Trong khi Rostow cho rằng phải đẩy Thiệu lên tuyến đầu của đàm phán thì Harriman tin rằng Mỹ và Bắc Việt Nam là hai thành phần chính trong đàm phán.

>> Kỳ 1: Hòa đàm Paris 1968: Trò chơi hai cấp độ?

Sau "Chiến dịch Tết Mậu thân" ngày 30/1/2968 (trong đó những người cộng sản Bắc Việt tấn công tất cả các thành phố và thị trấn lớn ở miền Nam), Lyndon Johnson, với việc tham khảo ý kiến Bộ trưởng Quốc phòng Clark Cliford, người mà ông tin cậy và mới bổ nhiệm - đã đi đến các kết luận về các triển vọng quân sự của Mỹ ở Việt Nam. Tuy các cuộc tấn công của những người cộng sản bị quân Mỹ đẩy lùi, "tia sáng cuối đường hầm" đốt lên cuối năm 1967 hóa ra chỉ là ảo giác.

Chiến dịch này đặt ra một câu hỏi không hề dễ chịu cho chính quyền Johnson: Làm thế nào mà Mỹ có thể thắng cuộc chiến tại Việt Nam nếu như không bảo vệ được ngay cả trung tâm Sài Gòn?

Không thể tìm ra câu trả lời thỏa đáng, Tổng thống Johnson, vào ngày 31/3/1968, thông báo hạn chế ném bom đơn phương, kêu gọi đàm phán hòa bình lâu dài, và cuối cùng nói thêm rằng ông sẽ không tranh cử nhiệm kỳ 2.

Từ đó, Johnson tuyên bố sẽ dành sinh lực của mình cho việc đạt được hòa bình với Bắc Việt Nam. Như Johnson nhớ lại trong hồi ký của ông: "Tôi chưa từng chắc chắn hơn thế về tính đúng đắn của quyết định của mình. Tôi đặt mọi thứ tôi có thể chỉ đạo và mọi thứ bản thân tôi có vào công cuộc tìm kiếm hòa bình [. . .]'. Tổng thống dường như thừa nhận rằng Miền Nam Việt Nam không thể tiếp tục là trách nhiệm của Mỹ một cách vô hạn định, và rằng ngoại giao là chiến lược tin cậy duy nhất còn lại mà ông có thể sử dụng.

Trong một cuộc thăm dò của Lou Harris được thực hiện ngày tiếp sau đó, tỷ lệ phản đối 57% dành cho Johnson đã quay 180 độ sang con số 57% ủng hộ. Nhưng đòn bẩy tín nhiệm ngắn hạn này không thể che khuất thực tế rằng cuộc chiến tại Việt Nam đã vắt kiệt phần lớn sinh khí chính trị của Tổng thống, thứ đã hun đúc ông thành một nhân vật cải tổ thành thạo và đầy sức thuyết phục suốt những năm đầu tiên ở Phòng Bầu Dục.

Ông Lê Đức Thọ và Henri Kissinger tại cuộc hòa đàm Paris. Ảnh tư liệu

Về phần mình, Bắc Việt Nam vui mừng khi thấy Johnson quyết định lùi bước và tìm kiếm hòa bình. "Chúng tôi rất vui về quyết định của Tổng thống Johnson", Đại sứ Việt Nam tại Czechoslovakia nói "Tôi cho rằng điều này sẽ đưa cuộc chiến tới hồi kết. Các cuộc đàm phán giờ đây có thể bắt đầu và chúng có thể bắt đầu sớm".

Để chuẩn bị cho nhóm đàm phán của mình, Johnson chọn W. Averell Harriman, một nhà ngoại giao nổi tiếng và có ảnh hưởng.

Là đặc sứ của Franklin Roosevelt tại London và Moscow trong Thế chiến II, và Thống đốc Dân chủ của New York từ năm 1955 tới 1959, Harriman từ lâu đã tin rằng Chiến tranh Việt Nam chỉ gây hại cho vị thế của Mỹ trên thế giới. Ông cũng muốn đạt được một thỏa thuận mà sẽ mở rộng các triển vọng của phe Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11/1968; khi Phó Tổng thống Hubert Humphrey có thể phải đối mặt với Richard Nixon, một nhân vật mà Harriman không ưa.

Đạt được sự trung lập hóa của Lào năm 1962, Harriman có một bề dày thành tích trong việc kiến tạo hòa binh ở Đông Nam Á. Lyndon Johnson hoàn toàn có lợi khi trao cho Harriman quyền hạn ngoại giao nhằm đạt được một thỏa thuận trước ngày bầu cử 5/11. Đảm bảo một nền hòa bình danh dự bề ngoài sẽ tăng thêm danh tiếng lịch sử của ông và cho người phó một cơ hội tốt hơn để bảo vệ di sản Xã hội Lớn.

Tiếp sau bài phát biểu ấn tượng của Lyndon Johnson ngày 31/3, các chủ thể chính sách ngoại giao then chốt của chính quyền đã khôn khéo giành ưu thế với hy vọng sự vững vàng của các cuộc đàm phán với Bắc Việt Nam sẽ theo sau. Johnson vẫn chưa thông báo rằng Averell Harriman sẽ dẫn đầu tiến trình tìm kiếm hòa bình, nhưng vị chính khách cao niên này nhận ra rằng mình có cơ hội tốt được bổ nhiệm và muốn đảm bảo rằng chiến dịch đánh bom của Mỹ nhằm vào Bắc Việt Nam sẽ không ngáng trở ông đạt được một thỏa thuận.

