Nhìn lại Hòa đàm Paris, cựu Bộ trưởng Quốc phòng McNamara cho rằng, "mức độ các cơ hội bị bỏ lỡ thực sự là không thể tin được."

LTS: 40 năm đã trôi qua kể từ ngày chúng ta kết thúc đàm phán tại Hội nghị Paris, với việc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Nhìn lại chặng đường đàm phán kéo dài và căng thẳng ấy, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam từng nêu câu hỏi, liệu đã bao giờ chúng ta bỏ lỡ cơ hội đàm phàn, kết thúc chiến tranh. Đến nay, nhiều tài liệu mật vẫn chưa được giải mã để có câu trả lời.

Từ phía Mỹ, đã có nhiều nỗ lực đi tìm lời giải cho chuyện, có hay không việc bỏ lỡ cơ hội này.  Nhân kỉ niệm 40 năm hòa đàm Paris, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu một trong những nghiên cứu như vậy, như một góc nhìn tham khảo.

Phần 1:

Một khía cạnh quan trọng của sự chuyển đổi Robert S. McNamara quá cố từ một Hàn Chiến Binh (Cold Warrior) tự tin sang một người chỉ trích chính sách ngoại giao bành trướng của Mỹ là trong những năm 1990 ông mong muốn tìm hiểu thời đại Chiến tranh Việt Nam về "các cơ hội bị bỏ lỡ" vốn đã có thể đã ngăn Mỹ và Việt Nam khỏi cuộc xung đột tàn khốc.

Trong Tranh cãi không hồi kết (Argument Without End), vị cựu Bộ trưởng Quốc phòng cho rằng "Có [. . .] những cơ hội hoặc là đã tránh được chiến tranh trước khi nó bắt đầu, hoặc là đã dập tắt nó từ rất lâu trước khi nó diễn ra".

Theo đánh giá của McNamara, việc Mỹ và Bắc Việt không đạt được một thỏa thuận hòa bình có thể chấp nhận được nhau là một trong những thất bại lớn của các mối quan hệ quốc tế thời hậu chiến. Với một nhóm các nhà ngoại giao kỳ cựu, và các viện sĩ ở Mỹ, McNamara đã bàn đến một số sáng kiến hòa bình bên thứ ba với những người đồng nhiệm của Bắc Việt, trong đó có những vật có uy tín lớn như Tướng Võ Nguyên Giáp và Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Trần Quang Cơ.

Trong 6 cuộc họp được tổ chức tại Hà Nội từ tháng 11/1995 đến tháng 2/1998, các bên tham dự đã thảo luận những gì trở nên sai lầm và tìm cách xác định liệu một nền hòa bình đáng tin cậy là có thể trong những năm Johnson. Ngạc nhiên trước mức tiếp thu mà Bắc Việt Nam khẳng định đối với các cuộc đàm phán, McNamara kết luận rằng "mức độ các cơ hội bị bỏ lỡ thực sự là không thể tin được [. . .] , có rất nhiều cơ hội tiến tới một thỏa thuận thông qua đàm phán về cuộc chiến tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 5/1965 đến tháng 10/1967 đã bị bỏ lỡ.'

Vì nhiệm kỳ của McNamara tại Lầu năm Góc kết thúc vào ngày 1/2/1968, Tranh cãi Không Hồi kết không phân tích các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Bắc Việt tại Paris từ tháng 5/1968. Đây là một sự bỏ sót đáng tiếc về các sáng kiến bên thứ ba - còn được biết đến bởi các mật danh MAYFLOWER (Tháng 4-5/1965), XYZ (5-9/1965), PINTA (Tháng 12/1965-tháng 1/1966), MARIGOLD (6-12/1966), SUNFLOWER (1-2/1967) và PENNSYLVANIA (6-10/1967) - căn cứ vào những hoạt động phía sau sân khấu và tất cả có rất ít cơ hội thành công.


Mỹ kí vào bản hòa ước tại HN Paris. Ảnh tư liệu.

