Hầu như không có một cuộc chiến tranh nào diễn ra một cách ngẫu nhiên hay tình cờ (accidental war). Và có vẻ trong trường hợp bán đảo Triều Tiên hiện nay cũng vậy, chiến tranh rất khó xảy ra, bởi nó chẳng có lợi cho bất kỳ bên tham chiến nào.

Chiến tranh ngẫu nhiên rất hiếm xảy ra. Nhiều sử gia đã chứng minh, hầu hết các cuộc chiến ban đầu tưởng chừng như một sự cố (mà đáng nói nhất là Thế chiến thứ nhất), trên thực tế đều bắt nguồn từ chính sách đã được thảo luận kỹ lưỡng của các quốc gia, dù có thể họ không dự tính chiến sự. Mặc dù mỗi cuộc chiến mang một đặc điểm khác nhau, nhưng chúng đều đòi hỏi rất nhiều sự hợp tác và phối hợp.

Như vậy có thể nói, cơ sở để xảy ra một cuộc chiến tranh kiểu tai nạn trên bán đảo Triều Tiên là tương đối thấp. Hàn Quốc, trong tất cả các trường hợp, đều nhận thấy việc giành chiến thắng quyết định trước Triều Tiên không chắc đã tốt hơn duy trì nguyên trạng. Mỹ không thu được lợi ích gì nếu phát động chiến tranh với Triều Tiên ở thời điểm này. Đơn cử, việc đánh chìm tàu Cheonan rõ ràng là một hành động gây chiến, nhưng cả Mỹ và Hàn Quốc đều không muốn tiến hành chiến tranh theo như những điều khoản cam kết với nhau. Trong khi chưa biết nhiều về toan tính chiến lược của Triều Tiên, không có lý do gì để chúng ta nghĩ ràng Triều Tiên muốn chiến tranh, họ chỉ đang thăm dò khả năng và sự quyết tâm của Hàn Quốc, chứ không định đẩy vấn đề theo hướng có thể buộc Seoul phải mạnh tay.

Tuy vậy, vẫn có những điều kiện mà ở đó sẽ làm tăng khả năng xảy ra chiến tranh kiểu sự cố. Nếu các bên liên quan chính không có (hoặc không thể) liên lạc tốt với nhau, họ có thể hiểu nhầm thông điệp được đưa ra nhằm chứng tỏ cam kết hay năng lực của đối phương. Khác biệt văn hóa có thể dẫn tới sự nắm bắt thông tin chưa đúng về cách kẻ thù tiềm tàng đánh giá mối lợi hại của chiến tranh. Xung đột nội bộ luôn làm phức tạp thêm chính sách đối ngoại, khi các nhà lãnh đạo thường hành động theo một logic là đặt số mệnh liên minh cầm quyền của họ lên trên các vấn đề chính sách đối ngoại. Cuối cùng, các nhà lãnh đạo không có toàn quyền kiểm soát các tổ chức quân sự; một tư lệnh pháo binh, phi công chiến đấu hay tiểu đội trưởng chống đối hoàn toàn có thể tự tay kích động chiến tranh. Tất cả những điều kiện trên có thể dẫn tới tình huống bị cảm nhận là đe dọa lợi ích cốt lõi của đối phương.

{keywords}
Ảnh: CNA

Tiềm năng xảy ra chiến tranh ngẫu nhiên cao nhất trong điều kiện công nghệ và các học thuyết cho phép hành động tấn công mau lẹ, và tạo ra những kết quả quyết định tức thời. Chiến tranh có thể xuống thang sau khi xảy ra đụng độ biên giới nhưng một vài cuộc đấu pháo cũng có thể làm leo thang vượt quá tầm kiểm soát nếu cả hai bên hiểu thời điểm tiến hành hành động tấn công là quyết định. Có thể nói rằng, các điều kiện trên bán đảo Triều Tiên hiện nay đã đáp ứng mô tả trên. Mặc dù gần như không có kịch bản nào Triều Tiên có thể giành chiến thắng, nhưng nếu tấn công, Triều Tiên vẫn có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với quân đội và nhân dân Hàn Quốc.

Tương tự, một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ-Hàn vào quân đội Triều Tiên, hay một cuộc tấn công phát động ở giai đoạn rất sớm sau cuộc tấn công Triều Tiên, có thể triệt tiêu đáng kể sức mạnh từ cú đánh đầu tiên của Triều Tiên.

Một chiến dịch như vậy sẽ bao gồm một loạt các cuộc tấn công lớn, phát động từ cả các căn cứ trên biển, trên không và trên bộ, nhằm vào các cơ sở vũ khí, đầu mối thông tin và các chốt hậu cần của Triều Tiên. Các cuộc tấn công này sẽ nhằm giảm thiểu khả năng tấn công của Triều Tiên, đặc biệt đối với những vụ tấn công trực tiếp về phía Hàn Quốc (và có thể cả Nhật Bản). Khả năng phòng thủ của Triều Tiên đến đâu là điều chưa ai biết bởi họ có một lực lượng không quân lớn và một mạng lưới tên lửa đất đối không rộng khắp.

