Qua nhiều vụ việc về khối tài sản của một số cán bộ lãnh đạo, rất nhiều câu hỏi được đặt ra, phải chăng việc thực hiện nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên chỉ là hình thức, trách nhiệm này thuộc về ai? Có hay không sự không minh bạch trong kê khai tài sản của cán bộ, công chức? Phóng viên VOV trao đổi với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng về nội dung này.
“Hiện tượng ở Yên Bái không phải cá biệt”
PV: Ông có thấy ngạc nhiên trước khối tài sản “khủng” của một số cán bộ ở Yên Bái mà báo chí nêu không?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Tôi thực sự ngạc nhiên bởi với chức vụ, trách nhiệm và vai trò của một công chức, nếu chỉ tính thu nhập tiền lương sẽ rất khó có thể có được khối tài sản lớn như vậy. Vấn đề phải tìm ra nguồn gốc của số tài sản đó. Nếu số tài sản đó do sức lao động, do quá trình tích lũy mà có được là đáng hoan nghênh. Nhưng nếu là số tài sản bất minh, theo tôi cần xem xét, xử lý cho thích đáng trên cơ sở pháp luật của Đảng, của Nhà nước, đặc biệt là quy định của Trung ương về kê khai tài sản.
PV: Ông nghĩ sao về việc UBND tỉnh Yên Bái chủ động liên hệ với Thanh tra Chính phủ nhờ hỗ trợ việc xác minh?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Việc kê khai và giám sát kê khai tài sản để phòng chống tham nhũng đã được quy định rất rõ trong luật. Ở cấp nào giám sát cấp đó, trừ những vụ việc thực sự nghiêm trọng, khó giải quyết mới phải chuyển lên cấp trên. Ở cấp nào làm nghiêm túc ở cấp đó rồi sẽ không phải đưa lên cấp trên.
Trong vụ việc này, tôi hiểu có sức ép của báo chí và dư luận nhân dân buộc UBND tỉnh Yên Bái phải vào cuộc. Theo tôi nếu thực sự nghiêm túc, UBND tỉnh Yên Bái có thừa năng lực để xác minh, làm rõ vụ việc này. Việc Thanh tra Chính phủ cử đoàn về Yên Bái cũng là việc cần thiết khi địa phương không giải quyết được phải nhờ tới Trung ương.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc. Ảnh: VOV |
PV: Tại Yên Bái, ngoài số tài sản của Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Phạm Sỹ Quý, dư luận còn đặt câu hỏi về khối tài sản lớn của 2 Giám đốc Sở nữa. Nếu đó là tài sản bất minh, đã đến lúc cần xem xét lại tư cách đạo đức công vụ của những đảng viên này?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Đúng thế, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về phòng chống suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ đảng viên. Nếu có những hiện tượng như vậy buộc phải xem xét, đánh giá đạo đức công vụ, tư cách đảng viên, trách nhiệm của từng cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Tôi cho rằng, hiện tượng ở Yên Bái không phải là cá biệt, nếu xem xét một cách nghiêm túc theo đúng yêu cầu về kê khai tài sản của Luật phòng chống tham nhũng, nếu quan tâm giám sát, kiểm tra một cách chặt chẽ chắc sẽ còn phát hiện được ở nhiều địa phương khác nữa, nhiều ngành và lĩnh vực khác nữa.
Kê khai và giám sát kê khai tài sản: Dễ rất dễ, khó rất khó
PV: Nói về kê khai tài sản, khối tài sản ấy không bé như “con kiến” mà các cơ quan chức năng không nhìn thấy, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Chuyện kê khai tài sản của cán bộ lãnh đạo theo tôi là rất dễ nhưng cũng rất khó. Dễ là nếu cả đối tượng phải kê khai và cơ quan có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc kê khai tuân thủ đúng quy định của kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, có thể phát hiện ngay được tài sản nào là chính đáng, là bất minh. Còn nếu không nghiêm túc thì việc này sẽ rất khó.
Theo tôi, có những rào cản, sức ép khiến cho việc kê khai cũng như giám sát kê khai không nghiêm túc: đó là sức ép từ cấp trên khiến việc kiểm tra có thể bị làm cho sai lệch kết quả; sức ép từ bản thân người phải kê khai, không đủ bản lĩnh, trách nhiệm, lương tâm, danh dự để kê khai một cách trung thực; hay rào cản là những mối quan hệ khiến người kê khai phải tìm cách bưng bít, che giấu thậm chí tìm cách để chạy (chạy tội). Đồng tiền có khả năng chi phối ghê gớm khiến việc thanh tra, kiểm tra không đủ độ tin cậy, đó là cơ sở để quần chúng nghi ngờ kết quả đánh giá.
Dẫn tới tình trạng đó, nguyên do là kỷ luật không nghiêm, pháp luật cũng không nghiêm, theo tôi cần phải kiểm soát quyền lực. Những câu chuyện giàu lên một cách khó hiểu xét cho cùng là do người ta có thể lợi dụng quyền lực để trục lợi để có được số tài sản như vậy.
Quyền lực không được kiểm soát sẽ dẫn tới những hệ quả: về mặt chính trị, cán bộ, người ta sẽ dùng quyền lực để bố trí, sắp xếp cán bộ, người nhà, người thân theo ý của họ. Về mặt kinh tế, người ta lợi dụng quyền lực để tạo ra những mối quan hệ, lợi ích nhóm để trục lợi; họ cũng có thể dùng quyền lực để tạo sức ép đối với cấp dưới, với doanh nghiệp, với các đối tượng khác để cung phụng hay tạo ra lợi ích cho người có chức quyền.
Có thể kể ra rất nhiều nguyên nhân từ phía tổ chức quản lý cán bộ, từ bản thân cán bộ lãnh đạo quản lý thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện, bị chủ nghĩa cá nhân chi phối nặng nề… Những nguyên nhân ấy cần phải được tìm ra.
Trong tình hình hiện nay, phải siết chặt kỷ luật và pháp luật của Nhà nước và phải kiểm soát quyền lực. Kiểm soát ở đây là theo hệ thống dọc: cấp trên phải kiểm soát cho được cấp dưới, kiểm soát cả cấp ngang. Ở một địa phương, các tổ chức chính quyền phải kiểm soát được các cán bộ trong phạm vi địa phương mình; phải làm sao cho tất cả các tổ chức mặt trận, đoàn thể, nhân dân có thể giám sát, qua đó mới phát hiện được. Một kênh rất quan trọng nữa đó là báo chí. Vừa rồi, chính cơ quan báo chí đã phát hiện nhiều tiêu cực. Tất cả những “công cụ” phải được làm một cách đồng bộ, nếu không rất khó kiểm soát được quyền lực. Không kiểm soát được quyền lực của cán bộ quản lý sẽ “đẻ” ra rất nhiều tiêu cực.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV1