Thời thế phần nào đó đã đổi thay, nhưng nỗi ám ảnh về tri thức và con đường tiến thân vẫn đang dai dẳng truyền qua nhiều thế hệ.
Xem lại Kỳ 1: Con 30 tuổi, bố mẹ vẫn ám ảnh lo con… đói
Nỗi ám ảnh về sự “dốt”
Có một hiện tượng khá thú vị trong xã hội đương đại. Đó là khi thán phục, kính trọng một ai đó có thành tích nổi bật hay giàu có, giữ chức vụ, địa vị xã hội cao, người Việt thường khen người đó… “giỏi”. Sự khen “giỏi” gắn với những thứ họ có trong nhiều trường hợp tách biệt với những ý nghĩ về phương thức họ sử dụng để đạt được chúng.
Thú vị hơn nữa là trong gần một thế kỉ qua, trường học ở Việt Nam luôn tồn tại các cuộc thi và danh hiệu “giáo viên giỏi”, “học sinh giỏi”. Gần đây, còn có cả danh hiệu và cuộc thi “giáo viên chủ nhiệm giỏi”. Chuyện cuối năm học con nhà mình có đạt danh hiệu “học sinh giỏi” hay không trở thành mối quan tâm lớn và thường xuyên của rất nhiều phụ huynh. Nhiều gia đình bố mẹ, con cái lục đục cũng chỉ vì con đã lỡ mất danh hiệu ấy. “Giấy khen” và “danh hiệu” đã trở thành cuộc đua quyết liệt giữa các trường, lớp và cả giữa các phụ huynh.
Ảnh minh họa |
“Giỏi” là một tiêu chí rất khó hình dung vì thế, người ta thường dựa vào “giấy khen”, “danh hiệu” hoặc bằng cấp. Và thế là lại diễn ra một cuộc đua bằng cấp. Những năm gần đây bằng đại học chưa đủ giúp vơi đi nỗi ám ảnh, nhiều người còn cố gắng kiếm cho mình những tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ… cho dù bản thân họ không có ý định làm công việc nghiên cứu hay công việc hiện thời cũng không cần thiết phải học lên bậc học đó.
Bằng trong nước chưa đủ, họ săn tìm những tấm bằng của nước ngoài hay những tấm bằng đính thêm hai chữ “quốc tế”. Hệ quả là xuất hiện những chuyện bi hài như bằng tiến sĩ “ma”.
Đương nhiên, nhiều người nhờ tấm bằng mà yên ghế hoặc được hưởng vinh hoa phú quý trong sự nhàn nhã và ngưỡng mộ của những người xung quanh. Nhưng ngay cả trong trường hợp ấy, ẩn sau nó vẫn là nỗi ám ảnh về sự “dốt” và cảm giác mặc cảm.
Hiện tượng xã hội có bằng cấp cao vốn là một hiện tượng có tính chất phổ biến ở các nước đã phát triển cao khi nền giáo dục phổ thông được phổ cập và giáo dục đại học được đại chúng hóa ở mức độ cao. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh Việt Nam, hiện tượng này có đặc trưng rất riêng, khi người ta dùng tấm bằng đó để “trang trí” hoặc làm công cụ tiến thân, chẳng hạn ở chốn quan trường.
Có lẽ đằng sau hiện tượng ấy là nỗi ám ảnh có tính lịch sử. Người Việt chúng ta đã trải qua một quãng thời gian lịch sử dài, nơi trường học và bằng cấp là độc quyền của một bộ phận nhỏ nhoi. Ảnh hưởng của khoa cử Nho giáo và chính sách bổ nhiệm cán bộ sau này đã làm cho nỗi ám ảnh ấy tăng lên thay vì mất đi.
Trong bối cảnh ấy, chủ nghĩa năng lực bị lu mờ bởi chủ nghĩa bằng cấp. Không chỉ bằng cấp, mà cuộc đua vào các trường điểm và cuộc đua du học hiện nay cũng đang diễn ra đầy khốc liệt. Trên thực tế đã diễn ra những hiện tượng rất lạ kì như các cuộc chạy đua vào trường mầm non, trường tiểu học. Thậm chí, ngay từ lớp 1 trẻ đã phải… thi đầu vào. Thời thế phần nào đó đã đổi thay, nhưng nỗi ám ảnh về tri thức và con đường tiến thân vẫn đang dai dẳng truyền qua nhiều thế hệ.
Những nỗi ám ảnh người viết đề cập - cái đói, chiến tranh, sự “dốt” - chỉ là phần nổi của một tảng băng trôi. Vượt qua ám ảnh của lịch sử để kiến tạo xã hội tốt đẹp không phải là điều dễ dàng, nhưng là việc mà từng cá nhân cũng như cộng đồng phải nỗ lực thực hiện. Vượt qua không có nghĩa là lãng quên mà trái lại, cần nhìn vào nó trong cái nhìn sâu sắc và từ nhiều phương diện.