- Những gì lại đang diễn ra ở BOT Cai Lậy là hết sức đáng lo ngại. Thẳng thắn nhìn nhận thì cái gốc của xung đột tại đây đã tồn tại từ nhiều tháng nay, và vẫn chưa bao giờ được tháo gỡ một cách rốt ráo.
Đây không phải là câu chuyện của những tờ tiền lẻ, mà đó chỉ là công cụ để giới tài xế gửi đến cho trạm thu phí BOT. Giới tài xế gần như không thể chấp nhận sự hiện diện mà họ cho là vô lý của trạm BOT Cai Lậy, còn giới chức BOT thì cũng không muốn bước lui lại vì lý do kinh tế. Tháo ngòi cho xung đột BOT cần đi từ cái gốc đó và vai trò của chính quyền và pháp luật là đặc biệt quan trọng.
Vì sao các tài xế phản đối?
Các tài xế lưu thông trên đường mang theo nỗi lo cơm áo gạo tiền và áp lực thời gian cho các chuyến hàng, chuyến khách, luôn phải tính toán lựa chọn sao cho phù hợp với chuyến xe mình đang đi. Các ví dụ về những dự án BOT thành công chỉ ra rằng bí quyết của sự chấp thuận không gì khác hơn đó là việc BOT tạo thêm nhiều lựa chọn và sự tiện lợi cho cánh tài xế. Nếu BOT không làm được điều đó, họ sẽ không đi qua con đường ấy. Còn nếu BOT loại bỏ hoàn toàn sự lựa chọn của người lưu thông thì việc phản đối là tất yếu.
Chung quy đó vẫn là câu chuyện họ không còn sự lựa chọn nào khác.
Quốc lộ 1 vốn là huyết mạch của trục giao thông Bắc – Nam, và lưu lượng xe qua đây chưa bao giờ là ít. Để tránh trạm BOT ở Cai Lậy, tài xế phải chọn đi vào các tuyến đường huyện vốn không được thiết kế cho các xe vận tải lớn. Như vậy lựa chọn của các tài xế ở đây gần như là không có. Câu chuyện tương tự xảy ra ở Bến Thuỷ hay Biên Hoà. Khi việc sử dụng dịch vụ trở nên bắt buộc thì đó không phải là thị trường và việc phản đối của người tiêu dùng là điều không thể tránh khỏi.
Các tài xế trả tiền lẻ qua trạm. Ảnh: T.Chi |
Sự tham gia của người dân
Quay trở lại câu chuyện về BOT Cai Lậy, ngay cả khi Bộ GTVT đã có kết luận rằng trạm BOT đặt “không sai” thì nó vẫn rất khó thuyết phục được cánh tài xế xét từ góc độ luật pháp. Pháp luật Việt Nam quy định rằng việc thống nhất giá thu ở trạm BOT cần phải có sự đồng thuận của Uỷ ban Nhân dân các tỉnh đặt trạm BOT.[1] Trong trường hợp của Cai Lậy, trả lời báo chí tại cao điểm của xung đột BOT, thì chính phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã thừa nhận rằng cơ quan này không đồng tình với vị trí đặt trạm thu phí Cai Lậy và đã phản ánh ý kiến của cử tri lên cho Bộ GTVT. Tuy nhiên, Bộ GTVT thì lại khẳng định họ chưa nhận được một ý kiến nào từ phía tỉnh(!?).
Nhiều người đánh giá đây là kẽ hở chính sách cho việc mọc lên như nấm các trạm thu phí BOT như hiện nay.[2] Nhưng vấn đề không phải là trạm thu phí nhiều hay ít mà người dân có bao nhiêu quyền quyết định trong việc xây dựng các trạm thu phí. Giá mà luật đã quy định cụ thể và chi tiết hơn rằng trước khi quyết định, các Bộ và UBND cần phải tham khảo ý kiến của cử tri và những đối tượng bị tác động trực tiếp khi trạm thu phí được hình thành, thì có lẽ việc thu phí đã minh bạch và dễ chấp nhận hơn.
