Mình phải làm gì để 40 năm sau, đổi thay mình mang đến phải để lại một ấn tượng sâu sắc và mạnh mẽ? Câu hỏi, tôi được phép dành cho riêng tôi? Hay hy vọng chạm đến mọi người?  

Bốn mươi năm, thời gian chỉ là một cái nháy mắt của lịch sử nhân loại, nhưng là hơn nửa đời một con người, là quãng thời gian để đứa trẻ có thể trở thành ông Phó Thủ tướng (Philipp Rosler) hay nhà toán học với giải thưởng Fields danh giá (Ngô Bảo Châu)… chẳng hạn.

Ngày ấy…

Sài Gòn những năm đó là t/p khiến tôi ngạc nhiên, tò mò, háo hức Nhưng khi đó, nói cho công bằng,  t/p chỉ có những tòa nhà nhỏ bé kiến trúc pha trộn kiểu cổ điển Pháp với những ngôi nhà bê tông đúc 01 trệt một lầu cộng với khu ổ chuột…Vậy nhưng, 40 năm sau, Sài Gòn trở thành một vùng đất có nhịp sống hiện đại và những công trình kiến trúc tầm cỡ thế giới, đáng phải ngước nhìn.

Năm 1976, ra khỏi con tàu Thống Nhất 04 ngày 04 đêm, tăng-bo hai quãng, ban ngày ngồi giữa chỗ nối hai toa, đêm đến nằm ngủ dưới sàn, tôi xuống ga Bình Triệu. Ấn tượng đầu tiên của tôi là phong thái văn hóa của bác xe ôm với chiếc Honda 50cc, có  tiếng nổ rất lớn, nhưng cũng là lần đầu tôi được ngồi trên xe máy, mà đây lại là xe Honda của Nhật. Mãi đến những năm 80 ở Hà Nội, chỉ loại các sếp mới có xe máy Simson S51 của Đức.

Đường phố Sài Gòn không hẹp, cũng không đông xe chạy, nhưng cứ đèn đỏ thì bác xe ôm dừng xe, mặc dù chẳng thấy bóng dáng một chú công an canh chừng nào.

Chẳng có việc gì vội, nên tôi nói bác chở đi “dòng dòng” để quan sát “thành phố hoa lệ” và nhờ bác chở đến ngôi nhà cao nhất Sài thành, đứng đếm thấy có 16 tầng, tôi trầm trồ mãi về độ cao này. Đi mấy giờ liền, tiền trả công cho bác ấy có mấy đồng, tương đương vài chục ngàn bây giờ.

Đi qua mấy con phố gần bùng binh nhà thờ Đức Bà, thấy cơ man là sách. Nhiều cuốn chỉ có trong giấc mơ, đang hiện diện trên vỉa hè như cuốn: “Giờ thứ 25” của G.C.Virgil,, “Bác sĩ Zhivago” của B. L. Pasternak, hay sách của các tác giả Việt: Trần Trọng Kim, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Đăng Thục…

Tôi mua một “bị” đầy sách rồi nhờ bác xe ôm đưa đến nhà người quen,  chỉ là địa chỉ viết vội từ một hành khách cùng chuyến tàu, bà vợ của mọt cựu quân nhân... Bà nói, trong thành phố có nhiều khách sạn, nhưng nếu không chê thì, có vài hôm, đến nhà bà ở tạm cho vui.

Nói ở khách sạn là nói thế thôi chứ ngày ấy người Bắc như tôi chưa có khái niệm ở khách sạn. Nhưng do có máu khám phá, tôi cứ lên tàu, định bụng vào đó, nếu không nhờ được ai thì sẽ vào ở nhờ tu viện hoặc chùa nào đó. Người bạn đi trước đã gợi ý này cho tôi, cô ấy bảo: Người Sài Gòn sống rất tinh thần Victor Hugo “Cửa tu viện không bao giờ đóng, cửa nhà thuốc bao giờ cũng mở”…

Vào đến nhà người đàn bà tôi mới quen, ấn tượng mạnh mẽ, đó là vẻ đẹp khác hẳn khi ở trên tàu của bà, bởi hình dáng yêu kiều ẩn trong bộ đồ bằng lụa màu xanh nõn chuối. Hai đứa con của bà khoanh tay lễ phép đứng chào khách lạ. Nhà cửa không quá rộng nhưng cách bài trí rất thẩm mỹ…

Ngày hôm sau, tôi lại đi tiếp, đến nơi được coi là xấu nhất, bẩn thỉu nhất của thành phố mà người ta gọi là khu ổ chuột. Nhìn những gương mặt nhàu nhĩ, những chiếc áo rách hở vai, cảnh sinh hoạt bên dòng kênh, lòng lại thầm nghĩ, di sản của tư bản đây mà…

…. Và ngày nay

Mỗi năm tôi phải vào t/p này ít nhất một lần, vậy mà mỗi lần vào đều thấy một cái mới. Từ những tòa nhà Bitxcon Financial với vật liệu hiện đại, hình dáng giàu tính thẩm mỹ và công năng sử dụng tối ưu, cùng độ cao, tất cả chẳng mấy kém những building tôi đã thấy ở các quốc gia giầu có.

