Chẳng có gì đảm bảo rằng sau năm 2034, quỹ BHXH lại không đứng trước nguy cơ vỡ, và vấn đề điều chỉnh chính sách về lương hưu sẽ lại không được đặt ra.

Chính sách là công cụ để điều tiết nền kinh tế. Để chính sách phát huy hiệu quả và tạo được sự đồng thuận trong dân chúng thì luôn cần "thỏa hiệp" giữa bên có lợi và bên bất lợi. Nhưng lâu nay, chính sách dường như đang được áp đặt nhiều hơn là sự tương tác hài hòa, và chỉ nhằm tối đa quyền lợi của bên thụ hưởng mà chưa hạn chế thấp nhất thiệt hại của bên bị ảnh hưởng.

Phải chăng là tận thu...?

Năm 2012, dự định bổ sung thêm một đầu phí vào giá xăng dầu của Bộ Giao thông vận tải đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Đặc biệt, nếu biết rằng cơ cấu giá xăng dầu đã có gần 10 khoản thuế và phí, chiếm tới 30% giá thành và trong 1 lít xăng đã có 1.000 đồng phí, bao gồm một phần là phí giao thông.

Công luận cho rằng tất cả các tuyến đường đều đã có thu phí theo từng dự án, nếu thu phí bảo trì đường bộ nữa thì sẽ là phí chồng phí. Hơn nữa, xăng dầu không chỉ để vận hành xe, mà còn được dùng rất nhiều cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác.

Dù vậy, Bộ Giao thông vận tải vẫn quyết thu bằng được loại phí này qua hệ thống chính quyền cơ sở, tổ dân phố, mà nhiều người vẫn cho là tận thu đến hang cùng ngõ hẻm! Nguồn thu từ phí này dự tính là 9.000 tỷ đồng/năm.

Nhưng chỉ sau hơn 1 năm thực hiện, đầu tháng 4/2014, Phó chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội đã phải đặt vấn đề nên chăng dừng thu phí bảo trì đường bộ xe gắn máy. Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu chuyên trách đề nghị Chính phủ xem xét, bởi chi phí để thu rất tốn kém, mất thời gian mà số tiền thu được lại không như kỳ vọng.

Gần đây, các hiệp hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng đang bàn luận sôi nổi về việc Bộ tài chính đề nghị đưa nước ngọt có gas vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo dự kiến, ngân sách sẽ tăng khoảng 1.500 tỉ đồng vào năm 2016 và 1.900 tỉ đồng vào năm 2018 từ nguồn thu này.

Bộ Tài chính cho rằng đưa nước ngọt có gas vào danh mục hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là để "bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng". Nhưng Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) lại cho rằng: "Một người phải uống trên một ngàn lon soda mỗi ngày thì mới có nguy cơ  mắc bệnh ung thư".

Ngoài ra, nguyên nhân gây ra các bệnh tiểu đường, béo phì, gút là do hấp thụ quá lớn lượng đường, đạm từ tất cả các loại thực phẩm hàng ngày nên sẽ là rất oan ức nếu "đổ hết tội" cho gas và dùng gas làm tiêu chí phân loại để đánh thuế.

Nước ngọt có gas không phải là một sản phẩm khu biệt như các mặt hàng xa xỉ khác đang phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây là một sản phẩm đại chúng và phù hợp túi tiền của nhiều người. Do đó, nếu đánh thuế 10% sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đại bộ phận dân chúng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Hơn nữa, liệu Bộ Tài chính đã tính toán việc sụt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để làm số liệu so sánh hay chưa?

{keywords}

...cả những khoản để dành?

Và có lẽ, nhận được sự quan tâm của công luận hơn cả ở thời điểm hiện tại là sự kiện Bộ LĐTBXH đang đề nghị tăng thời gian nghỉ hưu và giảm lương hưu trong dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ mất cân đối thu chi vào năm 2022 và đến năm 2034 thì sẽ bị vỡ. Nguyên nhân được cho là số lượng người đóng ít, mức đóng và thời gian đóng ngắn trong khi mức hưởng lại cao, thời gian hưởng dài.

Thông tin vừa được công bố đã gây hoang mang cho hàng triệu người lao động. BHXH phải được xem như một dạng hợp đồng song vụ, một bên không thể tùy ý sửa đổi bổ sung mà không quan tâm đến ý kiến của bên còn lại. Và chẳng có gì đảm bảo rằng sau năm 2034, quỹ lại không đứng trước nguy cơ vỡ, và vấn đề điều chỉnh chính sách về lương hưu sẽ lại không được đặt ra.

