Tổng thống Trump cảnh báo sẽ cho Triều Tiên hứng chịu "cơn thịnh nộ", nhà lãnh đạo Kim Jong Un thì đe dọa tấn công đảo Guam. Dù muốn hay không thì nước Mỹ cũng đã thừa nhận Triều Tiên đã đạt những tiến bộ mới trongchương trình hạt nhân và tên lửa.

Mũi tên ngược chiều

Lời đe dọa thẳng thừng của Tổng thống Mỹ Donald Trump - rằng Triều Tiên sẽ phải chịu “cơn thịnh nộ” của Mỹ – có thể hủy hoại mọi nỗ lực của các quan chức trong nội các của ông từ trước tới nay nhằm hóa giải căng thẳng đang ngày một leo thang tại châu Á.

Nhiều tuần trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã cố gắng xây dựng cái mà ông gọi là chiến dịch “gây sức ép hòa bình”, lôi kéo các đối tác quốc tế vào một nỗ lực chung nhằm thúc đẩy Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân và tên lửa và trở lại bàn đàm phán. Nỗ lực trên cũng là một phần trong thông điệp trấn an gửi tới Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác, rằng mục đích của Mỹ không phải là phá hủy Triều Tiên và thay đổi khu vực này, mà đơn giản chỉ là khuyến khích Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán.

Thông điệp trên là “chìa khóa” cho các nước trên khắp châu Á có quan hệ thương mại và các quan hệ khác với Triều Tiên, đặc biệt là Trung Quốc, nước có tầm ảnh hưởng lớn vì chiếm 90% giao thương của Triều Tiên. Các lợi ích an ninh quốc gia của Bắc Kinh sẽ gặp nguy hiểm nếu nước láng giềng 25 triệu dân này sụp đổ. Nếu chuyện này xảy ra, về mặt chiến lược dài hạn, giới lãnh đạo Trung Quốc lo ngại nguy cơ một bán đảo Triều Tiên thống nhất có thể khiến các lực lượng Mỹ – hiện đang có 28.000 binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc – sẽ hiện diện ngay ở ngưỡng cửa nhà mình.

Đặc biệt, đó còn là một thông điệp rất quan trọng gửi tới các nước như Nga, một thành viên thường trực nắm một lá phiếu phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đang nghi ngờ âm mưu “thay đổi chế độ” của Mỹ.

{keywords}

Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa thẳng thừng rằng Triều Tiên sẽ phải chịu “cơn thịnh nộ” của Mỹ. Ảnh minh họa

Giới chức Mỹ đã bắt đầu thừa nhận rằng họ đã thấy các nỗ lực của ông Tillerson có hiệu quả. Nghị quyết mới nhất của Hội đồng Bảo an LHQ được thông qua ngày 5/8, siết chặt trừng phạt đối với Triều Tiên, nhận được sự ủng hộ của cả Trung Quốc và Nga. Thái độ của Trung Quốc đối với Triều Tiên dường như đang bắt đầu thay đổi, dù rất chậm rãi.

Tuy nhiên, một số quan chức cho rằng các bước đi của Mỹ nhằm tăng cường phòng thủ cho Hàn Quốc, và việc Seoul đáp trả cứng rắn hơn với các vụ phóng thử mới đây của Triều Tiên, cũng đang tạo ra một kiểu sức ép chiến lược đối với Trung Quốc. Nếu Triều Tiên tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhân và tiến hành các cuộc thử nghiệm mới, thì các quốc gia khác trong khu vực sẽ tìm cách tự chế tạo vũ khí hạt nhân hoặc gia tăng nhu cầu hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo trong khu vực. Điều này sẽ làm thay đổi tương quan lực lượng trong khu vực và có thể ảnh hưởng tới đà tăng trưởng kinh tế của khu vực này, yếu tố đóng vai trò sống còn đối với sự ổn định chính trị và kinh tế của Trung Quốc.

Điểm bước ngoặt

Trong phản ứng của mình, quân đội Triều Tiên đã tuyên bố đang “nghiên cứu kỹ” kế hoạch tấn công khu vực quanh đảo Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương bằng tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung và tầm xa. Tuyên bố của hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cũng cảnh báo rằng các động thái quân sự của Mỹ mới đây – cho 2 máy bay ném bom B-1B bay qua khu vực bán đảo Triều Tiên ngày 7/8 – có thể dẫn tới một “cuộc xung đột nguy hiểm”.

