“Không gì có thể thay thế được giáo dục. Các Bộ trưởng, lãnh đạo các tổ chức, tất cả đều nên tích lũy càng nhiều kiến thức càng tốt về vấn đề này” – GS John Savage chia sẻ với Tuần Việt Nam nhân kỉ niệm 50 năm thành lập chuyên ngành “Khoa học máy tính” trường ĐH Brown, Hoa Kỳ.

Thu hút người tài

Ông là một trong những người đầu tiên xây dựng bộ môn "Khoa học máy tính" ở trường ĐH Brown, đây là một bộ môn rất mới mẻ không chỉ với trường Brown mà với cả nước Mỹ thời điểm những năm 1980. Ông có thể chia sẻ những ngày tháng ông bắt đầu xây dựng chuyên ngành này như thế nào?

GS John Savage: Tôi bắt đầu nhận công tác tại ĐH Brown vào năm 1967. Sau đó, tôi cùng với hai đồng nghiệp Andy van Dam và Peter Wegner là những người đã sử dụng Toán học Ứng dụng thành lập chương trình về khoa học máy tính từ năm 1975, cho đến năm 1979 trở thành một khoa. Chúng tôi đã xây dựng chương trình khoa học máy tính rất mạnh, với những bộ môn vượt trội. Chúng tôi cũng chính là những người đại diện cho ngành khoa học máy tính non trẻ lúc bấy giờ ở nước Mỹ.

Tại Brown, chúng tôi may mắn có được những sinh viên xuất sắc nhất trong cả nước. Nơi đây cung cấp cho họ một nền tảng giáo dục không ở đâu có. Đó là khoảng thời gian hết sức thú vị mà tôi được tận hưởng trong suốt 40 năm qua. Tôi luôn thấy rất hài lòng với những gì mình trải qua tại đây.

{keywords}

“Không gì có thể thay thế được giáo dục. Các Bộ trưởng, lãnh đạo các tổ chức, tất cả đều nên tích lũy càng nhiều kiến thức càng tốt về vấn đề này” – GS John Savage. 

Hẳn hồi đó ông và các cộng sự gặp nhiều thách thức và khó khăn trong quá trình xây dựng chuyên ngành mới mẻ này. Ông có nhớ những khó khăn và thách thức hồi đó như thế nào không và làm thế nào ông và các cộng sự đã vượt qua được?

Ban đầu, thách thức mà chúng tôi gặp phải là việc đồng nghiệp ở các khoa khác tỏ ra hoài nghi về ngành khoa học máy tính còn quá mới mẻ. Họ chủ yếu biết đến về lập trình chứ chưa thấy tiềm năng của ngành khoa học máy tính. 

Các nhà khoa học máy tính là tên gọi của những người làm việc chuyên sâu trong lĩnh vực tin học. Công việc của họ là định hình các vấn đề và tìm ra đáp án cho các vấn đề dưới dạng số học, kiến trúc, công cụ… Một khi họ đã tìm ra được giải pháp, họ bắt đầu thực hiện viết phần mềm. Do vậy, người ta có những sự nhầm lẫn về ngành khoa học máy tính và lập trình. Lập trình chỉ là giai đoạn cuối cùng và như tôi đã nói, người ta phải tìm ra cách giải quyết vấn đề trước khi thực hiện nó bằng phần mềm.

Chúng tôi phải xin ý kiến phản biện về đề xuất chương trình học trước Hội đồng xét duyệt của nhà trường, sau đó mới được họ chấp thuận để thành lập chuyên ngành Khoa học máy tính. Từ ngày thành lập, chúng tôi phải thích nghi và phát triển bằng cách thu hút người tài trong bối cảnh các chuyên ngành mới khác cũng không ngừng nổi lên.

Mỗi thành viên trong khoa đều có quan điểm riêng của mình. Họ là những người thành công trong ngành, trong hoạt động nghiên cứu giảng dạy. Họ thành công nhờ lao động miệt mài và có niềm tin vững chắc vào những gì mình làm. Đó là vấn đề chúng tôi gặp phải. Những người giỏi nhất cũng là những người giữ lập trường quyết liệt nhất và đôi khi họ mâu thuẫn với nhau. May mắn là chúng tôi đã xây dựng được một văn hóa trong khoa Khoa học máy tính giúp bảo vệ chúng tôi khỏi những tiêu cực từ sự bất đồng.

Ông có những lời khuyên gì để các trường ĐH ở Việt Nam có thể xây dựng chuyên ngành này thành công như trường ĐH Brown đã đạt được?

Các trường ĐH ở VN nếu muốn phát triển ngành khoa học máy tính có thể cử cán bộ đến học tập một vài năm tại các trường ĐH của Mỹ, Trung Quốc, hay những nơi khác trên thế giới. Mỗi quốc gia có cách tiếp cận khác nhau ít nhiều về lĩnh vực này. Bạn có thể sống ở những môi trường như vậy trong vòng vài tháng, nắm được cách thức vận hành tại đây, sau đó đem những kiến thức thu lượm được cùng với niềm đam mê dành cho môn học đó về áp dụng ở trong nước.