Trái lại, các cuộc đàm phán song phương ở Paris từ tháng 5/1968 tới tháng 1/1969 mang lại cho Tổng thống Johnson một cơ hội chắc chắn để kết thúc cuộc chiến: Johnson đã tự loại mình khỏi cuộc chạy đua tổng thống, việc đảm bảo một nền hòa bình thỏa hiệp sẽ thúc đẩy các triển vọng bầu cử của đảng Dân chủ, và rất ít cố vấn cho chính quyền (cả bên trong và bên ngoài) vào thời điểm đó coi "chiến thắng" ở Việt Nam là một khả năng có ý nghĩa.

Nhiều sử gia quốc tế - chẳng hạn như George Herring, Lloyd Gardner và Robert Schulzinger - đã nghiên cứu quãng thời gian quan trọng này như một phần của các dự án sách rộng hơn. Nhưng chỉ có một bài báo hoặc một chương sách phân tích các cuộc đàm phán hòa bình Paris một cách trọn vẹn: Tiểu luận của Herbert Schandler mang tựa đề "Lầu Năm Góc và Các cuộc đàm phán Hòa bình sau ngày 31/3/1968".

Tuy nhiên, tác giả không tham khảo hai nguồn quan trọng đầu tiên: Tài liệu của Cố vấn an ninh quốc gia Walt Rostow tại Thư viện Lyndon Baines Johnson ở Austin, Texas và tài liệu của nhà Đàm phán trưởng W. Averell Harriman tại thư viện Quốc hội ở Washington DC. Hai nhân vật có ảnh hưởng này bất hòa với nhau trong giai đoạn đó, và sự sụp đổ của các nỗ lực của Harriman ở Paris có thể bị quy cho bầu không khí bất thuận lợi ở Washington mà các nhân vật diều hâu như Rostow đã cố hết sức để tạo ra.

Nhưng có nhiều hơn thế trong câu chuyện này, chứ không chỉ sự đấu đá nội bộ đã được phân tích bởi nhiều học giả, chẳng hạn như Graham Allison. Trong một cuộc hội thoại kín hồi tháng 9/1968, Harriman hỏi Bộ Trưởng Quốc phòng Clark Cliford "một cách thẳng thắn, liệu ông có cảm thấy Tổng thống ước được chứng kiến [Phó Tổng thống] Humphrey bị hạ gục [trong cuộc bầu cử Tổng thống] hay không". Sau khi ngừng một lát để dự liệu phản ứng của mình, Cliford trả lời rằng "Nếu ông nhất trí là chuyện này chỉ giữa ông và tôi thì tôi tin rằng ông đã đúng: Tổng thống muốn chứng kiến ông ấy bị đánh bại".

Bực bội bởi sự thiếu quan tâm của Tổng thống Johnson đối với các cuộc đàm phán ở Paris, cả hai người dự đoán rằng, trước tiên, Tổng thống muốn để lại việc kiến tạo hòa bình cho người kế nhiệm của mình, và thứ hai, Johnson tin rằng Richard Nixon sẽ bảo vệ sự độc lập của Nam Việt chắc chắn hơn so với vị Phó Tổng thống của ông, Hubert Humphrey.

Bài báo này phân tích tính logic của tuyên bố đó và kết luận rằng cáo buộc này mang trọng lượng đáng kể. Ngoại trưởng Dean Rusk, Walt Rostow và LBJ đều đành cam chịu trước một chiến thắng của phe Cộng hòa ngày 5/11/1968. Lựa chọn ưa thích của Johnson, trên thực tế, là muốn Nelson Rockefeller, một thành viên Cộng hòa ôn hòa dòng dõi, người ông rất cảm phục, đánh bại Richard Nixon giành sự đề cử ứng viên của Phe Cộng hòa và sau đó giành chiến thắng trong cuộc bầu cử trước đối thủ hoặc Humphrey hoặc Kennedy.

