Trọn đời mình, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là hình ảnh tiêu biểu của "Anh bộ đội Cụ Hồ", là một trong những cán bộ lãnh đạo lỗi lạc của Cách mạng Việt Nam, của Đảng ta, Nhà nước ta, của Quân đội ta. Anh là người con ưu tú của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh!
Ngay khi chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Pháp thua, ta mới thắng một keo thứ nhất. Mỹ sẽ trực tiếp can thiệp vào Việt Nam, ta phải thắng keo thứ hai nữa, keo này khó khăn, quyết liệt hơn, nhưng quyết thắng keo thứ 2, ta mới dành được độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Tháng 9/1964 , tại Hà Nội, Bộ Chính trị họp bàn về chủ trương đấu tranh và đường lối quân sự trước tình hình Mỹ tăng cường lực lượng quân sự ở miền Nam và leo thang đánh phá miền Bắc. Hội nghị nhận định cần "Đề cao dũng khí cách mạng, tinh thần cảnh giác, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng chiến đấu, đập tan mọi âm mưu của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giành những thắng lợi mới to lớn hơn nữa"1. Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ quyết tâm: “Ta phải đánh lâu dài 10 năm đến 20 năm, phải đề phòng địch có hành động điên cuồng dù chúng bị cô lập, phải có kế hoạch phòng khi đột biến. Miền Nam phải mở rộng chiến tranh du kích, xây dựng chủ lực thành quả đấm mạnh, gọn, nhanh; Hai năm qua chưa tăng cường ủy viên Bộ Chính trị cho miền Nam, nay tình hình cấp bách không đi không được”2.
Chính vào thời điểm, quyết liệt đó, anh Nguyễn Chí Thanh đang nắm trọng trách ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác Nông thôn Trung ương được Bác và Bộ Chính trị cử vào trực tiếp cùng Trung ương Cục lãnh đạo kháng chiến của Nhân dân và Quân giải phóng Miền Nam. Cùng vào chiến trường với anh còn có nhiều cán bộ chỉ huy cao cấp của quân đội: Lê Trọng Tấn, Hoàng Cầm, Trần Văn Phát, Nguyễn Hòa, Trần Độ… Đây là thời điểm bước ngoặt của cuộc chiến tranh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tham dự hội nghị Quân chính toàn quân lần thứ nhất năm 1960. Ảnh tư liệu |
Trước đó, cuối năm 1963, tôi được cấp trên cử vào chiến trường Nam bộ, đi bằng tàu Không số. Tháng 4/1964, vào tới Chiến khu Dương Minh Châu, tôi nhận nhiệm vụ Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Miền (B2). Từ đó, tôi được trực tiếp sống, chiến đấu và công tác cùng anh Nguyễn Chí Thanh.
Tại thời điểm này, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam đang lâm vào nguy cơ phá sản và thảm bại. Trước thực trạng đó, Mỹ quyết định đưa quân chiến đấu Mỹ và quân đội một số nước chư hầu (Thái Lan, Đại Hàn Dân Quốc, Australia…). Đổ bộ ào ạt vào Nam Việt Nam trực tiếp tham chiến. Đồng thời tổ chức cuộc chiến tranh leo thang bằng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Hành động hiếu chiến, quyết liệt và tàn bạo mới của đế quốc Mỹ đã khiến cả nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới vô cùng quan ngại: Dân tộc Việt Nam, một đất nước nhỏ bé với nền kinh tế nghèo nàn và lạc hậu ở mức nhất nhì thế giới phải đối chọi trực tiếp với một tên đế quốc đầu xỏ số một của thế giới, liệu có bị đè bẹp trong khoảnh khắc? (Lúc đó, mức thu nhập bình quân của người Mỹ gấp hơn 1.000 lần của người dân Việt Nam).
