Sự dùng dằng của nhà Trắng trong việc giải quyết vấn đề Syria hơn một tuần qua đã dấy lên những đồn đoán xung quanh tương lai của Syria.

Phải chăng đây là "đòn gió" của Tổng thống Barack Obama? Hay sự trì hoãn này đang báo hiệu một cuộc chiến "chớp nhoáng" trong thời gian tới? Tương lai của Syria có thể được đánh giá qua hai lăng kính dưới đây.

Đòn gió?

Theo nguồn tin từ Nhà Trắng, hơn 53% đảng viên Cộng hoà và Dân chủ phản đối cuộc chiến Syria, trong khi chỉ có 11% đảng viên ủng hộ cuộc chiến (đa phần là đảng viên Dân Chủ). Điều này thể hiện sự không đồng tình của Quốc hội đối với cuộc chiến tranh Syria của ông Obama. Vì thế, động thái nhượng bộ của Tổng thống Mỹ là điều dễ hiểu. Ngoài thái độ của Quốc hội, vẫn còn tồn tại nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn tới sự nhượng bộ của Nhà Trắng quanh việc tiến quân sang Syria.

Nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng không nhỏ đến cục diện hiện tại chính là tính cách của vị Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuy có nhiều nhận định cho rằng Obama là "bản sao" của cựu Tổng thống Geogre Bush, xét trên nhiều khía cạnh thì Tổng thống Obama lại ôn hoà hơn rất nhiều so với người tiền nhiệm.

{keywords}

Syria chính là thử thách lớn nhất với Tổng thống Obama

Ngoài ra, Mỹ rất cần có một lực lượng đối lập đủ mạnh mẽ ở Syria để hậu thuẫn nhằm lật đổ chính quyền đương nhiệm. Ở thời điểm hiện tại, cuộc chiến ở Syria là cuộc chiến giữa chế độ Bashar Al-Assad và phe nổi dậy. Nếu muốn lật đổ chính quyền Assad, chắc chắn Mỹ phải giúp cho phe nổi dậy Syria. Tuy nhiên, trong thực tế, phe nổi dậy quá yếu ớt và bị phân hoá, luôn trông chờ vào Mỹ và các nước phương Tây hỗ trợ trong cuộc nội chiến.

Trong khi đó, chính quyền của ông Assad lại được hậu thuẫn mạnh mẽ bởi lực lượng Hezbollah ở Lebanon, đồng minh Iran và hơn hết là sự hỗ trợ của Nga - đồng minh lớn nhất và cũng là thân cận nhất của Syria. Không chỉ hỗ trợ vũ khí cho chính quyền Assad, Nga còn ủng hộ Damascus tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Do đó, nếu muốn lật đổ chính quyền Al-Assad chỉ nhờ vào lực lượng đối lập trong nước theo mô-típ cũ ở các cuộc chiến Iraq hay Afghanistan, Mỹ phải xem xét lại cục diện hiện tại và không vội vàng "chinh chiến" ngay lập tức.

Mỹ đã rút kinh nghiệm từ cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan. Theo các quan chức chính quyền Obama, việc tấn công Syria sẽ giúp họ bao vây và kìm hãm Iran. Tuy nhiên, đây lại là một giải pháp tồi tệ để ngăn chương trình hạt nhân của Iran. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon từng gọi quyết định của Tổng thống Obama là "một ý tưởng tồi", bởi "việc cung cấp vũ khí cho phe đối lập dù ở bất cứ quốc gia đang có xung đột nào cũng chỉ dẫn tới tình trạng đổ máu và khiến bạo lực lan rộng".

Trước đó, Mỹ từng tuyên truyền vận động cho sự can thiệp ở Syria rằng đây là một cuộc chiến không đắt đỏ và không gây đổ máu. Tuy nhiên, có sự trùng hợp kỳ lạ trong hai cuộc chiến uỷ nhiệm chống Iran trước đây là Afghanistan và Iraq. Cuộc chiến mới, nhưng kịch bản đã được lặp lại. Như vậy, hậu quả nếu cuộc chiến Syria xảy ra có thể sẽ tương đương. Không ai dám chắc trong thời kỳ hậu chiến, sẽ không có việc vũ khí rơi vào tay quân khủng bố, hay nội chiến sẽ chấm dứt ở Syria. Quân nổi dậy yếu ớt và rời rạc có thể không giữ được ưu thế. Trong khi đó, Tổng thống Al-Assad có thể vẫn đứng vững sau sự tấn công của Mỹ.