Tuy nhiên, những hy vọng này đã tan thành mây khói vào ngày 8/8 khi Nixon giành được sự ủng hộ của đảng mình. Tổng thống sau đó phải đối đầu với một lựa chọn phiền phức là ông sẽ ủng hộ ai về mặt cá nhân. Hubert Humprey chủ trương rút quân Mỹ khỏi cuộc chiến Việt Nam và tư tưởng chủ bại này là không thể chấp nhận đối với Tổng thống và các cố vấn diều hâu, những người đầu tư quá nhiều sức lực và tín nhiệm cá nhân vào cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản Việt Nam. Trong khi các chính sách bảo thủ trong nước của Nixon là lời nguyền cho những người cấp tiến như Rusk, Rostow, và Johnson, nền tảng địa chính trị của ông không bao giờ bị ngờ vực. Và vì vậy, triển vọng một chiến thắng của Nixon được Tổng thống ngầm chấp nhận - do bị kích động theo hướng này bởi các cố vấn diều hâu của ông - như một lựa chọn ít tồi tệ hơn cả cho vị thế thế giới của Mỹ.

Bốn nhân vật chính trong câu chuyện này được chia làm 2 phe: Một phe gồm Averell Harriman và Bộ trưởng Quốc phòng Clark Clifford - tập trung vào đạt được một thỏa thuận thông qua đàm phán ở Paris mà ràng buộc nghiêm túc với cả Bắc Việt và Nam Việt, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (NLF). Một phe gồm Ngoại trưởng Dean Rusk và Walt Rostow - những người quả quyết rằng bất cứ một nền hòa bình thỏa hiệp nào trực tiếp bao gồm NLF trong một chính phủ liên hiệp Nam Việt Nam sẽ không thể có vào thời của họ. Lyndon Baines Johnson là trọng tài quyết định và ông chọn cách ủng hộ Rusk - Rostow. Cuối cùng, Richard Nixon là người hưởng lợi chính của việc Lyndon Johnson không quan tâm đặt một dấu chấm hết qua đàm phán cho Chiến tranh Việt Nam trong thời kỳ ông làm Tổng thống.

Như Harriman hồi tưởng một cách cay đắng vào tháng 12/1968: "Gần như chắc chắn rằng tính chất mà vấn đề Việt Nam được giải quyết, với lời khuyên của Rusk and Rostow, đã mang lại chiến thắng cho Nixon". Hậu quả u ám nhất của cơ hội hòa bình bị bỏ lỡ ở Paris là thực tế rằng các điều khoản hòa bình cuối cùng được Henry Kissinger và trưởng đoàn đàm phán của Bắc Việt, Lê Đức Thọ, nhất trí vào tháng 1/1973 về căn bản không khác biệt lắm so với những gì Harriman và ông Thọ đã nhất trí ở Paris vào tháng 11/1968. Đã cống hiến quá nhiều thời gian và sức lực như vậy cho cuộc chiến Việt Nam nhưng Johnson không có mong muốn tách rời Nam Việt Nam và ngăn cảnh máu đổ trong những gì, vào lúc đó, là một chính nghĩa quân sự tuyệt vọng.


Chào mừng kí kết HN Paris. Ảnh tư liệu.
Lập luận này có những hàm ý quan trọng đối với "Giả thuyết Trò chơi Hai cấp độ" của Robert Putman. Trong bài viết có tựa đề "Ngoại giao và Chính trị trong nước: Logic của Trò chơi Hai Cấp độ", được International Organization xuất bản năm 1988, Putman cho rằng, các cuộc đàm phán quốc tế giữa các nước diễn ra ở cấp độ trong nước và ở cấp độ quốc tế.

Khi thúc đẩy đàm phán, các nhà lãnh đạo buộc phải đáp ứng các nhu cầu và mối quan tâm của các khu vực bầu cử trong nước bằng việc đưa ra các nhượng bộ và tạo dựng liên minh, trong khi đàm phán quốc tế được theo đuổi với sự suy tính chủ yếu trong đầu: bất cứ thỏa thuận nào cũng sẽ không gây thiệt hại nghiêm trọng cho các khu vực bầu cử trong nước. "Win-sets" xảy ra khi các quyền ưu tiên của các chủ thể ở cả hai cấp độ chồng lấn nhau và vì thế thỏa thuận quốc tế trở thành có thể.

