Một loạt sự kiện “nóng” liên quan đến các thay đổi trong quyết sách đối ngoại của tân Tổng thống Mỹ đã làm dấy lên nhiều tin đồn về khả năng Mỹ sắp tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên như đã làm với Syria.

Mỹ muốn “xáo lại bài”

Về tên lửa, việc Bình Nhưỡng phát triển một loại tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công lục địa Mỹ đang được xác minh. Các quan chức tình báo Mỹ cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ không mất đến hai năm để có thể phát triển các năng lực phóng một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tới lục địa Mỹ.

Về hạt nhân, các phân tích hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho một vụ thử thứ 6 trong tương lai gần.

Cuộc tấn công bất ngờ bằng tên lửa của Mỹ nhằm vào quân đội Syria vừa qua khiến người ta bắt đầu nghĩ tới khả năng một trường hợp tương tự xảy ra với Triều Tiên.

Việc Mỹ bất ngờ đổi hành trình của tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Carl Vinson, tiến đến bán đảo Triều Tiên càng khiến kịch bản trên được đặt cược nhiều hơn. Động thái mới của Hải quân Mỹ đã khiến không ít người lo lắng rằng hành động này đang “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến Triều Tiên phản ứng nông nổi.

Có lẽ Mỹ đang muốn xáo lại các “lá bài” tại châu Á và Triều Tiên có thể là mục tiêu tiếp theo.

{keywords}
Đang có nhiều đồn đoán về những động thái của Mỹ với Triều Tiên. Ảnh minh họa

Hậu quả nhãn tiền

Tuy nhiên, mở một cuộc tấn công phủ đầu vào Triều Tiên là kịch bản rất nguy hiểm và phức tạp. Nếu nhắm tới các địa điểm nghi có chương trình hạt nhân, như lò phản ứng Yongbyon, Washington sẽ phải mạo hiểm gây ra một thảm họa hạt nhân.

Một cuộc tấn công đơn phương của Mỹ vào Triều Tiên từ một tầm ngắn hơn có thể đạt mục tiêu quân sự hiệu quả, nhưng cũng khiến các nước trong khu vực lo ngại Triều Tiên trả đũa bằng cách tấn công các mục tiêu tại Hàn Quốc và Nhật Bản có đông dân. Nếu sử dụng tên lửa mang đầu đạn hóa học, hoặc thậm chí các loại vũ khí pháo binh có phần lạc hậu, cũ kỹ của mình, Triều Tiên cũng có thể gây ra thiệt hại cho láng giềng.

Hiện nay, Triều Tiên được cho là sở hữu khoảng hàng chục, hoặc nhiều hơn thế, các thiết bị nổ chứa hạt nhân, các kho vũ khí hóa học và sinh học lớn cùng hàng trăm tên lửa đạn đạo có khả năng tiếp cận tới Hàn Quốc, Nhật Bản, cùng với đó là hàng ngàn khẩu pháo hướng về thủ đô Seoul của Hàn Quốc.

Về phần TQ, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã có một hiệp ước hữu nghị và hợp tác ký năm 1961, trong đó có điều khoản phòng thủ chung nếu bị tấn công. Vì vậy, Trung Quốc dù rất tức giận về các vụ thử của Triều Tiên, nhưng sẽ không thể mạo hiểm để mất “láng giềng tốt” này nếu Mỹ chiếm đóng toàn bộ Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump tỏ ra là một nhà lãnh đạo không thể lường trước, không ngần ngại tấn công. Với việc chứng tỏ sẵn sàng sử dụng vũ lực, chính quyền Tổng thống Trump đã khiến TQ bất ngờ và hoang mang về cách thức mà Washington có thể sử dụng để đáp trả các khiêu khích của Bình Nhưỡng.

Chính sách ngoại giao cưỡng ép

Tổng thống Trump đã thể hiện một hướng đi cứng rắn đối với cả TQ và Triều Tiên. Tân tổng thống Mỹ cảnh báo nếu Bắc Kinh không giúp giải quyết vấn đề Triều Tiên thì Mỹ sẽ đơn phương hành động quân sự.

Tuy nhiên, ông Trump chắc chắn hiểu rằng nếu không có sự tham gia của TQ và đặc biệt là Nga, trong nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, đều có thể dẫn đến sự đối đầu giữa Mỹ với hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân này.

Vì vậy, chính sách ngoại giao cưỡng ép của ông Trump được một số nhà quan sát đánh giá như là một "đòn cân não", nhằm gây ảnh hưởng đến lãnh đạo TQ và để tạo lợi thế trong mặc cả, nhiều hơn là thể hiện một đối sách đã được chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm giải quyết một trong các vấn đề được coi là gai góc nhất đối với Washington.

Các kịch bản

Về khả năng hành động của Tổng thống Mỹ trong vấn đề Triều Tiên, kênh truyền hình CNN cũng đưa ra 3 kịch bản như sau:

Kịch bản 1: đối thoại đưa Triều Tiên vào bàn đàm phán. Ít nhất 3 lần trong giai đoạn tranh cử tổng thống, ông Trump đã nói sẽ mời lãnh đạo Triều Tiên ăn hamburger. Bình Nhưỡng cũng đã tuyên bố sẵn sàng thương lượng, nhưng không chấp nhận giải trừ vũ khí hạt nhân như một điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, việc Triều Tiên liên tục thử tên lửa trong những tháng gần đây khiến kịch bản này trở nên xa vời.

Kịch bản 2: Siết chặt gọng kìm kinh tế. Chính quyền Trump có thể điều tra các doanh nghiệp TQ thông đồng với Triều Tiên, và trừng phạt trực tiếp các doanh nghiệp này, thay vì chỉ nhắm vào các doanh nghiệp Triều Tiên có liên quan hệ tới chương trình hạt nhân.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng giải pháp này sẽ không khiến chế độ Bình Nhưỡng khuất phục. Dù có bị thiệt hại đến đâu thì quân đội và chương trình vũ khí hạt nhân vẫn sẽ được chế độ Bình Nhưỡng bảo vệ đến cùng.

Kịch bản 3: Can thiệp quân sự. Giới chuyên gia nhận định, khác với tình hình Syria, hiện chưa có diễn biến nào thôi thúc hoặc biện minh cho một cuộc can thiệp quân sự của Mỹ vào Triều Tiên.

Nhưng ngoài biện pháp đánh đòn phủ đầu, vốn rất khó xảy ra, còn có một loạt khả năng trong kịch bản quân sự nhưng không gây ra chiến tranh, như: phong tỏa đường biển, hay điều các tàu được trang bị hệ thống chống tên lửa lớp Aegis đến sát bờ biển Triều Tiên để sẵn sàng bắn hạ các tên lửa mà Bình Nhưỡng thử nghiệm trong tương lai.

Các kịch bản trên cho thấy Tổng thống Mỹ vẫn còn một số “lá bài” trong tay để mặc cả với lãnh đạo TQ.

Thảo Linh