Bản thân tôi đã từng hai lần đến Việt Nam theo chương trình của Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF). Đó là một chương trình tuyệt vời, mang đến cơ hội cho những sinh viên Việt Nam sáng tạo, những người muốn đến Mỹ và theo học các chương trình tiên tiến. Đó là một cách tốt để tiếp cận với cách thức làm việc của người Mỹ, để khi quay trở về, thử xem cách làm của người Mỹ có hiệu quả hay không, và nếu không thì cần có những điều chỉnh gì để có thể áp dụng. Cần bắt đầu với những người có trình độ, năng lực, cử họ ra nước ngoài học hỏi.

Xin chia sẻ với cách làm như vậy, vào thế kỷ 19, hoặc ít nhất là cho đến năm 1900, khi Mỹ muốn tăng cường nghiên cứu khoa học, họ đã tìm đến nước Đức. Tại sao vậy? Bởi vì Đức là nước phát triển nhất ở thời điểm đó về hóa học và vật lý. Ngày nay, về khoa học máy tính, tôi có thể nói rằng Mỹ là nước có nền tảng rất chắc trong lĩnh vực này.

Do vậy mà nhiều nước hiện nay đều cử sinh viên tới đây để đào tạo, một số được chọn ở lại để làm việc tại các trường, trở thành giáo sư, giảng viên, trong khoảng vài năm trước khi trở về và mang theo những gì học được để phát triển đất nước.

Chính quyền thông minh và tầm nhìn dài hạn

Ứng dụng công nghệ để xây dựng các thành phố thông minh đang là mục tiêu mà Việt Nam và các nước đang phát triển quan tâm. Ai cũng biết, thành phố thông minh và bền vững chính là thành phố sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và các phương tiện khác nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động của dịch vụ đô thị. Là một chuyên gia công nghệ thông tin, ông suy nghĩ về vấn đề này như thế nào?

Giả sử như bạn có một chiếc công tơ điện thông minh ở nhà, nó có thể giúp dự đoán lượng điện mà bạn có thể cần và cung cấp sao cho thích hợp. Nhưng cũng có rủi ro gắn liền với việc tự động hóa quá mức. Nếu bạn sử dụng máy tính, bạn có thể bị tin tặc tấn công hoặc thâm nhập. Họ có thể ngắt nguồn điện trong ngôi nhà của bạn và bắt bạn phải trả tiền chuộc thì mới cấp điện lại cho bạn. Đó là một dạng tội phạm.

Do đó, bạn cũng hết sức thận trọng khi sử dụng công nghệ, cần phải biết mình nên có gì để đảm bảo an toàn khi tiến hành tự động hóa hay máy tính hóa bất cứ thứ gì từ một thành phố cho tới một công ty.

Số hóa các dịch vụ công là một trong những mục cho phép tối ưu hoá bộ máy chính quyền trong cuộc hành trình hướng đến Thành phố thông minh. Ông hình dung như thế nào về những bước đi cơ bản hướng đến một thành phố thông minh?

Tôi luôn ủng hộ việc sử dụng hợp lý công nghệ vào việc xây dựng thành phố thông minh nhưng tôi cũng biết chúng ta đã không có đầy đủ hiểu biết về an ninh mạng. Do đó, chúng ta cần rất thận trọng. Tôi nghĩ, những gì một quốc gia có thể và nên làm là học hỏi từ bên ngoài, cử cán bộ đi học hỏi ở những nước tiến bộ sẵn sàng giúp đỡ hay tư vấn. Tôi đánh giá cao hoạt động này khi tôi làm việc ở Bộ Ngoại giao Mỹ.

{keywords}
Ứng dụng công nghệ để xây dựng các thành phố thông minh đang là mục tiêu mà Việt Nam và các nước đang phát triển quan tâm.

Tôi công tác tại ở Bộ Ngoại giao Mỹ trong hơn một năm, từ 2009-2010. Khi đó có một phái đoàn từ Ấn Độ tới thảo luận cùng với chính phủ Mỹ về các vấn đề như vậy. Chính phủ Mỹ đã triệu tập một số cán bộ từ Bộ An ninh Nội địa, Bộ Tư pháp, các viện công nghệ quốc gia và Bộ Ngoại giao. Họ thảo luận trong vài giờ, giúp chính phủ Ấn Độ hiểu rõ hơn về việc nước Mỹ. Chúng tôi tư vấn, với những gì họ đang có, họ có cần nâng cấp hay không, hay cần phải nâng cấp cái gì.

Theo tôi, sự tư vấn từ các chính phủ khác như vậy có ý nghĩa rất thiết thực. Tôi ủng hộ cách làm như vậy để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các mối rủi ro cũng như biện pháp giải quyết.