Đe dọa này không phải không có cơ sở. Thời gian qua, Bình Nhưỡng đã liên tục tăng tần suất các cuộc thử nghiệm vũ khí. Từ đầu năm 2017, đã có tới hơn 10 quả tên lửa được thử nghiệm, trong đó có 2 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được cho là có khả năng tấn công tận sâu bên trong lãnh thổ Mỹ.

Cứ theo đà này, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Triều Tiên sẽ thử gần 100 quả tên lửa, nhiều hơn gần gấp đôi so với con số 64 quả tên lửa mà nước này thử nghiệm trong 2 nhiệm kỳ dài 8 năm của Tổng thống Barack Obama. Giới phân tích tình báo Mỹ nhận định, dù không kết luận, rằng Triều Tiên đã sản xuất được một đầu đạn hạt nhân thu nhỏ.

Các tiến bộ mới nhất trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã đánh dấu một “điểm bước ngoặt”, đặt Mỹ đứng trước hai lựa chọn tồi: một chế độ không kiên định có vũ khí răn đe hạt nhân, hoặc một cuộc chiến tranh hủy diệt. Với khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và phóng đi bằng tên lửa, Triều Tiên có thể tấn công hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Nhật Bản và Hàn Quốc bất cứ lúc nào, khiến toàn bộ sức mạnh răn đe của Mỹ tại Đông Bắc Á nhanh chóng biến mất.

Đặt gì lên bàn đàm phán?

Các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên, hiện là chiến thuật đang được quốc tế ưu tiên áp dụng, nhưng đang chứng tỏ là vô tác dụng. Các lựa chọn quân sự thì quá nguy hiểm: bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào các mục tiêu quân sự và hạt nhân ở Triều Tiên chắc chắn sẽ dẫn tới một cuộc trả đũa mạnh mẽ nhằm vào Hàn Quốc. Một số chuyên gia chỉ ra, “khe cửa hẹp” cho lựa chọn của Mỹ bây giờ là đàm phán và phải ngồi vào bàn thương lượng với nhận thức rằng Triều Tiên đã là một nước sở hữu vũ khí hạt nhân dù không công khai thừa nhận điều này.

Nếu không đạt thỏa thuận nào, Triều Tiên sẽ lại tiếp tục thúc đẩy chương trình hạt nhân và tên lửa, và kết quả sẽ thực sự nghiêm trọng. Trong một tương lai gần, Triều Tiên sẽ chế tạo được và triển khai một tên lửa ICBM sử dụng nhiên liệu cứng - chỉ mất vài phút để chuẩn bị cho vụ phóng, và rất khó định vị để loại bỏ.

Một tiến bộ khác có thể diễn ra trong tương lai gần là việc chế tạo một đầu đạt hạt nhân nóng, một loại vũ khí hạt nhân mạnh. Chưa biết độ chính xác của các tên lửa Triều Tiên hiện như thế nào, nhưng vấn đề này sẽ chỉ là chuyện nhỏ nếu chúng được trang bị đầu đạt hạt nhân mạnh.

Mặt khác, nhiều khả năng trong thời gian đó, các kỹ sư Triều Tiên sẽ hoàn thiện các công nghệ nhằm giảm hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, như hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), vốn được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn hơn. THAAD thường được mô tả là dùng một đầu đạn đánh chặn một đầu đạn, nhưng chưa chắc chắn rằng quân đội Mỹ sẽ có thể đánh chặn nhiều tên lửa tinh vi hơn với nhiều đầu đạn.

Một số chuyên gia chỉ ra, để ngăn chặn nguy cơ trên, chỉ có một cách duy nhất là kiềm chế các cuộc thử nghiệm vũ khí mới của Triều Tiên. Mỹ và các nước liên quan có thể không nhất thiết buộc Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân và tên lửa mà Bình Nhưỡng khẳng định là quyền của mình, mà chọn giải pháp đề xuất ngừng tiến hành các vụ thử nghiệm mới để đổi lại các viện trợ kinh tế.

Thỏa thuận “đóng băng” như vậy được dự đoán sẽ là cách hiệu quả để ngăn chặn Triều Tiên đạt những tiến bộ mới trong chương trình hạt nhân và tên lửa. Đây có lẽ chưa phải là một sự thỏa hiệp hoàn hảo, nhưng có lẽ là khả quan nhất trong lúc này.

Diệu An