-Khi qui định quyền thì rất hay nhưng lại không thiết kế một bộ quy chế, thủ tục để đưa quyền đó vào những hành vi cụ thể. Giống như mua cái xe nhưng nhà nước lại không làm đường cho xe chạy.

Xem phần 1: Không thể tư duy "bắt nhầm" còn hơn "bỏ lọt"

Nhà báo Thu Hà: Tôi có thể hiểu là luật sư có vai trò rất quan trọng, không kém các cơ quan khác như khâu điều tra bên công an, rồi bên kiểm sát hay quan tòa phải không ạ?

Ông Đinh Thế Hưng: Theo tôi, tuy Bộ Luật tố tụng hình sự quy định không được sử dụng lời thú tội của bị can, bị cáo là chứng cứ duy nhất để kết tội nhưng dưới góc độ điều tra, lời khai nhận tội của bị can là nguồn chứng cứ rất quan trọng.

Và, luật sư tham gia tố tụng để thực hiện quyền chứng minh sự vô tội chứ không phải nghĩa vụ chứng minh sự vô tội. 

Chính vì vậy, quan điểm cho rằng đội ngũ luật sư của chúng ta còn ít nên không thể thực hiện điều này là không đúng. Theo tôi, không chỉ quy định quyền im lặng, bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi tới đây cần phải quy định các giải pháp đồng bộ từ việc xác định mô hình tố tụng hình sự, các nguyên tắc, quyền của bên bị buộc tội, người bào chữa, vấn đề chứng minh, chứng cứ…

{keywords}
"Tôi khẳng đinh, quyền bào chữa là quyền tự nhiên của con người"

Tôi khẳng định, quyền bào chữa là quyền tự nhiên của con người. Bất cứ ai khi bị tấn công, phản xạ đầu tiên của họ là không nói gì, thủ thế, hai là phản xạ lại để bào chữa. Nếu họ không thể tự bào chữa thì họ có thể mượn luật sư bào chữa giúp. Đó là quyền con người. 

Hiến pháp và Luật tố tụng hình sự Việt Nam đã qui định quyền bào chữa như vậy. Nhưng có cái dở là khi qui định quyền thì ta qui định rất hay nhưng lại không thiết kế một bộ quy chế, bộ thủ tục để chúng ta đưa quyền đó vào những hành vi cụ thể. Giống như mình mua cái xe nhưng nhà nước lại không làm đường cho xe chạy.

Nhà báo Thu Hà: Để có thể tranh tụng sòng phẳng, minh bạch, luật sư có quyền điều tra độc lập và thu thập chứng cứ độc lập không?

Ông Đinh Thế Hưng: Có một cái gì đó rất là “bao cấp” trong chuyện này. Rất mừng là tố tụng hình sự sửa đổi lần này đưa thêm một quyền quan trọng là Luật sư có quyền thu thập chứng cứ.

Nhưng cái tôi lo ngại ở đây là phải thiết kế một thủ tục nào đó, để cho luật sư họ thực hiện. Ví dụ, nếu luật sư phát hiện chứng cứ nào đó ở cơ quan công quyền, họ đến họ thu thập, thì các cơ quan đó phải có trách nhiệm, nghĩa vụ nào đó để cung cấp.

Nhà báo Thu Hà: Nghĩa là điều tra của luật sư nên độc lập với điều tra của cơ quan điều tra?

Ông Đinh Thế Hưng: Ở một phương diện nào đó là đúng. Bên buộc tội đi thu thập chứng cứ, bên gỡ tội đi thu thập chứng cứ. Nhưng quyền phán quyết cuối cùng là cơ quan trọng tài đứng ra xác định chứng cứ  của bên nào hợp pháp, chứng cứ của bên nào thiếu thuyết phục. Cơ quan này không ai khác chính là tòa án.

Hiến pháp 2013 đã đưa vào những tư tưởng rất tiến bộ của tư pháp là bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý, đảm bảo tranh tụng. Chính vì vậy, bộ Luật tố tụng hình sự sửa đổi tới đây phải thể hiện được tinh thần này của Hiến pháp 2013.

