Lịch sử quan hệ ngoại giao Mỹ – Trung là phần một trong một serie “di sản” chính sách đối nội và đối ngoại của Tổng thống Barack Obama để lại cho người kế nhiệm Donald Trump khi nhậm chức vào ngày 20/1/2017.

Ngay sau khi nhậm chức năm 2009, Tổng thống Obama đã khởi động một cách tiếp cận chính sách đối ngoại mới chưa từng thấy trong lịch sử Mỹ. Ông mong muốn tách mình khỏi bộ phận chính sách đối ngoại Washington mà ông cho là đã thất bại trong tất cả các chính quyền tiền nhiệm, đặc biệt dưới thời Tổng thống George W. Bush. 

Tháng 11, khi mới nhậm chức được 10 tháng, ông đã được nhận giải Nobel hòa bình – một phần vì cách tiếp cận chính sách đối ngoại cấp tiến của mình. 

Ông đã lo lắng về “di sản” của mình ngay từ khi nhậm chức. Và trong nhiệm kỳ thứ hai (2012-2016), ông đã công khai việc tạo dựng di sản của mình là một vấn đề chính. Ông thành lập một văn phòng đặc biệt tại Nhà Trắng để đảm bảo rằng di sản của ông sẽ tích cực và kéo dài. Ông tuyển dụng các nhà báo nhiệt tình để viết các bài báo ca ngợi các thành công của ông. Ông thường chuẩn bị các chương trình truyền hình để thúc đẩy di sản của mình. 

{keywords}
Ảnh: Getty Images
Sau khi Donald Trump chiến thắng, Obama thăm Hy Lạp, Đức và Peru vào tháng 11, nơi ông chỉ trích người sắp kế nhiệm của mình và tiếp tục cố gắng “dệt” di sản của mình một cách tích cực cho báo chí thế giới. 

Kể từ khi bà Hillary Clinton trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, ông đã nhiều lần kêu gọi người ủng hộ mình hãy bỏ phiếu cho bà để bà củng cố di sản của ông. Ngược lại, bà Clinton cũng đã tranh cử như thể bà sẽ là người thực hiện “nhiệm kỳ ba của Obama”. Tổng thống sắp mãn nhiệm liên tục nói với đám đông rằng người dân sẽ không bỏ phiếu cho ông, mà cho các chính sách của ông.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã dành 18 tháng qua để chạy đua vào Nhà Trắng với chủ trương chống lại di sản của người tiền nhiệm. Ông cam kết sẽ “mổ xẻ” di sản này ngay ngày đầu tiên nhậm chức. Cử tri Mỹ đã bác bỏ một nhiệm kỳ 4 năm khác của Obama. Chỉ 1/3 người Mỹ tin rằng đất nước đang đi đúng hướng. 

Khi chỉ còn 2 tháng nữa ông Obama sẽ rời nhiệm sở, có lẽ giờ là lúc thích hợp để cùng nhìn lại di sản chính sách đối ngoại của ông, đâu là cách tiếp cận và nó đã thành công như thế nào.

Đừng mắc lại các lỗi của Bush

Nhiệm kỳ tổng thống của ông Bush đã bị chế ngự bởi những người “bảo thủ kiểu mới”, những người tin rằng sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực là công cụ chính yếu trong chính sách đối ngoại. Những người này xuất phát từ phe tự do, vốn đã chán kiểu phản ứng yếu kém của Mỹ trước các cuộc khủng hoảng quốc tế.

Trong 8 năm cầm quyền của mình (2000-2008), ông Bush đã đưa nước Mỹ vào hai cuộc chiến tranh quy mô lớn tại Afghanistan (2001) và Iraq (2003), kéo dài hơn một thập kỷ, gần 7.000 mạng người Mỹ, đó là chưa kể 1 triệu người Iraq và 26.000 người Afghanistan thiệt mạng, và ngốn của ngân khố Mỹ 1.000 tỷ USD. 

Những người chỉ trích cho rằng Bush đã phá hỏng quan hệ đồng minh với rất nhiều quốc gia bạn hữu trên thế giới và làm hoen ố uy tín toàn cầu của Mỹ. Và ông Bush đã bỏ rơi rất nhiều nơi trên thế giới, trừ “vũng lầy” Trung Đông.

Việc ông Obama lên thay thế ông Bush và những người tiền nhiệm đã được ví như “quyền lực khôn khéo”. Ông tìm cách phối hợp với các tổ chức đa phương và các thể chế quốc tế – như LHQ (đặc biệt là Hội đồng Bảo an), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh châu Âu (EU), NATO… Ông làm sống lại các liên minh đã có và tạo lập nhiều liên minh mới.

Các liên minh với các quốc gia người Sunni tại Trung Đông do Saudi Arabia dẫn đầu đã bớt quan trọng, trong khi quan hệ với Iran (theo dòng Shiite) – vốn bị coi là quốc gia tiếng nói ít  trọng lượng trên trường quốc tế và bị xem là nhà tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố toàn cầu – đã được nâng lên tầng cường quốc khu vực ngang với Saudi Arabia. 

