Gần đây, người ta lại "nghĩ ra" một số lễ hội mới bằng cách... khai thác vốn cổ, và làm mọi cách để chứng minh điều "nghĩ ra" là chính đáng.

Với sự lên ngôi của thói ích kỷ và vụ lợi, vào ngày lễ hội, sự tĩnh mịch, thanh sạch của một số ngôi chùa, miếu mạo và điện thờ đã không còn nữa. Ồn ào, chen chúc, khói bụi và phàm tục.

>>Những nỗi niềm...ngoài "lễ hội"

"Lạy cụ Sơn Ướt"?

Theo số liệu của cơ quan chức năng, hiện nay mỗi năm cả nước có hơn tám nghìn lễ hội lớn nhỏ, từ quy mô Nhà nước tới quy mô địa phương. Như vậy bình quân mỗi ngày, cả nước có gần 30 lễ hội.

Trong đó, lễ hội lịch sử cách mạng - chiếm 4%, lễ hội tôn giáo - chiếm 16%, lễ hội dân gian truyền thống chiếm tới 80% và chủ yếu diễn ra vào mùa xuân. Đó là lý do tại sao mấy năm gần đây, cứ mỗi dịp xuân về là con dân cả nước lại đổ xô tới các lễ hội.

Tưởng nhớ công ơn của tổ tiên, tôn vinh người có công với dân, với nước,... là đạo lý, là nét đẹp của văn hóa dân tộc. Nhưng khi niềm tin về "thế giới linh thiêng" và "con người ích kỷ" chiếm thế thượng phong tại các lễ hội, thì nét đẹp của văn hóa đã bị gạt xuống hạng hai.

Thay vào đó là sự lên ngôi của cuộc gặp gỡ một cách tiêu cực giữa nhu cầu đi tìm sự may mắn từ "thế giới linh thiêng" với mấy người "buôn thần, bán thánh". Ở đâu được đồn đại là linh thiêng thì người kéo đến càng đông.

Họ cắm hương vào bất cứ chỗ nào theo họ "có vẻ linh thiêng". Từ gốc cây xù xì, bậc thềm sứt sẹo, đến mô đất lô nhô. Rồi họ xì xụp khấn vái ở bất cứ chỗ nào thấy khác thường.

Họ rải tiền, đốt vàng mã ở mọi chỗ, mọi nơi. Họ dẫm đạp lên nhau, cố giành lấy một chỗ đứng trước ban thờ. Họ trở thành nạn nhân của những kẻ sẵn sàng tỏ thái độ báng bổ trước "cửa thánh" và hầu như chẳng có niềm tin về cái "thiêng"...!

Có lẽ vì thế mà năm trước, sau khi đi lễ chùa về, chị tôi vừa cười vừa kể rằng, ở ngôi chùa nơi chị tôi đến, có một ban thờ mới sơn lại. Vì sợ khách hành hương không biết lại đặt đồ lễ lên trên, nên nhà chùa viết hai chữ "sơn ướt" vào tờ giấy rồi dán vào mép ban thờ. Vậy mà vẫn có người xì xụp cúng vái, miệng lẩm bẩm: "Lạy cụ Sơn Ướt!"!

Nhiều người, đến dự lễ hội với mục đích rất cụ thể, rõ ràng: Khấn vái, xin xỏ, vay mượn, cầu may, cầu lợi là chính và vui chơi là phụ. Nên trung tâm "thiêng" của các lễ hội bao giờ cũng đông nghẹt. Tình trạng này, từ đền Bà Chúa Kho ở phía Bắc đến đền Bà Chúa Xứ núi Sam ở phía Nam đều tương tự như nhau.

Mâm lễ xếp tràn tới tận lối ra vào ban thờ. Nếu chi dăm chục nghìn đồng cho mấy người dân bản địa đã xếp hàng xí chỗ từ trước thì mâm cúng sẽ được đặt gần thánh thần hơn. Mâm nhà này nhầm với mâm nhà khác là thường tình. Nhầm mà không đòi được thì quay ra cãi nhau, thậm chí chửi nhau như hát hay.

Rồi nữa, với rất nhiều người, việc kiếm chút "lộc thánh" cũng là điều cực kỳ quan trọng. Và việc cướp lộc ở đền Sóc, cướp ấn ở đền Trần,... đã trở thành ví dụ điển hình cho nguyên lý sinh tồn của kẻ mạnh.

