Sự lơ là giám sát việc thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 1999 và năm 2005 đã tạo điều kiện cho các bộ “đẻ” ra hàng ngàn giấy phép con, gây hệ lụy rất nghiêm trọng cho môi trường kinh doanh. Không kiên quyết ở thời điểm này, thì rất có thể tình trạng đó sẽ còn lặp lại sau ngày 1-7 tới. Quan trọng hơn, cơ hội rất lớn để cải cách thể chế sẽ bị bỏ lỡ.

“Làm ngày làm đêm”, “khối lượng công việc khổng lồ”, “công việc gấp 10 lần bình thường”, “chưa từng thấy hiện tượng nào đặc biệt như thế”... là những lời “kêu ca” từ các công chức các bộ trong quá trình rà soát các điều kiện kinh doanh tại một cuộc họp do Bộ Tư pháp chủ trì gần đây.

Điều đáng ngạc nhiên, là cho đến nay, với tinh thần làm việc ấy, sau các cuộc họp liên miên của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, cuộc họp của Bộ Tư pháp, và của cả Chính phủ, chưa bao giờ một danh sách chi tiết về các điều kiện kinh doanh được công bố. Chẳng hạn, có bao nhiêu điều kiện kinh doanh trong các thông tư hiện nay; có bao nhiêu trong số đó được nâng cấp lên nghị định, bao nhiêu được sửa đổi, bao nhiêu được bãi bỏ?

{keywords}

Hàng ngàn điều kiện kinh doanh vẫn được ban hành tại các thông tư cấp bộ, các văn bản của chính quyền địa phương trong suốt 16 năm qua một cách trái luật mà không hề bị tuýt còi. Ảnh: TBKTSG

Một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được Luật Đầu tư quy định cho biết, có tới 6.475 điều kiện kinh doanh, trong đó có 3.299 điều kiện đang quy định tại 170 thông tư, quyết định của các bộ. Đứng đầu danh sách có nhiều điều kiện kinh doanh là Bộ Tài chính (497 điều kiện), tiếp theo là Bộ Công thương (488), Bộ Y tế (466), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (398), và Bộ Giao thông Vận tải (319).

Thế nhưng, báo cáo này nay đã lạc hậu vì trong suốt quá trình từ khi Luật Đầu tư được Quốc hội phê chuẩn cuối năm 2014 tới nay, nhiều điều kiện kinh doanh khác đã được “đẻ ra” trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Nếu Chính phủ không ép các bộ công khai danh sách chi tiết về các điều kiện kinh doanh trong các thông tư hiện nay và trong các nghị định sắp tới, thì không thuyết phục được người dân và doanh nghiệp.

Theo phát hiện của một thành viên của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, đến nay có thêm ít nhất một ngành nghề kinh doanh có điều mới là “dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn” trong Luật Khí tượng thủy văn năm 2015, nâng tổng số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4, Luật Đầu tư lên con số 268.

Ngoài ra, điểm b, khoản 6, điều 15 về “phòng bệnh động vật” trong Luật Thú y năm 2015 đưa ra các yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chính là đặt ra thêm điều kiện kinh doanh. Điều kiện kinh doanh này không có trong danh mục tại Phụ lục 4, Luật Đầu tư là trái với Luật Đầu tư.

Bên cạnh đó, Luật Thú y quy định Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm quy định về điều kiện kinh doanh là trái với quy định của Luật Đầu tư.

Một ví dụ khác, khoản 4, điều 19 về “đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp” trong Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2015 quy định như sau: “Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định cụ thể điều kiện, thẩm quyền, thủ tục cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp”.

Theo tinh thần đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành... Thông tư số 25/2015/TT-BLĐTBXH ngày 13-7-2015 “Quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp” với nhiều điều kiện kinh doanh.

Vấn đề là không chỉ mình Luật Thú y, Luật Giáo dục nghề nghiệp, còn có ít nhất sáu luật khác được Quốc hội thông qua sau Luật Đầu tư đã “cho phép” bộ trưởng quy định về điều kiện kinh doanh. Điều này hoàn toàn trái với quy định tại khoản 3, điều 7, Luật Đầu tư năm 2014: “Bộ, cơ quan ngang bộ, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.”

Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã quy định rõ tại khoản 5, điều 7 là “Bộ, cơ quan ngang bộ, hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh”. Trước đó, để hướng dẫn Luật Doanh nghiệp năm 1999, Nghị định số 03/2000/NĐ-CP ngày 3-2-2000 của Chính phủ cũng đã quy định rõ: “Các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành hoặc các cấp chính quyền địa phương ban hành mà không căn cứ vào luật, pháp lệnh, nghị định quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh các ngành, nghề đó đều không có hiệu lực thi hành”. Có nghĩa là tinh thần cởi trói cho doanh nghiệp đã có từ rất lâu trước Luật Đầu tư năm 2014.

Hàng ngàn điều kiện kinh doanh vẫn được ban hành tại các thông tư cấp bộ, các văn bản của chính quyền địa phương trong suốt 16 năm qua một cách trái luật mà không hề bị tuýt còi!

Mốc 1-7-2016 tới là một cơ hội rất lớn để cải cách. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành rất sát sao, là không nâng cấp một cách cơ học các điều kiện kinh doanh từ thông tư lên nghị định và phải loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, gây phiền hà, làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình rà soát hiện nay chỉ gói gọn trong khuôn khổ các cơ quan nhà nước là bộ chuyên ngành và Bộ Tư pháp mà thiếu sự tư vấn, giám sát của các cộng đồng doanh nghiệp. Vì lẽ đó, nếu không công khai và giải trình danh sách này thì không thể thuyết phục được người dân và doanh nghiệp.

Tư Hoàng (Theo TBKTSG)