Ngày 31/3, Tổng thống tuyên bố ngừng một phần chiến dịch ném bom tại vĩ tuyến 20, nhưng các vi phạm của quân đội Mỹ ngày càng nhiều. Vào  ngày 2/4, Harriman viết cho Tổng thống chúc mừng về "thông báo của ông đêm Chủ nhật" song cảnh báo ông rằng sau đó các máy bay ném bom Mỹ đã phá hủy căn cứ không quân Thanh Hóa, và dường như sẽ xử như một trò chơi công bằng đối với bất kỳ một mục tiêu nào "cách Hà Nội 45 dặm và cách Hải Phòng 30 dặm".

Quan ngại các cuộc đàm phán với Bắc Việt Nam sẽ tan vỡ thậm chí trước khi chúng bắt đầu, Harriman viết: "Tôi mạnh mẽ kêu gọi ngài hành động để đảo ngược xu hướng tai hại này. Tôi đề nghị rằng, rõ ràng như ý định của ngài, ngài thông báo chiến dịch ném bom sẽ đặc biệt giới hạn ở phía nam Vinh, nơi rõ ràng là cực bắc của dải đất hẹp miền Bắc Việt Nam".

Sợ rằng thời khắc tài năng lãnh đạo được ngưỡng mộ rộng khắp của mình sẽ bị hủy hoại bởi những viên phi công Mỹ liều lĩnh, Johnson chỉ thị cho Chủ tịch hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Earle G. Wheeler phải giới hạn mọi hoạt động ném bom của Mỹ ở phía nam vĩ tuyến 19 - chứ không phải vĩ tuyến 20 như đã thông báo trước đó.

Đây có thể là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Tổng thống nghe theo lời khuyên của Harriman năm 1968. Tuy nhiên, hạn chế này vẫn không thay đổi, dù ít hay nhiều, trong khoảng thời gian cầm quyền còn lại của Tổng thống Johnson.

Cùng ngày Harrison yêu cầu sự rõ ràng về chiến dịch ném bom, Walt Rostow khuyên Tổng thống rằng "tôi vẫn tin mục tiêu then chốt là buộc Thiệu phải thực hiện trong khoảng thời gian 1 tháng, hoặc đại loại thế, một đề nghị tới Việt Cộng là để họ hoạt động như một đảng chính trị theo Hiến pháp".

Rostow nhận ra rằng, đề nghị này khó có thể nhận được hoan nghênh nồng nhiệt ở Sài Gòn nhưng vẫn tin rằng hành xử của Nam Việt Nam "có thể rất khác nếu họ biết rằng chúng ta muốn họ là thành phần chính trong đàm phán về một thỏa thuận".

Rostow muốn Tổng thống miền Nam Việt Nam Thiệu, không phải là một nhà ngoại giao Mỹ, đóng một vai trò then chốt trong bất kỳ một cuộc đàm phán nào với miền Bắc Việt Nam.

Ông lập luận: Thiệu sẽ chống cự một cách quyết liệt hơn nữa những lời kêu gọi kiềm chế quân đội Mỹ, và sẽ chỉ đồng thuận về một nền hòa bình dựa trên các điều khoản thuận lợi nhất cho đất nước ông ta.

"Nếu không từ bỏ toàn bộ quyền tự do hành động của chúng ta, hoặc cho Thiệu toàn quyền", Rostow thừa nhận, "chúng ta phải thuyết phục cả chính quyền Thiệu (cùng quân đội của ông ta) và người dân miền nam Việt Nam rằng chúng ta sẽ tham vấn chặt chẽ nhất có thể với chính phủ của họ". Cơ hội tốt nhất mà Rostow có được đảm bảo rằng cam kết liên tục của Mỹ dành cho Nam Việt Nam, là phải đẩy Thiệu lên tuyến đầu của đàm phán.

Chiến lược của Rostow nhằm đảm bảo "hòa bình" vì thế lại xung đột trực tiếp với những gì mà nhà đàm phán trưởng của Tổng thống hình dung. Harriman tin rằng Mỹ và Bắc Việt Nam là hai thành phần chính trong đàm phán. Ông hiểu rằng Tổng thống Thiệu sẽ rất căm ghét nỗ lực đạt được một nền hòa bình thỏa hiệp của ông, và thoải mái hơn với triển vọng đặt Nam Việt Nam vào một sự việc đã rồi dựa trên một sự hiểu biết song phương với Hà Nội.

Còn tiếp...

David Milne

(Sam Nguyễn dịch)

Tác giả David Milne là một giảng viên cao cấp về Lịch sử Chính trị Mỹ tại Đại học Đông Anglia. Ông là một thành viên Fox International tại Đại học Yale năm 2003, một thành viên cấp cao của Viện Gilder-Lehrman về Lịch sử Mỹ, New York City, năm 2005, và ông có tư cách hội viên tại Hiệp hội Triết học Mỹ, Philadelphia, năm 2008. Chuyên khảo đầu tiên của ông, "Rusputin của Mỹ: Walt Rostow và Cuộc chiến Việt Nam" đã được Hill and Wang xuất bản năm 2008. Hiện nay ông đang viết cuốn sách thứ 2, tựa đề tạm thời là Thuyết duy lý trí trong Ngoại giao Mỹ (Intellectualism in American Diplomacy), cho Farrar Straus and Giroux. Tác phẩm của ông đã xuất hiện trên Tạp chí Lịch sử Quân sự, International Affair, The Nation, và the Los Angeles Times.