Ông Obama tin rằng ngoại giao với các kẻ thù và đối thủ là chìa khóa của tiến bộ. Sức mạnh quân sự, thậm chí là đe dọa, chỉ là giải pháp cuối cùng trong bất kỳ cuộc xung đột nào. Vì vậy, trong cuộc nội chiến tại Syria, chính quyền Obama đã dành hơn 5 năm đàm phán với Syria, HĐBA LHQ, Nga và Iran để chấm dứt chiến tranh, song chưa đạt kết quả. Ông không muốn trở thành một “Tổng thống chiến tranh”. Ông rút khỏi nhiều tình huống xung đột tiềm ẩn. Ông tránh vai trò lãnh đạo truyền thống của Mỹ.

Tin rằng chiến lược của mình sẽ cần một lực lượng quân sự nhỏ hơn và vì muốn chi tiêu nhiều hơn cho các chương trình đối nội, ông đã giảm 17% ngân sách của Bộ Quốc phòng, từ 691 triệu USD năm 2009 xuống còn 580 triệu USD năm 2016. Quân số cũng giảm từ 580.000 lính năm 2012 xuống còn 490.000 vào năm 2016, và dự kiến sẽ giảm tiếp khoảng 40.000 binh sĩ trong năm 2017. Mỉa mai là ông Obama được trợ giúp và tiếp tay bởi những người Cộng hòa thuộc đảng Trà, muốn giảm nợ công hiện đang ở mức 20.000 tỷ USD, con số đã tăng đúng gấp đôi kể từ khi ông nhậm chức. 

Obama tin rằng Mỹ chịu trách nhiệm về rất nhiều vấn đề của thế giới. Ông từ bỏ khái niệm “chủ nghĩa loại trừ Mỹ”, thay vào đó cho rằng Mỹ không tốt hơn bất cứ nước nào khác. Để tạo ra tính đáng tin của cách tiếp cận này, ông thường xuyên chỉ trích Mỹ và xin lỗi vì các hành động của Mỹ trong quá khứ trong các chuyến công du nước ngoài của ông, khiến các chuyến đi này bị miệt thị là “chuyến công du xin lỗi”. Chẳng hạn, ông là Tổng thống đương nhiệm duy nhất của Mỹ đến thăm Hiroshima (Nhật Bản) để phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên chống vũ khí hạt nhân. 

Vai trò lãnh đạo toàn cầu, trụ cột của chính sách đối ngoại Mỹ từ thời Chiến tranh thế giới II, đã bị lờ đi. Câu thần chú của Obama là “lãnh đạo từ phía sau”. Ông biện hộ cho các hành động chính sách đối ngoại của mình là một “cuộc chơi dài”. Kết quả là ông đã giải quyết các vấn đề toàn cầu trên một nền tảng đặc biệt và chọn cách không hành động theo các nguyên tắc căn bản. 

Tổng thống Bush đã cố gắng dẫn dắt các chính sách của mình dựa trên dân chủ hóa, trong khi các tổng thống thời Chiến tranh Lạnh, từ Harry Truman, theo đuổi các chiến lược “kiềm chế” chống Liên Xô. Điều này dẫn tới sự mâu thuẫn về chính sách: chịu “trách nhiệm bảo vệ” người dân là nạn nhân của diệt chủng, tội ác chiến tranh, thanh lọc sắc tộc… Mỹ và một liên minh cách quốc gia đã đánh bom Libya vì họ tin rằng nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đang định thực hiện các tội ác chiến tranh chống lại dân tộc mình, trong khi Mỹ chọn cách không tấn công Tổng thống Syria Bashar al-Assad vì lý do gây chiến chống lại dân tộc mình.

Nói chung, các chính phủ trước đây đã coi chính sách ngoại giao, an ninh quốc gia và quân sự là tách biệt khỏi chính sách đối nội. Ông Obama đi theo một con đường khác. Ông coi biến đổi khí hậu, quyền giới tính là ưu tiên lớn trong chiến lược an ninh quốc gia, trong khi giảm nhẹ các vấn đề an ninh thích đáng hơn.

Ông Obama tổng kết cách tiếp cận chính sách đối ngoại của mình, nhắc nhở các nhân viên của mình “đừng làm điều ngu dốt”. Điều đó đã diễn ra tốt đến mức nào? Trung Quốc là một trường hợp điển hình để nghiên cứu.

Xem tiếp kỳ 2: Khi Trung Quốc thân mật thì người Mỹ cần tỉnh táo và kỳ 3: Nếu Mỹ thoái lui, Trung Quốc sẽ nhanh nhảu thế chỗ

GS TS. Terry F. BussHọc viện Hành chính quốc gia Mỹ


Save