Cho dù có cởi mở đến đâu đi nữa, nhà trường cũng không phải là nơi chạy theo các chuyện phiếm, vẫn phải là nơi giúp học sinh định hình nhân cách, giá trị sống, thế giới quan…

"…Mặc dư luận 'ném đá', giọng ca Từ hôm nay cho biết cô không bị ảnh hưởng nhiều bởi điều này… Hãy hóa thân vào Chi Pu, viết một bài văn tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm kể về một ngày của mình sau khi ra mắt MV Từ hôm nay.” Đó là nội dung trong đề thi Ngữ văn lớp 10 của một trường PTTH gây xôn xao, tranh luận mấy ngày qua.

{keywords}
Chi Pu vào đề thi Ngữ văn lớp 10

Đây không phải là lần đầu tiên một sự kiện, nhân vật của giới giải trí bước vào đề thi PTTH. Hồi tháng 2/2017, đề thi môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc trích bài hát Lạc trôi của nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP và yêu cầu học sinh xác định phương thức biểu đạt, thông điệp...

Những đề thi Ngữ văn mở đã trở nên ngày càng phổ biến trong mấy năm lại đây. Một mặt, nó đem lại cảm giác gần gũi, thời sự, mới mẻ, khác với tính chất khô khan, rập khuân vốn đã bị phê phán nhiều của “văn mẫu”. Tuy nhiên, điều mà không ít giáo viên ngữ văn cũng như dư luận băn khoăn là “mở” đến đâu để vẫn hướng được cho học sinh vào chân - thiện - mỹ, để không trở thành tùy tiện, ngẫu hứng?

Ví dụ, với trường hợp Lạc trôi. Sơn Tùng M-TP là một ca sĩ được giới trẻ hâm mộ. Nhưng chưa nói đến chuyện ca từ khó hiểu, thì giá trị, thẩm mỹ của bài hát cũng là vấn đề đầy tranh cãi.

Câu 1, Phần 2 của đề thi còn yêu cầu học sinh viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về quan niệm hạnh phúc được đưa ra trong đoạn trích. Một thầy giáo đã nhận xét: “…căn cứ câu chữ thì không ai hiểu ca từ của Lạc trôi thực sự muốn nói gì? Cũng không thể lý giải nổi thông điệp lời bài hát. Kiến giải của người ra đề về quan niệm: “Hạnh phúc không bao giờ có sẵn. Hạnh phúc do chính con người tạo nên” lại hoàn toàn “lạc trôi” so với nội dung của ca từ.” [1]

Còn quanh “đề văn Chi Pu”, Tiến sĩ Văn học Phạm Hữu Cường đã nhận xét: “Về mặt sư phạm cũng như về chuyên môn, đề thi này còn nhiều hạn chế như: Tính giáo dục không cao, nhất là khi liên quan đến việc các nghệ sĩ “ném đá” nhau. Do đó, nó có tác động không tốt về mặt giáo dục với các em. Thứ hai, không nên để các em học sinh quan tâm đến những lùm xùm trong giới showbiz vì không phù hợp với lứa tuổi của các em.”[2]

{keywords}
Chi Pu và Sơn Tùng M-TP đều đã được đưa vào đề thi Ngữ văn PTTH

“Mở” không có nghĩa là tùy tiện

Quan sát cách ra đề này thì dường như đang có một sự đánh đồng đề văn “mở”, có tính thời sự nghĩa là có thể gom mọi sự lùm xùm đang xảy ra, kể cả những chuyện vô thưởng vô phạt và vô bổ trong xã hội… để đưa vào đề văn cho các em. Hiểu như vậy chẳng khác nào đang hạ thấp giáo dục, hạ thấp môn văn.

Mặt khác nếu đã bám theo thời sự, tại sao các thầy cô không đi cùng thời sự văn học? Chẳng hạn ra đề thi quanh những cuốn sách có giá trị, đoạt giải thưởng lớn trong và ngoài nước, có nhân vật phù hợp với các em, chứa đựng những vấn đề mang nhân bản, tính thời sự đại, thời đại.

