"Giảm bớt tầng lớp quan lại bằng cách sáp nhập, tinh giảm các đơn vị hành chính và phải chống tham nhũng" - đó là một trong những biện pháp Nguyễn Trường Tộ kiến nghị lên Triều đình.

LTS: Một năm mới lại đến, cũng là lúc chúng ta cần thêm những quyết tâm, hành động cho nhiệm vụ đổi mới đất nước, kiến tạo phát triển. Với ý nghĩa đó, Tuần Việt Nam tìm về nhân vật lịch sử - nhà cách tân Nguyễn Trường Tộ như một cách "ôn cố" để "tri tân". Dẫu thất bại, nhưng con người và những việc ông đã làm vẫn luôn là bài học cần cho thời đại ngày nay.

Nhắc đến Nguyễn Trường Tộ (1830?-1871) là nói đến tư tưởng canh tân nửa sau thế kỷ 19, trong bối cảnh thực dân Pháp xâm lược nước ta, kinh tế kiệt quệ, xã hội khủng hoảng gay gắt, chính trị rối loạn. Trong khu vực, các nước châu Á cũng chung hoàn cảnh bị phương Tây dòm ngó, xâu xé.

Là nhà Nho, nhưng nhờ khả năng học hỏi, tiếp nhận tri thức khoa học và thành tựu kỹ thuật tiến bộ của phương Tây, ông đã vượt qua cái bóng nặng nề của Nho giáo đương thời, để phân tích tình hình, thời thế của con người và đất nước. Ông đã sáng suốt nhận ra "vận hội trong thiên hạ" và "sự thế xưa nay đổi dời ra sao" để tìm lối thoát cho đất nước.

Theo đó, canh tân đất nước là một yêu cầu bức thiết của dân tộc ta trong bối cảnh nửa cuối thế kỷ 19. Nguyễn Trường Tộ khẳng định: "Nếu việc làm của ta không kịp người thì hệ quả sẽ không nhỏ".

{keywords}
Nguyễn Trường Tộ

Canh tân toàn diện

Trong 58 bản Điều trần, tức 58 chương trình canh tân đất nước gửi lên Triều đình, Nguyễn Trường Tộ đã đưa nhiều vấn đề kinh tế, quân sự, ngoại giao, giáo dục... vào diện "phải đổi mới".

Về kinh tế, tư tưởng chủ đạo của ông là "làm cho dân giàu nước mạnh" và "trong ngũ phúc, phú đứng đầu". Ông nhận thức sâu sắc: "Nếu bị cái nghèo đói thúc bách thì lo kế sống cũng chưa xong, còn hơi đâu bàn lễ nghĩa!". Cho nên phải làm cho "đất nước giàu mà dân cũng giàu". Nguyễn Trường Tộ đã đưa ra các chương trình phát triển kinh tế để thực hiện mục đích này:

Nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế bấy giờ, nên phải giải quyết những bế tắc đầu tiên. Ông đề nghị triều đình quan tâm đào tạo đội ngũ chuyên trông coi phát triển nông nghiệp gọi là "nông quan". Họ phải đươc đào tạo trong các trường nông chính của nhà nước, hoặc gửi đi đào tạo ở nước ngoài để có kiến thức thiên văn, địa lý, thực vật và biết cách tổ chức nông nghiệp.

Trong ngắn hạn, Nguyễn Trường Tộ đề nghị triều đình chọn những người là cử nhân, tú tài bổ dụng làm "nông quan" vừa học vừa làm. Họ phải đọc sách chuyên môn, nắm vững tình trạng đất đai địa phương mình trấn nhiệm, hướng dẫn nông dân gieo mạ, cày cấy. Người nào cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất thì xem xét, rút ra kinh nghiệm cho mọi người dân học hỏi, áp dụng.

Ông đề nghị triều đình phải coi trọng thu thập kinh nghiệm, phát huy sáng kiến. Muốn làm được, triều đình phải đặt khoa hải lợi, sơn lợi, địa lợi, thủy lợi... để khen thưởng những sáng kiến, cải tiến trong các lĩnh vực.

Nho giáo kỳ thị với thương nghiệp, buôn bán. Còn Nguyễn Trường Tộ lại đề nghị: "Xin cho các nhà buôn trong dân gian biết góp vốn lập những hãng buôn mà tiền vốn đến 100 vạn, hiện có xác thực thì ban thưởng cho họ. Do có vốn hay vốn riêng của một nhà mà đóng được thuyền hay mua được thuyền thì bất luận kiểu gì mà có thể sang nhà Đại Thanh hoặc ra nước ngoài buôn bán cũng ban thưởng cho họ".

Để canh tân đất nước, cần phải có tài chính, Nguyễn Trường Tộ đưa ra 4 biện pháp:

Một là tận thu các nguồn thuế. Phải đánh thuế thật nặng các sòng bạc, các mặt hàng rượu, thuốc, hàng xa xỉ phẩm ngoại nhập và nhà giàu.

Hai là giảm bớt tầng lớp quan lại bằng cách sáp nhập, tinh giảm các đơn vị hành chính và phải chống tham nhũng.

Ba là, khai thác các nguồn lợi quốc gia như rừng, biển, đất đai, hầm mỏ.

Bốn là, vay vốn của dân, trước hết là vay của nhà giàu và trả lãi suất. Khi nào số tiền lời gấp đôi số tiền cho vay thì chấm dứt, không hoàn lại vốn.