Khi thiếu vắng các cơ chế để tham gia quyết định trước khi dự án được triển khai, cũng như không có những biện pháp pháp lý để phản đối sau khi mọi thứ đã hoàn thành, người dân buộc phải lựa chọn những phương thức phản đối mang tính tẩy chay như những đồng tiền lẻ tại Cai Lậy như hiện nay. Tất nhiên, bất kỳ hành động phản đối nào cho dù nhân danh cái đúng đi chăng nữa cũng phải hết sức chừng mực, văn minh, đúng pháp luật.
Nhà nước nên can thiệp như thế nào?
Việc xử lý vi phạm và sự can thiệp của Nhà nước trong tình hình hiện nay ở BOT Cai Lậy cũng phải thực sự kiềm chế và cân nhắc. Trong vụ việc chiều 30/11/2017, các tài xế đã có lý khi đặt câu hỏi vì sao lực lượng chức năng lại can thiệp vào giao dịch dân sự giữa tài xế và trạm BOT. Sự có mặt của lực lượng cảnh sát tại điểm nóng BOT là cần thiết nhằm đảm bảo an ninh và trật tự cho tuyến đường này.
Tuy nhiên, bất kỳ can thiệp nào của lực lượng chức năng cũng đều phải đứng trên nguyên tắc trung lập và tôn trọng quyền của người dân. Những hành động như kiểm tra giấy tờ xe của chủ phương tiện, hay kéo xe đi khi chủ phương tiện không vi phạm luật giao thông, hay thậm chí là ép chủ phương tiện nhận tiền thối… có thể khiến cho giới tài xế nghĩ rằng lực lượng chức năng đang có phần bênh vực và ủng hộ trạm thu phí BOT. Đó là điều hết sức phải tránh vì rất có thể nó sẽ biến những bất đồng của giới tài xế thành sự giận dữ với hậu quả đáng tiếc.
Thiết nghĩ, giải pháp đúng đắn nhất hiện nay cho lực lượng cảnh sát đó chính là tiếp tục quan sát, theo dõi diễn tiến ở BOT Cai Lậy và can thiệp khi có dấu hiệu bạo lực, gây rối xảy ra, đồng thời yêu cầu trạm BOT xả trạm đúng quy định của pháp luật. Đó là việc làm trước mắt trong thời gian chờ cho cái gốc của xung đột tại BOT Cai Lậy được giải quyết rốt ráo.
Để giải quyết dứt điểm vấn đề BOT Cai Lậy và tháo ngòi cho những xung đột khác, thiết nghĩ đã đến lúc cần có một cuộc thanh tra toàn diện và khách quan về trạm BOT này và các bên cần tiến hành ngồi lại, đàm phán với nhau để tìm lối ra. Việc các tài xế hiện nay đồng lòng phản đối với những cách thức rất bài bản chứng tỏ rằng họ không phải là những cá nhân riêng lẻ.
Chính quyền thực sự cần đứng ra làm trọng tài, trung gian cho một cuộc đối thoại giữa hai bên nhằm tìm lối ra. Sau chót thì những đồng tiền lẻ ngày hôm nay mà giới tài xế đang sử dụng nên được tôn trọng như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhất của người dân rằng họ mới chính là những chủ nhân thực sự của các con đường trên khắp đất nước này chứ không phải là nhà đầu tư.
Lê Nguyễn Duy Hậu
Dồn ép người tham gia giao thông không thể giải quyết tận gốc điểm nóng
Công khai hợp đồng BOT mà Bộ Giao thông Vận tải đã ký với chủ đầu tư tại Cai Lậy để có đủ thông tin xử lí những mâu thuẫn tại đây.
Trạm BOT Cai Lậy: Cách gỡ cuộc ‘khủng hoảng tiền lẻ’
Vấn đề BOT Cai Lậy, cũng như gần 100 trạm BOT trên cả nước, phức tạp hơn một bài toán kinh tế rất nhiều.