Còn trong đồng bào, chiến sĩ và cán bộ của ta cũng có rất nhiều người lo lắng: quân Mỹ ồ ạt vào, Bộ binh thì trang bị hiện đại tới tận răng, xe tăng, xe bọc thép lội nước nhiều nhung nhúc như kiến vỡ tổ, máy bay chiến đấu và trực thăng vũ trang thì bay từng đàn như dịch châu chấu; còn quân ta thì chỉ có chân đất đi dép râu và súng tiểu liên AK thì liệu có đánh thắng được không? Một câu hỏi lớn đang đặt lên vai bộ máy lãnh đạo, chỉ huy và những người lính cách mạng Việt Nam.
Thực hiện tư tưởng chỉ đạo cửa Bộ Chinh trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Chính ủy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam đã cùng Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền chỉ đạo và tổ chức quân và dân miền Nam phát huy tư tưởng chiến lược tiến công trong tình hình nhiệm vụ mới, đề ra phải đánh thắng quân Mỹ ngay từ những trận đầu.
Để thực hiện mục tiêu đó, anh đã chú trọng quán triệt để xây dựng tư tưởng quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ trong toàn thể đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Anh đặc biệt coi trọng việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và tự vệ chiến đấu; đồng thời xây dựng và tập dượt phương án tác chiến hợp đồng giữa 3 thứ quân. Hình thành và phát triển phương châm chiến đấu phối hợp chặc chẽ của 3 mũi giáp công (tiến công quân sự, chính trị và binh vận) trên cả 3 vùng chiến lược: miền núi, đồng bằng và đô thị.
Thời điểm này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara có 2 phát kiến lớn đối với chiến trường Nam Việt Nam: Ngoài tuyến biên giới tạm thời giữa 2 miền Nam Bắc và trên tuyến vận tải chiến lược của ta ở Đông Trường Sơn thì chúng thiết lập “Hàng rào điện tử McNamara” để ngăn chặn sự xâm nhập và chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Còn trong nội địa miền Nam thì chúng áp dụng tối đa chiến thuật “Trực thăng vận” và “Thiết xa vận”, liên tục mở các cuộc hành quân tổng lực để thực hiện ý tưởng “Tìm và diệt chủ lực” và cơ quan đầu não của Việt cộng, “Bẻ gãy xương sống của quân cộng sản” (chiến thuật “Trực thăng vận” được các nhà bình luận quân sự thế giới đánh giá là “một phát kiến vĩ đại của thế kỷ 20!” – dùng các phi đội máy bay lên thẳng vũ trang chở cả đội hình tiểu đoàn, thậm chí trung đoàn bộ binh nhanh chóng cơ động và đổ bộ, tiến công vào bên sườn và phía sau đội hình bố trí của đối phương, lập tức làm thay đổi cục diện của cuôc chiến trong khoảnh khắc!).
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang trao đổi tình hình chiến sự ở miền Nam ngày 5/7/1967. Ảnh tư liệu |
Nhưng với cách nhìn thực tiễn và sắc sảo của mình, anh Thanh đã phân tích và chỉ rõ rằng: Quân Mỹ vào miền Nam trong thế thua, thể bị động về chiến lược; Mỹ có cả một kho vũ khí khổng lồ nhưng lại vấp phải mộc núi mâu thuẫn: Mỹ là tỷ phú về đô-la, nhưng quân và dân ta lại là tỷ phú về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ta có đường lối chiến tranh cách mạng, có chiến thuật đúng, ta sẽ bắt quân Mỹ phải đánh theo cách đánh của ta, nên ta nhất định thắng. Phát kiến đó đã được Bộ Chính trị chấp nhận và đề ra quyết sách mới.
Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Chí Thanh cùng Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền đã tổ chức quân và dân miền Nam phát huy tư tưởng chiến lược tiến công trong tình hình nhiệm vụ mới, đánh thắng quân Mỹ ngay từ những trận đầu. Các trận thắng: Núi Thành, Vạn Tường, Bàu Bàng, Nhà Đỏ - Bông Trang, Plây-me và thung lũng La-drang, cuộc hành quân A-ten-bo-rô và nhất là đánh bại cuộc hành quân tổng lực để “tìm diệt” mang tên Gian-xon-xi-ti đã làm nức lòng nhân dân cả nước và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Chiến thắng này đã trực tiếp xây dựng, củng cố niềm tin và quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của toàn dân tộc – một trong những yếu tố có tính quyết định thành bại của cách mạng Việt Nam ở thời kỳ đó.
