Dịp kỉ niệm 60 năm sau Hiệp định Geneva được ký kết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng danh hiệu AHLLNTND cho Đoàn Đại biểu Chính phủ Nhân dân Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tham dự Hội nghị Geneva năm 1954. Đại tá Hà Văn Lâu – nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói được nhận danh hiệu này là một may mắn lớn đối với ông, khi mà ông đã ở tuổi 97 và là một trong năm người cuối cùng của đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị còn sống để chứng kiến ngày này.
Tin thắng trận ở trời Âu
Tháng 3 năm 1954, Đại tá Hà Văn Lâu (khi đó là Cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Quốc phòng) đang gấp rút chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ thì nhận được lệnh theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng tham gia Hội nghị Geneva với vai trò chuyên viên phụ trách vấn đề quân sự cùng với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu. Cùng giúp việc cho Thứ trưởng Tạ Quang Bửu khi đó ngoài có ông Hà Văn Lâu phụ trách về Việt Nam, còn có ông Đặng Tính phụ trách về Lào và ông Thanh Sơn phụ trách về vấn đề Campuchia.
Ông Hà Văn Lâu: "Đó vẫn là chiến thắng ngoại giao lớn của VN" |
Vì thời gian chuẩn bị gấp rút, lại không tham gia đoàn ngay từ đầu, nên ông Hà Văn Lâu đã phải thu thập rất nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan đến tình hình chiến sự ở Việt Nam để phục vụ cho nghiên cứu của đoàn trong một thời gian ngắn trước khi lên đường. Nhờ nhiệm vụ bất ngờ này, Đại tá Hà Văn Lâu đã có cơ hội chứng kiến một trong những thời khắc lịch sử rất quan trọng của đất nước.
Ngày 8/5, đoàn Việt Nam bắt đầu tham gia Hội nghị, thì đêm ngày 7/5, qua đài đối phương cả đoàn mới nhận được tin Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ. Lúc này, dù vẫn chưa liên lạc được với trong nước, nhưng tất cả thành viên trong đoàn đã ôm chầm lấy nhau vui mừng khôn xiết. Không thể nói hết được hạnh phúc của những người Cộng sản Việt Nam đã trải qua 9 năm kháng chiến chống Pháp gian khó, khi cuối cùng, Điện Biên Phủ - nơi người Pháp vẫn tự hào là “bất khả xâm phạm” đã sụp đổ. Triển vọng kết thúc chiến tranh trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết cho Việt Nam. Đêm hôm đó, các nhà báo quốc tế đã đứng chật cứng ở ngoài cổng khu biệt thự nơi đoàn Việt Nam ở để đưa tin về phản ứng của những người Việt Nam sau thắng lợi Điện Biên Phủ.
Tin thắng trận đến Geneva đúng lúc sắp khai mạc hội nghị, nghĩa là vị thế của Việt Nam trên bàn đàm phán đã thay đổi, nên Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phải thức suốt đêm mùng 7/5 để chuẩn bị lại bài phát biểu.
Trong lúc ăn mừng chiến thắng, ông Phạm Văn Đồng cũng không quên nhắc nhở anh em trong đoàn: ta đến Hội nghị với tâm thế tự hào của người thắng trận, nhưng không vì thế mà thể hiện sự kiêu căng, ngạo mạn. Đó cũng là hình ảnh xuyên suốt của đoàn Việt Nam ở Hội nghị Geneva.
Cuộc đàm phán cân não về vĩ tuyến quân sự và những toan tính của nước lớn
Tuy có lợi thế lớn nhờ chiến thắng lừng lẫy ở Điện Biên Phủ, nhưng ở Hội nghị Geneva, đoàn Việt Nam cũng có không ít khó khăn.
Khó khăn lớn nhất là đây là lần đầu tiên ta tham dự một Hội nghị đàm phán quốc tế, quyết định số phận của đất nước, nhưng lại không có bất cứ kinh nghiệm nào trước đó để đối phó với những âm mưu, thủ đoạn của đối phương, chứ không như Hội nghị Paris sau này khi chúng ta đã dày dạn bản lĩnh. Ngay cả việc tham gia hội nghị Geneva cũng không phải do ta chủ động, mà là do Trung Quốc, Liên Xô mời.