Ví dụ, tôi từng biết cô giáo một lớp trung học (ở nước ngoài) đã cho học sinh đọc cuốn Cuộc đời của Pi (Life of Pi), sau đó cho các em đề văn “Hãy nêu suy nghĩ và cảm tưởng của bản thân về việc vì sao cậu bé Pi lại phải gắng chung sống hòa bình với một con hổ khi cả hai cùng lênh đênh trên chiếc thuyền trôi dạt trên biển sau vụ đắm tàu”.

Đề văn này buộc các em phải đọc kỹ tác phẩm, đồng thời có những suy ngẫm nghiêm túc về suy nghĩ, thái độ, hành vi của Pi khi đối diện với lằn ranh sống - chết, khi cậu buộc phải học cách chung sống với một con thú hoang và cố gắng sống sót. Đây là một đề bài có tính nhân bản rất cao và chỉ cần một bài văn như vậy cũng có thể thay hàng chục bài giảng giáo điều, khuyến khích các em khám phá thế giới, học cách làm người.

Còn nếu đã sử dụng thời sự, nên chọn những câu chuyện có tác động lớn tới việc hình thành nhân cách, lối sống của các em. Ngoài ra, những câu chuyện được chọn nên là những sự việc có tính điển hình, tích cực và đủ phổ biến để không thành đánh đố.

Bởi cho dù có cởi mở đến đâu đi nữa, nhà trường cũng không phải là nơi chạy theo các chuyện phiếm, vẫn phải là nơi giúp học sinh định hình nhân cách, giá trị sống, thế giới quan… Nhất là giờ đây khi nhiều thông tin nhiễu loạn trên mạng xã hội và truyền thông đang ảnh hưởng tới các em, thì trường học phải giúp học sinh biết phân biệt sáng suốt, giữ được sự điềm tĩnh cần thiết, đồng thời có thể truyền cảm hứng mạnh mẽ về những điều tốt đẹp, sự tử tế cho các em.

Ví dụ vừa qua có câu chuyện của sinh viên Vũ Huy Cảng ở Đại học Điện lực. Gia cảnh khó khăn, vừa đi học vừa chạy xe ôm kiếm tiền ăn học, nhưng khi khách đi xe quên 320 triệu đồng gửi trong cốp xe, em đã trình báo công an để trả lại cho người mất. Thử hình dung, số tiền lớn đó có thể giúp em hoàn toàn thay đổi cuộc sống của mình.

Nếu từ câu chuyện này, chẳng hạn các thầy cô ra đề văn “Đặt mình vào vị trí của Vũ Huy Cảng, một sinh viên nghèo đang thiếu tiền ăn học, em sẽ làm gì với số tiền 320 triệu đồng mà khách bỏ quên? Vì sao em lại hành động như vậy?”. Khi đó, đề thi sẽ giúp học trò thu được nhiều bài học có ích cho cuộc sống, giúp các em hướng thiện từ một câu chuyện có thật, một con người tử tế có thật vốn trở nên hiếm hoi trong thời buổi này.

Là một người mẹ, một người quan tâm đến thế hệ tương lai đất nước, tôi rất mong rằng các trường học, thầy cô luôn cân nhắc tới mục tiêu giáo dục và mục tiêu dạy văn trong nhà trường khi ra đề thi, để cho dù đề có “mở” đến đâu cũng phải giữ được những nguyên tắc nền tảng, căn cốt. Chứ “mở” một cách tùy tiện, cực đoan thì e lợi chẳng thấy đâu mà hại thì rất nhiều.

Nguyễn Anh Thi

--------
[1] Có nên đưa lời bài hát 'Lạc trôi' vào đề thi Ngữ văn?, Zing.vn, 16/02/2017.

[2] Tranh cãi Chi Pu vào đề thi Văn, Dân trí, 10/12/2017.