Theo tôi biết, điều kiện cần để xây dựng thành phố thông minh là có hạ tầng kỹ thuật ITC khung hiện đại, hạ tầng kinh tế xã hội tương thích, kho dữ liệu lớn luôn được cập nhật, công dân thông minh, chuyên gia thông minh, chính quyền thông minh và giải pháp vượt trội. Theo quan sát của ông, những quốc gia đang phát triển, kinh tế còn nhiều khó khăn thì cần tập trung vào những điểm nào để có thể đạt được mục tiêu xây dựng thành phố thông minh?

Không gì có thể thay thế được giáo dục. Các Bộ trưởng, lãnh đạo các tổ chức, tất cả đều nên tích lũy càng nhiều kiến thức càng tốt về vấn đề này. Vấn đề ở đây là làm sao đẩy nhanh tốc độ, sẵn sàng áp dụng tự động hóa, máy tính hóa vào tổ chức, hoạt động kinh doanh và cơ sở hạ tầng.

Chủ đề này đã được Chủ tịch Trần Đại Quang đặt ra với tôi khi tôi gặp ông tháng 10 năm ngoái. Tôi trả lời rằng chúng ta cần soạn một văn bản dài trình bầy ở cấp cao về những kiến thức mà một chính phủ, tổ chức và cá nhân các nhà khoa học máy tính cần biết để nâng các mức độ an ninh của hệ thống máy tính.

Khoa học máy tính đang ngày càng trở nên đa dạng. Và như tôi đã đề cập, nó có tác động tới rất nhiều vấn đề như chính trị, xã hội, kinh tế. Tất cả những khía cạnh khác nhau này cần được xem xét kết hợp, cần được phối hợp cùng với những hiểu biết cụ thể về công nghệ máy tính để đạt được thành công tổng thể.

Ứng phó khủng hoảng

Hacker hiện nay là vấn đề nhức nhối. Đã có nhiều vụ việc hacker tấn công vào các tổ chức nhà nước, doanh nghiệp trên thế giới. Mới đây nhất là sự vụ hacker tấn công mã độc Wannacry nhằm mục đích tống tiền lây lan nhiều quốc gia.

Các bạn nên học hỏi những cách làm áp dụng hiệu quả nhất tại Mỹ để đảm bảo an toàn đối với hệ thống của mình. Không có một câu trả lời đơn giản nào cho vấn đề đó. Mục tiêu tổng thể nên là xây dựng một hệ thống máy tính thật vững chắc để nếu hệ thống máy tính của bạn có bị tấn công, xâm nhập, nó vẫn hoạt động tốt. Bạn cần có hệ thống giám sát trong máy tính đó để phát hiện và tống nó ra khỏi hệ thống. Lĩnh vực này rất rộng và đòi hỏi chuyên môn của không chỉ các nhà khoa học máy tính, mà còn cả chuyên môn của các chuyên gia kinh tế, xã hội, chính trị, ngoại giao.

Tôi là một trong những người xây dựng “Sáng kiến chương trình Taormina nhằm ngăn chặn xung đột an ninh mạng” thuộc Diễn đàn Toàn cầu Boston đóng góp cho Hội nghị thượng đỉnh G7. Trong kế hoạch Taormina, chúng tôi kiến nghị Chính phủ 7 nước tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G7 nghiêm túc xem xét các biện pháp đối phó với hai vấn đề. Thứ nhất, xung đột trong không gian mạng, thứ hai là tin tức giả mạo.

Đối với xung đột trong không gian mạng, chúng tôi tư vấn các chính phủ nên thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro. Tất cả các chính phủ phụ thuộc nhiều vào công nghệ máy tính nên thành lập một trung tâm ứng phó khủng hoảng. Trung tâm này sẽ phối hợp với các trung tâm ứng phó khủng hoảng khác trên thế giới, thảo luận cùng với các chuyên gia và thực hành diễn tập.

Thứ hai, một quốc gia có đội ngũ giỏi về công nghệ máy tính có thể bị cám dỗ lợi dụng để cài đặt virus, phần mềm gián điệp vào hệ thống máy tính của nước khác, có thể để giám sát giao thông, nhưng cũng có thể nhằm phá hoại hệ thống máy tính được cho là có vai trò quan trọng đối với nước đối thủ. Khi nước kia biết được bạn là người cài đặt phần mềm gián điệp, phần mềm độc hại đó vào hệ thống của mình, riêng vấn đề đó thôi đã đủ tạo ra một cuộc khủng hoảng.

Do đó, chúng tôi kiến nghị các nước nên xem xét xây dựng quy định, quy tắc ứng xử theo đó nghiêm cấm hành vi cài cắm phần mềm xấu vào một số hệ thống máy tính nhất định của nhau.

* GS John E.Savage là một trong những người sáng lập chuyên ngành “Khoa học máy tính” trường ĐH Brown, Hoa Kì. Ông từng có thời gian công tác tại Bộ Ngoại giao Hoa Kì. Hiện ông là thành viên Hội đồng các nhà tư tưởng của Diễn đàn Toàn cầu Boston, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục An ninh mạng và Mạng Giáo dục công dân toàn cầu.

Lan Anh thực hiện