Ở khía cạnh nào đó, những công trình ngàn tỉ lãng phí cũng không khác mấy với trào lưu “vãi gạo” lên trời xanh.
Không phải đến lúc “trong nhà cạn tiền” chúng ta mới nghĩ đến “ăn dè, tiết kiệm”. Từ nhiều năm nay, các chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đã lên tiếng về tình trạng chi tiêu lãng phí trong hệ thống các cơ quan sử dụng ngân sách.
“Vãi gạo” lên trời xanh
Đó là cách ví von của một nhà báo về hiện tượng các địa phương đua nhau bắn pháo hoa chào năm mới. Còn nhớ cách đây độ chục năm, bắn pháo hoa đêm giao thừa chỉ có ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… nhưng gần đây có vẻ phong trào “vãi gạo” lên trời xanh đã lan sang nhiều tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo, đói cao.
Việt Nam đã bước qua năm 2015 với nhiều thành tựu đáng tự hào, GDP tăng trưởng 6,7% trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm. Nhưng chừng đó là chưa đủ để chúng ta có thể yên tâm hưởng thụ mà “quên” mất hàng triệu hộ nghèo đang thiếu cái ăn ngày Tết, nhiều trẻ em vùng cao co ro tím tái khi đợt lạnh lịch sử tràn về.
Phải nói là “hưởng thụ” bởi bắn pháo hoa là thú chơi khá tốn kém, trong vòng ít phút có thể “đốt cháy” hàng tỉ đồng. Dĩ nhiên bao nhiêu tấn gạo cũng theo đó rơi ra ngoài cái nồi trống không của nhiều gia đình.
Để “né” ngân sách, nhiều địa phương đã xã hội hóa thú chơi này. Tuy nhiên, “xã hội hóa” trong không ít trường hợp chỉ đóng vai trò là một uyển ngữ nhằm mục đích né tránh bản chất vấn đề là sự “nhắc nhở” các doanh nghiệp, các mạnh thường quân phải “biết điều” hơn! Phải chăng trong số 0,72 đồng bôi trơn trong 1 đồng lãi của doanh nghiệp theo một khảo sát gần đây của VCCI có một phần núp bóng “xã hội hóa”? Suy cho cùng xã hội hóa cũng là huy động sức dân.
Phát biểu tại hội thảo cuối tháng 1, ông Trương Đình Tuyển, cố vấn cao cấp về hội nhập của Chính phủ bày tỏ lo ngại: “Động lực của nền kinh tế trong năm nay chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài chứ không phải doanh nghiệp tư nhân trong nước. Động lực của nền kinh tế năm 2016 cũng vẫn như vậy. Song vấn đề là để phát triển bền vững không thể là khu vực FDI”.
Có tỉnh xin hỗ trợ hàng ngàn tấn gạo, Tết vẫn phải bắn pháo hoa. Ảnh: Lê Trường/ NLĐ |
Những công trình ngàn tỉ
Thời gian vừa qua “hội chứng” tượng đài, trung tâm hành chính ngàn tỉ đua nhau nở rộ trong bối cảnh nợ công mấp mé đạt trần, báo chí bắt đầu lần mò đi tìm nguyên nhân. Trong sự khó khăn, bối rối ấy người ta lại nhìn thấy một vấn đề còn dài dòng lê thê hơn cả… sợi dây kinh nghiệm, đó là lãng phí.
Có những công trình lãng phí lên tới cả chục ngàn tỉ đồng, số tiền đó có thể xây được cả trăm ngôi trường mẫu giáo, hàng chục trường tiểu học, hàng ngàn cây cầu dân sinh.
Ở khía cạnh nào đó, những công trình ngàn tỉ lãng phí cũng không khác mấy với trào lưu “vãi gạo” lên trời xanh. Cái cốt yếu người dân cần là có việc làm, được ăn no, mặc ấm, được chăm sóc y tế khi ốm đau…, chứ đâu phải ngắm tượng đài hoành tráng, pháo hoa tưng bừng.
Ấy thế mà, cứ sau mỗi lần thiên tai dịch họa, các tỉnh đều mong chờ vào kho gạo của Nhà nước. Thế mà, những ngày cận Tết lại có những cơ quan Nhà nước không ngần ngại thảo thư ngỏ gửi đến các doanh nghiệp, mạnh thường quân. Nội dung thư nào là “tất cả vì những hoàn cảnh khó khăn”, nào là “chung tay cùng Nhà nước chăm lo cho người nghèo”… Nhưng tối 30 Tết bao nhiêu nơi trên dải đất hình chữ S vẫn rợp pháo hoa?
Cứ cho rằng nhiều địa phương đử sức xây những công trình ngàn tỉ và bắn pháo hoa đón năm mới, nhưng thử hỏi cái “đủ sức” đó có phải rút ra từ sức vóc người dân hay không. Và trong sự khó khăn chung của cả nước địa phương không có trách nhiệm chia sẻ với đồng bào mình hay sao?
Trước mắt chúng ta còn vô vàn những khó khăn. Mức tăng trưởng tuy khá cao nhưng chưa thực sự bền vững. Đời sống nhân dân tuy đã được nâng lên, song nhiều nơi vẫn còn rất nghèo khó. Năm 2016 tuy đang mở ra nhiều triển vọng nhưng ngược lại cũng đầy thách thức. Nếu không được “mạnh tay” xử lý, tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn sẽ tiếp tục là mối đe dọa sự tồn vong của đất nước.
Trương Khắc Trà