- Tại Trung Quốc có khá nhiều trường hợp quan chức tham nhũng hay vi phạm kỷ luật trốn ra nước ngoài sau lại về đầu thú, tương tự như Trịnh Xuân Thanh.

Ngày 28/7 vừa qua, Dương Tú Châu, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Chiết Giang – người đứng thứ nhất trong bản “Danh sách 100 quan tham bị truy nã đỏ quốc tế” về nước đầu thú sau 13 năm lẩn trốn ở nước ngoài - đã bị Tòa án Hàng Châu đưa ra xét xử công khai về tội tham ô, nhận hối lộ. Châu bị cáo buộc tham ô gần 20 triệu NDT (66 tỷ VND) tiền công và nhận hối lộ hơn 7 triệu NDT (23,1 tỷ VND). Trước tòa, Dương Tú Châu đã nhận mọi tội lỗi và bày tỏ hối tội. Phiên tòa đã kết thúc, nhưng mức án dành cho “Trung Quốc đệ nhất nữ quan tham” này sẽ được công bố vào dịp khác – một tập quán thường thấy trong các vụ án hiện nay ở Trung Quốc.

{keywords}
Dương Tú Châu bị bắt khi về nước đầu thú. Ảnh do tác giả cung cấp

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Hàng Châu, trong thời gian từ 1996 đến 1997, Dương Tú Châu đã lợi dụng các chức vụ Chủ tịch Công ty khai thác nhà đất Đường sắt Ôn Châu và Phó Thị trưởng Ôn Châu, chiếm  đoạt trái phép 19,04 triệu NDT tiền công; từ 1994 đến 1998, Châu đã lợi dụng tiện lợi khi giữ các chức Trợ lý Thị trưởng, Phó thị trưởng Ôn Châu giúp đỡ người khác mưu lợi trong khai thác đất nền, triển khai hạng mục xây dựng, gia tăng diện tích xây dựng, miễn giảm thuế, rồi nhận hối lộ tiền mặt và qua chuyển khoản số tiền 7,35 triệu NDT (tệ).

Sau khi Châu bỏ trốn ra nước ngoài tháng 4/2003, nhà chức trách địa phương đã cáo buộc bà ta tham ô số tiền lên tới 253,2 triệu tệ, mới thu hồi được 42,4 triệu và phong tỏa được 70 triệu tệ. Cơ quan pháp luật đã lập hồ sơ điều tra vụ án Dương Tú Châu, có tới hơn 100 người liên đới, trong đó có 2 quan chức cấp sở, 11 cấp phòng, 7 cấp ban. Châu còn trực tiếp liên quan đến 12 vụ án kinh tế khác, trong đó có các vụ án quan trọng rất được quan tâm là vụ Thị trưởng Ôn Châu Trần Văn Hiến nhận hối lộ và Cục trưởng CA quận Lộc Thành, Ôn Châu Vương Thiên Nghĩa tham ô.

Bỏ trốn 13 năm nhưng không thoát

Dương Tú Châu sinh năm 1946, từng là Trợ lý Thị trưởng, Phó Thị trưởng thành phố Ôn Châu. Ngày 20/4/2003, khi đang là Phó Giám đốc Sở xây dựng tỉnh Chiết Giang, Châu đã mang theo con gái, con rể và cháu ngoại đáp máy bay trốn sang Mỹ qua ngả Singapore. Tháng 2/2004, Viện Kiểm sát tỉnh Chiết Giang đã phát lệnh truy nã đỏ Dương Tú Châu thông qua Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol). Ngày 22/4/2015 Trung tâm Interpol quốc gia Trung Quốc công bố bản danh sách 100 nhân viên nhà nước phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài bị truy nã đỏ (gọi tắt là Danh sách 100), Dương Tú Châu là người được đánh số 1.

Dương Tú Châu đã lần lượt trốn qua các nước Singapore, Pháp, Italy và Hà Lan. Ngày 31/5/2005, Châu bị bắt giữ ở Hà Lan nhưng sau đó lại được thả; tháng 5/2014 bà ta đã tới Mỹ. Tháng 4/2015 Dương Tú Châu bị đưa vào và đứng đầu bản danh sách “100 quan tham bị truy nã đỏ”.

