phòng thủ thôi trong khi hồi đó Ai Cập đã có MIG25. Ta không có tiền mua, thì chỉ được đến thế thôi.
Thực tế đó nói lên điều gì? Đó là Việt Nam không thể dựa vào ai ngoài chính mình, ngoài sức mạnh nội sinh. Mà sức mạnh nội sinh chính là sức mạnh được lòng dân. Đất nước có 95 triệu đồng bào trong nước và 4,5 triệu con em ở nước ngoài. Đây là sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn. Nếu chúng ta có thể kết thành một khối thì có thể giải quyết mọi thách thức.
Lãng quên là có tội với lịch sử!
Nhà báo Duy Chiến: Như các vị khách mời đã khẳng định, sự kiện Gạc Ma 1988 là một trang sử bi tráng của dân tộc mà chúng ta không được phép lãng quên. Nhưng như Ts Nguyễn Nhã mới chia sẻ, ngay nhiều người dạy sử còn không biết rõ về sự kiện Gạc Ma 1988. Mới đây, báo VnExpress có làm một khảo sát cho thấy trong 7 người, chỉ có 1 người biết về sự kiện Gạc Ma. Trong sách giáo khoa thì đáng tiếc là không có một dòng nào về sự kiện này. Vì sao lại như vậy?
Tướng Lê Kế Lâm: Tôi không rõ lý do vì sao nhưng thực tế đúng là sự kiện Chiến tranh Biên giới tháng 2/1979 và Gạc Ma 14/3/1988 chưa được truyền thông rộng rãi, nhất là nếu so với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Chúng ta hay nói dân tộc phải trải qua cuộc trường chinh 30 năm nhưng với tôi và nhiều nhà quân sự khác, cũng như những người đã từng chứng kiến cuộc chiến 1979, cuộc trường chinh của dân tộc trong thế kỷ XX phải kéo dài đến hơn 40 năm. Bao xương máu đã đổ xuống. Trên biên giới phía Bắc, hang vạn cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh. Rồi trong cuộc thảm sát ngắn ngủi ở Gạc Ma, 64 chiến sĩ đã ngã xuống.
Tôi đề nghị các nhà lãnh đạo xem xét đưa hai sự kiện này vào chính sử để giáo dục cho con em chúng ta hiểu và biết được đất nước chúng ta còn trải qua hai cuộc chiến đấu khốc liệt. Không một lí do gì mà chúng ta quên công lao, quên xương máu của những người đã ngã xuống vì bảo vệ từng tấc đất biên cương, từng hòn đảo của Tổ quốc.
Chúng ta cũng phải nói rõ cho nhân dân TQ biết. Tôi tin có nhiều người dân TQ lương thiện, chính trực cũng không đồng tình với việc làm của các nhà lãnh đạo TQ năm 1979 và 1988.
Thứ hai, tôi đề nghị ngày 17/2 và ngày 14/3 phải là ngày kỷ niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh vì đất nước. Như vậy mới xứng đáng và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân cả nước. Đây đó từng có ý kiến là những ngày kỷ niệm đó nói lên nợ máu của TQ đối với Việt Nam và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình hữu nghị với nhân dân TQ. Tôi cho rằng ý kiến đó mới chỉ nhìn một phía phiến diện. Bởi chúng ta vẫn nói nhiều về cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ nhưng điều đó đâu ảnh hưởng đến hữu hảo hiện tại với nhân dân Pháp và Mỹ?
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn chúng ta, chúng ta chống thực dân Pháp, Mỹ nhưng không chống nhân dân những nước này. Trong hai cuộc kháng chiến đó, bao nhiêu người Pháp, người Mỹ đã xuống đường đấu tranh cho Việt Nam. Nhân dân TQ cũng vậy. Những người hiểu biết và chính trực họ sẽ phản đối những nhà lãnh đạo TQ có tham vọng bành trướng và bá quyền, có tham vọng muốn biến biển Đông thành ra ao nhà của họ.
Một minh chứng rõ ràng là ông Lý Lệnh Hoa, một nhà sử học TQ đã lên tiếng công khai phản đối đường lưỡi bò. Và còn nhiều ông Lý Lệnh Hoa khác.
Bởi vậy, chúng ta kỷ niệm những ngày này để tôn vinh tinh thần tự hào dân tộc, để mỗi người dân ghi nhớ mà đoàn kết lại với nhau. Nhưng chúng ta không bài Hoa, không chống nhân dân Trung Quốc. VN luôn luôn bắt tay hữu nghị và làm ăn với Trung Quốc.
Ts Nguyễn Nhã: Tôi chia sẻ với tướng Lê Kế Lâm nếu chúng ta không đem trang sử đó để dạy cho các thế hệ trẻ thì chúng ta có tội với lịch sử, làm tủi vong linh những chiến sĩ đã hi sinh vì tổ quốc.
Ts. Hoàng Việt: Về mặt khoa học thì lịch sử là tôn trọng sự thật. Cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 và cuộc thảm sát Gạc Ma 1988 cần được trả về đúng với sự thật lịch sử.
Thứ hai, là nó đã là một sự thật lịch sử thì việc công khai nó trên các chương trình học và thậm chí các phương tiện thông tin là hết sức bình thường.
Như tướng Lê Kế Lâm đã nói, cần phải xem lại những ý kiến cho rằng nếu chúng ta nói những chuyện này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ Việt- Trung. Bởi chúng ta nói về quá khứ không có nghĩa là chúng ta đóng băng với tương lai hoặc là với hiện tại. Quá khứ đã xảy ra như vậy thì không thể chối bỏ nhưng chúng ta sẵn sàng vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị hiện tại và tương lai. Hiện nay, TQ đang là đối tác chiến lược toàn diện với VN nên điều này cũng không có gì đáng ngại cả. Phải chăng chúng ta đang quá thận trọng?
Xin cảm ơn các vị khách mời!
Trước việc tàu chiến Trung Quốc xâm nhập vùng biển Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, tháng 3/1988 Việt Nam thực hiện chiến dịch CQ-88, cử các tàu vận tải HQ-604, 605, 505 cùng công binh ra cắm cờ tại cụm đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao (có tên trên bản đồ Việt Nam). Sáng 14/3, khi bộ đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên đảo Gạc Ma thì Trung Quốc đưa nhiều tàu hộ vệ tên lửa đến ngăn cản. Lính Trung Quốc mang vũ khí xông lên đảo cướp cờ, xả súng giết hại các chiến sĩ, bắn chìm tàu HQ 604. Tại Cô Lin, bị Trung Quốc tấn công, thuyền trưởng cho tàu HQ 505 lao thẳng lên đảo, thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền. Tại Len Đảo, HQ 605 bị tàu Trung Quốc bắn cháy và chìm vào sáng 15/3/1988. Sau trận đụng độ, 64 chiến sĩ hy sinh, 9 người khác bị bắt làm tù binh. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đảo, còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ đó. Nguồn: Vnexpress.net |
Tuần Việt Nam