Năm là, vay tiền của nước ngoài trả bằng hàng hóa trong nước sản xuất hoặc trả bằng hàng nông lâm, thủy sản, khoáng sản rồi trừ nợ dần.

Sáu là kêu gọi nước ngoài đầu tư. Ông nêu ra các điều lợi như sau: Thu thuế, chia lợi nhuận, giải quyết công ăn việc làm, học tập kỹ thuật, quản lý, mua bán, dịch vụ, tận dụng các công trình giao thông, y tế. Ông nhấn mạnh: "Họ vào đầu tư khai thác thì không những nhà nước thu lợi mà nhân dân cũng có việc làm, lại được học tập, làm quan khoa học, kỹ thuật của phương Tây. Dân là dân của ta, đất là đất của ta, họ có đem đi đâu mà lo sợ".

{keywords}

Tượng Nguyễn Trường Tộ trong khuôn viên Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, TP. Vinh, Nghệ An. Ảnh: Viencongnghemoi.com

Gian nan đổi mới... con người!

Những tư tưởng tiến bộ, tầm nhìn sáng suốt của Nguyễn Trường Tộ, đáng tiếc không thành hiện thực. Đất nước, dân tộc đã lỡ một cơ hội đổi mới vào thời điểm sống còn.

Là một nhà Nho được tiếp xúc với văn minh phương Tây, Nguyễn Trường Tộ đã tiếp thu, so sánh, tìm ra hướng đổi mới cho đất nước. Bên cạnh đó, sự thành công của nước Nhật ở phía Đông cũng cổ vũ Nguyễn Trường Tộ tự tin, dũng cảm hơn.

Ông xác định, sự lầm lạc, cổ hủ bắt nguồn từ hệ tư tưởng "Nho phong", tức Nho giáo. Chính cái "Nho phong" cổ hủ đó khiến triều đình lúng túng và bất lực trong việc giải quyết xử lý với ngoại xâm, dẫn tới để mất 6 tỉnh Nam kỳ.

Nguyễn Trường Tộ nhận ra phương Tây khôn ngoan biết áp dụng KHKT vào chế tạo vũ khí, SX hàng hóa. Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp thu văn minh, kỹ thuật ấy để làm được như phương Tây. Ông cho rằng, cần phải học "những cái cao siêu như thiên văn, cái sâu như địa lý, cái phiền toái như nhân sự cho đến luật dịch, binh quyền, tạo giáo, dị nghệ, các môn cách trí, thuật số". Và từ đây, người Việt dân tộc Việt "có thể tiếp thu văn minh nhân loại, văn minh phương Tây để bằng người và vượt người".

Nguyễn Trường Tộ đã chỉ ra những ưu, nhược của người Việt lúc bấy giờ như sau: "nhiều tài trí, lại khéo léo bắt chước kỹ xảo của người khác, không tự kiêu, tự mãn... cho nên các nhà thông thái trên thế giới đều cho rằng nước ta có địa lợi tốt, lại có nhân tính tốt, ngày nay ắt hẳn sẽ phồn thịnh vô cùng. Nhưng chỉ tiếc là người mình còn chấp nệ tập tục cũ, bị lối học từ chương bó buộc nên chưa thể tung hoành nơi bốn bể".

Ông đã tha thiết phân tích những thiếu sót của người Việt khi đối chiếu với thế giới bên ngoài. Ông đã trình bày với triều đình phương pháp khắc phục những sở đoản "chết người" của một bộ phận người Việt, chủ yếu là quan lại, bằng cách "quan sát thế giới" và "chịu khó nghiên cứu cho sâu, học cho biết".

Mặt khác, Nguyễn Trường Tộ đã kịch liệt lên án những kẻ bảo thủ, khư khư giữ thói cũ làm đất nước luẩn quẩn trong lạc hậu và yếu kém. Ông mạnh mẽ khẳng định: "Người thời nay phần nhiều không hiểu được sự thế xưa nay đổi dời ra sao, cứ ca tụng đời xưa, cho rằng thời nay không thể nào bằng được. Làm việc gì họ cũng đi ngược theo xưa. Bọn Tống, Nho sở dĩ làm hại nước, làm đất nước hèn yếu không thể phát đạt được đều do tư tưởng này mà ra".

Lên án và phẫn nộ với những kẻ chỉ biết "làm theo xưa" mà chối bỏ hoàn toàn những tiến bộ, văn minh của thiên hạ, Nguyễn Trường Tộ đã chỉ ra: "Thời đại nào có chế độ nấy. Con người sinh vào thời nào cũng đủ làm công việc của thời đại đó mà thôi!".

Tiếc rằng, hệ thống Nho phong lỗi thời cũng như bao tư tưởng giáo điều sau này có sức trì trệ đáng sợ, đè bẹp ý chí và đóng kín cánh cửa trí tuệ của quan lại lúc bấy giờ. Bộ máy quan lại đương thời vốn là những người được đào tạo trong hệ thống Nho học lạc hậu, đã chống đối quyết liệt trước những đổi mới mà Nguyễn Trường Tộ đưa ra.

Duy Chiến

(Còn nữa)

Đón đọc kỳ sau: Vì sao nước Nhật đổi mới thành công, còn VN thì không?

-----

Tài liệu tham khảo

- Nguyễn Trường Tộ - Con người và di cảo . Tác giả: Trương Bá Cần - NXB TP.Hồ Chí Minh năm 1989

- Tư tưởng canh tân ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX - PGS.TS Nguyễn Trọng Văn (Đại học Vinh)