Ngày 28/5/2015, Dương Tú Châu bị cảnh sát Mỹ bắt giữ vì vi phạm quy định về visa. Tháng 6/2015, Châu đã chính thức đệ đơn xin tỵ nạn chính trị ở Mỹ, nhưng tình hình của bà ta không phù hợp với điều kiện tỵ nạn chính trị ở Mỹ vì trước khi tới Mỹ đã phạm tội nghiêm trọng phi chính trị và chính phủ Mỹ không cho phép loại người này được hưởng quy chế tỵ nạn chính trị. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật Mỹ, tòa án Mỹ sẽ xem xét đơn của Dương Tú Châu trong 6 tháng, nếu họ bác bỏ, bà ta vẫn có 3 tháng kháng cáo…

Ngày 16/11/2016, sau 13 năm bỏ trốn, Dương Tú Châu  đã từ Mỹ về Trung Quốc đầu thú và bị Viện Kiểm sát Hàng Châu truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tham ô, nhận hối lộ. Khi đó, Châu đã nói: “Tuổi càng cao thì càng muốn lá rụng về cội” và bày tỏ hối hận vì đã bỏ trốn, đồng thời lên tiếng khuyên những quan tham đang trốn ở nước ngoài khác hãy sớm về nước. Bà ta nói: “Dù sao chúng ta cũng là người Trung Quốc, người thân và bạn bè đều mong ta quay về đoàn tụ”. Theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (UBKTKLTW), khi đó, việc Châu về đầu thú là thành quả quan trọng của sự hợp tác tư pháp giữa hai nước Trung - Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lên tiếng cám ơn Mỹ và các nước liên quan đã phối hợp, giúp đỡ Trung Quốc trong việc bắt Châu và các nghi phạm khác quy án.

Việc đưa được Dương Tú Châu về nước đầu thú, chịu sự xét xử của pháp luật được coi là một thành công lớn trong chiến dịch “Săn cáo” của Trung Quốc. Từ 2014 đến nay Tổ phối hợp chống tham nhũng trung ương, Văn phòng chống quan tham bỏ trốn đã điều phối các ngành ngoại giao, tư pháp, chấp pháp, chống rửa tiền, chống tham nhũng…bằng nhiều cách tiến công, gây sức ép, vận động, khuyên nhủ Châu về nước đầu thú. Từ lúc tuyên bố “chết cũng chết ở Mỹ”, bà ta dần dần chuyển biến, rút lại đơn xin tỵ nạn rồi quyết định về nước đầu thú.

Vừa tham vừa dâm và cả nhà tham nhũng

Dương Tú Châu nguyên là Phó giám đốc Sở xây dựng tỉnh Chiết Giang. Tại Ôn Châu, tên tuổi Dương Tú Châu ai ai cũng biết vì tính cách đặc biệt.

{keywords}
Dương Tú Châu trước tòa. Ảnh do tác giả cung cấp.

Khi là Phó thị trưởng Ôn Châu, chỉ vì một vị Cục trưởng đến muộn giờ, bà ta đã quát nạt: “Bà đã đến rồi, sao mày dám đến muộn”. Một lần khi ăn, do cãi nhau, bà ta đã lấy giấy vệ sinh lau lên mặt ông Bí thư thành ủy. Tính tình hung bạo, thô lỗ, nhưng Dương Tú Châu lại là kẻ hiếu sắc, dâm đãng. Đội ngũ tình nhân của bà ta được báo chí ước lượng 3 con số (hàng trăm người).

Theo báo chí địa phương, trong gia đình Dương Tú Châu, ngoài bà ta, cả
hai người em trai là Dương Quang Vinh và Dương Tiến Quân cũng đều phạm tội tham nhũng, hình thành “một nhà ba quan tham”. Trong đó, Dương Quang Vinh từng là Phó Tổng giám đốc Công ty phát triển nhà đất Cục Đường sắt Ôn Châu đã bị bắt, xét xử, nhận án tù; Dương Tiến Quân, Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn công ty Minh Hòa, Chiết Giang. Sau khi công ty làm ăn thua lỗ, Quân đã cuỗm hàng chục triệu NDT rồi bỏ trốn sang Mỹ từ tháng 12/2001. Quân cũng bị đưa vào danh sách “100 quan tham bị truy nã đỏ”; tháng 9/2015, Quân đã bị bắt tại Mỹ rồi đưa về nước.

Cho đến đến tháng 4/2017, Trung Quốc đã truy bắt đưa về nước được 2.873 nghi phạm bỏ trốn ra hơn 90 quốc gia và khu vực, trong đó có 476 cán bộ nhà nước, truy thu gần 9 tỷ NDT. 

Tính đến ngày 31/7, trong số 100 quan tham bị truy nã đỏ quốc tế, đã có 43 người bị bắt dẫn độ về hoặc tự nguyện về đầu thú quy án. Trong đó, đã xét xử 17 người, 2 người quyết định không khởi tố, 1 người bị bãi án, tòa án đang xét xử nhưng chưa tuyên án 9 người, đang thẩm tra để khởi tố 15 người. 

Số người mới bỏ trốn mỗi năm một giảm: năm 2014 trốn 101 người, 2015 trốn 31 người, năm 2016 chỉ còn 19 người; công tác “truy bắt nghi phạm, truy thu tang vật” trên quốc tế được Trung Quốc đánh giá đã giành được thành tựu quan trọng.


Ngô Tuyết (theo báo chí Trung Quốc)