-Với văn hóa tiền mặt, văn hóa phong bì, tiền “nổi lên” kia chắc gì đã bằng tiền “chìm xuống” và những khoản ngầm chạy vào túi ai làm sao kiểm soát nổi?

Mới đây, trong một bài phỏng vấn của phóng viên Đất Việt với PGS.TS Nguyễn Hữu Trí, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia, ông chia sẻ: Nếu chúng ta thừa nhận cơ chế thị trường, những người làm quản lý lãnh đạo phải chủ động thiết lập theo luật định chuyện chạy chức, quyền. Chạy công khai thì tiền sẽ nổi lên. Nhà nước quản lý được. Nếu đụng vào luật thì sẽ xử lý và sẽ không có khoản ngầm chạy vào túi ai hết.

Quả thật,  người viết tâm đắc với PGS. TS Nguyễn Hữu Trí ở khía cạnh thẳng thắn về...  sự bất lực.

Ông thừa nhận sự ham muốn quyền lực, ham muốn cống hiến đóng góp cho xã hội là có thật. Quan hệ cung cầu, cơ chế thị trường đã vận hành trong mọi lĩnh vực đời sống nhưng lại không được thừa nhận trong công tác tổ chức cán bộ?

Ông thừa nhận việc chạy chức, chạy quyền là có thật và nếu công khai minh bạch thì việc quản lý kiểm soát dễ hơn, tránh lãng phí thất thoát.

{keywords}
Ảnh minh họa

Ông thừa nhận sự cạnh tranh đem lại các giá trị lớn và bầu cử cũng là một hình thức cạnh tranh. Chuyện “chạy” vào biên chế là có thật, nhưng… đã vào biên chế là không có ra, đã lên cao là không có xuống thấp.

Rõ là,  PGS.TS Nguyễn Hữu Trí đã nhìn thấy được bất cập vô lý trong công tác nhân sự, quản lý cán bộ.  Nhưng đi vào đề xuất của ông về "luật hóa chạy chức, chạy quyền" thì sao?

Với nền văn minh phương Tây, với cách thức tranh cử, ứng cử công khai minh bạch, với lá phiếu tín nhiệm “yes” hoặc “no” rõ ràng, với hình thái kinh tế thị trường thượng tôn pháp luật, thu nhập đúng theo năng lực, các phúc lợi xã hội được đảm bảo, thì việc... chạy đua ứng cử để ngồi lên chiếc ghế cao nhất của ai đó dễ dàng được thừa nhận, vì dân chúng có công cụ để giám sát.

Nhưng ở ta thì sao?

Có một sự lạc quan vô cùng lớn trong lập luận rằng, nếu chạy công khai thì tiền sẽ nổi lên, nhà nước sẽ  quản lý được, nếu đụng vào luật cũng dễ xử và sẽ không còn những khoản ngầm chảy vào túi ai hết.

Ở những thể chế thị trường minh bạch, người ta quản lý tiền tệ bằng tài khoản ngân hàng. Còn với văn hóa tiền mặt, văn hóa phong bì ngấm ngầm ở ta, tiền “nổi lên” kia chắc gì đã bằng tiền “chìm xuống” và những “khoản ngầm chạy vào túi ai” làm sao kiểm soát được?

Đồng ý rằng nước ta có cả rừng luật, cả luật công chức, luật phòng chống tham nhũng… vậy mà vẫn còn có đến 30% công chức cắp ô chưa thanh lý được… Hơn thế nữa, do tính đặc thù của thể chế, hầu như các lãnh đạo ở nước ta đều là đảng viên, họ thuộc lòng những quy định rất rõ ràng và thiêng liêng của Điều lệ Đảng, nhưng thực tế  “một bộ phận không nhỏ” bị xử lý suốt thời gian qua thì sao?

Phương thức cạnh tranh, quan hệ cung cầu, kinh tế thị trường không thể chỉ hiểu đơn thuần bằng đơn vị tiền, quy luật đó chi phối tất cả mọi giá trị. Quy luật đó thể hiện cao nhất ở hai mặt hồng và chuyên, tức là tài năng và phẩm hạnh. Nếu như một nhân sự đạt được cả hai mặt “hồng và chuyên” nhưng “yếu đạn” hơn các nhân sự đang cạnh tranh khác thì tất yếu phải thua do không đủ lực để chạy?

Nếu tính thu nhập lương, đa số từ công chức cho tới các vị lãnh đạo đều phải tằn tiện lắm mới đủ sống, họ lấy tiền ở đâu ra để bắt vào cuộc đua “chạy” chức, “chạy” quyền. Nếu một người trúng cử nhờ tiền “chạy” của các nhóm lợi ích, của mối quan hệ sân sau thì theo quan hệ cung cầu, có ai dám chắc người lãnh đạo ấy không bị chi phối bởi bộ phận đã bỏ tiền ra mua chức danh ấy?

Nếu như “chạy” công khai là một ý kiến hay thì cái hay hơn nữa là cần phải công khai, minh bạch tài sản của tất cả các quan chức. Vậy mà thời điểm bây giờ, chúng ta vẫn chưa làm được?

Tuân thủ kinh tế thị trường trong vấn đề nhân sự, áp dụng cách thức cạnh tranh trong bầu cử, nếu được, nó phải được vận hành trong một cơ chế quản lý tiên tiến, dân chủ, bình đẳng, giám sát tốt, tinh thần thượng tôn luật định. Chứ không phải thay đổi bằng cách... cả làng đua nhau chạy.

  • Minh Phước