Cơ quan điều tra sẽ gặp khó khăn nhưng cách giải quyết là phải nâng cao năng lực điều tra của chính mình chứ không phải là hạn chế quyền của nghi can!

{keywords}
Có hay không những qui định bó tay luật sư?

Nhà báo Thu Hà: Điều bất cập trong quá trình chứng minh một nghi can có hội hay vô tội  hiện nay là gì? Có hay không những qui định bó tay luật sư?

Ông Đinh Thế Hưng: Lâu nay có người nghĩ luật sư tham gia để gây khó dễ, nhưng có một nguyên tắc khi đi tìm chân lý, có rất nhiều quan điểm khác nhau của các bên. Cùng đưa ra để tranh luận thì sẽ gần đến gần chân lý hơn là chỉ để một bên làm.

Như chị thấy, các vụ án oan sai đáng tiếc vừa xảy ra vừa rồi, nếu có luật sư cùng tham gia tích cực ngay từ đầu thì có thể sẽ không dẫn đến những kết cục oan sai đáng tiếc như vậy. 

Về rào cản đối với luật sư còn ở chỗ thủ tục cho luật sư  gọi là hành chính tư pháp. 

Liên quan đến thủ tục hành chính tư pháp cho luật sư tham gia bào chữa hiện nay cũng bị phàn nàn rất nhiều.

Luật thì qui định rất hay, trong thời hạn 3 ngày phải cấp giấy chứng nhận bào chữa và giấy chứng nhận bào chữa là thứ giấy gì? Hiện nay cũng rất rắc rối. Ở đâu đó tôi cũng nói đùa bảo là giấy chứng nhận này giống như một giấy phép con ảnh hưởng đến việc nhanh chóng tiếp cận nghi can của luật sư.

Ví dụ, luật qui định 3 ngày nhưng trên thực tế lâu hơn, có khi cả tuần, cả tháng. Người cấp giấy chứng nhận đó phải là thủ trưởng cơ quan điều tra, viện trưởng viện kiểm sát, chánh án tòa án các cấp… qui định này cũng là một bất cập tiếp. Như chị biết, lãnh đạo họ thường bận rộn, đâu phải đến một cái là được cấp giấy phép ngay.

Nên chăng thủ tục đó mình nên đơn giản một chút, cho ngay ông điều tra viên, ông kiểm sát viên và ông thẩm phán có quyền cấp chứng nhận và ở đây còn một cái dở nữa là tham gia mỗi giai đoạn tố tụng thì lại cần phải có một loại giấy phép phù hợp với giai đoạn đó.

Nghĩa là mỗi giai đoạn lại phải đi xin một loại giấy phép tương ứng. Giai đoạn điều tra thì sang xin điều tra, kiểm sát thì sang xin kiểm sát, ra tòa phải sang xin tòa… rất, rất nhiều công đoạn.

Thực ra nó chỉ là một. Hiện nay cũng có ý kiến là đơn giản hóa nó bằng cách chỉ cần xuất trình thẻ luật sư, chỉ cần xuất trình hợp đồng bào chữa thì sẽ cho ông tham gia bào chữa. Mục đích chỉ để tiếp cận ngay và nhanh chóng bảo vệ quyền con người của nghi can.

Ngoài ra dư luận còn đồn đoán chuyện ngăn cản luật sư bào chữa như dụ dụ dỗ người nhà bị can, bị cáo đừng mời luật sư, chỉ tốn tiền thôi, không giải quyết được gì đâu.... Nếu quả đúng như thế thì thật đáng buồn thưa chị

Nói gì thì nói quyền con người là trục quan trọng trong Luật tố tụng hình sự mà các quy định cũng như thực tiễn áp dụng nó phải bám vào đó mà vận hành.

{keywords}
"Thực tế cho thấy trong lĩnh vực tư pháp hình sự, hoạt động điều tra của cơ quan điều tra mới chính là chỗ cần tập trung cải cách nhất"

Nhà báo Thu Hà: Vậy thì phải làm sao để cơ quan điều tra, luật sư và tòa án có một bằng chung và không ai dẫm lên chân ai?