Không xót thương người cao tuổi, không áy náy khi trẻ em khóc lóc kêu la, khách hành hương trẻ tuổi, khỏe mạnh, cố trèo cả lên đầu lên cổ, dẫm đạp lên người khác, mạnh ai nấy cướp, cướp càng nhiều càng tốt... Và họ làm cho tính chất vô tư của lễ hội như bị triệt tiêu bởi thói ích kỷ.

Xưa kia, như trong tục cướp bánh dày chẳng hạn. Gọi là "cướp" nhưng thật ra không "cướp" theo nghĩa đen của từ này. Đi cùng với "cướp" là luật bất thành văn, có liên quan tới đạo lý. Mọi người cùng xông vào "cướp" nhưng biết nhường nhịn, mỗi người một chút, gọi là hương hoa, "lộc thánh" chia đều.

Cộng đồng sẽ chê cười, khinh khi nếu ai đó dùng sức lực hơn người mà tranh cướp. Với sự lên ngôi của thói ích kỷ và vụ lợi, vào ngày lễ hội, sự tĩnh mịch, thanh sạch của một số ngôi chùa, miếu mạo và điện thờ đã không còn nữa. Ồn ào, chen chúc, khói bụi và phàm tục.

Từ đó suy ra, sự liêm sỉ của một số người dự lễ hội cũng mỏng mảnh. Để giành lấy chút lợi "ảo" cho bản thân, người ta đã tỏ ra bất cần đạo lý, bất chấp lợi ích cộng đồng.

Như cô bạn tôi dự khai hội Yên Tử năm 2013 mới đây, sau khi bị chen chúc đến mức "tưởng không còn đường về" đã viết:

"Nhưng khi thoát được đám đông đang xì xụp khấn vái ấy, tôi thấy thanh thản. Chắc khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng, xuất gia tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, với tinh thần nhập thế và yêu nước, Ngài chẳng thể ngờ rằng, hơn 700 năm sau con cháu thần dân của Ngài lại sùng kính mình đến thế, đỉnh Phù Vân lại có ngày đông vui đến thế, tư tưởng của Ngài lại lan tỏa sâu rộng trong dân chúng như thế.

Chỉ có điều, phần lớn những người đang cố leo lên tận chùa Đồng, đứng giữa trời đất, dưới chân Ngài thể hiện đức tin, ra sức cầu xin Ngài những thứ mà hơn bẩy thế kỷ trước Ngài quyết tâm từ bỏ!".

Vậy rồi đây văn hóa sẽ ra sao, nếu những con người như thế trở thành "tấm gương" cho lớp trẻ noi theo?

Từ bản chất của tình trạng, dù trân trọng quá khứ của cha anh đến đâu, dù tôn trọng nhu cầu tinh thần của người khác đến thế nào, người viết bài vẫn không khỏi e ngại khi liên tưởng tới sự thật- đây là biểu hiện của chuyển dịch văn hóa ngược chiều, theo hướng đi xuống. Chưa nói là đôi khi trong đó có chứa đựng cả yếu tố phản văn hóa!

Đến các lễ hội mới được "nghĩ ra"...!

Ngoài một số lễ hội truyền thống đã có từ lâu đời, gần đây, người ta lại "nghĩ ra" một số lễ hội mới bằng cách... khai thác vốn cổ. Và để chứng minh điều "nghĩ ra" là chính đáng, trước hết người ta gắn nó với du lịch - thường được tạo ấn tượng bằng cách ví von là "ngành công nghiệp không khói", rồi tổ chức một hai cuộc hội thảo.

Đến dự hội thảo sẽ thấy, la liệt các khái niệm "văn hóa, lịch sử, du lịch" cùng đoàn GS, Phó GS, TS... được xe cộ đón rước rình rang. Các vị đến hội thảo với các bản tham luận tràng giang đại hải, tràn đầy trích dẫn kim - cổ, đông - tây, chỉ để chứng minh điều ai đó "nghĩ ra" là hết sức đúng đắn, và cần thiết.

Có lẽ ngoài hội thảo về đền Cẩu Nhi ở Hà Nội năm nào là có tranh luận khá sôi nổi. Còn ngoài ra, hầu như ở đâu cũng vậy, chưa thấy ai hăng hái chứng minh ngược lại mục đích của ban tổ chức. (Chứng minh ngược lại, thì người ta mời làm gì!?).

Cẩn thận hơn và để tạo ra tinh thần khách quan, người ta tìm đến các cụ để khảo sát. Tầm tuổi được gọi là "cụ" ở làng xã hôm nay, thường sinh ra vào quãng những năm 30 của thế kỷ trước.

