-Quyết định tạm đình chỉ các sếp "lương khủng" để kiểm điểm trách nhiệm, với tinh thần xử nghiêm minh, đúng người đúng tội đã được đưa ra đúng lúc, kịp thời. Trước mắt đã xóa đi ấn tượng của người dân lâu nay về cách xử lý các vụ việc liên quan đến cán bộ vẫn theo kiểu "xuê xoa".

>> Lương không đủ café, lậu đủ sắm... nhà lầu

>> Lương khủng không bằng... 'lậu' khủng

Cuối cùng thì cơ quan chức năng của thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tạm đưa ra quyết định ban đầu về chuyện các sếp "lương khủng", và người dân đang hồi hộp đợi những kết quả điều tra tiếp theo sau.

Thông lệ lâu nay, rất nhiều vụ việc sau khi bị phát giác thì người phạm lỗi chỉ... nộp lại tiền, thế là xong. Nhưng, trong câu chuyện này thì không thể chỉ là buộc nộp lại khoản lương khủng lẽ ra không được hưởng là xong như mọi lần.

Bởi, nếu không có hình thức xử lý nào khác, thì những người sai phạm sẽ lại có thêm kinh nghiệm để tiến hành những "thủ thuật" khác khôn khéo, tinh vi hơn và biết đâu mối lợi thu về còn lớn gấp nhiều lần. Chính vì vậy, thêm một lần nữa cần phân tích kỹ hơn sai phạm trong câu chuyện lương khủng,  rút kinh nghiệm để những sai phạm tương tự sẽ không xảy ra.

Chúng ta đều biết, theo Nghị quyết của UBTV Quốc hội số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30/9/2004 v/v phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo Nhà nước, thì hệ số lương cao nhất là của Chủ tịch nước cũng chỉ có 13, nghĩa là 13 lần lương tối thiểu. Còn Thủ tướng Chính phủ là 12,50.

Đúng như tại cuộc họp báo mới đây, ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, mức lương của Thủ tướng cũng chỉ dưới 15 triệu đồng/ tháng, nghĩa là dưới 180 triệu đồng/năm.

Thế mới thấy, lãnh đạo ở các công ty trên tài giỏi cỡ nào! Quá giỏi vì họ kiếm được khoản lương mà người bình thường, hoặc lãnh đạo các công ty tương tự ở tỉnh khác chắc chắn không sao tưởng tượng nổi.

Không thể tưởng tượng nổi vì hai lẽ. Thứ nhất là bởi con số quá "khủng", vượt 40-50 lần so với mức lương người lao động. Thứ hai, là cái "bản lĩnh" siêu phàm của những lãnh đạo này, khi dám đặt cho mình những mức lương ngất ngưởng đến vậy.

Kết quả thanh kiểm tra cho thấy, các lãnh đạo DN này đã thực hiện nhiều "chiêu trò" kiếm tiền làm giàu cho bản thân là những hành vi phạm luật. Họ bòn rút công sức của hàng trăm người lao động bằng cách trốn tránh, không ký hợp đồng đúng theo luật định. Thay vào đó, chỉ tuyển lao động thời vụ để tránh chi phí bảo hiểm, phúc lợi xã hội.

{keywords}
Lương cao nhất trong "bộ tứ" lên tới 2,6 tỷ đồng/ năm. Ảnh minh họa

Rõ ràng, trong hệ thống lương doanh nghiệp, các lãnh đạo này có quyền chủ động nhất định. Nhưng chủ động vượt khung gấp nhiều lần như vậy thì cũng thật liều lĩnh.

Đến Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, tại một phiên họp mới đây, khi biết tin trong thành phố của mình có những người hưởng lương ngang ngửa Tổng thống một số quốc gia, cũng phải thốt lên: "Nghe mà choáng!"

Cũng theo người đứng đầu thành phố, năm 2013, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM đã được ngân sách nhà nước rót gần 600 tỷ đồng. Trong khi đó, đơn gửi Thành ủy, đơn vị này lại lấy lý do là do thực hiện chỉ đạo của UBND TP về chi trả tiền lương làm giảm nguồn thu của DN, ảnh hưởng đến thu nhập của cán bộ công nhân viên.

"Đúng là có giảm thật, nhưng giảm là giảm của công nhân do mấy ông thực hiện không đúng chủ trương. Chứ còn lương của ban quản lý, ban giám đốc thì cao ngút trời. Nhờ có sự "đấu tranh" này của công ty mà TP cho kiểm tra xong mới lòi ra".

Ông Lê Hoàng Quân cũng vạch rõ tội của các lãnh đạo doanh nghiệp kia: "Hôm nay tôi nói thẳng cái tội của các anh là bớt lương, bớt thu nhập của người lao động để làm giàu cho lãnh đạo".

Ngoài ra, có thể thấy như ông Nguyễn Ngọc Điện, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật ĐHQG TP.HCM phân tích: nhờ những đặc điểm riêng về lĩnh vực hoạt động, các DN này được hưởng lợi từ sự đầu tư bằng ngân sách công. Các khoản đầu tư công này được ấn định ở mức cao, do được tính toán dựa vào những định mức, tiêu chuẩn đã lạc hậu; không chỉ vậy, khoản đầu tư này còn tăng nhanh, được cho là để thích ứng với tốc độ đô thị hóa.

Hơn nữa, DN tiếp nhận vốn đầu tư mà không cần đấu thầu, nghĩa là không cần phải tranh giành với ai khác. Nắm trong tay một cách quá dễ dàng số vốn lớn vượt mức cần thiết, doanh nghiệp chỉ cần chi ra một phần là xong việc. Phần còn lại, các vị trí chủ chốt thoải mái chia nhau hưởng. Rõ ràng hệ thống định mức bất hợp lý và tình trạng độc quyền đã tạo điều kiện cho sự trục lợi.

Còn rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lương khủng bất thường này. Nhưng qua đây, có thể thấy những kẽ hở trong pháp luật, các quy định và sự lỏng lẻo trong quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, trước tiên chúng ta cần quyết liệt thực hiện một số việc để tránh tình trạng lạm dụng quyền lực thu lợi cho bản thân của các sếp DN:

Thứ nhất, xử lý nghiêm minh để làm gương. Không thể chỉ là buộc nộp lại khoản lương khủng lẽ ra không được hưởng là xong. Nếu không, những người sai phạm sẽ lại có thêm kinh nghiệm để tiến hành những "thủ thuật" khác khôn khéo, tinh vi hơn và biết đâu mối lợi thu về còn lớn gấp nhiều lần.

Thứ hai, hoàn thiện các văn bản quy phạm, khắc phục các kẽ hở, để trong quá trình triển khai, thực hiện tránh tình trạng bị các cá nhân, tập thể lợi dụng. Khi những người thạo luật lách được luật, qua mắt các cơ quan chức năng thì những luật, quy định đó phải nhanh chóng được thay đổi, điều chỉnh chặt chẽ hơn.

Thứ ba, phải đặt các doanh nghiệp này dưới sự thanh tra và kiểm tra chuyên ngành của thành phố, UBND TP, không chịu sự can thiệp của các loại tổ chức khác. Cần có một cơ quan có được trao quyền để thanh kiểm tra doanh nghiệp, mà không bị một loại cơ quan đoàn thể nào có ý kiến chỉ đạo, phải "nhờ đấu tranh, kiểm tra mới lòi ra sai phạm".

TS Ngô Thành Can (Học viện hành chính)