Ông Đinh Thế Hưng: Câu hỏi của chị liên quan đến việc phải sửa đổi toàn bộ hệ thống luật tố tụng hình sự Việt Nam đồng thời chuẩn các điều kiện để thực hiện nó trong thực tiễn. Nếu không thì quy định của luật thì rất hay nhưng “treo” để đấy.

Cải cách tư pháp lấy tòa án làm trung tâm. Nhưng thực tế cho thấy trong lĩnh vực tư pháp hình sự, hoạt động điều tra của cơ quan điều tra mới chính là chỗ cần tập trung cải cách nhất, bởi tính chất phức tạp của công việc này và quyền con người dễ bị xâm phạm bởi nhiều lý do trong đó có sự quá đà trong tư duy của những người làm công tác này: Đó là chứng minh tội phạm bằng mọi cách.

Xét cho cùng phát hiện, điều tra để xử lý tội phạm là nhiệm vụ của hệ thống điều tra. Nhưng cần lưu ý, vẫn còn đó phía bên kia của vấn đề là số phận của những người bị tình nghi yếu thế. Vừa phát hiện được tội phạm, vừa bảo vệ quyền con người đó là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn của hoạt động tố tụng hình sự nói chung và hoạt động điều tra nói riêng. Nhưng tố tụng hình sự trong nhà nước văn minh và nhân đạo đặt ra đòi hỏi đó.

Từ những nguyên tắc cơ bản đến những qui định cụ thể. Đầu tiên mình phải xác định tố tụng hình sự là gì. Thực ra phải rành mạch giữa ba bên, một bên buộc tội, một bên gỡ tội và bên kia xét xử. Chúng mình phải thống nhất với nhau như vậy. Gỡ tội, buộc tội phải bình đẳng với nhau. Và ông tòa ở giữa để phán quyết. Chỉ khi mình thống nhất được với nhau như thế sẽ giải quyết được các vấn đề khác.

Và cuối cùng thì sẽ đạt được mong muốn là bảo vệ được quyền con người trong tố tụng hình sự.

Quyền con người trong tố tụng hình sự quan trọng vì có đặc điểm không bị xâm phạm hàng ngày hàng giờ nhưng hậu quả của nó khi bị xâm phạm thì gây hậu quả khủng khiếp, buộc người ta bị tù oan, bắn oan…

Điều đó đã từng xảy ra trong thực tế rồi. Vì vậy, phải tranh luận sòng phẳng, đến nơi đến chốn thì mới tìm ra được chân lý của vụ án.

Nhà báo Thu Hà: Cám ơn ông Đinh Thế Hưng đã tham gia tọa đàm với chúng tôi. Cám ơn quí vị độc giả đã dành thời gian theo dõi. Hẹn gặp lại trong các cuộc trò chuyện tiếp theo của Tuần Việt Nam.

Tuần Việt Nam - Ảnh: Lê Anh Dũng

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC:
            

Không thể tước "vũ khí" rồi... thách đấu

Luật sư khó có thể tranh tụng tại tòa nếu trong tay họ không có công cụ chứng cứ và nắm được diễn biến vụ án. Tước vũ khí xong thách đấu thì bất lợi thuộc về ai là điều không khó để dự đoán.

Nghìn tỷ xây chùa liệu có mua được sự tử tế?

Đừng tưởng một người chăm chút một cây non trong một góc rừng xa xôi không quan trọng bằng một người làm sạch toàn bộ thành phố.

Con đường đưa Việt Nam tới thịnh vượng

Năng lực xã hội chỉ có thể giải phóng nếu ta tôn trọng sự đa dạng, khác biệt, những tiếng nói, quan điểm khác nhau, những đặc tính của một xã hội nhân văn. 

Chính trị gia sáng suốt phải thấu rõ nguồn cơn bất mãn

Một xã hội ổn định là phải có niềm tin giữa người với người, ứng xử với nhau tương kính. Đó chính là vốn xã hội, để có tăng trưởng bền vững. 

Chủ quyền biển Đông: Ta phải tự quyết định số phận mình

"Vấn đề Biển Đông là phức tạp. Nhưng khi trí thức hai nước cùng có nhận định cần gìn giữ hòa bình khu vực và cần có quan hệ hữu nghị giữa hai nước họ sẽ cùng nỗ lực làm cho vấn đề không phức tạp hơn".