Chương trình hạt nhân Triều Tiên càng làm phức tạp thêm khả năng đánh giá tiềm lực quốc phòng của họ. Nếu Hàn Quốc và Mỹ quyết định tiến hành tấn công phủ đầu, các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên sẽ là một trong những mục tiêu trước nhất. Khả năng tình báo Mỹ và Hàn Quốc xác định chính xác các mục tiêu này (và phá hủy chúng với sự tự tin cao nhất) vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ, nhưng Triều Tiên có thể quyết định sử dụng vũ khí theo cách có thể duy trì sự cân bằng chiến lược và chính trị. Việc sử dụng vũ khí có thể ngăn chặn được sự sụp đổ của chế độ hay không lại là vấn đề hoàn toàn khác; giới lãnh đạo quân sự và chính trị cấp cao có thể coi vũ khí như vị cứu tinh chế độ, cho dù một vụ nổ hạt nhân sẽ càng làm vững chắc thêm quyết tâm tiêu diệt Triều Tiên của Hàn Quốc và Mỹ.

Hai phó giáo sư Daryl Press và Keir Leiber có lý khi cảnh báo về nguy cơ các vụ tấn công nhằm vào cán bộ lãnh đạo Triều Tiên có thể tạo hiệu ứng gây bất ổn. Mỹ có thể hạn chế không tiến hành tấn công trực tiếp nhằm vào giới lãnh đạo Triều Tiên để duy trì một mức độ liên lạc nhất định, và để cho giới lãnh đạo này cơ hội sinh tồn tiềm tàng thay vì leo thang hạt nhân. Tiền lệ của việc không tấn công trực tiếp vào giới lãnh đạo từng xảy ra ở Lybia năm 2011 và Serbia năm 1999. Tuy nhiên, xét mối quan hệ gần gũi giữa chính quyền Kim Jong Un với giới lãnh đạo quân sự cấp cao, và nhà nước của gia tộc họ Kim, khả năng diễn ra một cuộc tấn công là rất cao.

Quan chức quân đội cấp cao Triều Tiên đều là chuyên gia; họ chắc chắn hiểu sức mạnh của các tổ chức quân sự hiện đại của Mỹ và Hàn Quốc, và ý thức việc đánh phủ đầu có thể sẽ là thảm họa đối với triển vọng quân sự của Triều Tiên. Phản ứng phù hợp liên quan đến khả năng thảm bại trong tay của Mỹ và Hàn Quốc chắc chắn sẽ giúp xuống thang khủng hoảng, nhưng các vấn đề chính trị trong nước ở Triều Tiên, tại thời điểm hiện nay, có thể loại trừ khả năng đó.

Do đó, nếu Triều Tiên khiến Mỹ và Hàn Quốc tin rằng chiến tranh là không thể tránh khỏi, chắc chắn Mỹ và Hàn Quốc sẽ bị coi là thiếu trách nhiệm khi không tiến hành tấn công phủ đầu để phá hoại sự chuẩn bị của Triều Tiên. Nếu chiến tranh diễn ra mà không có tấn công phủ đầu, các thành phần đối lập ở cả hai nước sẽ chỉ trích giới lãnh đạo hiện nay là đã không tiến hành các biện pháp để phá hủy khả năng quân sự của Triều Tiên ngay từ điểm xuất phát. Ảnh hưởng chính trị theo logic này rõ ràng rất tồi tệ, nhưng cần phải thấy rõ là cả Seoul và Washington ở thời điểm này đều không tin chiến tranh là không thể tránh khỏi. Ngược lại, nếu Triều Tiên tin rằng không thể tránh khỏi chiến tranh cũng có những ảnh hưởng tệ hại tương tự. Điều này giải thích tại sao Mỹ lại phản ứng chậm chạp và có kiểm soát trước các hành động khiêu khích của Triều Tiên.

Xin nói lại là hiếm có cuộc chiến tranh nào xảy ngẫu nhiên; đa số diễn ra vì các nhà hoạch định chính sách muốn vậy, ngay cả khi những nhà hoạch định chính sách này hoạt động trong điều kiện thông tin nghèo nàn và mù mờ về khả năng thành công. Nếu nhìn vào cán cân sức mạnh hiện nay trên bán đảo Triều Tiên, một cuộc chiến tranh toàn diện dường gần như chắc chắn là điều không thể bởi nó không có lợi cho bất cứ bên nào.

Tuy nhiên, cho dù là một khả năng rất thấp xảy ra chiến tranh kiểu sự cố cũng vẫn đòi hỏi sự quan tâm đúng mức từ các nhà hoạch định chính sách. Seoul, Washington, và có lẽ quan trọng hơn cả là bắc Kinh, nên tiến hành mọi bước đi có thể nhằm đảm bảo một hình thức liên lạc nhất định nào đó giữa hai bên tham chiến tiềm tàng. Mỹ phải rất thận trọng trong việc đánh giá các động thái từ Triều Tiên, ngay khả khi Triều Tiên quyết định mở rộng khiêu khích thành các sự việc như vụ đánh đắm tàu Cheonan hay vụ nã pháo năm 2010.

Điều đó không có nghĩa Mỹ và Hàn Quốc chỉ đơn giản chấp nhận các vụ tấn công như vậy là cái giá cho việc làm ăn, nhưng họ cần phải phản ứng với sự thận trọng cao. Cuối cùng, giới lãnh đạo Triều Tiên phải hiểu rằng tình hình sẽ nguy hiểm với chính bản thân họ như thế nào, và cân nhắc việc rút khỏi miệng hố chiến tranh trước khi thảm họa có thể xảy ra.

Trâm Anh (Theo The Diplomat)