Khi các cụ lớn lên thì cách mạng nổ ra, rồi nhiều người đi bộ đội, thoát ly làm việc Nhà nước,... nay về quê dưỡng già, lần đầu tiên được làm quen với khăn xếp, áo the. Nói vô phép, các cụ đừng giận, thời lễ hội còn thịnh hành, có khi có cụ còn mặc quần thủng đít, ngồi ở góc đình chờ mẹ dúi cho nắm xôi. Khó có thể nói các cụ đã rành rẽ mọi sự để nói vanh vách "ngày xưa làm thế này", "ngày trước làm thế kia".

Thế rồi, coi như về khoa học đã được bảo đảm, về thực tiễn giải quyết xong, chỉ còn phải lo chứng minh sự chính đáng của một khoản kinh phí phải chi ra, rồi lo quy hoạch, đấu thầu, thi công.

Để ngày tới khánh thành trống phách rầm rĩ, cờ xí rợp trời. Hàng quán mọc lên san sát. Các bãi gửi xe "dã chiến" hình thành với mấy anh chàng mặt mũi bặm trợn, sẵn sàng đưa ra cái giá mà phải nhìn ánh mắt gườm gườm, tiếng quát tháo của họ mới hiểu tại sao gửi xe lại đắt như vậy.

Rồi âm thanh rầm rĩ từ các bộ loa đồ sộ khiến cho khách hành hương phải gào to mới nghe được tiếng của nhau. Rồi quan khách ở trung ương, quan khách tỉnh nhà, quan khách các tỉnh bạn nườm nượp kéo về chung vui.

Những người dân chất phác, hiền lành trong vùng cũng tới, quần áo mới tinh, hồ hởi và tự hào, vừa thành kính thắp nén tâm nhang bên đĩa trầu cau oản khảo, vừa len lén nhìn sang "lễ mọn" chất ngất của các đại gia, đầy phè nào xôi, nào gà, nào lợn, nào nho Mỹ táo Mỹ, nào rượu tây, bia lon, nào thuốc lá "ba số"...

Để tỏ lòng tri ân với tiền nhân (có khi cũng chẳng biết tiền nhân là ai?), để tỏ tấm lòng thiết tha với văn hóa dân tộc, để ghi nhận công lao của người "nghĩ ra" lễ hội, một số quan chức cũng nhiệt tình dự ngày khai mạc. Nhiều vị đến dự có xe gắn còi hụ dẫn đường, có gắn biển chữ A chữ B để được ưu tiên phóng thẳng vào nơi hành lễ.

Không chỉ có thế, có người còn cố gắng hiện đại hóa lễ hội, mà có thể coi lễ hội tổ chức ở Lảnh Giang (Hà Nam) năm 2009 là ví dụ điển hình.

Người ta có tham vọng tạo nên sự "đột phá" cho lễ hội khi sử dụng "nghệ thuật đương đại để truyền tải các nội dung văn hóa truyền thống" với sự hỗ trợ bởi các kỹ xảo tương tác, màn diễn xướng tái hiện huyền tích vị thánh đền Lảnh Giang với sự kết hợp của video art, performance art,...

Và người cầm trịch trò này tuyên bố: "Nghệ thuật đương đại ở một phương diện nào đó, cũng chính là cái cũ bị lãng quên... trên phương diện truyền thông đại chúng, việc đưa nghệ thuật đương đại một cách hài hòa vào lễ hội cổ truyền sẽ có sức hấp dẫn mạnh hơn là những lễ hội được tổ chức theo cách thông thường".

Không biết cái sự "hài hòa" kia hấp dẫn đến đâu, nhưng mấy năm rồi không thấy nhân rộng mô hình và hình ảnh "tổng đạo diễn chương trình" với bộ đàm cầm tay vừa chạy lăng xăng từ chỗ này đến chỗ khác, vừa hò hét ỏm tỏi cũng đã mờ nhạt.

Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn, nếu chuyện "trần sao âm vậy" là có thật, thì các vị thánh ở đền Lảnh Giang có lấy làm hoan hỉ khi được nghe âm thanh chát chúa từ cả dãy loa thùng, và ngắm lớp con cháu cởi trần trùng trục, mình mẩy vẽ nhằng nhịt theo "lối trang trí nghệ thuật kiểu thổ dân châu Úc, châu Phi"...!?

Nguyễn Hòa

(còn tiếp)