Như Putham kết luận: "Diễn biến gở nhất trong lĩnh vực chính trị so sánh và các mối quan hệ quốc tế trong những năm gần đây là sự công nhận giữa các chủ thể trong  phạm vi của nhu cầu phải tính đến những rắc rối giữa hai [. . .] Nghiên cứu có ảnh hưởng sâu rộng này giờ đây được cần đến để phân tích và đào sâu hơn sự hiểu biết của chúng ta về cách thức những trò chơi như vậy được thực hiện. Thông qua triển khai phương pháp luận lịch sử thế giới, dựa chủ yếu vào các dữ liệu văn khố chưa được tận dụng, bài báo này hưởng ứng tuyên bố của Putnam. Bằng cách làm như vậy, tôi hy vọng sẽ thiết lập được một sự kết nối giữa lịch sử quốc tế và giả thuyết các mối quan hệ quốc tế; hai lĩnh vực mà không tương tác với nhau nhiều như lẽ ra nên thế.

Cuối cùng, thuyết trò chơi hai cấp độ của Putnam rất hữu ích trong việc giải thích lý do tại sao các cuộc đàm phán năm 1968 đã tiến triển như thế, mặc dù không hoàn toàn theo cách ông hình dung lúc đầu.

Do từ bỏ việc đảm bảo một thỏa thuận hòa bình năm 1968, Lyndon Johnson đã cố tình phớt lờ các nền tảng của Đảng Dân chủ - bỏ qua một khối cử tri then chốt - để nhường lại một lợi thế quan trọng cho phe Cộng hòa. Ông từ chối xây dựng một liên minh nội địa thân thiết trong đảng - như giả thuyết của Putnam - thay vào đó, lại chọn cách tặng cho Nixon một cú huých bầu cử quyết định: từ chối một nền hòa bình mà Johnson cho là không có giá trị, mà chính nó vốn gần như chắc chắn giúp cho Humphrey trở thành Tổng thống.

Trong các cuộc đàm phán trực tiếp với Hà Nội, Johnson đề cập đầu tiên và tối quan trọng đến việc đảm bảo cho khả năng Nam Việt Nam tiếp tục tồn tại như một nhà nước - một mục tiêu cơ bản, trong rất nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, tự nhường bước cho một chiến thắng của Nixon - thực vậy, rất tích cực hỗ trợ cho chiến thắng đó bằng sự chây ì của bản thân - trước vị Phó Tổng thống của chính ông là cách có thể chắc chắn nhất để đạt được mục tiêu này.

Các cuộc đàm phán hòa bình Paris, vì thế, cấu thành một trò chơi hai cấp độ theo kiểu đặc biệt nhất. Mục tiêu lấn át của Tổng thống Johnson là bảo vệ sự độc lập của Nam Việt Nam đã đòi hỏi ông phải vứt bỏ logic chính trị của đảng, giao phó cho Humphrey và đảng Dân chủ một số phận u ám, và phớt lờ chiến thuật lá mặt lá trái (nói một cách chính xác là phản nghịch) của chiến dịch tranh cử Nixon là khuyến khích Tổng thống Thiệu của Nam Việt Nam đẩy lùi các nỗ lực về một nền hòa bình thỏa hiệp cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống và một khả năng chiến thắng của Nixon. Tính liên kết của ngoại giao và chính trị trong nước chưa từng rõ ràng hơn thế trong năm cuối cầm quyền của Lyndon Johnson.

Còn nữa

  • David Milne là một giảng viên cao cấp về Lịch sử Chính trị Mỹ tại Đại học Đông Anglia. Ông là một thành viên Fox International tại Đại học Yale năm 2003, một thành viên cấp cao của Viện Gilder-Lehrman về Lịch sử Mỹ, New York City, năm 2005, và ông có tư cách hội viên tại Hiệp hội Triết học Mỹ, Philadelphia, năm 2008. Chuyên khảo đầu tiên của ông, "Rusputin của Mỹ: Walt Rostow và Cuộc chiến Việt Nam" đã được Hill and Wang xuất bản năm 2008. Hiện nay ông đang viết cuốn sách thứ 2, tựa đề tạm thời là Thuyết duy lý trí trong Ngoại giao Mỹ (Intellectualism in American Diplomacy), cho Farrar Straus and Giroux. Tác phẩm của ông đã xuất hiện trên Tạp chí Lịch sử Quân sự, International Affair, The Nation, và the Los Angeles Time