Nhà ngoại giao Hà Văn Lâu: "Khi đến hội nghị, Việt Nam yêu cầu lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới, nhưng Pháp khăng khăng đòi vĩ tuyến 18". |
Nhà ngoại giao Hà Văn Lâu kể: “Khi đó chúng ta nắm tình hình thế giới chưa vững, mọi thông tin đều phải dựa vào các nước Trung Quốc và Liên Xô, đặc biệt là Trung Quốc. Ngay cả việc đi lại, ăn ở, đến việc thông tin qua lại với Chính phủ ta ở Việt Nam cũng đều phải nhờ cả vào Trung Quốc. Mà Trung Quốc với Liên Xô lại có những lợi ích không đồng nhất với Việt Nam, nên đương nhiên khi ngồi trên bàn đàm phán, ngoài những thắng lợi thu được, ta không thể tránh khỏi những thua thiệt. Tôi vẫn nhớ trước khi đến Geneva, đoàn dừng chân ở Liên Xô, lãnh đạo Liên Xô đã hỏi đoàn Việt Nam một câu: Sông Bến Hải nằm ở đâu?. Nghĩa là ngay từ đầu, trước khi đàm phán diễn ra, Trung Quốc và Liên Xô đã ngầm quyết định sẽ chọn vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời như sau này ta đã biết”.
60 năm qua, chúng ta hầu như chỉ nói nhiều về thắng lợi ở Hội nghị Geneva, mà chưa nói đến những thiệt thòi, những o ép mà chúng ta phải chịu trên bàn đàm phán. Chính nguyên Thứ trưởng Hà Văn Lâu cũng khẳng định, ở hội nghị Geneva, ta đã chịu nhiều thua thiệt vì những toan tính riêng của các nước lớn.
Khi đến hội nghị, Việt Nam yêu cầu lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới, nhưng Pháp khăng khăng đòi vĩ tuyến 18. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một buổi gặp Chu Ân Lai cũng khẳng định quan điểm của Việt Nam. Nhưng lúc đó Chu Ân Lai chỉ nói nước đôi, ám chỉ việc Việt Nam không có nhiều quyền lựa chọn trên bàn đàm phán.
Nguyên thứ trưởng Hà Văn Lâu kể: Vì không thống nhất được vấn đề này nên đã có lúc hội nghị tưởng như có nguy cơ thất bại. Đó là điều mà cả Trung Quốc và Liên Xô đều không mong muốn, nhất là Trung Quốc. Lúc đó, sức ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Dương ngày càng lớn. Chi tiêu của Pháp cho các vấn đề Đông Dương có tới 80% là chi viện của Mỹ. Mỹ cũng là nước muốn phá hoại hội nghị để nhảy vào thay chân Pháp.
Theo lời cụ Lâu, nếu hội nghị thất bại, Mỹ nhảy vào, thì tình hình ở miền Bắc Việt Nam sẽ rất khó dự đoán. Người Trung Quốc tuyệt đối không muốn một kịch bản mà quân đội Mỹ có thể áp sát biên giới Trung Quốc, đe doạ trực tiếp đến đất nước họ. Cuối cùng, Trung Quốc và Liên Xô đã yêu cầu Việt Nam đồng ý với phương án chọn Vĩ tuyến 17 làm ranh giới cuối cùng. Thời gian hiệp thương tổng tuyển cử cũng từ 1 năm tăng thành 2 năm, khác với mong muốn của chúng ta. Dĩ nhiên sau này như chúng ta đã thấy, hiệp thương tổng tuyển cử đã không xảy ra vì Ngô Định Diệm đã phá hoại hiệp định đã ký.
Ngày 21/7/1954, Hội nghị Geneva kết thúc. Ông Hà Văn Lâu và các thành viên của đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng về nước trong tâm trạng vừa vui vừa buồn: vui vì miền Bắc đã hoàn toàn được giải phóng; độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Đông Dương đã được công nhận. Nhưng cái mất là đất nước bị chia cắt. Như Đại tá Hà Văn Lâu đã nói: “Trong thâm tâm, ai cũng hiểu nền độc lập, hoà bình mà Việt Nam vừa có được sau Hiệp định Geneva là chưa chắc chắn, khi mà vẫn còn đó sự hiện diện của Pháp, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm ở Nam Vĩ tuyến 17. Đúng như những gì nhiều người lo sợ, 2 năm sau Tổng tuyển cử đã không diễn ra với sự phá hoại của Ngô Đình Diệm, mà đứng sau là Mỹ. Dẫu vậy, tôi khẳng định đó vẫn là chiến thắng ngoại giao lớn của Việt Nam. Sau Geneva, chúng ta có thời gian xây dựng lại miền Bắc, xây dựng lại lực lượng quân đội sau 9 năm kháng chiến trường kỳ để chuẩn bị cho những khó khăn sau này, khi đất nước trải qua 20 năm chống Mỹ”.
Lan Hương