Tổng thống Obama hẳn phải rút ra được bài học xương máu từ người tiền nhiệm. Sau khi lật đổ chính quyền Saddam Hussein, Bush không thể nào có được bằng chứng khẳng định rằng có vũ khí huỷ diệt hạt nhân, hoá học và sinh học như lời cáo buộc trước đó. Chính G. Bush đã thừa nhận rằng cuộc chiến Iraq là điều hối tiếc nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Như vậy, một vị Tổng thống từng nhận giải Nobel Hoà Bình như Barack Obama hẳn sẽ phải suy xét thật kỹ để khỏi làm xấu đi hình ảnh của mình trong mắt dân chúng nước Mỹ.

Hay bão to?

Có thể nói, ẩn sau thái độ "mập mờ" của Tổng thống Obama là một "sự trì hoãn chiến lược" có chủ đích. Chính trong giai đoạn nhạy cảm này, Tổng thống Mỹ đang tìm kiếm thêm các đồng minh. Sự thờ ơ của Nga và Trung Quốc đã buộc Mỹ phải cân nhắc và tái thiết lập một hệ thống đồng minh theo kiểu "NATO mới". Lúc đó, Mỹ sẽ đóng vai là cảnh sát khu vực với một lực lượng các đồng minh hùng hậu.

Ngoài ra, hiện nay Iran chỉ còn một đồng minh duy nhất là Syria. Việc lật đổ hoàn toàn chế độ của Tổng thống Hasan Rouhani sẽ tạo hiệu ứng domino (theo sau Afghanistan 2001, Iraq 2003 và Lybia 2011) khiến chế độ Tổng thống Ahmadinejad rơi vào cơn khủng hoảng tâm lý trầm trọng. Trong bối cảnh đó, sự thất bại của chế độ al-Assad sẽ là tiền đề để Mỹ tự tin tấn công trực tiếp vào trái tim của thế giới Hồi giáo.

Nói cách khác, việc Mỹ tấn công Syria chỉ còn là vấn đề thời gian. Bởi lẽ, một nền "hòa bình kiểu Mỹ" (Pax-Americana) với hình ảnh siêu cường thân thiện hoàn toàn không loại trừ khả năng "dùng chiến tranh để mang lại hòa bình". Và như vậy, sự ổn định tại Trung Đông là điều kiện tiên quyết cho lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Hiển nhiên, các "quốc gia lưu manh" (rogue state) như Iran hay Syria sẽ làm xấu đi hình ảnh của Mỹ với vai trò cảnh sát quốc tế hay người gìn giữ hòa bình cho thế giới.

Rút kinh nghiệm từ sự thiếu tính hợp pháp của Tổng thống G. Bush trong cuộc chiến Iraq, Tổng thống Obama đang tìm kiếm tính "chính danh" và "hợp tình" cho cuộc chiến sắp tới. Tuy nhiên, sự kiện tổng thống Bush tấn công Iraq 2003 với khẩu hiệu "thực thi nền tự do, dân chủ ở Iraq" và phương châm "không theo ta là chống lại ta" bất chấp dư luận thế giới và Liên hợp quốc hẳn chưa phai mờ. Điều này cũng không loại trừ Mỹ có thể đi nước cờ "thí chốt" - hy sinh hình ảnh quốc gia trong một thời gian ngắn để chiếm lĩnh trái tim của thế giới Arab. Bởi lẽ, kẻ thù lớn nhất của thế giới Arab chính là những nhà cai trị độc tài hơn là một sen đầm khu vực.

Bàn cờ Trung Đông hiện nay đang ngày càng rối ren. Syria đang trở thành quân bài mà Mỹ phải giải quyết triệt để trước khi dồn đòn tấn công quyết định vào Iran. Thất bại của Syria sẽ thay đổi bức tranh chính trị Trung Đông và khiến Iran rơi vào tình thế bị cô lập hoàn toàn. Nhằm tránh việc Tehran và Damascus bắt tay với nhau càng chặt hơn, quyết định của Tổng thống Obama có thể hứa hẹn nhiều tín hiệu quyết đoán hơn.

Sự chuyển biến trọng tâm của Mỹ vào châu Á - Thái Bình Dương và một Trung Quốc đang có phần quyết đoán hơn tại Biển Đông cũng thách thức khiến Mỹ phải nhanh chóng giải quyết vấn đề Syria. Ván bài của Tổng thống Obama trong nhiệm kỳ thứ hai này sẽ không cho phép Tổng thống Mỹ phạm phải một sai lầm nào.

Syria chính là thử thách lớn nhất đòi hỏi Tổng thống Obama phải thật sự khéo léo và quyết đoán.

Tâm Sáng - Hải Yến