Bằng lối tác chiến hiện đại, khi tổ chức cuộc hành quân tìm diệt, quân Mỹ thường dùng bom đạn của không quân và pháo binh oanh tạc cấp tập vào địa bàn của ta, hòng “tiêu diệt và sát thương 2/3 lực lượng đối phương”. Sau đó là đội hình xe tăng, xe bọc thép dẫn bộ binh tiến công, càn quét. Quân và dân ta đã nhanh chóng nắm được quy luật này của địch, từ đó sáng tạo phương án tác chiến “đánh gần”, vừa không cho quân địch thực hiện “phân tuyến”, vừa hạn chế đến mức tối đa hiệu quả của phi pháo địch; đồng thời đánh gần cũng gây nên nỗi khiếp sợ cho bộ binh Mỹ và quân đội các nước chư hầu.
Từ thực tế chiến đấu và đánh giá đúng sự sáng tạo của các đơn vị, các địa phương trực tiếp chiến đấu, anh Nguyễn Chí Thanh đã tổng kết thành phương châm chỉ đạo tác chiến, đồng thời cũng là khẩu hiệu hành động cách mạng nổi tiếng, nhanh chóng đi vào lòng người, lan toả thành cao trào cách mạng trên khắp chiến tường như "Nắm thắt lưng địch mà đánh", “Tìm Mỹ mà đánh, tìm Ngụy mà diệt", lập các "Vành đai diệt Mỹ", thi đua phấn đấu trở thành "Dũng sỹ diệt Mỹ", "Dùng sỹ diệt xe tăng"...Tựu trung nhất đó là tư tưởng chỉ đạo "ở gần và đánh gần". Nhờ thực hiện tư tưởng này, chúng ta đã thật sự chống được ý đồ “phân tuyến" của Mỹ - Ngụy, đã hạn chế đến mức tối đa (có trận đã vô hiệu hoá) hỏa lực phi pháo của địch. Ta thắng quân đội Mỹ, và sau này thắng quân của chính quyền Sài Gòn cũ ở giai đoạn "Việt Nam hóa chiến tranh” cũng từ cái tư tưởng "ở gần và đánh gần" này.
Từ trong khỏi súng của chiến trường, với bút danh Trường Sơn, anh Thanh viết bài “Năm bài học phản công chiến lược mùa khô" trên cơ sở sâu sát thực tế, nắm bắt nhanh nhạy mọi vấn đề, anh Nguyễn Chí Thanh đã phân tích và khái quát rất sâu sắc cục diện cuộc chiến, nhất là sau chiến thắng lớn của ta đánh bại cuộc hành quân Gian-xon-xi-ti của Mỹ ở miền Đông Nam Bộ. Bài viết là tiếng nói mạnh mẽ trả lời với nhân dân tiến bộ toàn thế giới rằng – Việt Nam có thể đánh được Mỹ, đã và đang tìm cách đánh thắng quân đội và đế quốc Mỹ xâm lược. Bài viết của anh đã ngay lập tức trở thành vũ khí tư tưởng cho toàn Đảng, toàn quân toàn dân quyết đánh và quyết thắng quân Mỹ xâm lược. Nó gây ấn tượng mạnh mẽ và niềm tin cho bạn bè năm châu. Nó làm cho quân thù sửng sốt và lúng túng, hoang mang. Và nó đã góp phần cùng Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương hạ quyết tâm chiến lược chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Mậu Thân - 1968 để thực hiện tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Hồ Chủ tịch "Đánh cho Mỹ cút" một cách tin cậy.
