-"Có một bộ phận không nhỏ giáo viên đã mất động lực. Kết quả khảo sát của một nhóm nghiên cứu giáo dục mới đây cho thấy phân nửa số giáo viên được phỏng vấn đã nói rằng nếu chọn lại họ sẽ không chọn nghề dạy học", TS Vũ Văn Dụ (Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo viên - Bộ GD&ĐT) nói tại cuộc họp của UB Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH sáng 15/7.

Ủy ban này vừa kết thúc đợt giám sát việc thực hiện chính sách,  pháp luật về đảm bảo chất lượng, chương trình SGK giáo dục phổ thông và tổ chức hội nghị lấy ý kiến cơ quan chức năng, chuyên gia, nhà khoa học nhằm hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả giám sát. Nhiều vấn đề được nêu tại phiên họp, trong đó trọng điểm là nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, với hai tiền đề cơ bản: nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và đổi mới chương trình học.

Áp lực căng thẳng, chính sách mong manh

Cầm trên tay bài tham luận được chuẩn bị khá kỹ lưỡng với chủ đề "giải pháp nâng cao chất lượng đời sống giáo viên", TS Vũ Văn Dụ (Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo viên - Bộ GD&ĐT) so sánh, thu nhập của một cán bộ văn phòng thuộc EVN cao gấp 3, 5 lần lương tột bậc của giáo sư.

{keywords}

"Nguyện vọng số 1 của giáo viên là sống được bằng lương để toàn tâm, toàn ý dạy học. Một đòi hỏi chính đáng và rất tối thiểu mà hơn chục năm qua kể từ khi có nghị quyết TƯ 2 xem giáo dục là quốc sách hàng đầu và qua mấy đời Bộ trưởng chưa ai làm được và chưa biết bao giờ mới làm được. Trong khi các ngành khác không hề được tôn vinh quốc sách hàng đầu lại có thu nhập cao hơn", ông Dụ khẳng định.

Chính vì tiền lương chưa đảm bảo đã dẫn đến chuyện giáo viên phải "xoay xở" để vừa lo mức sống tối thiểu, vừa hoàn thành sứ mệnh trồng người. Không ít hệ lụy đã xảy ra... Theo ông Dự, truyền thống tôn sư trọng đạo đang bị xói mòn, đạo nghĩa thầy trò không còn như xưa, thậm chí một số phụ huynh học sinh xem giáo viên như người làm thuê, phải có trách nhiệm trông coi và dạy dỗ con em họ...

"Có một bộ phận không nhỏ giáo viên đã mất động lực. Kết quả khảo sát của một nhóm nghiên cứu giáo dục mới đây cho thấy phân nửa số giáo viên được phỏng vấn đã nói rằng nếu chọn lại họ sẽ không chọn nghề dạy học. Áp lực căng thẳng mà chính sách mong manh",  ông Dụ dẫn chứng.

PGS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng trường ĐHSP - ĐH Thái Nguyên phân tích thêm,  sự thiếu động lực ở thế hệ giáo viên "già" biểu hiện ở chỗ thiếu năng động và ngại thay đổi. Họ an phận, không thích cải tiến, tìm tòi suy nghĩ hay học thêm những kĩ năng tốt...

Nhưng đáng quan ngại hơn cả là sự thiếu động lực trong đội ngũ giáo viên trẻ. Ông Quang lý giải, chuyện thiếu hụt kỹ năng hay trình độ còn có thể được bù đắp qua thời gian. Nhưng điều bất ổn hơn cả là động lực làm việc vẫn mang tính vị kỷ và đạo đức với nghề chưa trong sáng.

 "Giáo viên trẻ có khuynh hướng thực dụng, cạnh tranh khá mạnh mẽ. Xét đến cùng, giỏi nghề là động cơ tốt. Giỏi để sống giàu sang và quyền lực cũng đúng. Nhưng cần quan tâm lợi ích của học sinh và cộng đồng....", ông Quang nói.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng cho rằng mức thu nhập thấp được xem là lý do khiến đội ngũ giáo viên chưa chuyên tâm với nghề và ngành sư phạm cũng không thể hút được sinh viên giỏi. Cũng vì muốn "tăng gia thu nhập" nên cũng đã dẫn đến hàng loạt hệ lụy khác như tình trạng lạm thu, dạy thêm, học thêm tràn lan, giáo viên không đầu tư thời gian nâng cao kỹ năng nghiệp vụ...

Ngay báo cáo của đoàn giám sát, do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Trịnh Ngọc Thạch trình bày cũng ghi nhận nhiều bất cập như, "một  bộ phận giáo viên chưa coi trọng việc rèn phẩm chất lẫn nghiệp vụ, chưa chuyên tâm với công việc. Vẫn còn những người  chưa bắt kịp với các phương pháp giáo dục hiện đại, thậm chí ngại thay đổi"...

Dạy chữ - dạy người chưa cân xứng

Trong khi đó, chất lượng chương trình giáo dục phổ thông vẫn "nặng" về trang bị kiến thức hơn là yêu cầu rèn kỹ năng, nhất là kỹ năng sống, tư duy sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu.

Báo cáo của đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ ra, chương trình giáo dục trong nhà trường vẫn chưa cân đối giữa dạy chữ với dạy người, thiếu cân đối giữa lý thuyết với thực hành, đặc biệt vẫn còn quá tải.

Chương trình sách giáo khoa vẫn còn có sự trùng lặp, có những sự kiện, số liệu thiếu nhất quán giữa các lớp trong cùng một môn học và giữa một số môn học. Dung lượng một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học. Một số SGK tuy tái bản nhưng chưa cập nhật với thực tế đã thay đổi. Còn có sai sót về kiến thức, chưa chính xác về khái niệm, thuật ngữ khoa học. SGK một số môn bị phân khúc, tách rời, thiếu liên thông. Việc chọn kiến thức đưa vào SGK còn thiếu tính sư phạm, quá tải và chưa gắn với thực tiễn...

Hiện, Chính phủ đang tích cực xây dựng Đề án Đổi mới chương trình SKG phổ thông sau năm 2015. Đoàn giám sát cho rằng Chính phủ nên tổng kết việc thực hiện chương trình lâu nay một cách nghiêm túc hơn, sớm hoàn thiện đề án và công bố lấy ý kiến rộng rãi...

Về các giải pháp chung, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH đề nghị sớm xây dựng Luật nhà giáo. Chính phủ cũng cần đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục. Đặc biệt, cần cơ chế chính sách thiết thực để phát triển đội ngũ nhà giáo và đội ngũ quản lý đáp ứng  yêu cầu. Chẳng hạn, thu hút, lựa chọn học sinh giỏi vào ngành sư phạm song song với đổi mới cách thức tuyển dụng, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo...

Dự kiến, sau phiên họp này, đoàn giám sát sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo để trình lên Ủy ban Thường vụ QH trước  khi báo cáo QH vào cuối năm.

Lê Nhung