Cứu quỹ bảo hiểm xã hội là cần kíp và phải làm, nhưng cần một phương án lâu dài và toàn diện hơn là đánh vào chính những người lao động. Tăng số lượng người đóng bảo hiểm, giảm thất thu và nợ đọng, chống trục lợi bảo hiểm y tế, bảo hiểm thai sản, bảo hiểm thất nghiệp..., trách nhiệm chính này là của cơ quan quản lý nhà nước.

Việc tăng thời gian nghỉ hưu và giảm lương hưu nếu làm không khéo, cũng sẽ đi ngược lại chính sách chăm lo tốt hơn cho người lao động và quyết định 188/1999/QĐ-TTg về thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ.

BHXH luôn được cho rằng là một khoản để dành của người lao động phòng khi già cả, ốm đau... Nếu cơ quan chủ quản vẫn cương quyết phải "cắt xén" khoản này bằng cách này hay cách khác khi chưa có sự nghiên cứu, đánh giá toàn diện về sức khỏe, thể lực, điều kiện, môi trường làm việc cụ thể của người Việt Nam mà chỉ nhằm "be bờ" quỹ thì e rằng con số chỉ 20% lực lượng lao động tham gia BHXH (trong khi tỷ lệ bắt buộc là khoảng 78%) sẽ còn "teo tóp" hơn trong thời gian tới.

Và "cái túi" Thạch Sanh

Khi đưa ra một đề án, một dự thảo, cơ quan chủ quản thường hướng tới số tiền sẽ thu được hoặc không phải chi mà dường như ít đánh giá những tác động tiêu cực đến xã hội và đời sống của đại bộ phận dân chúng.

Ai cũng biết, cần phải tăng nguồn thu trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cần phải cứu quỹ bảo hiểm để bảo đảm phúc lợi xã hội, nhưng không vì thế mà cứ hết tiền lại nhớ ngay đến cái túi của người dân. Bởi chắc chắn đó không phải là cái túi Thạch Sanh!

Thu ngân sách hoặc các khoản tuơng tự ngân sách là một hoạt động đương nhiên phục vụ cho việc duy trì quản lý nhà nước và phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Suy cho cùng, những khoản tiền này nếu không thu trong dân thì thu ở đâu. Nhưng đôi khi các cơ quan chủ quản đã quá lạm dụng quyền lực nhà nước để đặt người dân vào cái thế đã rồi, không còn sự lựa chọn nào khác.

Trước khi thông qua một chính sách liên quan đến tài chính nào đó, cơ quan chủ quản cũng rất thận trọng khi đưa ra lấy ý kiến đông đảo người dân. Thực tế là dù công luận đồng tình hay phản đối, hầu hết đều vẫn được ban hành, mặc ai nói ngả nói nghiêng. Điều đó cho thấy mục tiêu là ban hành chứ không phải là để nhận được sự phản hồi, đóng góp. Nếu vậy sao còn đưa ra lấy ý kiến?

Rõ ràng, chúng ta đang rất cần những nhà hoạch định chính sách có thể làm "yên dân" thay vì những chính sách được đề xuất theo "tình huống". Có thể rất dễ dàng để làm ra một văn bản quy phạm pháp luật và bắt buộc dân chúng phải tuân theo, nhưng lại thật khó khăn để nói cho họ biết khi hầu bao ngày càng bị xiết chặt thì cần phải làm gì.

Và cứ mỗi khi gặp vấn đề về tài chính trong lĩnh vực của mình, điều đầu tiên mà các cơ quan chủ quản nghĩ được là lại thu từ dân.

Nga Lê

Bài cùng tác giả:

Tăng có mấy trăm triệu đô, cứ làm ầm ĩ!

Trước số tiền đội giá dự án lên tới 339 triệu USD, một vị lãnh đạo ngành GTVT cho rằng: "điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên".

Siêu nhà đến siêu giường: VN 'nhất' thế giới ra sao?

Gần đây, dư luận lại được dịp xôn xao khi một quan chức dõng dạc tuyên bố "Không đâu chăm lo mầm non tốt như nước ta".

Ông Chấn vô tội, người khác không thể vô can

 Sau khi sự thật được phơi bày, công luận tin rằng nếu ông Nguyễn Thanh Chấn vô tội thì một số người khác không thể vô can. Rõ ràng, niềm tin ấy cũng là có cơ sở.