Suy cho cùng, ý tưởng ở gần, đánh gần vừa là tư tưởng chiến thuật lại vừa là tư tưởng chiến lược thể hiện sự nổi trội thứ nhất trong tư duy của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Điểm nổi trội thứ hai là chính anh đã đề ra biện pháp có hiệu quả để mở mặt trận Tây Nguyên với những yêu cầu hết sức quan trọng như: đề xuất làm sao có lương thực, yếu tố vô cùng quan trọng, tiên quyết, công tác cán bộ phải làm như thế nào trước khi triển khai thực hiện chủ trương mở mặt trận Tây Nguyên này. Tôi nhớ, suốt thời chống Pháp và những năm đầu chống Mỹ, rừng núi Tây Nguyên còn heo hút, lực lượng của ta ở đây còn mỏng manh. Cán bộ vào Nam hay ra Bắc đều phải hoặc là đi lận theo ven biển, hoặc là leo đèo lội suối dọc dãy núi Trường Sơn. Đạn và gạo chỉ có thể gùi trên vai thì cố gắng lắm cũng chỉ đủ ăn để đánh du kích.
Thực tế cuộc chiến tranh chống Mỹ đã khẳng định một hiện thực mang tính quy luật và chân lý là: Chúng ta mở được mặt trận Tây Nguyên thì mới mở được tuyến đường vận tải chiến lược bằng cơ giới, mới đưa được lực lượng lớn người và của vào miền Nam để thực hiện đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam. Mặt trận Tây Nguyên mở ra còn đồng thời thu hút được lực lượng địch để tạo điều kiện cho chiến trường Nam Bộ, một chiến trường "trọng điểm của trọng điểm" phát triển. Thực tế đã chứng minh tư tưởng chỉ đạo này là đúng đắn và sắc sảo. Những quyết định đó là tiền đề thay đổi cục diện chiến lược trên chiến trường miền Nam chuẩn bị để quân và dân miền Nam bước vào cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968…
Mùa Hè năm 1967, khi ra Hà Nội báo cáo Bộ Chính trị tình hình chiến trường và cùng với Bộ Chính trị, với Hồ Chủ tịch thiết kế và hoạch định cuộc Tổng tiến công Mậu Thân sắp tới, anh Nguyễn Chí Thanh đã đột ngột từ trần. Đây là một đau thương vô hạn, một tổn thất vô cùng lớn của cách mạng Việt Nam, của chiến sỹ và đồng bào cả nựớc. Đối với Trung ương Cục, Bộ chỉ huy Miền và Quân giải phóng miền Nam thì đây là một tổn thất không gì bù đắp nổi. Anh đột ngột ra đi, nhưng phẩm chất cách mạng, tài năng thao lược và đạo đức lối sống của anh mãi mãi là tấm gương cao cả, sáng ngời, là nguồn cồ vũ lớn lao đối với tất cả chúng ta.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Ngụyễn Chí Thanh kể từ buổi ban đầu đến khi ở những cương vị lãnh đạo cao nhất, lúc nào anh cũng xông xáo thâm nhập vào cuộc sống của đồng bào và chiến sỹ, lăn lộn với phong trào, tìm ra quy luật phát triển tạo ra bước ngoặt mới cho cách mạng, tự tôi rèn mình trong đấu tranh cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã trở thành nhà chính trị - quân sự lỗi lạc của Đảng, quân đội và dân tộc ta. Như cán bộ và bà con trên mặt trận nông nghiệp gọi anh là "Đại tướng Nhân dân". Anh Tố Hữu viết: "Sáng trong như ngọc một con người". Còn Viện trưởng Viện nghiên cứu Hồ Chỉ Minh và các lãnh tụ của Đảng đã viết rằng: "Sau Bác Hồ vĩ đại, một trong những người cộng sản lãnh đạo có đức tài, tâm huyết, khí phách, có sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ với quần chúng, đó là anh Nguyễn Chí Thanh!".
Trọn đời mình, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là hình ảnh tiêu biểu của "Anh bộ đội Cụ Hồ", là một trong những cán bộ lãnh đạo lỗi lạc của Cách mạng Việt Nam, của Đảng ta, Nhà nước ta, của Quân đội ta. Anh là người con ưu tú của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh!
* Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam.
* Người thực hiện: Đại tá Khuất Biên Hòa