{keywords}
Sài Gòn ngày nay nhìn từ trên cao. Ảnh: Zing.vn

Mỗi độ xuân về đường hoa Nguyễn Huệ rộn ràng. Đêm đến những bảng đèn rực rỡ vui tươi khắp mọi ngả đường. Những không gian xanh được sáng tạo điểm xuyết cho mỗi con phố nhỏ bên mỗi vỉa hè để chữa cho sự chật chội của một hạ tầng đô thị cũ được nâng cấp. Nếu đi quá xuống mạn Hầm Thủ Thiêm, lòng có thể tự hào đôi chút vì đây là con hầm dài nhất Đông Nam Á với 17,8 km, 10 làn xe chạy...

Chắc bạn cũng hiểu, một con ốc vít, một tấm cách nhiệt hay một mét hầm ngầm là cả một câu chuyện dài về sự phát triển kinh tế, khoa học và công nghệ. Những chiếc Honda 50cc đã biến mất, thay vào đó là những xe môtô phân khối lớn, động cơ êm ru, xe hơi nhiều vô kể, bên cạnh những siêu xe mà tính trên toàn thế giới chỉ có vài chục cái…

Kinh tế phát triển, tổng sản phẩm quốc nội của t/p chiếm 21 %, đóng góp hơn 30% ngân sách cả nước. Cả thành phố như một trung tâm mua sắm khổng lồ. Các phòng trà ca nhạc, quán bar, vũ trường, sân khấu… hoạt động sôi nổi với hầu hết gương mặt hàng đầu của giới show biz trong cả nước.

Nhiều khu vui chơi như CV Đầm Sen, Suối Tiên, Thảo Cầm viên… thu hút khách du lịch và người lao động. Nhà hàng, quán ăn nhỏ đến khách sạn nhiều sao có chất lượng  phục vụ và bài trí thẩm mỹ đã làm nên gương mặt thành phố, là một thế mạnh của ngành công nghiệp du lịch. Khu ổ chuột cũng đã được cải thiện khác hẳn. Một Sài Gòn cũ đang lột xác mạnh mẽ, ngày ngày…

Tuy nhiên, không phải tất cả đều đã đổi mới. Không chỉ mùa mưa, ngay cả mùa khô, còn không ít con phố bỗng biến thành “những dòng sông uốn quanh” như thời câu hát Trịnh Công Sơn viết ra 50 năm về trước, bởi hạ tầng quá tải, giải pháp không có. Nạn kẹt xe tắc đường luôn xảy ra. Ý thức chấp hành giao thông, dừng trước đèn xanh đèn đỏ như bác xe ôm ngày nào giờ đã xuống mức rất nhiều.

Bạn tôi, một người chuyển từ Hà Nội vào kể, bây giờ t/p người tứ xứ đổ về. Cái văn hóa ứng xử hoặc cái lễ độ tự nhiên như 02 đứa trẻ Sài Gòn lần đầu tiên tôi gặp vẫn còn nhưng là của hiếm và đôi khi chỉ thể hiện một cách dè dặt. Sách, báo vẫn nhiều, đủ loại trên kệ, trong thư viện hay vỉa hè, nhưng phần nhiều là những cuốn mua vui nhạt thếch, hoặc những tờ báo có tin thời sự, nhưng mình biết cả rồi. Các nhà văn, nhà phê bình văn học tầm cỡ, họ đi đâu rồi nhỉ?

Tình dân thì vẫn thế, chỉ khác cách thể hiện. Nhưng đôi khi cách thể hiện lại làm thay đổi cái tình, vốn chân thực phải là cơ bản. Vẫn có những nhà hảo tâm, âm thầm đứng đằng sau các đóng góp chia sẻ với cộng đồng bằng những bữa cơm, bình sữa. Tiền thuốc bệnh viện thì lại có rất nhiều những nhà từ thiện trống giong cờ mở, lẫn lộn giữa giúp đỡ với PR sản phẩm, khiến cho lòng tin của con người với con người có một khoảng trống… phân vân.

Vẫn biết công bằng của thế giới không phải là chuyện bình quân chủ nghĩa: Lười nhác cũng hưởng thụ như chăm chỉ, lao động giản đơn cũng đòi hỏi tiện nghi như những người tài với hàm lượng chất xám- tri thức cao. Nhưng tôi đã có dịp quan sát gần ở nhiều nước phát triển, thấy họ coi công bằng là sự san sẻ cơ hội việc làm và các phúc lợi xã hội dựa trên tài nguyên quốc gia. Người may mắn, người có tài, hay người có được cơ hội làm giàu trên cơ sở của tri thức chứ không phải trên cơ sở của quan hệ “tầng trên- lớp dưới” thì sẵn lòng chia sẻ một phần của cải của mình.

Những tồn tại vừa nêu ở trên tôi tự bảo, lỗi là ở mình thôi. Mình phải làm gì để 40 năm sau, đổi thay mình mang đến phải để lại một ấn tượng sâu sắc và mạnh mẽ?

Câu hỏi, tôi được phép dành cho riêng tôi? Hay hy vọng chạm đến mọi người?  

Trần Thị Trường